Giúp đỡ
Outhine Bounyavong là nhà văn Lào nổi tiếng với các tác phẩm hiện đại. Ông sinh năm 1942 tại tỉnh Sayabouri ở vùng tây bắc nước Lào. Ông trưởng thành và sống ở thủ đô Vientiane. Một trong những thầy dạy của ông là nhà văn Somchine Nginn - tác giả tiểu thuyết đầu tiên của Lào. Ông mất năm 2000.
Đi xe đạp… khi gió thổi thì mát. Tôi thường xuyên an ủi mình bằng ý nghĩ này, nhưng cưỡi một chiếc xe đạp, mặc dù thoải mái, thì nhất định là kém quyến rũ hơn là ngồi trên một chiếc xe gắn máy hay trong một chiếc xe hơi, đặc biệt là khi trời mưa to hay trời nắng gắt. Dù sao đi nữa, nếu có một cơn gió nhẹ sau một hồi đạp xe mệt lử, tôi thích lặp đi lặp lại với mình câu này.
“Đi xe đạp… khi gió thổi thì mát…”
Mặc dù đạp xe đạp thì mệt mỏi trong cái thời tiết nóng nực này nhưng tôi vẫn cảm thấy tội nghiệp cho những người phải đứng dọc đường. Tôi nghĩ đến việc cho một người trong số đó quá giang vì tôi cảm thấy rằng họ phải khốn khổ khi đứng trong cái nắng chang chang còn hơn là tôi đạp xe đạp. Tuy nhiên, tôi không dám đưa ra lời đề nghị giúp đỡ vì tôi không thấy ai quen, và ngoài ra, chính tôi cũng ở vào tình cảnh khó khăn. Đưa ra lời đề nghị giúp đỡ, người ta nên có tư thế hơn: cho quá giang trên một chiếc xe gắn máy hay trong một chiếc xe hơi thì thích hợp hơn nhiều.
Rồi một hôm, có người quá giang xe đạp của tôi một cách bất ngờ.
“Chào anh, khỏe không? Lâu quá không gặp anh. Cho tôi quá giang nhé?”. Anh ta vẫy tay cho tôi dừng xe lại và chào hỏi tôi một cách thân tình. Tôi thật bất ngờ. Tôi không biết trước đây mình đã gặp người này ở đâu, nhưng vì anh ta tiếp xúc với tôi theo cách thân mật, tôi phải tỏ ra tử tế. Vậy là một trọng lượng nặng hơn năm mươi ký lô gam được chất lên sau xe đạp của tôi. Tôi phải đạp xe mạnh hơn để làm cho xe chuyển động.
“Anh định đi bao xa?”, tôi hỏi.
“Ồ, không xa đâu. Tôi xuống ngay thôi”.
“Tôi không thể chở anh đi hơn hai ky lô mét, nhé? Tôi sống ở đó”. Tôi báo cho anh ta thế.
“Ồ, tôi sẽ xuống trước khi đến đó”, anh ta nói.
Suốt chặng đường, anh ta cứ nói về việc tại sao đi bộ đi làm ngày hôm nay. Theo anh ta nói thì nhà anh ta có hai chiếc xe đạp, nhưng một chiếc bị hư và vợ anh ta dùng chiếc kia về làng của cô ấy có việc. Rồi anh ta khen chất lượng chiếc xe đạp của tôi, nào là xe cứng cáp, nhẹ, đẹp, và hầu như người cưỡi không cần gắng sức… Hầu hết thời gian, trong khi lắng nghe, tôi cứ thắc mắc anh ta là ai? Tên anh ta là gì? Khó mà hỏi thẳng gốc gác của anh ta. Tôi sợ rằng anh ta sẽ đáp, “Í, vậy anh không nhớ ra bạn cũ à?”. Có lẽ anh ta chỉ là một trong nhiều người quen trong quá khứ của tôi. Bằng lòng như vậy, tôi cứ lặng lẽ đạp.
Chẳng bao lâu sau anh ta kêu lên, “Đến rồi, đến rồi! Tôi xuống đây nha?”. Tôi không phải dừng xe để anh ta xuống. Tôi ngoái nhìn kỹ anh ta trước khi chia tay. Anh ta cám ơn tôi và vẫy tay biểu lộ tình bạn. Tôi gật đầu chấp nhận và tiếp tục đạp. Vì không tin vào trí nhớ của mình nên tôi đã không cho anh ta là một người lạ trơ tráo. Nếu anh ta là một người lạ thì sao? Đâu có chuyện gì tai hại xảy ra. Thực tế là tôi cảm thấy vui vì đã giúp một người hoàn toàn xa lạ bằng cách giúp anh ta đến đích nhanh hơn là đi bộ. Chí ít là cuốc xe quá giang cũng có thể làm được điều gì để giảm bớt mệt nhọc cho anh ta. Giúp đỡ người khác là một niềm vui. Tuy nhiên, con người có lòng tự trọng của họ, có sự hãnh diện, và một phương thức xác định trong giao tiếp xã hội, đó là những điều cần phải quan sát khi tiếp cận những người khác, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Một số người cần sự giúp đỡ, nhưng không dám nói vì sợ bị cho là hèn kém. Những người khác muốn bày tỏ sự giúp đỡ, nhưng lại do dự vì họ sợ người ta có thể hiểu sai ý định của họ. Đây là lý do tại sao người cần được giúp và người muốn giúp không gặp được nhau trên cùng một mặt bằng, mặc dù họ cùng đi chung đường.
Nhiều ngày sau, trên đường về nhà trong cái nắng nóng tháng năm, tôi thấy một ông già đang đứng trên lề đường.
Mắt ông lo âu nhìn từng chiếc xe chạy qua. Khi tôi đến gần hơn, tôi chạm mắt ông. Khuôn mặt và mắt ông toát ra lời cần giúp đỡ. Tôi dừng xe và lại gần ông.
“Chú về đâu?”, tôi hỏi. “Cháu về Sikhay. Chú có cần quá giang không? Cháu sẽ đưa chú về nhà”.
“Ồ có, làm ơn nha”.
Vậy là tôi để cho một người lạ khác cùng đi với tôi. Người đàn ông này sống xa hơn chỗ nhà tôi, nhưng tôi quyết định đưa ông đi suốt tới đó, rồi quay về nhà mình. Tôi cảm thấy vui khi tôi lầm bầm:
“Đi xe đạp… khi gió thổi thì mát…”
Có một lần tôi được sử dụng một chiếc xe gắn máy. Một người bạn nhờ tôi giữ giúp chiếc xe Honda màu xanh lá cây của anh trong khi anh đi lo công việc tại một vùng quê. Vì anh ta độc thân, sống trong khu tập thể công nhân. Anh cho tôi dùng chiếc gắn máy của anh trong khi anh đi vắng. Thế là xe Honda trở thành phương tiện đi làm hàng ngày của tôi, và tôi bảo quản nó hết sức để xe không bị lấy cắp hay chết máy. Trong hai tuần tôi sử dụng xe gắn máy đó, nhiều tình tiết buồn cười xảy ra vì sự bất cẩn của tôi, hay đúng hơn vì tôi muốn làm le.
Tôi gặp một người phụ nữ cỡ ba mươi tuổi, có thể lớn hơn tôi bốn hoặc năm tuổi, đang đợi xe tắc xi trong trời nắng. Nàng đang vẫy tay để đón một chiếc xe. Mới đầu tôi nghĩ nàng vẫy tay với tôi cho tới khi một chiếc tắc xi đi tới. Tuy nhiên chiếc tắc xi không dừng, vì đã có khách. Vậy là tôi dừng xe gần nàng và nói: “Chiếc tắc xi có khách nên nó không dừng. Cô có muốn quá giang không? Tôi đưa cô về nhà”.
“Cái gì? Sao tôi lại đi với anh?”, nàng đáp lời gọn lỏn.
“Cô khỏi trả tiền. Tôi cho cô quá giang thôi”, tôi chân thành nói.
“Free hay không mặc kệ, tôi không đi xe anh dù anh có trả tiền cho tôi!”.
“Tôi thấy cô đứng giữa trời nắng, thật sự là tôi có ý định tốt!”.
“Dạ đúng. Anh có ý định tốt, nhưng đừng mong điều gì khác. Cám ơn, mà không cám ơn!”.
Tôi không lẳng nhẳng nữa mà chạy xe đi không ngoái lại. Hành động của tôi đã bị hiểu lầm. Tôi không muốn phê phán người phụ nữ đó. Nàng đã đúng khi từ chối lên xe của một người lạ.
Nàng cảnh giác và cẩn trọng. Sao một người phụ nữ tử tế lại lên xe của một người lạ được? Tôi vương vấn với những lời nói của nàng dọc theo đường: “Cám ơn, tôi không đi”.
Không, tôi không khó chịu vì đã bị hiểu lầm. Thay vì vậy, tôi cảm thấy thú vị và phải bật ra mấy tiếng cười trong khi chạy xe. Nhưng tôi không từ bỏ việc giúp đỡ người khác, đặc biệt là khi tôi tin rằng những ý định của tôi là trong sáng. Nếu tôi đã không thành công trong lần đầu, tôi sẽ thử thêm lần thứ hai để xem sự thể thế nào. Nếu tôi lại không được chấp nhận vui vẻ, tôi sẽ cố gắng một lần khác nữa.
Một buổi sáng tôi đang trên đường đi làm như thường lệ. Khi tôi gần đến quận Hua Muong bằng chiếc gắn máy của tôi, tôi thấy một người phụ nữ đang đứng bên lề đường, một tay đang cầm cặp lồng. Tôi tăng ga và chiếc xe vọt tới dừng sát bên người phụ nữ đang đứng và tắt máy. Tôi xuống xe giả bộ sửa chữa chỗ này chỗ nọ một lát. Rồi tôi lại nổ máy xe. Và vì xe đâu có hư gì, nên dĩ nhiên máy nổ ngay. Tôi quay nhìn người phụ nữ, đang có vẻ lo âu mong đến chỗ của nàng nhanh chóng. Vậy là tôi hỏi, “Xin lỗi, cô đang đợi ai?”.
“À, tôi đang chờ tắc xi”, nàng trả lời không mấy thoải mái.
“Nếu cô vội, tôi đưa cô đến chỗ cô cần nhé?”.
“À… ừm… tôi đang đưa thức ăn đến cho mẹ tôi ở bệnh viện”.
“Tôi cho cô quá giang nhé?”
Quá vui vì đề nghị của tôi, nàng mừng rỡ nhận lời. Tôi đưa nàng đến cổng bệnh viện. Nàng xuống xe, lầm bầm nói cám ơn một lần nữa, và chúng tôi đường ai nấy đi. Tôi đến chỗ làm sớm hơn năm phút.
Hai tuần đã trôi qua, bạn tôi trở về và lấy lại chiếc xe gắn máy. Chiếc xe vẫn trong tình trạng tốt như khi anh giao nó cho tôi. Anh nói sẽ vui vẻ cho tôi mượn xe khi tôi cần. Chúng tôi là bạn thân từ hồi còn học trung học. Vậy là một lần nữa tôi quay về với chiếc xe đạp của mình. Khi tôi thấy những người già đang đợi bên đường, đôi khi tôi mời họ lên xe đi với tôi, đặc biệt là khi họ đi cùng hướng và chặng đường không xa lắm. Một số người từ chối lời mời của tôi, có lẽ vì họ thấy ngồi yên sau một chiếc xe đạp không được thoải mái. Tuy nhiên, tôi không bao giờ mời quá giang một người phụ nữ nào khi họ không nhờ tôi nữa.
Đoạn kết
Vào tối thứ bảy, tôi đến bệnh viện thăm đứa cháu trai bị bệnh sốt xuất huyết. Bệnh dịch đã lây nhiễm đến tháng thứ ba tại thành phố Viengchan. Trận dịch này bùng phát hồi đầu tháng 5/1987, và lan rộng cả nước, là trận dịch nghiêm trọng nhất.
Y bác sĩ đã đề nghị nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau cũng như nhiều phương pháp chăm sóc người bệnh. Một trong những đề nghị là cho trẻ em uống nhiều nước, như nước dừa, chanh và các nước quả khác.
Có mấy người đang tụ tập nơi khu bệnh nhi. Một số người thì ở với con họ bị bệnh và một số người khác thì đem những món cần dùng cho người bệnh. Đủ mọi đề tài được trò chuyện ở đó. Những thắc mắc về cách chữa bằng thuốc dân tộc, về hiệu thuốc, về vận chuyển…
“Nếu con tôi được điều trị liền, có thể nó không bệnh đến thế này. Không có phương tiện vận chuyển thật là khó. Cô xem, nó bị sốt tối hôm trước, nhưng chúng tôi không thể đưa nó đến bệnh viện cho tới ngày hôm sau!”, một người đầy lo âu than phiền.
“Tôi thì không phải cố gắng gì. Khi con tôi mới bị sốt nhẹ, tôi đưa nó đến đây ngay. May mắn là tôi có người hàng xóm có xe hơi. Bất kỳ khi nào có trẻ bị bệnh, chúng tôi nhờ ông ấy giúp. Ông ấy tử tế và đã đưa chúng tôi đến đây nhanh chóng, vẫn thường như thế!”, một người khác nói với vẻ biết ơn.
“…Ai? Tôi hả? Ồ, tôi đến đây để cho máu cho thằng cháu trai, nhưng không may là máu chúng tôi không cùng loại, vậy là tôi quyết định hiến máu của tôi cho thằng bé giường bên cạnh. Ai cũng cần máu. Tôi ước gì tôi có đủ máu để đi cho một vòng”.
Rồi một giọng phụ nữ nói: “Tôi cũng vậy, tôi gặp rắc rối với việc vận chuyển. Tôi không đủ chi phí để đi quá nhiều lượt tắc xi, đặc biệt là bây giờ với cả hai đứa con đều bệnh một lượt. Ngày hôm kia, con gái lớn của tôi cần đến đây và phải đợi tắc xi hồi lâu. Rồi một chiếc gắn máy dừng lại và mời nó quá giang nhờ vậy nó đến đây thật là nhanh. Bà biết không, thật là tuyệt khi biết rằng còn có những người tử tế như vậy”.
Thật khó mà tin rằng tôi là người cưỡi xe gắn máy mà bà đang ca ngợi, vì chuyện của tôi đã xảy ra cách đây mấy tháng rồi. Có thể người phụ nữ này cần nói chuyện và cứ lặp đi lặp lại cùng một câu chuyện đó, làm như nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua hay hôm kia. Tôi thật sự không muốn nghĩ bà đang nói về tôi. Dù sao đi nữa, thật sự có thể là ai khác đã mời con gái bà quá giang. Và tuy vậy, tôi không thể không cảm thấy hạnh phúc khi nghe những câu chuyện về những người tử tế và rộng lượng.
Truyện ngắn. Outhine Bounyavong
Võ Hoàng Minh
(Dịch từ “Sacrifice - LaoLiteturature”)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...