Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:20 (GMT +7)

Giờ này chị ở nơi đâu

VNTN- Một bát cháo cá chép nóng hổi được chị bê lên, bụng tôi thấy đói cồn cào, chị đặt bát cháo lên bàn, với tay rót một bát thuốc đã đun sẵn, chị nâng đầu tôi lên và ép tôi uống hết bát thuốc, thuốc đắng kinh khủng, còn đắng hơn cả những viên ký ninh mà tôi vẫn thường uống...

Phút giải lao trên đường đi tìm quặng -nh tư liệu của tác giả.

Suốt thời gian công tác trong ngành địa chất, tôi may mắn được đặt chân đến nhiều miền quê của đất nước, trong đó có Thái Nguyên. Gần nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng có một kỷ niệm, đúng hơn là một ân tình giữa tôi và chị Phạm Thị Thủy. Nhà chị ở xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (trước đây là tỉnh Bắc Thái).

Vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, tôi cùng đội địa chất Đoàn 102 đóng quân ở tỉnh Tuyên Quang về xã Cát Nê tìm khoáng sản để thành lập tờ bản đồ địa chất 1/50.000 đông Tam Đảo. Đội địa chất của tôi ở nhờ gia đình ông bà Thái Sơn (hay còn gọi là Khang Sơn), ông là một Lão thành cách mạng.

Những năm tháng ấy tôi còn trẻ trung nhưng do đặc thù công tác địa chất phải ở rừng núi nhiều nên tôi đã mắc phải căn bệnh sốt rét, điều trị không khỏi. Theo nhận định của bác sĩ thì tôi bị vi rút sốt rét cơn, mỗi ngày nó chỉ phát cơn sốt khoảng một tiếng đồng hồ, uống thuốc vào là hết cơn và lại tiếp tục làm việc được. Cũng may là con vi rút này chỉ hoạt động vào tầm 5 giờ chiều nên tôi đã yên chí sống chung với nó mấy năm trời, tâm đầu, ý hợp và có phần vui vẻ vì nó vẫn tạo điều kiện cho tôi hoàn thành công việc trong ngày rồi mới "hành tỏi".

Vào một ngày tháng 4 năm 1983, sau một tuần mưa tầm tã trời bắt đầu hửng nắng. Tổ địa chất địa mạo của tôi tiến hành ra thực địa để khoanh vẽ ranh giới các bậc thềm có triển vọng chứa vàng ở hai bên bờ suối thuộc xã Cát Nê. Gần trưa chúng tôi đã tiến tới chân dãy núi Tam Đảo, phía trước là một xóm nhỏ có vài ba nóc nhà, màu xanh của những mảnh vườn trồng cây ăn quả đã làm dịu đi cái nắng đầu mùa oi ả. Tôi đang định bảo anh em làm thêm chút nữa rồi vào trong xóm nghỉ ăn trưa để chiều làm tiếp thì thấy trong người gai gai rét, trán nóng hầm hập, hai hàm răng va vào nhau lách cách, đầu óc quay cuồng nghẹt thở, trước mắt tôi là một màu đen thẫm.

Tôi tỉnh lại khi trời đã tối, trong một mái nhà tranh, vách đất. Tôi nằm trên chiếc giường rẻ quạt, trên người trĩu nặng chăn, màn và cả những bộ quần áo không còn mới nữa. Tôi thấy cổ khô và khát nước, tôi khẽ rên lên một tiếng rồi nói nhỏ:

- Nước, cho tôi uống nước.

Ở cuối giường có tiếng một người phụ nữ kêu lên:

- Sống rồi, các chú ơi chú ấy sống rồi.

Hai người bạn của tôi chạy vào, miệng ú ớ không nói nên lời. Một bàn tay mềm mại, mát lạnh đặt lên trán tôi. Trong ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn dầu tôi thấy một khuôn mặt phụ nữ phúc hậu, mắt chị to và sáng, ánh lên nụ cười sung sướng.

Một bát cháo cá chép nóng hổi được chị bê lên, bụng tôi thấy đói cồn cào, chị đặt bát cháo lên bàn, với tay rót một bát thuốc đã đun sẵn, chị nâng đầu tôi lên và ép tôi uống hết bát thuốc, thuốc đắng kinh khủng, còn đắng hơn cả những viên ký ninh mà tôi vẫn thường uống. Chị bón cho tôi từng thìa cháo nhỏ, trong cuộc đời mình có lẽ đây là bát cháo ngon nhất mà tôi được thưởng thức. Ăn cháo xong hai mắt tôi ríp lại, tôi chìm vào một giấc ngủ ngon lành.

Sáng hôm sau thức dậy, thấy căn nhà vắng hoe, tôi cựa mình định ngồi lên nhưng thấy đầu váng vất, người vẫn mệt và đau ê ẩm, tôi lại nằm vật ra giường. Khoảng một tiếng sau thì chị về, thấy tôi định ngồi dậy, chị đi nhanh tới và nói:

- Chú cứ nằm nghỉ đi, chưa dậy được đâu, các bạn chú họ về đi làm cả rồi, tối qua có mấy người nữa sang đây định đưa chú về nhưng tôi bảo là cứ để chú ở đây, phút hiểm nghèo nguy kịch đã qua rồi, giờ để chú nghỉ ngơi và uổng thuốc một vài hôm là khỏe lại ngay thôi. Bài thuốc này ngày còn ở trong Trường Sơn tôi đã cứu sống được khối người rồi đấy, tôi được một thầy lang trong Tây Nguyên chỉ dạy cho. Ngoài Bắc mình ít bị sốt rét chứ trong chiến trường thì bộ đội ta bị nhiều lắm, chỉ chậm một tý là mất một mạng người. Mà chú đúng là có quý nhân phù hộ thật đấy.

Tôi khẽ cười và nói:

- Em cảm ơn chị thật nhiều, chỉ có chị mới là quý nhân của em thôi. Em bị căn bệnh này mấy năm rồi, cứ uống thuốc đều đều và thấy không sao nên cũng chủ quan, hôm qua đi làm lại không đem thuốc theo, nếu không gặp được chị thì chắc là em chết thật rồi.

Chị đưa tay ra dấu cho tôi và nói:

- Đốt vía cái mồm chú đi, còn trai trẻ thế này chết thế nào được mà chết, giờ để tôi đi nấu cháo và đun lại thuốc cho chú uống, thuốc này đắng lắm đấy, nhưng thuốc đắng dã tật chú ạ, uống hết mấy thang thuốc chú sẽ cắt được con bệnh quái ác này cho mà xem, tôi không nói khoác đâu.

- Vâng ạ, em cảm ơn chị.

Những ngày nằm điều trị bệnh ở nhà chị, trong thời kỳ bao cấp kinh tế khó khăn, chúng tôi phải ăn toàn hạt bo bo với mỳ sợi, nhưng chị không để cho tôi phải thiếu thốn một thứ gì. Chị hàng ngày lên rừng lấy thuốc, xuống suối mò cua bắt cá về tẩm bổ cho tôi chóng hồi phục. Mấy bác hàng xóm bảo nhau người cân gạo, người chục trứng gà, người mớ rau rừng đem sang giúp chị. Cứ nhìn những bàn tay đen đúa, lam lũ nhưng có tấm lòng bồ tát ấy, nước mắt tôi lại rơm rớm trào ra.

Rừng núi Thái Nguyên, nơi ẩn chứa nhiều tài nguyên khoáng sản của Tổ quốc. Ảnh minh họa: V.T

Được chị tận tình chăm sóc và thuốc thang, một tuần sau thì tôi bình phục hoàn toàn. Chị là người sống nội tâm, kín tiếng nên cho đến lúc chia tay, tuy chị đã xem tôi như một người em, nhưng tôi chỉ biết được chị tên là Phạm Thị Thủy, 40 tuổi, là bộ đội phục viên, nhà có hai mẹ con. Cháu gái con chị tên là Thúy, đang làm việc ngoài thị trấn Đại Từ. Không thấy chị nhắc đến bố cháu Thúy nên tôi cũng không tiện hỏi.

Hôm chia tay tôi chị làm mâm cơm nhạt, có cả mấy bác hàng xóm và các bạn tôi ngoài đội địa chất vào để cảm ơn chị và bà con. Tôi và anh em định thanh toán chi phí tiền thuốc thang và ăn ở cho chị nhưng chị dứt khoát không nhận, chị nói:

- Chúc các chú ra đi chân cứng đá mềm, tìm được nhiều tài nguyên cho Tổ quốc là chị và bà con vui rồi, có thời gian rỗi ghé nhà chị chơi là được, chú Vinh đã là em kết nghĩa rồi, ai lại nhận tiền của chú, kỳ quá đi.

Năm 1986, tôi được đơn vị tăng cường cho Cục Hậu cần Quân khu I về khai thác Mỏ than Cát Nê, phục vụ cho công tác quốc phòng. Tôi hăm hở trở về thăm chị. Đến nơi bà con cho biết chị và cháu Thúy đã vào trong Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới rồi, không ai biết cụ thể chị vào tỉnh nào. Thời gian sau này khi vào các tỉnh miền Nam công tác, tôi vẫn luôn dò hỏi tin tức về chị nhưng đều bặt vô âm tín. Một nỗi buồn day dứt, cào xé trái tim tôi.

Không biết giờ này chị đang ở nơi đâu. Tôi rất muốn gặp chị để nói rằng: Từ ngày được chị cứu chữa, em đã khỏi hoàn toàn căn bệnh sốt rét rừng quái ác.

Em cảm ơn và thương nhớ chị nhiều!

Trần Đình Vinh (Tổ 10, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên.)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước