Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
10:27 (GMT +7)

Giàu có là hạnh phúc?

VNTN - Vào một thời còn chính phủ Ufimsk có một người tên là Elies - người nói tiếng Bashkir của một nước cộng hòa nhỏ bé thuộc Nga - được người cha để lại cho chút tài sản nhỏ. Một năm trước khi mất người cha đã kịp cưới vợ cho anh. Anh được kế thừa bảy con ngựa cái, hai con bò và gần hai chục con cừu. Hai vợ chồng trẻ miệt mài lao động không kể mệt mỏi. Khi mặt trời chưa lên, anh đã có mặt ở cánh đồng - trong khi những người đàn ông khác còn ngủ - và đi ngủ muộn hơn những người khác, với mong muốn nhân lên tài sản của mình ngày càng lớn. Ngay khi đã là ông chủ trang trại, anh và vợ vẫn dậy sớm thức khuya lo toan, sắp xếp công việc, lo chuyện ăn uống, quần áo, công xá cho những người làm thuê hiếm có thời gian ngơi nghỉ.

Khi 35 tuổi, anh đã có 200 đầu ngựa, 150 đầu gia súc có sừng, 1.200 con cừu và rất nhiều gia cầm. Những người đàn ông làm thuê được giao chăm sóc, chăn dắt ngựa; đàn bà lo vắt sữa bò và chế biến sữa chua, bơ và phó mát. Giờ đây anh đã trở nên giàu sụ và có tất cả những gì mình muốn. Nhiều người phải ghen tị với cuộc sống của anh. Khi thấy anh từ xa họ nói với nhau: “Ái chà! Anh ta là một gã may mắn, giàu có, sang trọng nếu chết thì quả đáng tiếc”. Anh biết nhưng đều bỏ ngoài tai, vẫn thân thiện, cởi mở với mọi người và tính tình rất phóng khoáng. Khách gần xa nghe tiếng đến thăm, xin việc, anh đều chào đón nhiệt tình, thiết đãi họ chu đáo. Nếu ít người thì anh sai người hầu mổ gà mổ thỏ, đông người thì mổ hẳn một con ngựa. Rượu thịt no nê họ còn được uống chè và ăn sữa chua…

Elies có ba người con, gồm hai trai một gái. Khi còn nghèo chúng lăn lộn cùng anh làm việc trên đồng ruộng, bảo vệ và chăn dắt lũ ngựa. Nhưng khi đã giàu có, thằng cả bắt đầu sa vào các thú vui tiêu khiển, rượu chè, đàn đúm với đám thanh niên hư hỏng. Một lần xảy ra cãi cọ, nó đã bị bọn bạn giết chết. Cậu con thứ thì bị vợ khống chế, điều khiển nên luôn nghĩ cách “đào mỏ” và dần không nghe lời ông. Vì vậy ông mua nhà và chia cho nó một số đầu gia súc để ra ở riêng tự lập nghiệp. Và như vậy sự giàu có của ông cũng giảm đi nhiều. Năm tiếp có dịch gia súc rơi vào lũ cừu làm chúng chết hàng loạt. Rồi hạn hán ập tới không tìm ra những đồng cỏ để chăn thả - cũng có nghĩa là không có cỏ khô dự trữ cho gia súc vào mùa đông. Lũ gia súc không có gì ăn cứ chết dần. Của cải còn lại cũng phải bán dần để sinh sống. Cho tới khi cạn kiệt, ông phải bán cả lông thú và những tấm thảm rồi bán đến con gia súc cuối cùng khi ông đã ở cái tuổi 70. Những thứ duy nhất còn lại là chiếc áo khoác và mũ lông, giày để chống lại cái lạnh mùa đông. Vợ chồng ông không còn gì để lo cho tuổi già. Thằng con trai thứ đã mua đất ở một nơi vô cùng xa xôi, hẻo lánh và cùng cô em gái đã lấy chồng chẳng bao giờ về nhà thăm bố mẹ. Ông bà chẳng còn nơi nương tựa, dựa dẫm.

***

Có một người láng giềng tên là Muhamedshah thương tình muốn giúp ông khi cùng quẫn. Anh ta không giàu cũng không nghèo và là một người đàn ông tốt có tâm. Anh nhớ lại cảnh anh và ông khi khốn khó đã ăn bánh mỳ với muối. Nhớ lại chuyện đó anh gọi ông đến nói: “Ông bà hãy đến ở với gia đình tôi. Vào mùa hè ông sẽ làm việc trên cánh đồng dưa, mùa đông chăm sóc và cho gia súc ăn; còn bà lo việc vắt sữa bò và làm sữa chua. Ông bà làm việc tùy theo sức khỏe của mình. Tôi sẽ lo ăn mặc đầy đủ và chữa bệnh cho ông bà khi đau ốm. Nếu có gì thiếu thốn cứ mạnh dạn nói tôi sẽ giải quyết”.

Elies cảm ơn rồi đưa vợ cùng đến ở nhà Muhamedshah với tư cách người làm công kiêm người hầu mỗi khi chủ sai khiến. Ban đầu họ thấy tủi thân và không khỏi đau buồn. Nhưng chẳng mấy chốc họ đã quen và say mê công việc. Về phía chủ nhân cũng rất phấn khởi khi có những người đã từng là ông bà chủ lớn thông thạo quản lý và sắp xếp đâu ra đó rất có lợi cho anh ta. Điều duy nhất Muhamedshah còn nghĩ ngợi và đôi khi đau lòng thương cảm là những người từng ở đẳng cấp cao như ông bà Elies nay rớt xuống địa vị thấp kém. Số phận con người thật mỏng manh nào ai biết trước được?

Vào một ngày nọ tình cờ có mấy ông khách là họ hàng xa với Muhamedshah từ xa đến chơi. Ông chủ sai Elies mổ một con dê và chế biến các món đưa lên đãi khách. Các vị khách khen món ăn ngon, sau đó cùng chủ nhà ngồi trên những tấm nệm đặt trên sàn nhà uống sữa chua và trà. Elies đi qua đi lại nơi cánh cửa gần chỗ họ ngồi dọn dẹp lau bàn ghế.

Muhamedshah nói với một ông khách: “Anh có biết ông già vừa đi qua là ai không?”.

Vị khách hỏi lại: “Liệu ông ta có gì bất thường chăng?”.

“Đúng vậy! Ông ta có rất nhiều điều đặc biệt bất thường. Anh đã bao giờ từng nghe đến cái tên Elies chưa?”

“Tôi có nghe tới tên ông ta vang đến tận nơi xa xôi rằng ông ấy là người nổi tiếng giàu có nhưng tôi chưa bao giờ có hân hạnh được gặp”.

“Ông ấy từng là người giàu có nhất trong số chúng ta. Nhưng giờ thì sao nào? Ông bà ấy làm công cho tôi như một người hầu”.

Các vị khách rất đỗi sửng sốt. Một vị khách tặc lưỡi: “Từ ông chủ thành nô lệ, số phận con người may rủi cứ xoay vần như bánh xe. Nay đang trên chín tầng mây mai đã ở đáy vực. Có lẽ nỗi đau đó luôn nhức nhối trong lòng ông ấy làm ông ấy đau khổ lắm đúng không?”.

“Ai mà đo được lòng ông ấy? Nhưng xem ra có vẻ ông lão hài lòng với thân phận, ông chăm chỉ làm việc, sống lặng lẽ yên bình và rất ổn”.

“Liệu tôi có thể trò chuyện với ông ấy xem ông ấy nghĩ gì về cuộc sống hiện tại của bản thân được không?”, vị khách yêu cầu.

“Tại sao không?”, chủ nhà đáp lại rồi hướng về phía chiếc xe ngựa gọi to: “Ông nội! Hãy lên đây uống Kumi nào!”.

Elies cùng vợ vội đến chỗ họ đang ngồi. Ông chào khách, đọc một lời cầu nguyện rồi rón rén ngồi xổm nơi cánh cửa, còn vợ ông thì ngồi sau tấm rèm cửa. Họ rót cho ông một cốc đầy sữa chua. Ông giơ lên chúc sức khỏe khách và chủ nhà, hớp một hụm nhỏ rồi đặt cốc sữa sang bên cạnh.

 

Một ông khách lên tiếng: “Nào ông nội! Ông có thể nhớ và nói lên cảm nghĩ của mình khi trước đây giàu có và giờ phải sống nhờ người khác được không?”.

Elies mỉm cười nói: “Nếu tôi nói về vận may rủi chắc gì các ông đã tin. Tốt hơn hết là để bà vợ tôi nói. Bà ấy là phụ nữ, mà phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm hơn đàn ông. Bà ấy sẽ phán xử những điều ông muốn biết”.

Vị khách có vẻ hơi bực mình. Anh ta nói: “Nào! Bà hãy phán xét xem cuộc sống của bà trước đây và hiện tại thế nào?”.

Từ sau bức rèm bà Shem Semagi nói vọng ra: “Tôi và ông nhà tôi đã sống với nhau 50 năm, chúng tôi đã cố kiếm tìm hạnh phúc nhưng chưa tìm ra. Chúng tôi đã sống ở đây năm thứ 2 giữa những người lao động chân tay và đã tìm thấy hạnh phúc, chúng tôi không muốn thay đổi cuộc sống này”.

Chủ nhà và những vị khách lại một lần nữa rất đỗi ngạc nhiên. Thậm chí một vị khách đã tiến tới cửa vén tấm rèm sang một bên để ngắm nhìn cho rõ chân dung bà lão. Bà đang đứng khoanh tay mỉm cười và nhìn sang ông lão như dò hỏi và ông lão cũng mỉm cười.

Bà nói tiếp: “Thực lòng mà nói chứ không phải là tôi đùa cợt hay tự châm biếm mình. Chúng tôi đã tìm hạnh phúc sau nửa thế kỷ. Vậy mà ngay cả khi chúng tôi giàu có nhất vẫn không tìm thấy hạnh phúc. Giờ đây chúng tôi không còn chút của cải nào, được sống với những người lao động chúng tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Chúng tôi hạnh phúc đến nỗi không cần gì tốt hơn!”.

“Vậy thưa bà! Hạnh phúc bao gồm những gì?”, một vị khách vặn hỏi.

“Khi chúng tôi đã giàu có, tôi và ông nhà tôi không có thời gian để chuyện trò, tâm sự; không có thời gian để nghĩ về linh hồn mình; không có thời gian để cầu nguyện Chúa; không có nhiều cơ hội gần gũi, chăm sóc, chia sẻ tình cảm buồn vui… Sự ham mê làm giàu đã hút hết thời gian của chúng tôi vào công việc. Mỗi khi có khách đến là một lần lo lắng không biết họ đến với động cơ, mục đích gì? Liệu có phải họ là kẻ tham lam độc ác hay là kẻ trộm? Đêm ngủ không yên giấc sợ đám khách bất lương lùa đàn ngựa hay dắt lũ cừu đi mất? Đêm vắt tay lên trán lo sắp xếp việc làm cho nhân công, lo hạn hán lấy đâu ra cỏ khô để dự trữ mùa đông cho gia súc? Mọi việc cứ liên tục đẩy tới khiến tôi và ông chồng tranh cãi nảy lửa mà không tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Tôi bảo phải làm thế này, ông ấy bảo phải làm thế kia. Rồi dẫn đến chúng tôi cố giữ mình, dè chừng nhau… thì làm sao hạnh phúc được?”.

“Chà chà! Vậy bây giờ bà thấy thế nào?”

“Giờ đây ông già và tôi sống hài hòa. Chúng tôi trò chuyện một cách thân thương, nhất trí đồng lòng về mọi thứ, không có điều gì rắc rối để chúng tôi to tiếng cãi nhau. Điều duy nhất chúng tôi quan tâm là phục vụ tốt nhất cho ông chủ. Chúng tôi vui vẻ lao động tùy theo sức của mình và làm những gì có ích nhất giúp chủ nhân của mình không bị thất thoát tài sản và ngày càng thịnh vượng. Buổi chiều khi đã hoàn thành công việc, về nhà đã có bữa tối dọn sẵn được ăn no và uống sữa chua. Trời lạnh thì có phân bò khô để sưởi ấm, có thời gian trò chuyện và cầu nguyện Chúa. Suốt 50 năm tìm kiếm hạnh phúc chúng tôi mới có được điều đó”.

Những vị khách cười vang. Chờ họ cười hết cơn, Elies nói: “Xin đừng vội cười những người anh em. Đây không phải là trò đùa mà là cuộc sống của con người trên thế gian này. Lúc đầu tôi và bà nhà tôi đã ngu ngốc khóc ròng vì chúng tôi mất hết của cải. Nhưng giờ đây Chúa đã tiết lộ bí quyết hạnh phúc cho chúng tôi và tôi cũng không giấu giếm tiết lộ cho các bạn biết. Đây không phải là trò mua vui cho các bạn mà là để các bạn suy nghĩ”.

Một lát sau Muhamedshah nói: “Đây là câu nói khôn ngoan và thâm thúy rất thực lòng mà Elies đã nói lên. Những điều đó cũng được ghi trong Kinh Thánh”.

Ông chủ và khách trầm tư ghi vào trí nhớ câu chuyện về số phận của may rủi mà bà vợ Elies kể, đồng thời suy ngẫm về câu nói thâm thúy của Elies.

Truyện ngắn. Lev Nicolayevich Tolstoy (Nga)

Đinh Đức Cần (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 4 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước