Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
10:42 (GMT +7)

Đứa con của Désirée

VNTN - Vì ngày hôm đó thời tiết thật dễ chịu, bà Valmondé tới L'Abri để thăm Désirée và đứa bé.

Nghĩ đễn chuyện Désirée có con bà bật cười thành tiếng. Tại sao chứ, dường như mới hôm qua Désirée vẫn còn là một đứa trẻ; khi ông nhà bà cưỡi ngựa vào dinh thự Valmondé thấy cô bé đang ngủ dưới bóng cây cột đá lớn.

Cô bé thức dậy trong tay ông và bắt đầu khóc đòi “cha”. Nó mới chỉ có thể làm vậy hoặc nói vậy thôi. Một số người nghĩ cô bé bị lạc tới đó bởi vì nó vẫn đang ở tuổi lẫm chẫm biết đi. Hầu hết mọi người tin rằng cô bé bị bỏ lại đó bởi một nhóm người Texans đi xe phủ bạt, đã qua sông trên chiếc phà do Coton Mais quản lý, ngay phía dưới đồn điền vào xế chiều hôm đó. Qua thời gian bà Valmondé loại bỏ mọi sự phỏng đoán, chỉ một mực tin rằng Désirée được một hội làm phước, biết rằng bà không có con đẻ, đã gửi đến cho bà để trở thành đứa trẻ được yêu thương. Vì cô bé lớn lên xinh đẹp và dịu hiền, đầy tình cảm và sự chân thật, cô bé trở thành thần tượng của Valmondé.

 

Không ngạc nhiên, khi một hôm cô đứng tựa vào cây cột đá mà mười tám năm trước cô đã ngủ thiếp đi trong bóng râm của nó, và Armand Aubigmy cưỡi ngựa qua, nhìn thấy cô ở đó, đã đem lòng yêu cô. Aubigmy đã yêu như thế đó, bằng tình yêu sét đánh. Điều ngạc nhiên là trước đó anh không hề tơ tưởng đến cô; bởi vì anh biết cô từ khi cha anh đưa anh, một cậu bé tám tuổi, từ Paris về, sau khi mẹ anh qua đời ở đó. Ngày hôm đó tình cảm nồng nàn trỗi dậy trong anh, khi anh nhìn thấy cô ở cổng, thu hút sự chú ý như một trận tuyết lở, hoặc như một đám cháy trên đồng cỏ, hoặc như bất cứ thứ gì lao chúi đầu qua mọi vật cản.

Ông Valmondé trở nên thực tế và muốn Armand cân nhắc kỹ mọi điều: rằng, cô bé là người không rõ nguồn gốc. Armand nhìn vào mắt cô và không quan tâm. Anh nhớ rằng cô không mang họ. Nhưng họ quan trọng gì chứ, khi mà anh có thể tặng cô một trong những cái họ lâu đời và kiêu hãnh nhất ở Louisiana? Anh đặt lẵng hoa từ tận Paris, và huy động sự kiên nhẫn mà anh có thể có cho đến khi lẵng hoa đó tới; sau đó họ cưới nhau.

Đã bốn tháng rồi phu nhân Valmondé chưa gặp Désirée và đứa trẻ sơ sinh. Khi bà tới L'Abri, như mọi lần, bà rùng mình khi nhìn thấy quang cảnh ở đó. Đó là một nơi trông thật u buồn, nhiều năm không biết tới sự hiện diện dịu dàng của một nữ chủ nhân, ông già Aubiny đã kết hôn và chôn cất vợ mình ở Pháp, và bà vợ ông yêu mảnh đất quê hương đến mức không thể rời khỏi đó. Mái nhà đã xập xệ và đen xỉn như một chiếc mũ trùm đầu của thầy tu, đua ra phía ngoài những hành lang rộng bao quanh ngôi nhà được trát vữa màu vàng. Những cây sồi cổ thụ uy nghi xòe tán tới sát nhà, và những cành cây mập mạp vươn xa rậm lá của chúng tỏa bóng xuống ngôi nhà như một tấm áo choàng. Luật của chàng Aubigmy trẻ tuổi là luật nghiêm khắc và theo luật đó các nô lệ da đen của anh đã quên không còn biết cách để vui vẻ, như họ đã từng vui vẻ trong thời gian ông chủ cao tuổi dễ tính của họ còn sống..

Người mẹ trẻ hồi phục một cách chậm chạp, nằm duỗi dài trên giường trong tấm váy muslin và những lớp riềm đăng ten. Đứa trẻ sơ sinh ở bên cạnh cô, nằm trong tay cô, thiu thiu ngủ bên bầu ngực người mẹ. Người bảo mẫu da vàng ngồi bên ô cửa sổ phe phẩy quạt cho chính mình.

Bà Valmondé với dáng người đẫy đà cúi xuống phía Désirée và hôn cô, âu yếm ôm cô một lát. Sau đó bà quay sang đứa trẻ.

“Trông khác quá!” bà thốt lên, bằng giọng sửng sốt. Dạo đó người nhà Valmondé trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. “Con biết mẹ sẽ kinh ngạc mà!” Désirée cười thành tiếng, “trước sự phát triển của thằng bé. Mẹ nhìn chân nó mà xem, bàn tay và móng tay nó nữa - móng tay thứ thiệt đấy. Zandrine đã phải cắt móng tay cho nó sáng nay đấy. Có phải vậy không, Zandrine?”

Người phụ nữ gật cái đầu quấn khăn turban vẻ trang trọng, “Đúng vậy, thưa bà.”

“Và nó đã khóc,” Désirée nói tiếp, “inh tai nhức óc. Hôm trước nó khóc mà Armand ở tận nhà của La Blanché cũng nghe thấy cơ.”

Bà Valmondé chưa hề rời mắt khỏi đứa trẻ. Bà bế nó lên, đi ra chỗ cửa sổ nhiều ánh sáng nhất. Bà ghé sát mắt nhìn đứa trẻ thật kỹ, rồi bà hướng đôi mắt tìm kiếm vào Zandrine, người giờ đây đã quay mặt nhìn ra cánh đồng.

“Đúng vậy, thằng bé lớn đấy, thay đổi đấy,” bà Valmondé nói một cách chậm rãi khi bà đặt nó nằm bên cạnh mẹ của nó. “Armand nói gì?”

Khuôn mặt của Désirée trở nên rạng ngời hạnh phúc.

“Ôi, Armand là người cha hãnh diện nhất giáo xứ, con tin như vậy, chủ yếu bởi vì đứa bé là con trai, nối dõi tông đường; dù anh ấy không nói vậy - anh ấy nói rằng anh ấy cũng thích con gái. Nhưng con biết sự thực không phải vậy, anh ấy nói thế để con vui thôi. Mà mẹ ạ,” cô nói thêm, khiến bà Valmondé ghé sát đầu xuống phía cô, và thì thầm “anh ấy không phạt bọn họ - không phạt một người nào - từ khi thằng bé ra đời. Ngay cả Négrillon, cái gã giả vờ bị bỏng chân để nghỉ làm - anh ấy cũng chỉ cười và nói Négrillon là thằng quỷ. Ôi, mẹ, con rất hạnh phúc.”

Điều Désirée nói là sự thật. Kết hôn, rồi sau đó có con trai, đã làm dịu cái tính đòi hỏi quá quắt và độc đoán của Armand Aubigmy. Đó là điều khiến Désirée dịu hiền rất hạnh phúc, bởi vì cô yêu anh sâu sắc. Khi anh cau mày cô run rẩy, nhưng cô yêu anh. Khi anh mỉm cười, cô không còn mong ước diễm phúc nào hơn ở Chúa. Nhưng khuôn mặt điển trai, ngăm đen của Armand không thường biến dạng bởi những thoáng cau mày từ khi anh yêu cô.

Khi đứa trẻ khoảng ba tháng tuổi, một hôm Désirée thức dậy, tin chắc rằng có điều gì đó trong bầu không khí đang đe dọa sự bình yên của cô. Điều đó rất tinh vi, không thể nắm bắt được. Nó chỉ là một sự gợi ý gây bất an; một vẻ bí ẩn nào đó giữa những người da đen; những chuyến thăm của những người họ hàng ở xa, những người hầu như chẳng giải thích vì sao họ ghé tới. Thế rồi có một sự thay đổi lạ lùng, đáng sợ trong thái độ của chồng cô mà cô không dám yêu cầu anh giải thích. Khi anh nói chuyện với cô, mắt anh nhìn đi chỗ khác và trong đôi mắt anh, ánh sáng của tình yêu ngày trước dường như đã tắt. Anh hay vắng nhà, và khi anh ở nhà, anh tránh gặp cô và con, mà chẳng đưa ra lý do gì. Dường như linh hồn của quỷ Sa-tăng bỗng nhiên kiểm soát anh trong những việc liên quan đến các nô lệ. Désirée khổ tâm vô cùng.

Một buổi trưa, cô ngồi trong phòng riêng, trong tấm áo choàng, thẫn thờ vuốt những sợi tóc nâu dài, óng mượt xõa xuống bờ vai. Đứa trẻ, nửa người được để trần, nằm thiu thiu ngủ trên chiếc giường gỗ gụ cỡ lớn giống như một ngai vàng lộng lẫy, với cái vòm viền sa tanh. Một trong những đứa con trai lai da đen của La Blanché - cũng ở trần - đứng phe phẩy quạt cho thằng bé bằng chiếc quạt kết lông công. Đôi mắt của Désirée nhìn như dán vào đứa bé trong khi cô cố xuyên thủng tấm màn sợ hãi mà cô cảm thấy đang bao phủ quanh mình. Cô hết nhìn con mình lại nhìn thằng bé đứng bên cạnh nó, và ngược lại, nhìn mãi, nhìn hoài. “Ôi!”, đó là tiếng kêu mà cô không thể kìm nén được, tiếng kêu vô thức bật ra. Máu trong mạch máu của cô dường như đông lại, và mồ hôi toát ra trên mặt cô.

Cô cố nói với thằng bé lai da đen; nhưng thoạt đầu không có âm thanh nào vang lên cả. Khi nó nghe thấy tên mình, nó ngẩng lên và thấy bà chủ của nó đang chỉ tay ra cửa. Nó đặt chiếc quạt mềm xuống và nhón chân đi rón rén trên sàn nhà sạch bóng, rời khỏi phòng.

Cô vẫn ngồi bất động, nhìn như dán mắt vào con mình, và khuôn mặt cô đầy sợ hãi.

Ngay sau đó chồng cô bước vào phòng, không để ý đến cô, đi thẳng tới bên bàn và bắt đầu tìm kiếm gì đó giữa đám giấy tờ bày trên mặt bàn.

“Armand,” cô gọi anh bằng giọng nói chắc chắn khiến anh choáng váng, nếu anh là con người. Nhưng anh không chú ý. “Armand,” cô lại gọi.

Rồi cô đứng dậy, lảo đảo đi về phía anh. “Armand,” cô hổn hển gọi một lần nữa, nắm lấy cánh tay anh, “hãy nhìn con của chúng ta. Như thế này nghĩa là thế nào? Hãy nói cho em biết đi.” Lạnh lùng nhưng nhẹ nhàng anh gỡ tay cô khỏi tay mình và đẩy bàn tay cô ra. “Nói cho em biết như thế nghĩa là thế nào!”, cô kêu lên đầy tuyệt vọng. “Có nghĩa,” anh trả lời bằng giọng nhẹ nhàng, “rằng đứa bé không phải là người da trắng; như thế có nghĩa rằng em không phải là người da trắng.” Sự nhận thức chớp nhoáng về ý nghĩa của toàn bộ sự buộc tội này đối với cô truyền sức mạnh cho cô với sự can đảm phi thường để phủ nhận nó. “Không đúng; điều đó không đúng, em là người da trắng! Hãy nhìn tóc em mà xem, tóc em màu nâu; và mắt em màu xám, Armand, anh biết mắt em màu xám mà. Da em trắng,” cô chộp cổ tay anh. “Hãy nhìn tay em đi; trắng hơn cả tay anh, Armand,” cô cười điên dại.

“Trắng như tay của La Blanché,” anh trả lời một cách cay độc rồi bỏ đi, để mặc cô ở đó một mình với đứa trẻ.

Khi cô có thể cầm bút viết, cô gửi một bức thư tuyệt vọng tới bà Valmondé.

“Mẹ của con, họ nói với con rằng con không phải là người da trắng. Armand đã nói với con rằng con không phải là người da trắng. Vì Chúa, hãy nói với họ sự thật không phải vậy đi. Mẹ chắc chắn phải biết sự thật không phải như vậy. Con sẽ chết mất. Con phải chết. Con không thể bất hạnh như vậy mà sống nổi.”

Chẳng bao lâu sau cô nhận được thư hồi âm: “Dérirée của mẹ: Hãy trở về nhà Valmondé; hãy về với mẹ của con, người luôn yêu thương con. Hãy mang con của con về đây.”

Khi bức thư đến tay Désirée, cô cầm thư tới thư phòng của chồng, và đặt nó trên bàn trước mắt anh. Cô giống như một bức tượng đá: im lặng, trắng bệch, bất động sau khi cô đặt lá thư ở đó.

Trong im lặng anh đưa ánh mắt lạnh lùng lướt qua những con chữ được viết trong thư.

Anh không nói gì. “Em sẽ đi, đúng không Armand?” cô hỏi bằng giọng nhói buốt với sự phấp phỏng đau đớn.

“Ừ, đi đi.”

“Anh muốn em đi phải không?”

“Ừ, anh muốn em đi.”

Anh nghĩ Chúa toàn năng đã đối xử tàn nhẫn và bất công với anh; và không hiểu sao anh cảm thấy rằng anh đáp trả Ngài một cách rõ rành rành khi anh đâm một nhát chí mạng như thế vào tâm hồn của vợ mình. Hơn nữa anh không còn yêu cô, vì sự tổn hại không cố ý mà cô đã mang đến cho gia đình anh, dòng họ của anh.

Cô quay đi như một người bị choáng váng bởi một cú đấm, và chậm chạp lê bước ra phía cửa, hy vọng anh có thể gọi cô quay lại.

“Tạm biệt, Armand,” cô rên rỉ.

Anh không trả lời cô.

Đó là cú đấm cuối cùng của anh giáng vào định mệnh.

Désirée đi tìm con của mình. Zandrine đang bế đứa bé đi đi lại lại trong hành lang mờ tối. Cô đón đứa trẻ từ tay người bảo mẫu không một lời giải thích, và bước xuống các bậc thềm, bước ra khỏi ngôi nhà đó, đi bên dưới những cành sồi.

Đó là một buổi chiều tháng Mười; mặt trời sắp lặn. Ở bên ngoài, trên những cánh đồng lặng gió, những người da đen đang hái bông.

Désirée không thay chiếc váy trắng mỏng manh cũng như đôi dép đi trong nhà. Tóc cô cứ để vậy, không khăn mũ, và những tia nắng mặt trời tưới ánh vàng lên những sợi tóc màu nâu. Cô không đi theo đường cái quan rộng rãi, phẳng phiu dẫn đến đồn điền xa tít tắp của nhà Valmondé. Cô cuốc bộ qua một cánh đồng vắng, nơi những cây cỏ mọc lởm chởm làm trầy xước đôi chân mềm mại được xỏ trong đôi dép mỏng, và xé chiếc váy mỏng của cô thành nhiều mảnh te tua.

Cô mất hút giữa đám lau sậy và những cây liễu mọc dọc bờ của con sông nhỏ; và cô không quay trở lại nữa…

Vài tuần sau có một cảnh tượng lạ lùng tại L'Abri. Ở chính giữa cái sân sau được quét dọn gọn gàng có một đống lửa lớn. Armand Aubigmy ngồi trong sảnh rộng nhìn ra cảnh đó; và chính anh là người đã phân công nửa tá người da đen phải giữ cho đống lửa rực cháy.

Một chiếc nôi xinh xắn bằng gỗ liễu, với tất cả những bộ phận được đánh bóng rất đẹp mắt của nó, được đặt trên giàn thiêu mà trước đó đã được quẳng vào vô số những tã lót làm mồi. Sau đó có những chiếc váy lụa, những chiếc váy bằng vải nhung và sa tanh được bổ sung vào đó; những riềm đăng ten, những mảng hoa văn thêu thùa, những chiếc mũ có dây buộc, những đôi găng tay; cái giỏ hoa thuộc loại hàng quý hiếm.

Thứ cuối cùng được ném vào đó là những tập thư nhỏ; những con chữ viết tay nguệch ngoạc bé xíu, ngây thơ mà Désirée đã viết cho anh trong những ngày họ còn là một cặp uyên ương. Có di vật của một con người ở trong cái ngăn kéo mà anh lôi những thứ đó ra. Nhưng đó không phải là của Désirée; đó là một phần bức thư ngày xa xưa của mẹ anh gửi cho cha anh. Anh đọc nó. Trong thư mẹ anh tạ ơn Chúa vì đã ban cho bà tình yêu của chồng bà: “Nhưng, trên tất cả,” bà viết, “ngày và đêm, em tạ ơn Chúa vì đã sắp xếp cuộc đời của chúng ta như vậy để Armand của chúng ta sẽ không bao giờ biết rằng mẹ của nó, người mẹ hết mực yêu thương nó, thuộc về một chủng tộc bị nguyền, phải mang cái dấu nô lệ”.

Truyện ngắn. Kate Chopin (Mỹ)

Nguyễn Bích Lan (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 4 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước