Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:50 (GMT +7)

Du kí tình người Thái Nguyên trong tôi

VNTN- Hơn hai mươi năm qua, từ sau cơn mưa ấy, tôi đã cảm nhận thêm rất rất nhiều những tấm lòng của người Thái Nguyên. Tôi chỉ có thể thầm cảm ơn tất cả từ trái tim mình!

Trường THCS Chợ Chu (huyện Định Hóa) ngày nay - nơi tác giả lần đầu tiên từ thành phố lên miền núi nhận công tác. Ảnh minh họa, nguồn: internet

6h sáng, chiếc xe cub 81 nhẹ nhàng lăn bánh cõng hai mẹ con tiếp tục hành trình 50km sau kì nghỉ cuối tuần. Đất trời cảm động hay xót thương mà sầm sập đổ cơn mưa tầm tã. Nước mưa hôm nay lại mặn chát vỗ vào khuôn mặt người mẹ, còn thằng bé hơn 1 tuổi như thường lệ lại ngoẹo đầu ngủ ngon trên một cánh tay gầy. Bất giác, cái cảm giác muốn buông tất cả lại nhen nhóm trong trái tim tôi. Tôi dừng xe, táp vào trú mưa và những dòng kí ức ùa về...

Tuổi hai mươi tươi đẹp, tôi hăm hở lên nhận công tác tại trường THCS Chợ Chu - Định Hóa - Thái Nguyên. Một vùng đất mà với những đứa trẻ sinh ra, lớn lên từ thành phố sẽ coi đó là nơi “khỉ ho cò gáy” (cái cách mà bạn bè ngạc nhiên phản ứng khi tôi thông báo nơi mình sẽ đến nhận công tác). Còn với tôi, đây lại là quê Mẹ (mẹ tôi gốc Thái Bình nhưng theo gia đình lên khai hoang từ những năm 1960), là nơi dành cho anh em tôi những kì nghỉ hè tuyệt vời nhất.

Cảm nhận đầu tiên là nụ cười thân thiện, những câu chào đón ấm áp từ người cán bộ trao quyết định cho tôi. Nhưng sự hồi hộp lo lắng thực sự tan biến là khi tôi chính thức được sự chỉ dẫn, giúp đỡ, chia sẻ, động viên của thầy Nguyễn Hữu Thọ - Hiệu trưởng nhà trường - và tập thể sư phạm trường THCS Chợ Chu trong bước đi đầu tiên của khởi nghiệp và lần đầu tiên rời xa vòng tay yêu thương của cha mẹ để tự lập.

Môi trường công tác mới cũng là phải bắt đầu một nơi ở mới. Tôi được Trường THPT Định Hóa kí thêm hợp đồng dạy 6 lớp 10 vào buổi chiều. Nên để phù hợp công việc, tôi đã đến sống ở tập thể của trường. Khu tập thể khi ấy là dãy nhà lá, phòng tôi có Thủy - bạn cùng học sư phạm với tôi và Hiên - bạn gần nhà dưới thành phố. Thời gian sau, chúng tôi đón thêm Nhài, Hương, Huê, Lan. Mấy đứa con gái thành phố tưởng như vụng về mà cái gì cũng giúp đỡ và chia sẻ với nhau. Và tất nhiên không thể thiếu những tiếng cười trêu chọc của tuổi trẻ.

Cô gái nào rồi cũng tới ngày bước chân lên xe hoa. Tôi không ngoại lệ, được chú rể ưng ý tới đón về làm dâu. Định mệnh bắt đầu, khi ngày đó cha tôi bất ngờ lâm trọng bệnh, tôi tất tưởi mang đồ ăn ra viện bón cho cha rồi lên xe về nhà trai trong nước mắt của cả hạnh phúc và nỗi thương Cha. Đứa con gái Người yêu thương nhất lại không được trực tiếp dắt tay trao cho người đàn ông của nó.

Rồi mầm sinh hình thành trong nụ cười của Cha, Mẹ và mọi người. Những cô gái thành phố sống cùng tập thể, là những người chăm sóc tôi và mầm sinh ấy nhiều nhất. Họ không để tôi phải làm gì, trừ việc nhẹ nhàng mà tôi muốn làm. Vừa mang thai vừa tiếp tục đi học đại học, họ lại là người động viên và chăm sóc từng chút một cả vật chất lẫn tinh thần. Có đêm, tôi bật khóc vì đau bụng, họ cuống cuồng lo lắng như thể nỗi đau chung.

Số phận trớ trêu, con ra đời chưa đầy 4 tháng tuổi thì bố nó qua đời sau tai nạn giao thông. Đúng sau ba ngày khi đưa hai mẹ con tôi trở lại Định Hóa chuẩn bị tiếp tục công tác. Mọi thứ như sụp đổ, tôi ở nhà thêm một tháng với tâm trạng không thể đi dạy học nữa. Gia đình nội ngoại và những cô gái ấy lại là những người vực tôi dậy bằng tất cả nỗ lực.

Nhưng quay về đi làm, tôi được thông báo điều chuyển công tác đến trường THCS Trung Hội. Sự lo lắng lại bắt đầu, liệu tôi có đảm bảo được công việc của mình hay không?

Ấn tượng đầu tiên khi nộp quyết định về trường mới thật không dễ dàng gì, thầy Nguyễn Văn Thạch - Hiệu trưởng nhà trường - nhận quyết định và nói: “Nhẽ ra tôi từ chối không nhận cô nữa, vì Phòng Giáo dục thông báo cô điều chuyển về đây đã được một tháng rồi. Nhà trường thiếu giáo viên là học sinh sẽ không được học, cô có biết không?”.

Thầy dịu giọng: “Bác biết điều kiện và hoàn cảnh của cháu, nhưng về đây cháu sẽ khó khăn đó vì nhà trường không có tập thể cho hai mẹ con.”

“Dạ, theo tiêu chuẩn cháu vẫn còn một tháng nghỉ chế độ, nên hôm nay cháu mới lên nhận công tác. Mong bác và nhà trường tạo điều kiện ạ” - tôi chỉ biết rụt rè trả lời - “Còn về chỗ ở thì cháu được chú dì tạo điều kiện trọ cùng em cháu trên thị trấn rồi ạ. Cháu chỉ lo sẽ phải phiền nhà trường trong công tác”.

Thầy nhẹ nhàng nói: “Về đây không phải lo điều đó, mỗi người có khó khăn riêng nhưng mọi người ở đây sống rất tình cảm, cháu cứ cố gắng và làm quen dần nhé”.

Vậy là hành trình vương bụi phấn của tôi lại tiếp tục.

Sinh hoạt ban đầu vẫn là những cô bạn đã ở cùng phòng giúp đỡ, họ phân công nhau đưa, đón và chăm sóc thằng bé - được coi là con trai của các mẹ. Cô chú hàng xóm cũng dành cho hai mẹ con những sự chia sẻ thật xúc động. Hình ảnh chiều chiều có một thằng bé con ngồi trong giỏ xe đạp của ông thương binh đi khắp làng trên xóm dưới, đã trở nên quen thuộc với cư dân thị trấn cũng như người trong làng. Mọi công việc ở trường, tôi được thầy Thạch và tập thể Hội đồng sư phạm cũng như các em học sinh chia sẻ, động viên, ghi nhận sự cố gắng. Có những khi phải theo mẹ tới trường, con trai tôi được các ông, bà, cô, bác (thậm chí cả thầy Thạch) chăm sóc khi tôi lên lớp. Lúc ra chơi thì những đứa trẻ được xếp hạng thứ ba (sau quỷ, ma) lại ôm thằng bé đi khắp trường trong tiếng cười thơ trẻ, … khiến tôi thật cảm động.

Cơn mưa kia lại như biết chiều lòng người mà ngưng rơi lệ, đất trời lại bừng lên tia nắng của ngày mới. Tôi thầm cảm ơn mọi người thật nhiều, và tự hứa với lòng sẽ đi tiếp để trao trọn cho con tinh thần của những con người ấy, những con người đã đem lại sức mạnh cho tôi.

Tôi mỉm cười và lên đường để về nơi trọ. Vội vàng gửi con cho ông bà hàng xóm tốt bụng, tôi tiếp tục đi cầm viên phấn trắng trao yêu thương cho những cô cậu tinh khôi tuổi học trò.

Niềm tin và nhiệt huyết lại chảy từ đây, với những thử thách mới của cuộc sống.     

Hơn hai mươi năm qua, từ sau cơn mưa ấy, tôi đã cảm nhận thêm rất rất nhiều những tấm lòng của người Thái Nguyên. Tôi được trải nghiệm nhiều hơn để hiểu cuộc sống này đã cho ta những gì, lấy đi những gì và sau những mất mát đau thương chồng chất, tôi đã được nhận những gì? Tuy những điều nhận được có thể nhỏ bé với thế giới, nhưng tôi lại thấy mình được sống trong tình yêu thuơng vô bờ… từ người đã sinh ra tôi, từ những cô gái thành phố, từ những người đồng chí đồng nghiệp hay cả những người nông dân chân chất, và những cô cậu học trò nhỏ… những người đã đồng hành trong cuộc sống của tôi.

Điều tôi viết lại hôm nay còn ít ỏi lắm, với giới hạn của nội dung bài viết, tôi chỉ muốn nói: “Dù đã từng viết hay còn im lặng thì TÌNH NGƯỜI THÁI NGUYÊN mãi luôn dào dạt chảy trong dòng máu người con đất Thái. Tôi chỉ có thể thầm cảm ơn tất cả từ trái tim mình! Tôi mong muốn có thể được đọc và viết nhiều hơn nữa về Thái Nguyên và con người nơi đây với những câu chuyện của quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi Thái Nguyên đẹp cả cảnh sắc và con người của hôm qua, hôm nay và mai sau".

Hạnh Lâm

(Định Hóa, Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước