Đôi tất lụa
VNTN - Một ngày nọ chị Sommers nhỏ bé bất ngờ có được 15 đô-la. Đối với chị, đó là một số tiền rất lớn, và cái cách mà nó làm cộm phồng chiếc xắc tay cũ sờn của chị khiến chị có một cảm giác quan trọng, điều mà nhiều năm rồi chị mới được tận hưởng.
Chuyện sẽ tiêu số tiền đó như thế nào chiếm hết tâm trí chị. Chị đi dạo trong trạng thái mơ màng mất một hai ngày trời nhưng thực ra thì chị lại chăm chú suy xét và tính toán. Chị không muốn hành động hấp tấp hay làm bất kì điều gì mà sau này có thể hối hận. Nhưng trong màn đêm tĩnh mịch chị nằm thao thức suy đi tính lại những kế hoạch trong trí óc thì lại thấy được rõ ràng cách dùng tiền đúng đắn và khôn ngoan.
Một hai đô-la sẽ thêm vào mua cho Janie đôi giày đắt hơn loại bình thường chị vẫn mua, để đảm bảo chúng sẽ bền hơn. Rồi chị sẽ mua hàng mét vải pecan để may áo sơ mi mới cho mấy thằng nhỏ, Janie và Mag. Chị đã định dùng tài may vá khéo léo của mình vá mấy cái cũ lại rồi. Mag nên may một chiếc áo dài nữa. Chị có thấy vài mẫu vải đẹp mà giá lại rẻ qua cửa sổ hiệu vải. Rồi cũng sẽ còn đủ tiền để mua tất mới - mỗi người hai đôi - và cái nào đã vá rồi thì sẽ dùng được một thời gian nữa. Chị sẽ mua mũ lưỡi trai cho mấy đứa con trai và mũ thủy thủ cho con gái. Cảnh đàn con chị trông tươi tắn, dễ thương và mới mẻ một lần trong đời khiến chị phấn khích và thao thức với bao dự đoán.
Những người hàng xóm thỉnh thoảng nói về “những ngày xưa tươi đẹp” mà chị Sommers nhỏ bé từng có được trước khi nghĩ mình có thể làm vợ anh Sommers. Chị không cho phép mình mơ màng chìm vào cái quá khứ ốm yếu kiểu đó. Chị không có thời gian - không một giây phút nào dành cho quá khứ hết. Những nhu cầu của hiện tại chiếm hết mọi khả năng trong chị. Một cảnh tượng tương lai như con quái vật dữ tợn, mờ nhạt nào đó đôi khi làm chị thất kinh nhưng may là tương lai ấy không bao giờ tới.
Chị Sommers là người biết giá trị của việc mặc cả. Chị có thể đứng hàng giờ liền nhích từng chút một tiến về món đồ mình mong muốn đang được bán hạ giá. Chị có thể hích ngã người khác để mình đi qua được nếu cần; chị đã học được cách nắm chặt một món hàng và giữ nó không rời với sự kiên trì và quyết tâm chờ tới lượt mình được phục vụ cho dù phải chờ bao lâu đi chăng nữa.
Hôm đó chị đã ăn vội bữa trưa đơn giản - Ôi không! Chị chợt nhớ, vì mải cho mấy đứa nhỏ ăn và dọn dẹp nhà cửa rồi chuẩn bị cho cuộc vật lộn mua sắm, thật ra chị đã quên ăn trưa mất rồi!
Chị ngồi xuống chiếc ghế xoay phía trước một quầy hàng tương đối vắng vẻ, cố lấy hết sức và dũng khí để chen qua một đám đông hăng hái đang vây quanh những đống vải áo sơ mi và vải ba-tit in hoa. Cảm giác mệt rũ người xâm chiếm lấy chị và chị bâng quơ đặt bàn tay lên quầy hàng. Chị không mang găng tay. Chị dần nhận thấy tay chị đụng phải thứ gì đó rất êm ái và dễ chịu. Chị nhìn xuống thì thấy tay mình nằm trên một đống tất lụa. Một bức áp phích gần đó giới thiệu rằng chúng đã được giảm giá từ 2 đô rưỡi xuống 1 đô 98 xu; và một cô gái trẻ đứng sau quầy hỏi chị có muốn xem kĩ hàng dệt kim của họ không. Chị mỉm cười như thể vừa được yêu cầu kiểm tra một chiếc vương miện kim cương lần cuối trước khi mua nó. Nhưng chị tiếp tục sờ những thứ mềm mại, sang trọng - bằng cả hai tay chị cầm chúng giơ lên để thấy chúng lấp lánh và để cảm giác được chúng trượt đi như rắn trườn qua kẽ ngón tay. Đôi gò má nhợt nhạt của chị đột nhiên đỏ ửng lên. Chị ngẩng lên nhìn cô gái. “Trong số này có đôi số 8 rưỡi nào không?”. Số 8 rưỡi có đủ màu. Thực tế thì cỡ đó có nhiều hàng hơn bất kì cỡ nào khác. Nào là một đôi màu xanh dương nhạt, vài đôi màu tím oải hương, một số đen tuyền và màu nâu vàng nhạt, xám đủ sắc thái khác nhau.
Chị Sommers chọn một đôi đen rồi nhìn chúng thật lâu và thật kĩ. Chị vờ như đang xem xét chất vải mà cô bán hàng cam đoan với chị là chất lượng tuyệt hảo.
“Một đô 98 xu,” chị chiêm ngưỡng nó. “Chà, tôi lấy đôi này.”
Chị đưa cho cô gái một tờ 5 đô và chờ lấy tiền thừa cùng món hàng đã gói lại của mình. Gói đồ mới nhỏ làm sao! Nó dường như mất hút dưới đáy chiếc túi đi chợ cũ mòn của chị.
Sau đó, chị Sommers không đi về phía quầy giảm giá mà đi thang máy dẫn lên tầng trên vào khu vực nhà vệ sinh nữ. Ở đây, trong một góc ít người qua lại, chị thay đôi tất vải bông đang mang trên người bằng đôi tất lụa mới vừa mua. Chị không sa vào sự băn khoăn hay cắn rứt với bản thân gì hết, cũng không cố gắng giải thích lý do trong việc thỏa mãn sở thích cá nhân của mình. Chị không nghĩ gì cả. Lúc này, dường như chị đang muốn nghỉ ngơi, muốn thoát ra khỏi cái gánh nặng nhọc nhằn kia một lát, phó mặc bản thân cho một sự thôi thúc nào đó điều khiển hành động và giải phóng chị khỏi trách nhiệm.
Chạm da thịt mình vào lụa tơ tằm mới dễ chịu làm sao! Chị cảm thấy như đang được ngả lưng trên một chiếc ghế đệm và say sưa trong sự xa hoa của nó. Chị cứ như thế một lúc. Rồi chị lại đi giày, cuộn đôi tất vải bông và nhét nó vào túi.
Sau đó chị đi thẳng qua hàng giày và ngồi xuống để được thử giày. Chị thật kén chọn. Người bán hàng chẳng thể nào hiểu được chị muốn gì. Anh ta không thể tìm được đôi giày nào hợp với tất chị hết, và chị không phải là người dễ dàng làm hài lòng. Chị vén váy lên, xoay bàn chân ra một hướng còn đầu quay ra hướng kia lúc liếc nhìn xuống đôi bốt mũi nhọn bóng láng. Bàn chân và gót chân chị trông rất đẹp. Chị không thể nhận ra nổi rằng chúng thuộc về mình và là một phần của bản thân chị. Chị muốn một đôi vừa chân thật tuyệt hảo và phong cách, chị bảo chàng trai trẻ phục vụ mình, và chị không bận tâm đến sự khác biệt với cái giá đắt hơn một hai đô-la miễn là có được thứ mình khao khát.
Đã lâu rồi chị Sommers không được mang một đôi găng tay vừa vặn. Trong những dịp hiếm hoi lúc chị mua, chúng luôn là “món hời,” rẻ tới mức sẽ hết sức lố bịch và vô lí khi mong chúng vừa tay. Giờ thì chị đặt khuỷu tay trên miếng đệm của quầy bán găng tay, và một người trẻ trung dễ thương, xinh đẹp, thanh nhã khéo tay mang một chiếc găng bằng da dê non dài quá cổ tay vào tay chị Sommers. Chị vuốt nó xuống qua cổ tay và cài nút gọn gàng, rồi cả hai người mất một hai giây để nhìn đắm đuối bàn tay mang găng thật cân đối của chị.
Và vẫn còn những chỗ khác có thể tiêu tiền được. Có sách và tạp chí chất đống trong khung cửa sổ của một sạp hàng trên phố cách đó vài bước chân. Chị Sommers mua hai quyển tạp chí giá cao như đã từng quen đọc trong những ngày tháng quen sống với những thứ dễ chịu khác.
Chị cầm chúng không bao gói gì hết, cũng như nếu có thể thì chị cũng sẽ nhấc váy lên lúc băng qua ngã tư. Tất, giày và đôi găng tay vừa vặn của chị đã làm nên điều kì diệu trong phong thái chị - nó cho chị cảm giác đảm bảo, ý thức rằng mình thuộc về đám người ăn mặc tươm tất.
Chị đói bụng lắm. Nếu phải lần khác hẳn chị đã làm cho lòng mình dịu lại tới khi về đến nhà, nơi chị sẽ pha một tách trà và ăn qua loa bất cứ thứ gì có sẵn. Nhưng cái thôi thúc đang điều khiển chị sẽ không chịu được việc chị nuôi dưỡng bất cứ ý nghĩ nào như thế hết. Có một nhà hàng ở góc đường. Chị chưa bao giờ bước vào đó. Từ bên ngoài, thỉnh thoảng chị cũng nhìn loại vải hoa Damacus sạch sẽ, đồ pha lê sáng ngời và những anh bồi bàn bước chân nhẹ nhàng phục vụ những người thuộc giới đài các.
Lúc chị bước vào, sự xuất hiện của chị không làm ai ngạc nhiên hết dù chị đã hơi sợ chuyện đó có thể xảy ra. Chị ngồi vào một cái bàn nhỏ, và một người bồi bàn ân cần ngay lập tức tới để nhận đặt món. Chị không muốn gì nhiều, mỗi món một mẩu ngon lành là đủ - nửa tá hàu Long Island phủ nhiều cải xoong bên trên, một món ngọt - sữa khuấy ướp lạnh phủ kem chẳng hạn; một cốc rượu Rhine, và sau cùng là một tách cà phê đen. Trong khi chờ được dọn món chị ung dung tháo găng tay ra và đặt chúng bên cạnh mình. Rồi chị cầm một quyển tạp chí lên xem lướt qua, cắt mấy trang trong đó bằng bên gờ cùn của chiếc dao. Mọi thứ đều thật dễ chịu. Tấm vải hoa Damacus giờ thậm chí còn sạch hơn hồi nhìn từ ngoài cửa sổ và đồ pha lê thì lấp lánh hơn. Mấy người đàn ông đàn bà trầm lặng không để ý tới chị đang ăn trưa ở những cái bàn nhỏ như của chị. Tiếng nhạc êm dịu và một làn gió nhẹ tràn vào qua cửa sổ. Chị ăn một miếng rồi đọc vài chữ, chị nhấp ngụm rượu màu hổ phách rồi ngọ nguậy ngón chân trong lớp tất lụa. Giá của nó chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Chị đếm tiền đưa cho người bồi bàn và để lại thêm một đồng xu trên khay của anh ta, và rồi anh ta cúi đầu chào chị như chào một công nương hoàng gia vậy.
Trong ví chị vẫn còn tiền và điều tiếp theo cám dỗ chị xuất hiện trong một áp phích quảng cáo kịch. Lúc chị bước vào nhà hát thì đã hơi muộn một chút, vở diễn đã bắt đầu và khán phòng dường như chật ních người. Nhưng vẫn còn mấy chỗ trống đây đó và chị được dẫn tới một trong số đó, giữa những người phụ nữ ăn mặc rực rỡ tới để giết thời gian, ăn kẹo và phô diễn mớ áo xống lòe loẹt của mình. Có nhiều người khác ở đó chỉ vì vở diễn và sự diễn xuất. Có thể nói không một ai khác ở đó có được thái độ mà chị Sommers có đối với những người xung quanh. Chị thu cả sân khấu, diễn viên và khán giả vào trong một ấn tượng rộng lớn rồi hấp thu và tận hưởng nó. Chị cười lúc nó hài và khóc - cả chị và người phụ nữ lòe loẹt bên cạnh đều khóc - ở chỗ bi kịch. Họ nói với nhau một ít về nó. Rồi người phụ nữ lòe loẹt lau mắt và sụt sịt mũi vào một mẩu đăng-ten hình vuông nhỏ xíu mỏng nhẹ, thơm ngát rồi đưa hộp kẹo của mình cho chị Sommers.
Vở diễn kết thúc, nhạc ngừng chơi, đám đông nối đuôi nhau đi ra. Nó giống như một giấc mơ đã kết thúc. Người ta tỏa ra mọi nẻo đường. Chị Sommers đi tới góc phố và chờ xe điện.
Một người đàn ông có ánh mắt sắc sảo ngồi đối diện có vẻ thích vẻ trầm tư trên khuôn mặt nhỏ nhợt nhạt của chị. Nó làm anh ta bối rối không đoán ra được mình thấy gì. Sự thật là anh ta không thấy gì hết, trừ khi có đủ tài năng để phát hiện ra một ước muốn cồn cào, một niềm khát khao mãnh liệt rằng chiếc xe điện sẽ không bao giờ dừng lại nơi đâu hết mà cứ đi mãi cùng chị đến vô cùng.
Trương Thị Mai Hương dịch. Nguồn: americanliterature.com
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...