Đồi Đảng
Nhà tôi ở dưới chân một quả đồi lớn trong vùng mỏ sắt. Cả xóm chỉ khoảng hơn hai chục nóc nhà tranh tre nứa lá. Nhà làm dọc hai bên sườn đồi, nhà nọ trông sang nhà kia cách nhau một đoạn bờ ruộng lúa nhỏ. Mọi người vẫn gọi xóm tôi là khu Đồi Đảng. Nhưng ngày ấy lũ trẻ chúng tôi không hiểu vì sao xóm lại có cái tên như thế…
Những căn nhà tre nứa dưới chân Đồi Đảng khi xưa nay đã được thay bằng nhà mái ngói
Tôi tò mò hỏi thì được bố giải thích: Năm 1963 khi có công nhân đến ở và khai thác quặng mỏ sắt Trại Cau này, một khẩu hiệu: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM MUÔN NĂM được dựng và đặt trên quả đồi cao nhất ở trung tâm khu mỏ. Chiều cao khẩu hiệu tới 10 mét, chiều dài là vòng cung nửa quả đồi hình chóp. Tên Đồi Đảng cũng từ đó mà hình thành. Tôi đi học bạn bè cùng lớp hỏi nhà ở đâu, tôi tự hào trả lời:
- Nhà tớ ở khu Đồi Đảng.
Dưới chân Đồi Đảng là đường tàu nối giữa hai ga Lưu Xá (Thái Nguyên) và ga kép (Hà Bắc). Xóm chúng tôi ở phía Đồi Đảng còn bên kia đường tàu là khu tập thể công nhân cơ điện mà bố tôi là quản đốc phân xưởng. Hàng ngày, đi học để cho gần chúng tôi phải đi cạnh đường tàu, nhiều lúc nghịch ngợm, chúng tôi đi trên đường ray. Đứa nào cũng thuộc lòng giờ tàu chạy qua. Tiếng còi khuất sau đồi là tàu chở hàng hóa và hàng quân sự về ga Kép. Tiếng còi tiến về phía trước mặt quả đồi là tàu chở quặng ra ga Lưu Xá, Gang Thép. Sau này lớn thêm chút nữa chúng tôi mới biết đó là tuyến đường sắt trọng điểm của Miền Bắc, chuyển hàng quân sự và nhu yếu phẩm chi viện cho Miền Nam đánh Mỹ. Ngày ấy Mỹ ném bom mỏ sắt ngay dưới chân Đồi Đảng, chỉ cách xa mấy trăm mét mà Đồi Đảng không mảy may sứt mẻ. Khẩu hiệu: “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM MUÔN NĂM” vẫn hiên ngang sừng sững đứng giữa trời. Năm đó tôi học lớp ba. Thời bao cấp lại đang trong chiến tranh, cả nước lao động hết mình để dành thóc gạo cho Miền Nam đánh giặc Mỹ, thống nhất đất nước, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Công nhân luôn phải làm tăng giờ, tăng ca để góp thêm ngày công ủng hộ Miền Nam.
Tác giả trong một lần trở lại thăm nơi mình sinh sống thuở ấu thơ. Đồi Đảng ở phía xa, ngày nay được người dân trồng keo phủ kín.
Xóm tôi tuy bé nhỏ chỉ vài chục mái nhà tranh nghiêng nghiêng dưới chân đồi nhưng ai cũng tự hào lắm vì khi ngước nhìn lên là thấy dòng chữ “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM MUÔN NĂM” trên đỉnh đồi. Những năm của thập niên 60 của thế kỷ 20, niềm tin vào Đảng là tuyệt đối, nhân dân một lòng một dạ đi theo Đảng đánh đuổi Mỹ để giành tự do độc lập. Ý chí đó khắc sâu vào tiềm thức, ngấm vào mạch máu như nguồn nước ngấm vào cây xanh. Dòng khẩu hiệu màu trắng nổi lên giữa nền xanh núi rừng như những ngôi sao sáng soi đường cho nhân dân. Dòng khẩu hiệu như khẳng định mỗi ngọn núi, mỗi rặng cây xanh như những lá chắn kiêu hãnh, quật cường, đều là vũ khí đánh giặc “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Nhiều lần theo người lớn lên đỉnh đồi nhặt củi khô, chúng tôi được đứng dưới chân dòng khẩu hiệu để ngắm nghía dòng chữ thiêng liêng ôm trùm cả ngọn đồi đó. Mỗi đứa thử giang cả sải tay ra cũng chưa ôm được một chữ cái. Ngày ấy, chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa nội dung khẩu hiệu, nhưng lòng rất ngưỡng mộ khi được nghe người lớn giảng giải ít nhiều về Đảng, về Bác Hồ, người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi còn được người lớn cho biết, Mỏ sắt Trại Cau được đưa vào khai thác năm 1963 với một trữ lượng quặng sắt rất lớn cung cấp cho việc luyện ra gang của Khu Gang Thép Thái Nguyên, là một điểm sáng của ngành công nghiệp nặng nước nhà lúc bấy giờ.
Sáng sáng, chúng tôi thường đứng ở sân nhà nhìn lên Đồi Đảng. Mỗi khi có ánh bình minh chiếu xuống thì dòng khẩu hiệu lại bừng lên lấp lánh. Quả là thiên nhiên ưu đãi vùng đất trù phú giàu khoáng sản này một khí hậu mát mẻ, tươi sáng. Dưới chân Đồi Đảng có một dòng suối trong vắt. Chúng tôi còn được các anh lớn dẫn sâu vào khe núi. Dòng suối mùa cạn, nước chỉ ngập bàn chân, soi rõ những chú cá con bơi ngược dòng, những con ốc vặn, những hòn sỏi trắng muốt. Ngày hè tôi cùng anh trai và trẻ con ở xóm đi xúc cá ở các mương nhỏ có những chú rô đồng béo mọng. Mùa giáp hạt hiếm rau, tôi thường xuyên đi hái rau dền cơm, rau sam, rau dệu dưới khu ruộng ở chân Đồi Đảng về để mẹ nấu những bát canh “tập tàng” ngọt và mát. Đôi khi, tôi còn dũng cảm một mình leo lên lưng chừng đồi hái những quả sim căng mọng tím sẫm.
Nhà tôi với nhiều gia đình khác trồng những bãi dứa rộng trên sườn Đồi Đảng. Hàng ngày đi học về tôi hay ra ngắm vườn dứa, nhìn hàng quả cứ lớn lên từng ngày một cách đầy hứng thú. Đến mùa thu hoạch, cả Đồi Đảng thơm lừng dứa chín. Những bãi dứa thật công dụng. Quả để ăn hoặc bán lấy tiền đong gạo, thân cây có thể phơi khô để đun bếp khi chưa đến mùa rơm rạ. Trẻ con xóm tôi có thú vui làm chong chóng bằng lá dứa. Những chiếc chong chóng quay trong gió dường như vẫn còn quay mãi trong hồn tôi đến tận bây giờ.
Đồi Đảng ngày ấy đối với lũ trẻ chúng tôi, ngoài những ý nghĩa to lớn như bố mẹ kể, còn là nơi ghi dấu bao kỷ niệm đẹp đẽ, hồn nhiên của tuổi thơ.
Chúng tôi lớn dần lên, ý thức được vai trò của mình đối với đất nước, với nơi mình sinh ra và lớn lên, đa số chúng tôi ở lại vùng mỏ kế bước cha anh. Trang lứa với tôi có anh Lê Minh Đông thi đỗ đại học nhưng đã tình nguyện học khai thác mỏ để về làm giàu cho quê hương. Rồi có chú Hoàng Văn Năm cả gia đình mấy chục năm vẫn “bám trụ” trên vùng đất khu Đồi Đảng, gắn bó với mỏ, với sự nghiệp thép gang cùng bao kỷ niệm sâu sắc. Hiện con trai chú Năm là Hoàng Minh Sơn làm tổ trưởng lái máy xúc thuộc Công ty Luyện kim đen… Còn tôi, theo gia đình chuyển công tác về Nhà máy Cán thép Gia Sàng nhưng không bỏ ngành cơ khí công nghiệp nặng của bố mẹ, đã xin vào trường cao đẳng nghề và trở thành người công nhân hàn, có tay nghề vững vàng, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho nền công nghiệp non trẻ nước nhà. Ngày 19 tháng 12 năm 1994 tôi vinh dự được được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi được kết nạp Đảng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa vùng đất mình đã từng sinh sống.
Đã năm mươi năm trôi qua, bạn bè tôi mỗi người một ngả, mỗi công việc khác nhau, nhưng có một điều mà tất cả chúng tôi không ai có thể quên, đó là niềm kiêu hãnh là những người được lớn lên từ Đồi Đảng. Nơi ấy có hàng khẩu hiệu hoành tráng, vững chãi trên đỉnh ngọn đồi cao nhất vùng. Và tôi biết, dù có đi bất cứ miền đất nào, dù xa xôi đến bao nhiêu, bạn bè tôi vẫn luôn hướng về vùng đất quê hương nơi vinh dự mang tên Đồi Đảng của mình.
Cồ Thị Thơm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...