Disoco – một thời thương nhớ
VNTN - Trở lại công ty khi đã nghỉ chế độ, cảm động lắm, như trở về nhà. Căn nhà năm tầng vẫn đây, chỉ khác đã khoác thêm long lanh màu áo mới. Hàng rào cũ vẫn những cây hoa giấy trổ hoa, mảnh mai, rực rỡ mỗi thu về, đã làm xốn xang bao thế hệ cán bộ, công nhân viên nơi này. Thẫn thờ nhìn cánh hoa giấy đang bay, ước thời gian giá mà quay trở lại nhỉ…
Công ty Disoco ngày nay
Chúng tôi trở lại thăm công ty Disoco vào một chiều cuối tháng 10, khi thu đã gần tàn. Không gian như rộng hơn, khoáng đạt hơn. Bầu trời trong veo, thoang thoảng đâu đó mùi hoa sữa thơm nồng. Con đường từ Phố Cò chạy thẳng vào trung tâm thành phố Sông Công, với hàng cây xanh lá, làm liên tưởng đến những đại lộ thênh thang của những thành phố lớn.
Thật khó nhận ra Gò Đầm, Mỏ Chè xưa, mảnh đất đã một thời gắn bó với chúng tôi.
Những hồi ức ngày nào cách đây hơn 40 năm, bỗng thi nhau ùa về, gợi nhớ một thời gian khó, một thời cháy bỏng sức trẻ tuổi đôi mươi.
...Nhận quyết định về công tác tại Ban Kiến thiết Gò Đầm, cuối năm 1979. Đám thanh niên chúng tôi, vừa tốt nghiệp các trường trung cấp, đại học năm ấy, lứa tuổi sàn sàn nhau. Toàn hăm mốt hăm hai cả. Háo hức lắm. Trừ một vài anh chị người Bắc Thái (lúc ấy bao gồm cả Thái Nguyên và Bắc Kạn). Còn chúng tôi, chưa biết và hình dung nơi mình sắp đến nó như thế nào. Trong quyết định, ngoài tên cơ quan có địa danh Mỏ Chè nghe lạnh lẽo, hoang vu, là tên địa điểm nơi xây dựng nhà máy Diesel Sông Công sau này, và cũng lạnh lẽo không kém: Gò Đầm!
Chúng tôi xuống tàu ở ga Phổ Yên lúc xẩm tối. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, đi tàu xe là cả một vấn đề, phải nói là cực hình. Từ ga Phổ Yên, hỏi đường về Mỏ Chè, Gò Đầm, bà bán nước bảo khoảng mười cây số. Hồi đó, phương tiện đi lại giữa huyện lỵ Phổ Yên đến các nơi trong huyện (Mỏ Chè, Gò Đầm lúc đó đang thuộc huyện Phổ Yên và một phần của Đồng Hỷ) thực không dễ. Chủ yếu là đi bộ. Ai khá giả thì có xe đạp chứ xe máy thì thật xa vời! Nghe bảo cũng có xe ngựa chở khách, nhưng ban ngày mới có, và rất thưa chuyến! Vậy là đành cuốc bộ. 10 km! Kỷ niệm đầu tiên lên với Gò Đầm, Mỏ Chè, Diesel như thế đấy!
Con đường từ Phố Cò vào Gò Đầm chỉ là một con đường nhỏ lổn nhổn đá cuội, ngoằn ngoèo chứ đâu thẳng tắp như bây giờ. Chúng tôi cuốc bộ trong cái giá lạnh căm của mùa đông, tối om om. Phong phanh giữa cái rét Thái Nguyên đã đi vào ca dao, vậy mà mấy thanh niên chúng tôi cũng phải toát mồ hôi. Đến nửa đêm mới mò tới Ban Kiến thiết Gò Đầm, nơi sẽ gắn bó cả phần tuổi trẻ sau này. Đoạn đường lần đầu tiên đến với thành phố Sông Công tương lai của chúng tôi, mười cây số cuốc bộ, là một kỷ niệm khó mà quên được.
Sau này, khi chứng kiến sự chuyển mình, sự vươn dậy của thành phố trẻ này, chắc không nhiều người hình dung nổi con đường gồ ghề sỏi đá hồi nào, con đường huyết mạch mà chẳng khác gì ở nơi đảo vắng hoang vu.
Ban Kiến thiết Gò Đầm, tiền thân của nhà máy Diesel Sông Công, và sau là công ty Disoco đóng tại xã Bá Xuyên. Gò Đầm là địa danh thuộc xã này. Mỏ Chè chính là trung tâm của cả khu vực. Gọi là thị trấn chứ lèo tèo lắm. Lúc đó dân cư còn thưa thớt, chỉ có cái chợ Mỏ Chè là ầm ĩ, sầm uất vào những phiên chợ mà thôi. Cũng may, khi đó trường Đại học Mỏ - Địa chất còn đóng ở đây. Hình như chuyển về Hà Nội một vài năm sau, cỡ 1982 gì đó. Bên cạnh là Trường Công nhân Kỹ thuật Việt Đức. Những ngày nghỉ cuối tuần, cánh thanh niên ùa ra đông vui đáo để, xua tan bớt vẻ hoang vắng nơi này.
Nhà máy lúc đó đang vừa xây dựng, vừa lắp đặt máy móc. Một nhà máy sản xuất động cơ tầm cỡ khu vực, do chính phủ Liên Xô giúp đỡ, đã hiện hình giữa hoang vắng Gò Đầm, và đang chờ ngày đưa vào hoạt động. Đây là biểu tượng của tình hữu nghị Xô - Việt, nơi xuất xưởng những chiếc động cơ 50 - 65 mã lực mang thương hiệu Việt Nam khi ấy. Thật tự hào!
Hồi đó chuyên gia Liên Xô khá đông. Họ không ở Gò Đầm, mà ở khách sạn trên Thái Nguyên. Những chiều ngày thứ 7, đội bóng chuyền chuyên gia hay giao lưu với đội bóng Ban Kiến thiết. Mọi người quây quần xung quanh khoảng sân nhỏ giữa những dãy nhà thâm thấp, vuông vắn, mái tôn mà chúng tôi hay gọi là nhà Nhật. Hò hét, động viên mỗi pha cứu bóng hay, mỗi quả đập cháy lưới là một loạt tiếng vỗ tay, tiếng hô ta tây rộn rã.Thật vui và sôi động.
Sau này, khi chuyên gia trở về nước, khu Ban Kiến thiết cũ trở thành khu gia đình. Nhiều thế hệ con em Disoco sinh ra và lớn lên ở đây. Có thể các cháu không biết, chính chỗ này, là nơi quy tụ những con người đầu tiên, những cán bộ công nhân đầu tiên, trụ sở làm việc đầu tiên của nhà máy, công ty Disoco sau này (Nhà máy Diesel sông Công thành lập ngày 25/4/1980).
Trở lại công ty khi đã nghỉ chế độ. Cảm động lắm! Như trở về nhà. Căn nhà năm tầng vẫn đây, chỉ khác đã khoác thêm long lanh màu áo mới. Những con đường trong khuôn viên làm sao quên được. Hàng rào cũ vẫn những cây hoa giấy trổ hoa. Những bông hoa giấy mảnh mai, rực rỡ mỗi thu về, đã làm xốn xang bao thế hệ cán bộ, công nhân viên nơi này. Ngắm cánh hoa giữa thu, bùi ngùi khi thấy thời gian trôi nhanh quá! Thẫn thờ nhìn cánh hoa giấy đang bay, ước thời gian giá mà quay trở lại nhỉ.
Về ngôi nhà xưa, gặp gỡ những gương mặt trẻ măng, tươi rói. Niềm vui như được nhân lên. Tôi bùi ngùi trước căn phòng cũ nơi tầng một. Phòng vật tư, phòng tài vụ, phòng kế hoạch... đã bao năm gắn bó. Kỷ niệm xưa cứ chen chúc ùa về. Trái tim chợt nghẹn lại, nhớ đến một số anh chị em, từ những ngày đầu tiên có mặt nơi đây, nay đã vĩnh viễn đi xa! Thời gian phủ nét rêu phong lên những gốc cây trồng từ dịp ấy. Thời gian cũng phủ những nếp nhăn lên những khuôn mặt một thời! Nhưng các phân xưởng đã khác xưa nhiều lắm. Cứ rực rỡ, phơi phới như tuổi hai mươi.
Anh Sớm, Phó Giám đốc công ty hiện nay, hồ hởi khoe với chúng tôi:
- Công ty giờ lao động trẻ chiếm đa số. Sức trẻ đã làm nên thương hiệu Disoco. Hằng năm, công ty đạt doanh số gần 800 tỉ đồng. Đặc biệt, ngoài những mặt hàng truyền thống, Công ty vừa lắp đặt thêm một dây chuyền đúc hiện đại, đáp ứng các nhu cầu khắt khe của thị trường. Những đơn hàng chất lượng cao được các đối tác như Honda, Piagio đánh giá rất cao.
Chúng tôi chúc mừng những thành tựu, những đổi thay của Công ty. Cám ơn những con người nhiệt huyết đang góp phần làm đẹp hơn, rạng rỡ hơn mảnh đất Gò Đầm xưa, một Sông Công sức trẻ bây giờ.
Nghe anh Phó Giám đốc say sưa nói về tương lai xán lạn của công ty, chúng tôi cũng thấy vui lây.
Câu hát buổi sơ khai: "Điezen có gò rèn hàn, ai hãy đến đừng quên!" mà thế hệ chúng tôi hay ngân nga, chợt vang vọng bên tai. Ôi! DISOCO, một thời thương nhớ!
Nguyễn Dũng (Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...