Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:31 (GMT +7)

Định vị người sáng tạo trong đời sống thơ hôm nay

VNTN- Những góc nhìn mới những thông tin mới về đời sống thơ cả nước; cách thức mà các nhà thơ đang sáng tạo; cách thức để người nghe cắt nghĩa về đời sống từ hôm nay từ đó định vị cho mình vị trí là người sáng tạo và người tiếp nhận là những gì những người làm thơ, yêu thơ của Thái Nguyên được tiếp nhận qua lớp tập huấn chuyên đề “Thơ và thơ hôm nay: sáng tạo - diễn giải” vừa diễn ra trong ngày 11/6 do Hội VHNT tỉnh tổ chức.

 

Quang cảnh buổi tập huấn 

Dự lớp tập huấn có nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; đông đảo hội viên chi hội Thơ, hội viên của các CLB thơ trên địa bàn; cùng một số người yêu văn chương của Thái Nguyên.

Lớp tập huấn được nghe hai diễn giả nổi tiếng là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm - những người bạn quen thuộc của Hội VHNT và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, người viết Thái Nguyên, nhiệt tình chia sẻ lý thuyết và những ví dụ sinh động về thơ và đời sống thơ hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhiệt tình “tiếp lửa” cho những người làm thơ Thái Nguyên

Từng đi qua cuộc chiến, là một nhà thơ nổi tiếng của thơ Việt Nam hiện đại, qua chính những thi phẩm rất hay của mình, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nhiệt tình truyền cảm hứng cho người nghe về những câu chuyện “bếp núc” trong sáng tác thơ. Theo ông, thơ rất cần có cảm xúc và ý tưởng. Cảm xúc thơ và ý tưởng trong một bài thơ nên hài hòa. Cảm xúc là phần da thịt, ý tưởng là phần xương cốt của sinh thể thơ.

Về nội dung nhà thơ cho rằng: Chủ đề quan trọng nhất của đời sống thơ hôm nay là hướng tới đời sống dân sinh; hướng tới những vui, buồn, hạnh phúc, mơ ước của con người hiện đại. Và một điều quan trọng nữa là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người trong đời sống cội nguồn của dân tộc Việt. Trải qua chiến tranh, và đến thời bình thì tình yêu quê hương đất nước vẫn là chủ đề máu thịt của thơ ca.

Với nội hàm về nghệ thuật ông khẳng định: Thơ phải tạo nên một trường thẩm mỹ mới về mỹ học văn học. Và điều quan trọng nhất khiến một bài thơ hay là tứ thơ. Ông so sánh: nếu coi một bài thơ là ngôi nhà thì đường nét kiến trúc chính là tứ thơ. Hôm nay trước khi viết một bài thơ chúng ta nên cố gắng tìm một tứ thơ để ít nhất là bài thơ đó được viết ra sẽ không giống với những bài thơ trước.

Sau khi nghe nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ và đọc thơ, chị Đặng Hòa, CLB thơ Lục Bát không cầm được nước mắt. Chị nghẹn ngào: Bài thơ về chiến tranh của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết đúng tâm trạng của chị quá. Chị vốn là con liệt sĩ. Khi chị được 17 tháng tuổi,  bố chị đi bộ đội rồi hi sinh. Đến giờ thông tin về mộ và cả đến trích lục của bố, chị cũng chưa biết phải tìm ở đâu.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cùng cô và trò CLB văn học Trường THPT Chuyên Thái Nguyên tại buổi tập huấn

Chậm rãi và điềm đạm và đầy tính học thuật, sau khi cung cấp cho người nghe cái nhìn bao quát về dòng chảy của thơ Việt Nam nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm đi sâu phân tích, lý giải về thơ trong đời sống hôm nay. Anh cho rằng: Thơ đương đại là nối dài của Thơ mới. Con người trong thơ đương đại là con người bản thể, là con người cô độc và bất an.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm với chia sẻ về cách tân thơ

Anh cũng đề cập đến một số vấn đề: Thế nào là thơ truyền thống? Và thế nào cách tân? Tại sao lại phải cách tân? Cách tân từ đâu, làm như thế nào?

Theo anh cách tân thơ chủ yếu là cách tân về hình thức. Cách tân thơ chia làm hai dòng: một dòng hướng về dòng nghĩa (tìm kiếm nội dung mới - hiện thực mới);  một dòng hướng về dòng chữ - viết như thế nào? (chú trọng vào cách tân hình thức nghệ thuật). Anh khẳng định, trong thơ đương đại mọi thứ đều bắt đầu bằng hình thức. Ngôn ngữ tự kể câu chuyện của mình. Ngôn ngữ tự vẫy gọi nhau… Thơ hôm nay tồn tại nhiều phong cách, điều đó cho thấy tính dân chủ trong nó...

Sau khi nghe hai diễn giả truyền cảm hứng, chia sẻ những trăn trở, suy tư về việc đổi mới thơ và kinh nghiệm sáng tác thơ, giống như bao học viên của lớp tập huấn, chị Lã Thị Thông, Chi hội thơ cho biết: Sôi nổi, cởi mở tương tác và vô cùng thiết thực, tôi đặc biệt tâm đắc với những trao đổi của hai diễn giả về vấn đề làm thế nào để những bài thơ mình viết ra phải hàm chứa sự đa nghĩa, độc đáo về cấu tứ. Và điều quan trọng là thơ phải hàm chứa tầm tư tưởng của thời đại, thể hiện trách nhiệm công dân của mình.

Lớp tập huấn cũng trang bị cho chúng tôi hiểu biết về tính thời đại và tính hiện đại của thơ. Sự sáng tạo trong thơ luôn là sự bắt đầu và là sự đổi mới liên tục không ngừng. Đây là cơ sở để cá nhân tôi tự chiêm nghiệm, dung nạp cho mình những quan điểm lý luận về viết thơ, về phong cách nghệ thuật, đồng thời tìm một hướng sáng tạo mới cho con đường sáng tác của mình.

Kết thúc buổi tập huấn, thay mặt những người làm văn học nghệ thuật trên địa bàn, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến hai diễn giả. Nhà thơ cũng đánh giá cao nỗ lực của Chi hội thơ khi liên tục tổ chức những hoạt động văn học mang tinh thần làm giàu thêm sự tiếp nhận của hội viên và kết nối rất tốt với các CLB thơ trên địa bàn.

Từ những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà thơ, nhà văn có uy tín, giúp người làm thơ và đời sống thi ca của Thái Nguyên giống như một dòng sông không dừng lại mà luôn tìm được hướng để hội nhập, hòa nhập với đời sống thơ cả nước.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy