Điệu Then của cha tôi
VNTN- Hết chiến tranh, gia đình tôi về sinh sống và làm việc ở Thủ đô. Mỗi khi có dịp tụ họp, chúng tôi lại cùng nhau nhớ về những kỷ niệm gian khó mà tươi đẹp trên vùng đất Thái Nguyên, quê hương thứ hai của chúng tôi.
Gia đình tôi khi mới lên chiến khu. Tôi khi đó bé nhất do mẹ bế. Em gái lúc đó chưa sinh.
Lập Xuân mà nghìn heng queng quí í ơ …ờ...
Đông pù phông phú phí bjooc Bâu... ờ
Tha chiêu pây tỷ hâu củng quảng ớ… ơ...
Bjooc Mặn phông nả táng pền khao...(*)
Ôm cây đàn tính trong tay, gương mặt say sưa, giọng ca ấm áp, sôi nổi,... cha tôi vừa lắc lư người, vừa gẩy đàn, thỉnh thoảng thả tay khỏi phím đàn, đập đập nhịp lên mặt bàn... tằng ơ ờ tằng...
Mấy đứa chúng tôi xúm xít xung quanh, hòa nhịp cùng cha. Ngồi gần cha nhất là em gái út, nó có tai âm nhạc, lúc nào cũng đúng vần, đúng điệu, nhấn nhá từ tốn, tràn đầy cảm xúc. Tôi, nhiệt tình, hào sảng, lúc vút lên như tiếng kèn đồng, lúc ư ử như mèo hen. Cha nhìn tôi, ánh mắt cười cười, châm chước bỏ qua vì cảm động cái sự nhiệt tình của tôi. Hai anh trai tôi loanh quanh gần đấy, hoa chân múa tay, cất cái giọng ồm ồm vỡ tiếng hòa theo. Chị cả tôi vừa rửa bát, vừa cười hiền. Mẹ tôi, đang nhào bột làm bánh bao nhân su hào cho bữa sáng mai, quay mặt vào chỗ tối, kín đáo giấu ánh mắt dịu dàng, hạnh phúc...
Cảnh tượng buổi tối gia đình, dưới ánh đèn dầu leo lét, trong căn phòng tập thể đơn sơ của những ngày xa xưa ấy, mãi còn thổn thức trong ký ức tôi.
Đó là những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Cha tôi làm công tác báo chí, tuyên truyền của Khu Tự trị Việt Bắc. Mẹ tôi theo cha, rời quê hương miền Trung gió Lào cát trắng, bồng bế các con lên chiến khu.
Kháng chiến thành công, gia đình tôi định cư ở thị xã (sau là thành phố) Thái Nguyên.
Vốn là cán bộ tuyên huấn, sang thời bình, cha tôi tiếp tục sứ mạng cao cả của mình. Ông gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ của vùng núi Thái Nguyên, Việt Bắc một cách hết sức tự nhiên, bền bỉ, với tất cả tâm hồn chân phương, nồng hậu.
Cha tôi - nhà văn hóa Hồ Mậu Đường (người hàng đầu ngồi thấp nhất, góc trái ảnh) chụp cùng Bác Hồ và các văn nghệ sĩ trên chiến khu.
Tôi còn nhớ, ông thường xuyên có các chuyến thâm nhập thực tế, đến các làng bản vùng sâu vùng xa nơi bà con dân tộc sinh sống. Vận động bà con định canh, định cư, xây dựng làng bản mới, dạy chữ quốc ngữ, hướng dẫn giữ gìn vệ sinh nơi ăn chốn ở, ông không từ nan bất cứ việc gì. Mỗi lần đi công tác về ông thường hào hứng kể cho mẹ và chúng tôi nghe những câu chuyện ở bản làng, những việc ông và các cô chú đã làm để giúp bà con có cuộc sống tốt hơn. Vì vậy mặc dù còn nhỏ, chúng tôi vẫn biết rất rõ công việc của cha. Chúng tôi cảm phục và ủng hộ ông vô điều kiện. Thời điểm đó, mẹ chúng tôi cũng rất bận rộn công việc cơ quan, chị em chúng tôi bảo nhau tự lập trong sinh hoạt, học tập để cha mẹ không phải bận tâm lo lắng, toàn tâm toàn ý trong công việc phục vụ xã hội của hai người.
Câu chuyện mà tôi nhớ nhất là việc cha tôi đã góp phần xây dựng đội văn nghệ bản Sầm. Khi đi làm công tác tuyên truyền, thấy bà con còn thiếu thốn đời sống tinh thần, ông đề xuất thành lập Đội văn nghệ của bản. Ông trực tiếp huấn luyện cho đội một số tiết mục. Đội văn nghệ bản Sầm khá nổi tiếng ở khu Việt Bắc ngày ấy, đi biểu diễn nhiều nơi, đoạt nhiều giải thưởng. Tiết mục tủ, nổi tiếng nhất của đội khi ấy chính là điệu Then Lập Xuân. Các cô gái dân tộc Tày, Nùng, mặc bộ áo chàm, trong tiếng đàn Tính dìu dặt, cất lên tiếng hát mộc mạc mà da diết, để lại bao mến thương cho khắp mọi nhà. Đó cũng là điệu ca mà cha rất yêu thích, trở thành bài tủ của ban nhạc gia đình chúng tôi.
Cha tôi (thứ hai từ phải sang) chụp cùng các văn nghệ sĩ trên chiến khu Việt Bắc.
Nhiều năm sau, khi không còn công tác ở Thái Nguyên, cha vẫn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của vùng đất mà ông một thời gắn bó. Ông đã nhiều lần về thăm lại bản làng xưa, khi trở về ông kể cho chúng tôi: Bản làng thay đổi như nào, đường nhựa vào đến gần bản ra sao, điện đã về bản, dân bản có nước sạch, ngôi trường mới xây mái ngói đỏ tươi... Mọi người vui mừng, xúc động gặp lại ông, cùng ôn bao kỷ niệm. Mỗi lần nghe ông kể, chị em chúng tôi lại xúc động rưng rưng nước mắt.
Rồi chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, chúng tôi theo cha đi sơ tán cùng cơ quan văn nghệ Khu. Những bản Hích, bản Cúc Đường,… dưới tán rừng già của núi rừng, trong sự đùm bọc của những con người chất phác, thuần hậu, chúng tôi bình an đi qua chiến tranh.
Khi ấy, nơi sơ tán của cơ quan văn nghệ Khu gồm nhiều dãy lán, vách nứa, lợp tranh. Cạnh phòng của cha con tôi là phòng của các bác Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Lạc Dương. Khi đó chúng tôi không hề biết rằng đó là các nhà thơ dân tộc nổi tiếng. Với tôi, đó là những người bác hiền hậu, giản dị. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm thú vị với họ. Bác Bàn Tài Đoàn, thỉnh thoảng thấy tôi đi qua, lại dúi cho một mẩu thịt khô nho nhỏ. Tôi cùng đám trẻ trong Khu xúm xít chia nhau, mỗi đứa mấy sợi, đưa vào mồm ngậm ngậm, những đôi mắt thơ ngây nhìn nhau, long lanh hoan hỷ. Bác Lạc Dương trong mắt tôi là một vị Thần bếp. Tôi lần đầu được ăn món rau dớn là do bác tự tay hái bên bờ suối và chế biến. Qua tay bác, món rau dớn đã biến thành đặc sản với 7 món ăn khác nhau kỳ thú. Nhờ bác mà đời sống ẩm thực trong khu sơ tán đỡ kham khổ tẻ nhạt.
Nhiều kỷ niệm nhất với gia đình tôi là bác Nông Quốc Chấn. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được quà của bác. Khi thì mấy cái kẹo bọc giấy sắc màu, khi thì cái bút chì, con búp bê… Đặc biệt bác còn tặng riêng tôi một đôi giầy vải thêu hoa sặc sỡ sau chuyến công tác Mông Cổ. Tôi nâng niu đôi giầy lắm. Trong mắt tôi, nó là đôi giầy nàng Sheherazade của Nghìn lẻ một đêm. Những món quà nhỏ đến từ phương trời xa xôi nào, thời ấy, đã khiến cho trí tưởng tượng của một cô bé con vượt qua những tầng rừng sâu hun hút bay tới những chân trời thần tiên, mộng ảo… Đặc biệt, bác Chấn rất thân với cha tôi. Sau này, khi không còn cùng công tác ở cơ quan văn nghệ Khu nữa, họ vẫn giữ tình bạn khăng khít gắn bó đến tận cuối đời.
Ở khu sơ tán, mặc chiến tranh ở đâu rất xa, đời sống văn nghệ của chúng tôi vẫn rất rôm rả. Bọn trẻ sơ tán cùng với trẻ con trong bản hát múa theo các làn điệu dân ca dân tộc. Cha tôi, sau giờ làm việc, cùng với các cô chú lại hát hò, đọc vè, ngâm thơ. Bài tủ của cha vẫn là điệu Lập Xuân bất hủ.
Hết chiến tranh, gia đình tôi về sinh sống và làm việc ở Thủ đô. Mỗi khi có dịp tụ họp, chúng tôi lại cùng nhau nhớ về những kỷ niệm gian khó mà tươi đẹp trên vùng đất Thái Nguyên, quê hương thứ hai của chúng tôi.
Chúng tôi cùng nhau hát lại điệu hát của năm xưa.
Lập xuân mà nghìn heng queng quí í ơ …ờ...
Đông pù phông phú phí bjooc Bâu ...ờ…
Điệu hát thấm vào tôi đến nỗi, khi có con, tôi thường hát ru con ngủ. Con tôi, khi hơi lơn lớn một chút có lần hỏi: Mẹ, mẹ hát cái tiếng gì lạ vậy?
Mỗi khi đó tôi lại mỉm cười xa xăm.
Cái tâm hồn mộc mạc, hồn nhiên, đôn hậu của cha như hòa với thanh âm núi rừng hùng vĩ nguyên sơ vọng về...
Hồ Thu Hằng (Trường trung học Vinschool, Times City, Hà Nội.)
(*) Điệu Then Lập Xuân, dân ca dân tộc Tày, Nùng, lời thơ Nông Viết Toại.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...