Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:39 (GMT +7)

Điều kỳ diệu

VNTN - Dinh thự cổ ở vùng thôn quê ấy thuộc về một gia đình giàu có. Họ giàu có, họ thích gia đình mình được sống sung sướng, và họ còn tốt bụng nên cũng muốn làm cho tất cả mọi người xung quanh được hạnh phúc.

Vào ngày trước Giáng sinh, một cây thông Noel được trang trí tuyệt đẹp xuất hiện trong hành lang của dinh thự, nơi ngọn lửa ấm bập bùng cháy trong lò sưởi, và những cành linh sam được treo viền quanh những bức ảnh cũ. Gia đình người chủ và các vị khách tập trung ở đó ca hát và nhảy múa.

Gần tối hôm đó có một bữa tiệc dành cho các gia nhân được tổ chức ở hành lang khu nhà phụ. Ở đó cũng có một cây thông Noel lớn được trang trí bằng những ngọn nến trắng và đỏ, những lá cờ Đan Mạch nhỏ xíu, những hình thiên nga và lưới đánh cá, những ô giấy màu, và rất nhiều bánh kẹo. Những đứa trẻ hàng xóm được mời tới, đứa nào cũng có mẹ đi cùng. Các bà mẹ không ngắm cây thông Noel, mà chỉ dán mắt vào bàn tiệc được phủ bằng vải len và vải lanh - những loại vải thường được dùng để may áo choàng và quần âu. Họ và những đứa con lớn của mình ngắm nhìn những thứ đó, chỉ những đứa nhỏ là xòe tay về phía những ngọn nến, những sợi kim tuyến và những lá cờ.

Tiệc chính diễn ra vào lúc gần trưa ngày Giáng sinh, có món cháo đặc và thịt ngỗng nướng cùng với bắp cải đỏ. Sau đó các phần quà được chia, mỗi phần quà đều gồm một ly rượu pân và bánh táo rán. Sau đó ai nấy trở về căn nhà nghèo nàn của mình, nói về một cuộc sống tốt đẹp, về đồ ăn ngon, và những món quà một lần nữa lại được kiểm.

Garden Kirsten và Garden Ole là những người giúp việc cho gia đình giàu có kia. Họ là một cặp vợ chồng, có nhà riêng, và họ kiếm miếng ăn hàng ngày nhờ công việc nhặt cỏ và phụ việc vườn tược cho gia đình nhà chủ. Giáng Sinh nào họ cũng được chia nhiều quà. Họ có năm đứa con và bọn trẻ thường được nhà chủ cho quần áo mặc.

“Ông bà chủ là những người hào phóng!” họ nói, “nhưng họ có điều kiện để làm những người hào phóng, và họ vui khi được chia sẻ mọi thứ với người khác.”

“Có quần áo đẹp cho bốn đứa trẻ,” Ole nói, “nhưng tại sao chẳng có gì cho 'thằng què' nhà mình nhỉ? Trước đây họ thường nghĩ đến nó cơ mà, cho dù nó không đi dự tiệc được.”

“Thằng què” là đứa con lớn nhất của họ, tên cậu bé là Hans.

Khi còn nhỏ, cậu là đứa trẻ thông minh và hoạt bát nhất nhà, nhưng bỗng nhiên cậu bị “mất lực ở chân”, như người ta thường nói, và cậu không thể đi được, cũng chẳng đứng được nữa, và cho đến nay cậu nằm liệt giường đã năm năm.

“Em thấy có một thứ cho thằng bé đây,” người mẹ nói, “nhưng không nhiều, chỉ là một cuốn sách để đọc thôi.”

“Ừ, món đó sẽ không làm thằng bé phát phì đâu,” người cha nói.

Hans rất vui khi nhận được món quà ấy. Cậu vốn là một đứa trẻ rất thông minh, thích đọc sách, nhưng thường sử dụng thời gian của mình để làm việc. Một người nằm liệt giường vẫn có thể trở thành người có ích đấy các bạn ạ. Cậu bé Hans rất khéo tay, có thể đan tất, thậm chí đan khăn trải giường. Bà chủ ở ngôi nhà lớn đã từng khen ngợi và mua đồ len của cậu. Vậy là Hans có một quyển truyện trong đó có nhiều chữ để đọc và nhiều điều để ngẫm nghĩ.

“Trong nhà này thứ ấy chẳng có ích gì,” cha mẹ cậu nói, “nhưng hãy cứ để thằng bé đọc nó, dù sao đó cũng là cách giết thời gian, thằng bé không thể đan tất suốt ngày được!”

Mùa xuân đã đến. Những bông hoa và những chiếc lá xanh bắt đầu trổ ra - kể cả cỏ hay những cây tầm ma như người ta vẫn gọi, mặc dù trong sách thánh thi có những lời rất hay về chúng: “Dẫu những vị hoàng đế đầy sức mạnh và quyền năng/ Tập trung lại thành một hàng oai phong/ Cũng chẳng thể khiến chiếc lá nhỏ nhất/ Mọc ra từ cây tầm ma thật”.

Có nhiều việc để làm ở trong vườn, không chỉ việc dành cho người làm vườn mà cho cả người học việc của bác ta, cho cả Kirsten và Ole.

“Thật là cực nhọc,” họ nói. “Chúng ta không thể dọn cỏ trên các lối đi và sửa sang chúng cho đẹp mắt một cách nhanh chóng được, chúng cứ bị giẫm lên. Có nhiều khách khứa đến nhà này. Tốn nhiều tiền để dọn cỏ đấy! Nhưng họ là những người giàu mà!”

“Ở trên đời này của cải được phân chia không công bằng,” Ole nói. “Cha xứ nói rằng tất cả chúng ta đều là con của Đức Chúa Trời, vậy tại sao lại có sự khác nhau như thế nhỉ?”

“Do Trời cả mà!” Kristen nói.

Tối hôm đó trong khi Hans nằm đọc sách họ lại nói về chủ đề ấy.

Hoàn cảnh túng thiếu, công việc cực nhọc đã khiến cha mẹ cậu không chỉ  mệt mỏi tay chân mà còn nặng nề cả trong cách nhìn và cách đánh giá mọi chuyện. Họ không thể hiểu nổi tại sao lại có sự khác biệt đó, không thể lý giải, và điều đó càng khiến họ cáu kỉnh, tức giận hơn khi nói về chúng.

“Cùng là người mà người thì được hưởng vinh hoa phú quý, được hạnh phúc, kẻ thì chỉ có nghèo đói mà thôi! Tại sao chúng ta lại phải chịu sự trừng phạt do sự bất phục tùng và tò mò của Adams và Eva nhỉ? Chúng ta có cư xử như họ đâu!”

“Vâng!” - cậu bé Hans nói ngay. “Tất cả đều ở trong cuốn sách này.”

Hans đọc cho cha mẹ nghe một mẩu truyện cổ kể về vợ chồng người tiều phu. Họ cũng oán trách sự tò mò của Adam và Eva đã gây ra nỗi bất hạnh cho họ. Đúng lúc họ đang oán thán thì vua của nước đó đi ngang qua chỗ họ. “Hãy lại đây với ta,” vua nói, “các người sẽ có được những thứ ngon như ta có: bữa tối bảy món và một món để ngắm. Đó là một cái liễn được đậy nắp, và các ngươi không được phép chạm vào nó bởi vì nếu các ngươi chạm vào nó, cuộc sống vương giả mà các người đang có sẽ chấm hết.” “Có gì ở trong liễn thế nhỉ?” người vợ hỏi. “Điều đó không liên quan gì đến chúng ta,” người tiều phu trả lời. “Vâng, tôi không tò mò đâu,” người vợ nói, “tôi chỉ muốn biết tại sao chúng ta lại không dám mở cái nắp liễn ra thôi, chắc chắn bên trong có món gì đó rất ngon!” “Tôi chỉ ước vật ở trong đó không phải là kim khí,” người chồng nói, “ chẳng hạn như một khẩu súng lục, thứ sẽ phát nổ và làm rung chuyển cả nhà.” “Ôi chao!” người vợ thốt lên, và không dám động vào chiếc liễn. Nhưng ban đêm chị ta mơ thấy cái nắp liễn tự động nhấc lên, và từ trong liễn tỏa ra mùi rượu pân hấp dẫn, y như mùi rượu pân ở các đám cưới. Nằm đó là một đồng xi-ling bằng bạc cỡ lớn được khắc dòng chữ “hãy thưởng thức liễn rượu pân này, và các bạn sẽ trở thành hai người giàu nhất thế giới, còn những người khác trên đời này sẽ trở thành kẻ ăn mày!” - và người vợ choàng dậy kể cho chồng nghe về giấc mơ. “Mình nghĩ nhiều đến thứ đó nên mới nằm mơ như vậy!” người chồng nói. “Chúng ta có thể nhấc cái nắp liễn lên, một tí thôi,” người vợ nói. “Một tí thôi nhé,” người chồng nói và thế là người vợ nhấc nắp liễn lên thật nhẹ. Hai con chuột nhảy ra khỏi liễn, loáng một cái đã chạy mất hút. “Chúc ngủ ngon,” vị vua nói. “Bây giờ các người có thể về nhà và ngủ trên giường của các người. Đừng có oán trách Adam và Evea nữa, bản thân các ngươi cũng tò mò và vô ơn chẳng kém!”.

“Câu chuyện trong sách bắt nguồn từ đâu nhỉ?” Ole hỏi. “Cứ như thể nó có liên quan đến chúng ta. Đúng như những gì chúng ta nghĩ.”

Ngày hôm sau họ lại đi làm. Họ bị mặt trời thiêu đốt, rồi bị mưa làm ướt sũng. Trong đầu họ xuất hiện những ý nghĩ bực bội, và họ nghiền ngẫm những ý nghĩ đó.

Khi họ trở về nhà, ăn món cháo yến mạch với sữa xong, trời vẫn còn sáng.

“Hãy đọc lại mẩu truyện về người tiều phu cho bố mẹ nghe đi,” Ole nói.

“Có nhiều mẩu truyện thú vị trong cuốn sách này,” Hans nói, “nhiều lắm, bố mẹ không biết đâu.”

“Ừ, nhưng mẹ không quan tâm đến những mẩu truyện khác,” Ole nói, “mẹ muốn nghe lại mẩu truyện đó.”

Và thế là hai vợ chồng nghe lại câu chuyện đó.

Tối hôm sau họ lại nghe câu chuyện đó.

“Mình vẫn chưa hiểu rõ,” Ole nói. “Cũng là người mà người thì có sữa ngọt, người thì chỉ có sữa ôi thiu; người thì có phô mai ngon, người thì chỉ có sữa đông lõng bõng nước; người thì gặp may mắn trong mọi chuyện, ngày nào cũng được ngồi ở chỗ cao sang, chẳng bao giờ biết đến đau khổ, thiếu thốn.”

Cậu bé Hans tật nguyền nghe được tất cả những lời đó. Chân cậu bị liệt nhưng đầu óc cậu minh mẫn. Cậu đọc cho họ nghe mẩu truyện về “người chưa bao giờ khổ đau, thiếu thốn”.

Chuyện kể rằng ông vua nọ ốm liệt giường, và ông chỉ có thể khỏi bệnh bằng cách mặc chiếc áo của một người từng nói một cách trung thực rằng anh ta chưa bao giờ biết đến khổ đau, thiếu thốn.

Tin lan truyền khắp thế giới, đến các lâu đài, các điền trang, tới tất cả những người giàu có và hạnh phúc, nhưng khi được hỏi kỹ thì ai cũng thừa nhận rằng mình đã từng nếm trải khổ đau, thiếu thốn.

“Tôi chính là người đó!”, anh chàng chăn lợn ngồi trên bờ mương vừa cười vừa hát “Tôi là người đàn ông hạnh phúc nhất!”, lên tiếng.

“Vậy thì hãy đưa cái áo của anh cho chúng tôi,” sứ giả của vua nói. “Đưa áo của anh đây, anh sẽ được một nửa vương quốc.”

Nhưng chàng chăn lợn không có áo, và anh vẫn gọi mình là người đàn ông hạnh phúc nhất.

“Anh chàng đó khá đấy,” Ole thốt lên, và hai vợ chồng họ cùng bật ra tiếng cười mà từ lâu lắm đã vắng bặt trong căn nhà của họ. Đúng lúc ấy ông giáo làng tình cờ ghé chơi.

“Anh chị vui vẻ quá!”, ông giáo nói, “Đó là điều mới mẻ trong ngôi nhà này. Anh chị mới trúng thưởng phải không?”

“Không, chúng tôi có trúng thưởng gì đâu,” Ole trả lời. “Đó là vì Hans đọc cho chúng tôi nghe mẩu truyện về “người không đau khổ, thiếu thốn”. Ấy thế mà người đó không có áo mặc đấy. Đôi mắt của ông giáo rớm lệ khi nghe câu chuyện ấy, và đó là những gì mà cuốn sách tạo ra. Mọi người đều có gánh nặng phải mang, chẳng riêng một ai. Thực tế đó là một niềm an ủi.”

“Anh chị kiếm đâu ra cuốn sách này?”, ông giáo hỏi.

“Cháu Hans nhà tôi được tặng cuốn sách đó từ dạo Giáng sinh cách đây hơn một năm. Ông bà chủ đã tặng cho cháu nó đấy. Họ biết thằng bé thích đọc sách, và biết nó bị què. Chúng tôi muốn cháu nó được tặng hai chiếc sơ mi may bằng vải lanh vào dịp Giáng sinh hơn. Nhưng cuốn sách thật tuyệt vời, nó có thể giải đáp những thắc mắc của con người.”

Ông giáo cầm cuốn sách lên và mở nó ra.

“Chúng ta hãy nghe lại câu chuyện đó đi!” Ole nói, “tôi vẫn chưa hiểu lắm. Thằng bé cũng có thể đọc một mẩu truyện khác, mẩu truyện về người tiều phu!”

Hai mẩu truyện đó là đủ đối với Ole. Chúng tựa như hai tia nắng mặt trời rọi vào căn nhà tồi tàn của họ, vào tinh thần không được giải phóng đã khiến cậu bé bức bối và cáu bẳn. Hans đã đọc cuốn sách đó nhiều lần. Những mẩu truyện đưa cậu ra thế giới, đến những nơi đôi chân không thể đưa cậu tới.

Ông giáo ngồi bên giường cậu. Họ nói chuyện với nhau và cuộc trò chuyện khiến cả hai đều vui. Từ hôm đó ông giáo thường đến chơi với Hans, khi cha mẹ cậu đi làm vắng. Mỗi lần ông đến đều là niềm vui đối với cậu bé. Cậu lắng nghe những gì ông nói, về kích thước của trái đất và các nước trên thế giới, và ông nói cho cậu biết mặt trời lớn hơn gần nửa triệu lần so với trái đất, và ở cách xa trái đất đến mức một quả đạn của súng thần công phải mất hai mươi lăm năm mới có thể vượt qua khoảng cách từ trái đất đến mặt trời, trong khi đó những tia nắng mặt trời đến trái đất trong vòng tám phút.

Một học trò siêng năng biết tất cả những điều đó, nhưng đối với Hans những điều ấy đều mới mẻ và còn tuyệt vời hơn cả những gì cậu đọc được trong quyển truyện kia.

Mỗi năm ông giáo đến dùng cơm với gia đình nhà giàu kia hai hoặc ba lần và ông đã nói cho gia đình họ biết tầm quan trọng của quyển truyện đối với gia đình nghèo khó đó, nơi mà chỉ hai mẩu truyện cũng trở thành niềm vui và phương tiện để thức tỉnh tinh thần. Nhờ đọc cuốn sách đó mà cậu bé yếu ớt về thể xác nhưng có trí óc thông minh ấy đã mang sự suy nghĩ và niềm vui đến ngôi nhà.

Khi ông giáo ra về, bà chủ của gia đình giàu có ấn vài đồng đô-la bằng bạc vào tay ông nhờ ông tặng cho cậu bé.

“Bố mẹ hãy cầm lấy những đồng tiền này đi ạ!” Hans nói khi ông giáo đưa tiền cho cậu.

Còn Ole và Kirsten nói: “Thằng bé Hans tật nguyền có ích và là vận may của chúng ta đấy”.

Hai ngày sau khi cha mẹ cậu đang làm việc ở ngoài đồng thì chiếc xe ngựa của gia đình ông bà chủ dừng lại trước cửa nhà cậu. Bà chủ tốt bụng tới, tỏ ý vui mừng vì món quà Giáng sinh của bà đã mang lại niềm vui và sự an ủi đối với cậu bé và cha mẹ cậu. Bà mang tới bánh mỳ, trái cây ngon và một chai si-rô, nhưng vui hơn nữa bà mang tới cho Hans một con chim nhỏ lông đen hót khá hay được nuôi trong một chiếc lồng được sơn màu vàng. Chiếc lồng chim được đặt phía trên chiếc tủ quần áo cũ kỹ, cách giường cậu bé vài bước chân. Cậu có thể nhìn thấy chú chim trong lồng và nghe được tiếng nó hót. Thậm chí những người đi ngoài đường cũng có thể nghe được tiếng chim hót.

Bà chủ vừa lên xe ra về thì Ole và Kirsten đi làm về. Họ nhận thấy bé Hans thật vui, nhưng lại nghĩ sẽ có sự phiền phức nảy sinh từ món quà mà cậu vừa mới được tặng.

“Người giàu không biết lo xa mấy đâu,” họ nói. “Bây giờ chúng ta lại còn phải trông nom con vật đó nữa sao? Thằng bé Hans không thể trông nom nó được. Rồi cuối cùng con mèo cũng ăn thịt nó mất thôi!”

Tám ngày trôi qua, rồi tám ngày nữa trôi qua. Con mèo thường xuyên có mặt ở trong phòng mà không làm con chim sợ hãi, chứ nói gì đến việc làm hại nó.

Sau đó một chuyện quan trọng xảy ra. Đó là vào buổi trưa. Cha mẹ của Hans và các em của cậu đều đi làm, chỉ có một mình cậu ở nhà. Cậu cầm quyển truyện trong tay và đọc mẩu truyện về một người đàn bà làm nghề đánh cá, người đã có được mọi thứ mình ao ước: bà ta ước là vua và bà trở thành vua; bà ước trở thành một nữ hoàng và bà trở thành nữ hoàng; nhưng khi bà ước trở thành Chúa Trời, thì bà lại nhận ra mình ngồi trong một cái rãnh đầy bùn như trước kia.

Câu chuyện chẳng liên quan gì đến con chim hay con mèo, nhưng đó là câu chuyện mà cậu đọc khi điều quan trọng ấy xảy ra. Cậu nhớ như in những gì đã xảy ra lúc đó.

Chiếc lồng chim được đặt trên tủ, con mèo đứng trên sàn nhà, nhìn chằm chằm vào con chim bằng đôi mắt màu xanh vàng. Mặt con mèo toát lên điều gì đó như thể nó muốn nói: “Bạn xinh thế! Làm sao tớ lại muốn ăn thịt bạn cơ chứ!”.

Hans có thể hiểu được điều đó. Cậu đọc thấy điều đó trên mặt con mèo.

“Mèo, xuống ngay!” cậu quát, “mày có ra khỏi phòng ngay lập tức không hả?”. Dường như con mèo phớt lờ những gì cậu nói, và nó sắp sửa nhảy tới cái lồng chim. Hans không thể tóm nó được, và cậu không có gì để ném nó, ngoài vật báu thân thiết nhất của cậu - quyển truyện. Vậy là cậu ném quyển truyện về phía con mèo, nhưng bìa quyển truyện bung ra, bay một nơi còn ruột sách bay một nẻo. Con mèo chầm chậm lùi vào phía trong phòng, nhìn Hans như thể muốn nói: “Đừng xen vào chuyện này Hans bé nhỏ ạ! Tôi có thể nhảy, còn cậu thì không.”.

Hans để mắt canh chừng con mèo mà trong lòng rất lo lắng. Con chim cũng lo lắng. Chẳng có ai ở nhà để gọi. Cứ như thể con mèo biết điều đó: nó lại chuẩn bị nhảy lên. Hans giật khăn trải giường. Cậu vẫn có thể sử dụng được đôi tay, nhưng con mèo không thèm để ý đến chiếc khăn trải giường, và khi hành động đó chẳng làm nó sợ dù chỉ mảy may, con mèo nhảy từ ghế sang bệ cửa sổ, gần lồng chim hơn. Hans có thể cảm nhận được máu nóng trong người mình, nhưng lúc ấy cậu không nghĩ đến điều đó, cậu chỉ nghĩ đến con mèo và con chim. Cậu không thể ra khỏi giường, không thể đứng trên đôi chân của mình, nhưng vẫn có thể nhúc nhích. Cứ như thể trái tim cậu đang lộn ngược trong lồng ngực khi cậu nhìn thấy con mèo nhảy khỏi cửa sổ, nhảy lên nóc tủ và đẩy chiếc lồng chim để hòng làm đổ nó. Ở trong lồng con chim bay loạn lên.

Hans bật ra một tiếng thét. Tim cậu như bị bóp nghẹt, và không nghĩ đến cảm giác đó, cậu nhảy khỏi giường, lao như bay tới tủ, giật con mèo lôi xuống, và giữ lấy chiếc lồng chim, nơi con chim đang hoảng sợ. Cậu cầm chiếc lồng chim trong tay cắm đầu chạy ra cửa, ra đường.

Thế rồi những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt cậu. Cậu kêu lên trong niềm vui sướng: “Mình đi được rồi, mình đi được rồi!”.

Cậu lại đi được rồi. Những chuyện kỳ diệu như thế vẫn có thể xảy ra và nó đã xảy ra với cậu.

Ông giáo sống ở gần đó. Hans để chân trần, chỉ mặc một chiếc sơ mi và một chiếc áo khoác nhẹ, cầm lồng chim chạy đến nhà ông giáo.

“Cháu đi được rồi!” Cậu nói to. “Chúa ơi!” và cậu khóc trong niềm vui sướng.

Niềm vui sướng tràn ngập trong ngôi nhà của Ole và Kirsten. “Vậy là chúng ta đã có thể thấy một ngày tốt đẹp hơn,” vợ chồng họ nói. Hans được gọi tới dinh thự của ông bà chủ. Đã lâu lắm rồi cậu không đi trên lối đi ấy, cứ như thể những hàng cây và những bụi cây hồ đào vốn quen thuộc với cậu từ hồi nhỏ giờ đây gật đầu chào cậu và nói: “Chào Hans, chúc một ngày tốt lành! Chào mừng cậu đã đến đây!”. Mặt trời chiếu trên gương mặt cậu và trong tim cậu cũng chứa chan ánh sáng. Ông bà chủ mời cậu ngồi với họ và nhìn cậu bằng ánh mắt tràn đầy niềm vui như thể cậu là con trai của họ.

Người vui nhất là bà chủ, người đã tặng cậu quyển truyện, tặng cậu con chim biết hót, con vật đã cận kề cái chết và sự khiếp sợ nhưng nhờ thế mà Hans phục hồi sức khỏe, và cuốn sách đã mang đến sự thức tỉnh của cha mẹ cậu. Cậu vẫn giữ cuốn sách, và cậu sẽ đọc đi đọc lại nó cho đến khi cậu già. Giờ đây cậu sẽ giúp ích cho gia đình. Cậu sẽ học nghề, cậu thích trở thành thợ đóng sách, “bởi vì” cậu nói, “làm thợ đóng sách cháu có thể có tất cả những cuốn sách mới để đọc!”.

Buổi trưa hôm ấy bà chủ gọi cha mẹ của Hans đến gặp mình. Bà và chồng bà đã bàn bạc về chuyện của cậu bé. Cậu là một cậu bé hiểu biết và thông minh, thích đọc sách và có khả năng.

Tối hôm đó cặp vợ chồng nghèo, đặc biệt là Kirsten, từ nông trang trở về nhà trong tâm trạng vui mừng, nhưng tuần sau đó người mẹ khóc vì phải rời xa cậu bé Hans. Cậu mặc quần áo đẹp. Cậu là một cậu bé ngoan, nhưng giờ đây cậu vượt đại dương để du học, và nhiều năm nữa họ mới được gặp lại đứa con trai của mình. 

Cậu không mang theo quyển truyện đó, cha mẹ cậu giữ nó làm kỷ niệm. Người cha thường đọc nó, nhưng không đọc gì ngoài hai mẩu truyện kia bởi vì chúng quen thuộc đối với họ.

Và họ nhận được những lá thư của Hans, thư sau lại chứa đựng nhiều niềm vui hơn thư trước. Cậu sống cùng những người tử tế, cậu có điều kiện tốt để học tập, và vui nhất đối với cậu là được đến trường. Có nhiều điều để học, để biết, cậu chỉ muốn sống ở đó một trăm năm rồi sau đó trở thành một thầy giáo.

“Vợ chồng mình nhất định phải sống để thấy ngày đó!”. Cha mẹ cậu siết chặt tay nhau và nói như thể họ đang dự lễ ban thánh thể.

“Hãy nghĩ đến những gì đã xảy ra với Hans mà xem!” Ole nói. “Đức Chúa Trời cũng nghĩ nhiều đến đứa con của kẻ nghèo đấy chứ! Điều đó đã xảy ra với thằng bé tật nguyền nhà mình! Chẳng phải chuyện xảy ra giống như những gì Hans đã đọc cho chúng ta nghe trong quyển truyện ấy ư?”.

Hans Christian Andersen.

Nguyễn Bích Lan dịch  

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước