Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
15:36 (GMT +7)

Điều đọng lại ở lớp tập huấn với giảng viên Nguyễn Hồng Lam

VNTN- Mong muốn đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công chúng nói chung và công chúng của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên nói riêng, đồng thời khơi gợi đam mê sáng tạo cho những người làm báo, những hội viên, cộng tác viên của Tạp chí, ngày 7/5, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức buổi tập huấn “Kỹ năng viết Phóng sự - Bút ký” thu hút hàng trăm học viên trong và ngoài tỉnh tham gia.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên Trần Văn Thép và giảng viên Nguyễn Hồng Lam (ở giữa)

“Sức hút” từ giảng viên

Người truyền giảng là thượng tá Nguyễn Hồng Lam, tác giả nổi tiếng trong làng báo với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Anh hiện là Phó trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam Cục Truyền thông Bộ Công an; giảng viên thỉnh giảng môn Phóng sự, Điều tra báo chí, ngành Báo chí Truyền thông tại các Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân Đà Nẵng, Đại học Đồng Tháp.

Tác giả Nguyễn Hồng Lam là nhà văn, nhà báo được đông đảo công chúng biết đến bởi sự dấn thân, đặc biệt là trong lĩnh vực phóng sự và điều tra của anh. Với khả năng như nhìn xuyên thấu nội tâm đầy góc khuất của nhân vật, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam đã mang đến cho độc giả những câu chuyện thực với đầy những bất ngờ, ám ảnh, day dứt nhưng cao hơn hết vẫn là sự nhân văn trong từng tác phẩm.

 Đây cũng là lần đầu tiên, các hội viên Hội VHNT tỉnh cùng những học viên được gặp gỡ “Người của giang hồ” (bạn bè, đồng nghiệp của Nguyễn Hồng Lam lâu nay vẫn gọi anh với biệt danh này. “Người của giang hồ” cũng là tên tập truyện ký của Nguyễn Hồng Lam được NXB Công an Nhân dân xuất bản năm 2004), người vốn đã rất quen thuộc với Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trong rất nhiều tác phẩm phóng sự, bút ký dài kỳ trong suốt thời gian qua.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam tại buổi lên lớp ngày 7/5

Có lẽ “sức hút” từ giảng viên cũng là một trong những nguyên nhân khiến lớp tập huấn thu hút được đông đảo người tham gia cả trong và ngoài tỉnh. Với mong muốn có thể lan tỏa những chia sẻ hữu ích của giảng viên đến nhiều người nhất, Ban tổ chức lớp đã thiết kế theo hình thức trực tiếp kết hợp online.

Ngoài gần 50 học viên tham gia tại lớp học trực tiếp, gần 30 học viên là những hội viên Chi hội Văn xuôi (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) cùng các cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên ở các địa phương trong tỉnh tham gia học qua ứng dụng Google Meet. Đặc biệt, lớp học có sự tham gia của Nhà báo Đỗ Nguyễn Hoàng Dung, Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu và đông đảo học viên là biên tập viên, phóng viên của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kiến thức và những bài học kinh nghiệm được gửi trao

Các học viên chăm chú theo dõi bài giảng

Với cách truyền đạt đầy lôi cuốn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam đã giúp các học viên có thêm kiến thức để nhận diện, phân biệt và trau dồi thêm các kỹ năng để thực hiện các thể loại Phóng sự, Ký báo chí và Ký Văn học.

Hệ thống các khái niệm được kết hợp, đan xen với các ví dụ, câu chuyện thực cùng những kinh nghiệm tác nghiệp cụ thể của chính bản thân đã khiến cho bài giảng của giảng viên trở nên vô cùng hấp dẫn.

Trong thời gian một ngày, các học viên đã tiếp nhận được nhiều kiến thức thiết thực đối với mỗi người viết như: Khái quát, nhận diện các yếu tố cần có để làm nên một tác phẩm Phóng sự, Bút ký. Sự giống và khác nhau giữa các thể Ký Thông tấn và Ký Văn học, đồng thời phân tích, lý giải tại sao đó lại là những thể loại luôn được coi là xương sống của các tờ báo, tạp chí.

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Phóng sự - Bút ký sở dĩ có được vị trí quan trọng đó bởi trong nó bao hàm tất cả các kỹ năng của các thể loại báo chí khác, hàm chứa chiều sâu thông tin, có đóng góp cho xã hội…

Quang cảnh lớp học tại trụ sở Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên

Những vấn đề luôn được người viết Phóng sự - Bút ký cho là khó cũng đã được giảng viên bóc tách, phân tích và đưa ra phương hướng giải quyết như: Khi viết phóng sự cần phải nhìn sự việc ở nhiều góc cạnh, không nên nhìn hiện tượng một cách riêng biệt mà nên đồng dạng hóa thông tin từ đó “mổ xẻ” để tìm ra bản chất vấn đề, cũng như cần phải có những đề xuất mang tính giải pháp cho vấn đề được nêu ra…

Quan điểm và những nguyên tắc để có được một tác phẩm đúng, hay cũng đã được giảng viên chia sẻ và đưa ra nhiều dẫn chứng minh họa. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố đặc trưng, nhân văn cũng như sự cần thiết phải phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

Chăm chú nghe từng lời giảng viên chia sẻ, chị Lê Thị Huyền Trang, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tâm sự: Với cá nhân tôi, lớp tập huấn này quá hữu ích.  Không chỉ giàu kinh nghiệm, Nhà báo Hồng Lam còn có khả năng truyền tải cuốn hút người nghe. Vì thế, giúp học viên đúc rút nhiều kiến thức về thể loại phóng sự, ký sự.

Ban đầu tham gia với tư cách học viên dự thính, nhưng chỉ vài phút sau khi tham gia vào lớp sự e dè của chị Trần Thị Thao, Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh đã hoàn toàn biến mất. Chị chia sẻ: Là người viết không chuyên, khi đăng ký tham gia lớp tôi lo không biết liệu nghe giảng về các thể loại báo chí, văn học ấy tôi có hiểu được không. Nhưng càng học tâm lý tôi giãn dần ra. Sự gần gũi trong cách tổ chức lớp học và cách truyền đạt của thầy đã giúp tôi hiểu và thay đổi suy nghĩ về việc viết phóng sự và ký – những thể loại mà trước đây tôi nghĩ là khó và không dám thử viết.

Lớp học được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và online

Viết về những điều có ý nghĩa với thân phận con người, chúng ta tìm được niềm hạnh phúc cho chính mình – những điều thầy chia sẻ đó cứ ngân vang và đọng lại trong tâm trí tôi từ lớp học này. Tôi thấy mình thật may mắn khi đc trực tiếp lắng nghe những chia sẻ rất bổ ích, quý giá của nhà báo Nguyễn Hồng Lam” - chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, cơ quan Thường trực Hội VHNT tỉnh bày tỏ.

Bằng kinh nghiệm 30 năm hoạt động trong lĩnh vực văn chương, báo chí của mình, có thể nói nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam đã mang đến cho các học viên tham gia lớp tập huấn do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức những kiến thức, bài học kinh nghiệp đầy bổ ích, vượt ra ngoài mong đợi. Đồng thời thắp lên “ngọn lửa” sẵn sàng nhập cuộc, dấn thân và cống hiến của những người viết chuyên và không chuyên.

Kim Ngân

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy