Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:53 (GMT +7)

“Đi một ngày đàng”…

VNTN- Thoát khỏi hình thức sinh hoạt khô cứng trong các buổi sinh hoạt chi bộ, buổi sinh hoạt chuyên đề gắn lịch sử với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã mang đến một luồng không khí mới trong việc tiếp nhận những lý luận tưởng chừng khô cứng nhất cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, đảng viên, nhân viên cơ quan Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh và đại biểu dâng hương, chụp hình lưu niệm tại di tích lịch sử Địa điểm thành lập đội Cứu quốc quân II.

Tiếp nối hình thức sinh hoạt chi bộ gắn với các hành trình về nguồn, tìm hiểu lịch sử,… ngày 26/10, Chi bộ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã phối hợp với chi bộ Hội Nhà báo tỉnh tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về “Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai.

Trong khuôn khổ của chuyến đi, điều đặc biệt là ngoài việc nắm chắc được những giá trị cốt lõi trong chuyên đề sinh hoạt, cảm xúc của chúng tôi còn “chạm” tới những giá trị không gì đong, đếm được.

Sinh hoạt chi bộ, không chỉ trong phòng họp

Ngược theo Quốc lộ 1B, cách thị trấn Đình Cả không xa, vượt qua 360 bậc đá, chúng tôi đến Di tích lịch sử “Địa điểm thành lập đội Cứu quốc quân II ngày 15/9/1941 (Rừng Khuôn Mánh)”, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (được Nhà nước công nhận cấp Quốc gia năm 1994).

Với các cán bộ, đảng viên của 2 chi bộ Hội Nhà báo tỉnh và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chắc không ai còn xa lạ với sự kiện đã được ghi trong sách sử: Sáng 15/9/1941 tại rừng Khuôn Mánh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Cứu Quốc quân II, giao cờ và nhiệm vụ cho Đội phải  đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh võ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước. Ban chỉ huy của Đội được chỉ định gồm ba đồng chí: Chu Văn Tấn - Chỉ huy trưởng; Nguyễn Cao Đàm - Chính trị viên chỉ đạo; Trần Văn Phấn - Chỉ huy phó…

Dù thuộc lòng là thế, xong không ít người trong số chúng tôi nguôi day dứt khi trước đây chưa từng đặt chân đến nơi này.

Đứng trên đồi cao, trước mặt là danh sách 36 đồng chí Trung đội Cứu quốc quân II được khắc trang trọng trên bảng đá hoa cương, ai cũng như thấy được hào khí năm xưa vọng về. Ngay sau khi được thành lập, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Trung đội Cứu quốc quân II đã lập được nhiều công lớn, vừa bám đất, giữ làng, chống càn, gây nhiều tổn hại cho quân địch.

Đứng đầu danh sách chính là người “anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam” - Thượng tướng Chu Văn Tấn. Ông cũng là một trong hai vị Thượng tướng đầu tiên của Quân đội (1958), đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng, phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở Võ Nhai”…

Men theo con đường bê tông phẳng phiu, chúng tôi rưng rưng xúc động khi lần đầu tiên được đến thắp nén nhang trên phần mộ của ông tại quê nhà - xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.

Những giá trị lịch sử có thể tận mắt thấy ngay trong chuyến đi. Điều đó đã có tác dụng mạnh mẽ trong việc khơi dậy mong muốn tìm hiểu và lòng tự hào về truyền thống quê hương cách mạng của bất kỳ ai trong đoàn.

Tiếp nối truyền thống của vùng quê cách mạng

Trong khuôn khổ buổi sinh hoạt của 2 chi bộ, chúng tôi còn được khám phá hang Huyện nằm trên địa bàn xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá. Dẫn đuờng cho chúng tôi là đồng chí Tiền Văn Dũng, Bí thư Chi bộ xóm Làng Tràng. Để đến được hang, chúng tôi phải lội qua một con suối không quá sâu, nước trong vắt và mát lẹm. Sau đó, luồn qua các bụi cây rừng mới có thể tới cửa hang.

Như một “hướng dẫn viên” thực thụ, anh Dũng bắt đầu giới thiệu về lịch sử hang Huyện: Nơi đây, vào cuối thế kỷ XIX, giặc “cờ đen” từ phương Bắc kéo về vùng Võ Nhai. Nhân dân vùng Tràng Xá đã lợi dụng diện tích rộng lớn, vị trí hiểm trở của hang Huyện làm nơi trú ẩn và chống giặc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tổng đội 28 Gang Thép Thái Nguyên thuộc đơn vị 9303 đã về đây xây dựng, cải tạo mặt bằng trong Hang để chứa nguyên liệu sản xuất, chế tạo đường goòng vận chuyển, sản xuất vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam. Đến nay, trong hang vẫn còn lại các dấu vết do bàn tay con người xây dựng năm xưa.

Điều đặc biệt là hang sẽ cho cảm giác mát vào mùa hè và ấm nóng vào mùa đông. Anh Dũng cho biết: ở tầng 3, nơi tiếp giáp với vực sâu có con suối chảy ngầm, thời gian gần đây vẫn diễn ra hiện tượng sụt lún. Tới tận ngày nay, hang Huyện vẫn là điều bí ẩn mà chưa có ai giải mã được đến tận cùng.

Hang Huyện đã được xếp hạng Di tích Lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2009, hiện nay đang được bảo tồn nguyên trạng.

Khám phá và tìm hiểu hang Huyện.

Trân trọng và bảo tồn các giá trị lịch sử, nhưng trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, Tràng Xá là một trong những địa phương có sự “chuyển mình” mạnh mẽ nhất của huyện Võ Nhai vài năm trở lại đây.

Đến Tràng Xá thời điểm này có cảm giác như được lạc vào một “vương quốc bưởi”. Những trái bưởi diễn bắt đầu ngả vàng, lúc lỉu vít cành tỏa ra hương thơm dịu ngọt.

Tràng xã hiện có 260 ha bưởi, tăng khoảng 90 ha so với năm 2017. Cùng với việc nhân rộng diện tích, người trồng bưởi ở Tràng Xá còn đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao chất lượng của quả bưởi. Năm 2019, Tổ hợp tác sản xuất bưởi xã Tràng Xá được chứng nhận bưởi đạt chuẩn VietGAP gồm 112 hộ thành viên.

Hít hà hương bưởi thơm làm cho lòng người dễ chịu một thì sự hiếu khách của người trồng bưởi ở đây còn khiến chúng tôi cảm nhận sự dễ chịu ấy gấp trăm lần. Dù lần đầu gặp mặt, song vợ chồng anh Nông Ngọc Dương, xóm Lò Gạch chẳng thế mà nề hà hay dò xét. Đon đả mời khách đi thăm quan vườn, sẵn sàng giải đáp tất cả các câu hỏi của bất kỳ thành viên nào trong Đoàn, rồi lại xăm xắn bứt quả, gọt mang thiết đãi khách.

Câu chuyện về hành trình của cây bưởi từ vùng đất Hưng Yên đến với Tràng Xá, những gian truân buổi ban đầu và những trái ngọt ngày nay giữa chủ nhà và khách càng nói lại càng say. Nhờ sự nỗ lực dám thay đổi đó, gia đình anh Dương nói riêng và người trồng bưởi trên địa bàn xã nói chung đã ấm no hơn nhiều từ cây bưởi.

Đồng chí Hoàng Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã thông tin thêm: Cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch rõ rệt. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuyển dần sang phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng canh tác cải tiến, sử dụng các giống cây cho năng suất, chất lượng cao. Cây ăn quả như bưởi, thanh long, na, ổi, nhãn và cây chè trở thành những cây trồng mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho người dân. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, diện mạo các xóm, thôn có nhiều thay đổi… Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp xong từ đầu năm 2021 đến nay, xã Tràng Xá đã làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 của xã đến thời điểm này đã hoàn thành.

Cùng với đó là những băn khoăn, trăn trở kèm theo những dự định của những người đứng đầu địa phương khi ấp ủ mong muốn đưa các sản phẩm nông sản của quê nhà vươn xa hơn trên thị trường; để nỗi lo bấp bênh về giá bán không còn làm khó được người dân…

Thăm mô hình trồng bưởi tại xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá.

Sau buổi sinh hoạt chuyên đề của 2 Chi bộ, chúng tôi cảm nhận được những giá trị thông qua những gì đã được tiếp cận tại cơ sở. Thực tế đó dường như đã “chạm” vào mong muốn được tri ân lịch sử, thổi bùng lên khát vọng vươn lên, được lan tỏa nhiều hơn những giá trị tốt đẹp của mỗi cán bộ, hội viên hai đơn vị.

Kim Ngân - Anh Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy