Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:35 (GMT +7)

Đến với cuộc đời – Andrew Beall (Mỹ)

VNTN - Chàng trai có một ước mơ. Chàng mơ ước trở thành một họa sĩ lớn, một người có những tác phẩm nghệ thuật thật sự chứ không đơn thuần chỉ là những vật trang trí. Chàng muốn tác phẩm của chàng chạm đến trái tim con người. Trí óc chàng đầy những ý tưởng hào hứng, tươi mới. Tất cả những gì chàng cần là vật liệu để đưa những ý tưởng ấy đến với cuộc đời.

Có một nhân vật khác cũng có ước mơ như vậy. Đó là một nhân vật mơ ước mình được sử dụng vào một việc vĩ đại. Nhưng nhân vật này không phải là người, mà là một cây bút chì. Cây bút chì này có nguồn gốc từ một cây tuyết tùng ngát hương và cứng cáp, ngày ngày nhìn về phía chân trời. Nó thấy vẻ đẹp hiển hiện trước mắt và biết rằng còn có điều kỳ diệu khác ở đó dành cho nó. Rồi thân gỗ của nó được đục chạm, bào láng và tạo hình một đầu nhọn, nhưng ước mơ của nó không thay đổi và không hề rời khỏi trí tưởng tượng của nó.

Một hôm chàng trai đi tìm vật liệu để đưa ý tưởng nghệ thuật của chàng đến với cuộc đời. Chàng chỉ có vài đồng trong túi, nhưng chàng nhất định sẽ trở về với những công cụ hoàn hảo. Chàng ghé vào một cửa hàng văn phòng phẩm. Người chủ hiệu giới thiệu với chàng bộ vật liệu phong phú sử dụng cho hội họa gồm những món đẹp và lạ của ông ta, nhưng tất cả những món đó đều đắt hơn khoản tiền chàng có. Khi sắp quay đi, chàng nghe một giọng nói từ bên cạnh quầy thu ngân gọi chàng. Chính là cây bút chì gọi. Nó nói với chàng trai: “Tôi biết tôi không đặc biệt mà cũng không sang trọng như những món khác trong cửa hiệu này, nhưng tôi muốn mình được sử dụng cho một công việc vĩ đại.” Chàng trai nhìn xuống và nói: “Bạn nói một công việc vĩ đại hả? Chính xác đó là việc tôi muốn làm.”

Thế rồi chàng trai hỏi người chủ hiệu cây bút chì nhỏ đó giá bao nhiêu.

Người chủ hiệu cười nói: “Món đồ cũ đó à? Cậu cứ lấy đi. Với một bộ sưu tập phong phú các vật liệu như thế này, tôi cần gì dùng đến nó?”

Với dụng cụ trong tay, chàng trai bắt đầu tuôn tràn những hình ảnh đã bị giam giữ trong trí tưởng chàng lâu nay. Hết bức phác họa này đến bức phác họa khác, hết đường nét này đến đường nét khác, cây bút chì giúp chàng thực hiện ý tưởng. Có một bức vẽ đặc biệt, mất nhiều tuần lễ chàng và bút chì mới hoàn tất. Chàng trai rất hãnh diện về tác phẩm đó và quyết định mang nó đến thị trấn để xem có bán được hay không. Thoạt tiên, bức tranh không được chú ý lắm, nhưng sau vài giờ, một nhà quý tộc đã để ý đến bức vẽ.

“Ôi trời. Đúng là một bức tranh xinh xắn,” bà quý tộc nói. “Con trai tôi sẽ thích nó đấy.”

Vậy là bà quý tộc mua bức tranh vẽ bằng bút chì, nhưng trước khi đi, bà nói với chàng trai: “May mắn là tôi có mấy người bạn đang rất cần tác phẩm nghệ thuật, vì thế bạn hãy sớm quay trở lại đây. Tuy nhiên, hãy dùng những vật liệu tốt hơn. Những bức vẽ bằng bút chì trông hơi buồn.”

Chàng trai nhìn cây bút chì nói, “Ta thích cách mi thể hiện tác phẩm của ta, nhưng để an toàn, ta nên mua thêm vật liệu khác.”

Vậy là, với số tiền bán tranh, chàng trai mua thêm vật liệu mới và bắt đầu vẽ nhiều tác phẩm khác. Thay vì được sử dụng tập trung cho tác phẩm, bây giờ bút chì chỉ còn được dùng để vẽ phác các đường nét ở chỗ các vật liệu khác sẽ được dùng.

Chẳng bao lâu, tác phẩm của chàng trai đã nhận được nhiều sự chú ý. Nhiều người trong thị trấn xem tranh và bản vẽ của chàng trưng bày nơi các khách sạn và nhà hàng. Không bao lâu, mọi người đều muốn có được tác phẩm của chàng. Khi tài năng của chàng tiến bộ, chàng không còn cần vẽ những đường nét phác thảo cho các bức họa của chàng nữa. Việc này làm cho bút chì lo lắng. Nó nghĩ thầm, “Làm sao mà mình được dùng để vẽ một tác phẩm lớn nếu như những vật liệu kia được dùng cho các bức họa của chàng? Bây giờ mình chỉ còn được dùng khi chàng vẽ phác trên tập phác thảo của chàng vào ban đêm. Những bức vẽ nguệch ngoạc ấy sẽ không bao giờ được bán hay được đóng khung. Mình không muốn như thế chút nào. Sao lại như vậy chứ?

Dĩ nhiên là bút chì nản lòng, nhưng nó không thôi hy vọng. Nó ngồi bên ngọn đèn trên bàn làm việc của chàng trai mỗi ngày hy vọng sẽ được chọn làm vật liệu cho tác phẩm của chàng. Trong khi bút chì chờ đợi, chàng trai bắt đầu khám phá những phương tiện truyền đạt mới cho tác phẩm của chàng. Từ tranh bích họa đến chì than, không có gì chàng không dùng được. Bất cứ vật liệu gì chàng đặt tay vào cũng đem lại thành công và sự thành công đem lại cho chàng sự giàu có đủ để mở một hiệu mỹ thuật lớn ở trung tâm thị trấn.

Năm này sang năm khác, người ở khắp nơi đến đặt tranh của chàng. “Vẽ cho đậm vào!”, một số người nói. “Dùng càng nhiều màu càng tốt”, nhiều người khác nói.

Ai cũng muốn có tác phẩm mơ ước của họ và người họa sĩ nỗ lực hết sức mình để tác phẩm của chàng làm xúc động trái tim họ. Nhưng, không ai yêu cầu người họa sĩ vẽ cho họ một bức tranh bằng bút chì cả. Cây bút chì bị lãng quên, vẫn mơ một ngày nó được lên khung vải, và nó đợi chờ mãi. Nó chỉ được dùng để ký tên. Cây bút chì nhỏ ngồi trong giá đựng và tự gọt mình. Nó biết rằng một ngày nào đó sẽ có người cần đến bức tranh mà chỉ duy nhất nó có thể thực hiện.

“Mình sẽ sẵn sàng cho thời điểm của mình,” cây bút chì nói. “Tất cả những gì mình phải làm là chờ đợi.”

Và nó đã đợi, nhưng không ai đến cả. Dần dần, các bức họa của người họa sĩ ít được cần đến và ngày càng ít người đến hiệu mỹ thuật của ông để đặt tranh. Rồi người họa sĩ trở nên già yếu. Không còn đủ sức khỏe để làm việc, ông phải đóng cửa hiệu. Cây bút chì suy sụp tinh thần. Nếu cửa hiệu đóng cửa, thì sẽ không còn hy vọng gì nó sẽ được dùng để thể hiện một tác phẩm nghệ thuật lớn.

“Sao ông lại nỡ làm điều này đối với tôi?” cây bút chì khóc với người họa sĩ già. “Tôi nghĩ ông sẽ dùng tôi để thể hiện một tác phẩm lớn! Bây giờ tác phẩm lớn nào còn có thể được làm?”

Nhưng người họa sĩ không nói gì. Ông lặng lẽ thu xếp đồ đạc, nhẹ nhàng cất cây bút chì vào túi áo khoác và đi về nhà để nghỉ ngơi.

Người họa sĩ sống nhiều tuần lễ không ra khỏi nhà. Bút chì thấy sức khỏe ông đang yếu dần. Mặt ông không còn sắc hồng và sức sống như đã từng có. Dù vậy, người họa sĩ không muốn gặp bác sĩ và bằng lòng với trang phác thảo đơn giản trong tập phác thảo của ông trong khi chứng bệnh cần được chữa trị kỹ hơn.

Một buổi sáng, khi tia nắng đầu tiên chiếu vào phòng, người họa sĩ ngồi dậy trên giường và nói với bút chì:

“Bạn ạ, tôi nghĩ tôi đã sẵn sàng để thực hiện tác phẩm lớn của mình.”

Ngạc nhiên vì sức sống bừng phát bất ngờ của ông họa sĩ già, bút chì đáp: “Thật là tuyệt. Tôi sẽ lấy màu và cọ cho ông.”

Người họa sĩ mỉm cười nói: “Không cần những thứ đó. Tôi chỉ cần bạn.”

Kiềm chế sự hào hứng, bút chì nói: “Ông biết là người ta không thích những bức tranh bút chì mà. Họ muốn những bức họa nhiều màu sắc. Họ đều nói rằng tôi trông phát chán và nhiều hạn chế.”

Với đôi mắt hiền lành, người họa sĩ nói cho bút chì yên lòng, “Tác phẩm này không phải dành cho họ. Đây là tác phẩm dành cho tôi. Họ không thể nói gì được. Bạn chỉ cần tin tôi. Về vật liệu màu, đôi mắt yếu của tôi làm cho màu sắc trông nhợt nhạt. Tôi cần một vật liệu đáng tin cậy hơn. Tay tôi quá yếu để phết những lớp màu. Tôi cần những đường nét để nói những gì tôi cần chúng nói lên. Tôi cần bạn.”

Nghẹn ngào, bút chì tránh nhìn người họa sĩ và thở dài: “Nhưng cục tẩy của tôi đã mòn vẹt từ lâu. Tôi không thể sửa chữa một đường chì hỏng.”

Không do dự, người họa sĩ cầm bút chì lên và nói: “Đã nhiều năm nay, bạn và tôi đã vẽ tranh trong tập phác thảo của tôi. Tôi biết cách dùng bạn và bạn luôn luôn cho tôi điều tôi muốn. Kể cả khi tôi không nhìn rõ, tôi biết các đường nét của bạn sẽ thể hiện thế nào. Tôi sẽ không phạm sai sót. Tôi đã bỏ cả cuộc đời mình để làm xúc động tâm can các khách hàng bằng nghệ thuật của tôi…, bây giờ tôi muốn nghệ thuật của tôi cũng làm tôi xúc động như thế. Tôi đã hình dung ra bức tranh đó rồi. Tôi chỉ cần bạn đưa nó đến với cuộc đời. Đây là lý do tôi chọn bạn.”

Vậy là không cần nói gì thêm nữa, người họa sĩ già và bút chì làm việc không mệt mỏi từ sáng đến tối. Mỗi đường nét và mảng bóng được đặt chính xác nơi cần thiết. Như thể bức tranh chuyển thẳng từ tâm trí người họa sĩ ra đầu ngọn bút chì. Với một cử chỉ nhanh nhẹn, người họa sĩ rút ngọn bút chì về và ngắm tác phẩm của mình.

Mắt ngấn lệ, người họa sĩ thì thầm với bút chì, “Thế đấy! Bức tranh đã hoàn tất.”

Với lời nói cuối cùng đó, toàn bộ sức lực của người họa sĩ rời bỏ ông và ông thả bút chì xuống bên mình, đôi mắt ông nhắm lại vĩnh viễn. Đó là lúc bút chì nhìn lên để thấy những gì mà việc làm của nó đưa đến với cuộc đời. Trên khung vải chính là người họa sĩ; một chân dung tự họa tỉ mỉ. Nhưng ông không phải là tiêu điểm. Cánh tay của người họa sĩ duỗi về phía trung tâm để cho thấy chính bút chì là vật trọng tâm. Đầu bút chì chồm về phía người xem như muốn nói chính cuộc đời mới là tác phẩm vĩ đại.

Sau đó, có mấy người đến đưa di thể của người họa sĩ đi và khi họ nhìn thấy bức tranh, một người nói, “À, ông họa sĩ già đã thực sự vượt lên chính mình. Đây thực sự là một tác phẩm đặc biệt. Nhưng thật không hay khi ông không còn thời gian để lên màu cho nó.”

Nhưng bút chì thì biết, bức tranh đó chính xác đúng là như thế. Người họa sĩ hãnh diện về nó và bút chì cũng vậy. Vì đó thực sự là một tác phẩm lớn.

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “Drawn to life”)

Nguồn: Http://www.storystar.com/php/read_story.php?story_id=11608

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước