Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:31 (GMT +7)

Đầu năm mạn đàm về những người làm thơ Thái Nguyên

Những tác phẩm mới xuất bản năm 2020 của hội viên Chi hội Thơ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

đâu cuồng nhiệt thơ hơn thì không biết nhưng Thái Nguyên hiện có khoảng hơn triệu dân thì có đến hàng ngàn người đang hàng ngày, hàng giờ mải miết với thơ. Chỉ tính riêng Chi hội Thơ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, có 45 hội viên, thì có đến dăm, sáu người là lãnh đạo, là “thủ lĩnh tinh thần” của các câu lạc bộ thơ: nhà thơ Hữu Bài - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Mùa thu, nhà thơ Trần Đình Vinh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Sông Cầu, nhà thơ Dương Văn Ký - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Đường luật, nhà thơ Nguyễn Việt Bắc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Lục bát Thái Nguyên… Riêng Câu lạc bộ thơ Lục bát Thái Nguyên cũng có gần chục chi hội cơ sở tỏa khắp các huyện thành, mỗi chi hội cơ sở ấy cũng có tới hàng trăm hội viên. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có những trang thơ mạng như Tình Người Thái Nguyên với hàng nghìn hội viên, Muôn dặm hồn quê cũng chừng ngần ấy. Ngoài ra, các văn nhân thi hữu Thái Nguyên tham gia Quán Chiêu Văn, Hội Nhà Văn..., những trang mạng đang nổi tiếng trên facebook, cũng đến con số hàng trăm người. Tựu trung lại, Thái Nguyên hiện có khoảng vài nghìn người làm thơ, chắc thế.

“Tập huấn chuyên môn chuyên ngành Thơ năm 2020” - một sinh hoạt chuyên môn bổ ích của Chi hội Thơ năm vừa qua. Ảnh: Trần Tác.

Thơ thì ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, luôn là một đam mê, một thú vui của tất cả các tầng lớp từ bình dân đến trí thức. Làm thơ là một cách sống vui - khỏe - có ích. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ thơ thường nhật của bất cứ câu lạc bộ nào ở Thái Nguyên cũng như những ngày hội. ở đó, người ta trân trọng đọc cho nhau nghe, chia sẻ và chung vui với nhau những vần thơ mới viết. Thơ làm cho cuộc sống này trở nên trong trẻo, nhẹ nhàng hơn. Thời đại internet cũng giúp cho việc trao đổi, giao lưu thơ ca trở nên dễ dàng. Các nhà thơ ít nhiều thành danh có thơ được in trang trọng trên các báo, tạp chí tên tuổi, cảm thấy vui đã đành, các tác giả phong trào cũng có những hạnh phúc riêng với những niềm vui không kém. Chỉ cần nhìn bài thơ mình viết đăng trên mạng xã hội, rồi được đọc những comment với những lời ngợi khen hào phóng của bạn bè, cũng đủ để thấy lòng lâng lâng, yêu hơn mọi người và yêu hơn chính bản thân mình. Suy cho cùng, thơ là nghệ thuật, nghệ thuật nào chẳng có thứ đỉnh cao và phong trào, chuyên nghiệp và nghiệp dư. Người ta đỉnh cao, chuyên nghiệp ở đâu kệ họ, mình bằng lòng với thứ thơ bình dân, với thứ thơ phong trào mà sức lan tỏa của nó còn mạnh mẽ, rộng rãi gấp nhiều lần, nếu xét từ phương diện công chúng, từ phương diện người đọc. Ai đó chả bảo thơ càng công phu, càng đỉnh cao, càng kén người đọc là gì. Vậy nên, nói gì thì nói, cứ có nhiều người đọc là có nhiều niềm vui cho người làm thơ. Và vì vậy, Thái Nguyên vẫn là một trong những tỉnh mạnh về văn chương nghệ thuật, mà mạnh nhất có lẽ lại chính là thơ.

Vui thì vui vậy, nhưng vẫn phải nhận ra điều này: trong những người làm thơ Thái Nguyên hôm nay, còn quá trống vắng những cây viết trẻ. Nhìn vào Chi hội Thơ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ thấy rõ, người trẻ nhất hiện nay có lẽ là Dương Văn Mưu, Phạm Văn Vũ... Nói là trẻ thế thôi nhưng cũng ngót nghét bốn chục tuổi cả rồi. Còn lại là những người già, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa đen về tuổi tác và nghĩa bóng về khả năng sáng tạo, làm mới cho thơ. Cao tuổi nhất là nhà thơ Ngọc Minh đã cửu tuần, ít hơn chút nữa thì đến các nhà thơ Túc Văn, Hữu Bài, Trần Cầu, Vũ Đình Toàn,… cũng đều ngoại bát tuần cả. Trẻ hơn như nhà thơ Hiền Mặc Chất, ấy là nói cái phong độ, năm nay cũng vừa chạm đến ngưỡng tám mươi. Tuổi trung bình của hội viên chi hội Thơ chắc chắn phải trên sáu chục. Nên mới nói: “già rồi”. Mặc dù có bác vẫn viết nhiều, viết đều và viết hay, song phần đông, đã bắt đầu ngại viết. Giữ được cho mình sức khỏe, đã là một việc nan giải rồi, giữ được sự trẻ trung khỏe khoắn cho thơ, càng cần một sự nỗ lực. Không phải ai cũng có được phong độ dẻo dai, bền bỉ như các nhà thơ Ngọc Minh, Hữu Bài… nhưng dấu ấn của tuổi tác vẫn hằn sâu trong cách viết.

Thái Nguyên từng đã có một thời Văn nghệ Việt Bắc vang danh, nơi tề tựu của những nhà thơ ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Thái Nguyên vẫn là một trung tâm văn hóa, giáo dục góp phần đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, một đội ngũ trí thức đáp ứng phần nào yêu cầu phát triển của đất nước. Vậy nên, Thái Nguyên cũng chưa bao giờ hiếm những nhà thơ đích thực, theo nghĩa khắt khe nhất của từ này. Chỉ có điều, trong những người làm thơ ở Thái Nguyên hôm nay, có một đội ngũ “thợ lặn”.

Họ lặn vào cõi khuất của thơ, lánh thơ để làm thơ như một nỗ lực “làm mới mình”. Có thể kể đến một vài nhà thơ cụ thể để minh chứng cho điều này. Hồ Triệu Sơn sau “Ngoảnh lại mùa thu” hồn nhiên, nồng nàn, liên tục làm mấy cuộc dấn thân để giờ lặng im một cách đáng ngờ. Ông nguyên là đại tá quân đội, nay có lẽ đang sử dụng chiến thuật “im lặng nghi binh” để rồi trình làng một “cái gì đó” thật mạnh mẽ, thật mới mẻ và đầy cá tính chăng? Mạnh mẽ như con người ông và mới mẻ, táo bạo như thơ ông thời gian gần đây, thi thoảng “điểm danh” trên tờ Văn nghệ Thái Nguyên, đủ để lại một chút xáo động thoảng chốc, rồi lại miên man mơ hồ như cái cách ông vốn thế. Võ Sa Hà sau Cánh chim về núi và Lửa trắng với nhiều dấu ấn sáng tạo (anh là một trong số ít nhà thơ Thái Nguyên đoạt giải thưởng thơ của báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội), giờ cũng lặng im một cách khó hiểu. Thi thoảng, anh đăng những bài thơ như đùa, như bỡn trên mạng và cả trên báo. Những bài thơ viết như không phải của anh, không phải là anh. Nhưng tiếp xúc mới thấy con người ấy còn nội lực căng tràn lắm, chỉ có điều anh không/chưa tự bằng lòng với mình, quyết đi tìm một “bến đỗ khác” cho thơ. Chưa ai, có khi ngay cả Võ Sa Hà, dám đoán chắc một điều, rằng khi anh đoạn tuyệt với vị thần hộ mệnh là ngọn núi Sa Hà, khi thơ anh không còn “hồi quê” về với núi, thì có còn thao thiết, mãnh liệt và đằm đẵm như xưa?

Phạm Văn Vũ là đại diện tiêu biểu cho thơ trẻ Thái Nguyên. Thơ Vũ nhẹ nhàng, thủ thỉ mà đôi khi đau đáu, ứa nghẹn. Vũ làm thơ không chỉ bằng bản năng trời phú mà còn bằng một thái độ nghiêm cẩn, giống như một học giả, một nhà khoa học. Anh chăm chút bằng thái độ cầu thị và cầu toàn. Thi thoảng, lóe lên một vài bài thơ Vũ trên các trang báo, rồi lại rơi vào ấp ủ, đợi lên men.

Thái Nguyên là thế, không chỉ tĩnh lặng mà còn có sự ồn ào. Điềm tĩnh như Nguyễn Thúy Quỳnh, tự vấn, tự trải như Cao Hồng, đau đáu như Minh Thắng, cá tính như Lưu Thị Bạch Liễu… ấy là thơ nữ. Còn ở bên phái mạnh, trái ngược với phần đông tĩnh lặng là một phía ồn ào, phía đó có Nguyễn Đức Hạnh và Ngọc Tuấn. Nguyễn Đức Hạnh luôn gây bất ngờ bằng sự rẽ ngang, phanh gấp. Anh là một nhà giáo, là phó giáo sư tiến sĩ chuyên ngành lí luận văn học, vào hội viên hội nhà văn cũng là ngạch ấy. Anh đã trình làng mấy tập thơ. Rồi đột nhiên, anh quay sang viết truyện ngắn. Rồi mới đây anh lại tiếp tục làm thơ, đúng hơn là làm một cuộc lột xác trong thơ. Người đọc tinh dễ nhận ra trong anh một mong muốn đổi mới, một nỗ lực đi tìm ngã rẽ cho thơ mình. Anh viết như chạy trốn, viết đâu đăng đấy, trên báo trên đài trên facebook, miễn là được viết ra. Anh viết ào ào như sợ chỉ dừng lại một phút thôi thì thơ trốn mất, viết như một thứ bản năng, như lời nói hơi thở vậy. Ngọc Tuấn thì khác, thơ Ngọc Tuấn điệu đàng hơn, duyên dáng hơn, mềm mại hơn nhưng cũng không kém phần sôi nổi. Mới đây, Ngọc Tuấn trình làng một bản thảo có tới hơn hai trăm bài thơ lục bát, bài nào cũng thành “cơm”, thậm chí “cơm tám” hẳn hoi.

Vài khắc nữa cũng là sang năm mới, mỗi năm một sự, mỗi năm một nỗi đa đoan. Người làm thơ mặc nhiên coi đó là duyên, là nợ, là nghiệp. Vật đổi sao dời, nương dâu bãi bể, tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên là nơi hội tụ tình thơ, tình đời, hội tụ tình yêu và niềm tin, nay đã đi vào lịch sử, nhường bước cho tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên với một sứ mạng mới và hy vọng mới. Chắc chắn một điều, những người làm thơ Thái Nguyên mãi vẫn là những người chung thủy, sắt son với thơ và đăm đắm với nền văn nghệ tỉnh nhà. Thái Nguyên trăng lên rất khẽ/ Trăng tà nghiêng cả núi Voi (Võ Sa Hà). Thái Nguyên là thế. Thơ Thái Nguyên là thế, khẽ khàng thôi mà mạnh mẽ vô chừng!.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy