Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
14:34 (GMT +7)

Đại hội IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Nhiều đổi mới trong phương hướng hoạt động

VNTN - Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 07/01 đến ngày 09/01/2016) tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2016  2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam mở ra những triển vọng mới cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.


Với sự tham gia của 281 đại biểu chính thức đại diện cho 10 Hội chuyên ngành TƯ, các cơ quan TƯ quản lý VHNT và 63 Hội VHNT địa phương, vinh dự được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo, Đại hội đã thảo luận, thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2010 - 2015, phương hướng nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021, Điều lệ (sửa đổi); hiệp thương và bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội.

Thu hút sự quan tâm của đại biểu tham dự là bản phương hướng phát triển văn học nghệ thuật nhiệm kỳ 2016 - 2021 với những nội dung quan trọng, thể hiện sâu sắc tầm vóc văn hóa,  trách nhiệm to lớn trước đất nước và dân tộc của tổ chức duy nhất đại diện cho giới văn nghệ sĩ cả nước. Với mong muốn “xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thực sự là một tổ chức vững mạnh, tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một trình độ mới, dân tộc, hiện đại…”, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới là hết sức cao cả: “Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống; phê phán, đẩy lùi mọi cái xấu, cái ác góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện -  mỹ, làm tròn sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tinh thần quyết liệt đổi mới của lãnh đạo Liên hiệp thể hiện ngay ở phương châm hoạt động, đó là đổi mới phương thức hoạt động, chuyển mạnh sang hỗ trợ chiều sâu, đặc biệt coi trọng chất lượng và hiệu quả sáng tạo. Ở nhiệm kỳ cũ, việc đầu tư hỗ trợ chiều sâu, hỗ trợ hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ đã được Liên hiệp quan tâm, thông qua việc tham mưu với Chính phủ duy trì Đề án hỗ trợ sáng tạo giai đoạn 2011 - 2015. Nhưng “mạnh dạn chuyển sang hỗ trợ chiều sâu kiên quyết tránh dàn đều, biến công tác hỗ trợ sáng tạo thành phúc lợi nghề nghiệp” là một trong những bài học kinh nghiệm được lưu tâm. Nhiệm kỳ này, Đề án hỗ trợ sáng tạo giai đoạn 2016 - 2021 tiếp tục được xây dựng theo hướng chuyển mạnh sang đầu tư chiều sâu, chú trọng các lĩnh vực trọng điểm như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc.

Đáng chú ý hơn nữa là việc xây dựng Đề án thống nhất mô hình và phương thức hoạt động của các Hội VHNT từ trung ương đến các tỉnh thành phố trong cả nước về tất cả các mặt: tổ chức, danh tính, biên chế, kinh phí hoạt động, mối quan hệ tương tác... Nội dung này cũng được đưa vào kiến nghị của Đại hội gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với kiến nghị thúc đẩy tiến trình xây dựng cơ chế chính sách đối với văn học nghệ thuật triển khai Nghị quyết 33 của BCH TƯ Đảng khóa XI.

Về công tác chuyên môn, giải pháp được coi là quan trọng hàng đầu là kiên quyết khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, từ lãnh đạo, quản lý, điều hành đến mọi hoạt động sáng tạo, quảng bá, giao lưu, hội nhập quốc tế.

Tổ chức trại sáng tác, đi thực tế theo hướng chuyên đề từng lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức trại và đi thực tế sáng tác cũng là một giải pháp được coi trọng, nhất là nhằm khắc phục tình trạng số đông văn nghệ sĩ hiện nay tập trung ở các đô thị lớn nên bị hạn chế vốn sống ở nông thôn nhất là miền núi,  vùng cao, các khu vực, công trình công nghiệp.

Hoạt động công bố tác phẩm, báo chí văn nghệ, hoạt động lý luận phê bình cũng được đề cao hơn. Đổi mới việc xuất bản Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thành tuần báo và phát triển trang điện tử là một trong những nội dung được đưa vào phương hướng. Khuyến khích các Hội lập các Quỹ sáng tạo, tiến hành xã hội hóa các nguồn lực để phát triển văn học nghệ thuật.

Với đại biểu các Hội địa phương, Đề án Nhà nước hỗ trợ sáng tạo báo chí văn học nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2021 được khởi động từ mấy năm nay thực sự nằm trong sự chờ đợi, mong mỏi lớn. Bởi đó được xem như giải pháp đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn về tài chính cho việc duy trì hoạt động của các tạp chí văn nghệ địa phương. Tuy nhiên, tại Diễn đàn của Đại hội, lãnh đạo Liên hiệp cũng thẳng thắn thừa nhận: Liên hiệp đã làm hết sức và kết quả vẫn chưa được như mong đợi, vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ. Hy vọng trong thời gian gần nhất, Đề án này sẽ được Chính phủ phê duyệt thực hiện, để báo chí văn nghệ được tiếp thêm sức lan tỏa, đến được với các nhà trường, với đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Khép lại Đại hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 bằng quyết tâm chính trị “Nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác, quảng bá các giá trị VHNT vì sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam làm tròn sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” cùng một phương hướng mang chứa tinh thần đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến phương thức hoạt động, hy vọng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - tổ chức đại diện cho một bộ phận tinh hoa của xã hội, thực sự xứng đáng với sứ mệnh đặc biệt của mình trong lòng Tổ quốc và nhân dân.

Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã hiệp thương bầu ra ủy ban toàn quốc Liên hiệp gồm 76 thành viên; bầu Đoàn Chủ tịch ủy ban toàn quốc Liên hiệp gồm 25 thành viên; bầu ủy ban Kiểm tra gồm 7 thành viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh được bầu tái cử chức Chủ tịch Liên hiệp; 5 Phó Chủ tịch Liên hiệp gồm: Nhà văn Đỗ Kim Cuông, nhà văn Tùng Điển, họa sĩ Trần Khánh Chương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Nông Quốc Bình. 

Quỳnh Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy