Công viên Sông Cầu
Công viên Sông Cầu - Ký ức tuổi thơ tôi
VNTN- Tôi luôn tin rằng, công viên chính là một mảnh hồn không thể thiếu đối với tuổi thơ của mỗi con người. Đôi khi nó còn là nền móng, là điểm xuất phát cho những tài năng nghệ thuật…
Những sinh viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc tại Công viên Sông Cầu (năm 1996)
Năm lên sáu, tôi theo gia đình từ Đại Từ về sinh sống tại thành phố Thái Nguyên
Thái Nguyên ngày ấy là một đô thị đơn sơ, nghèo nàn. Nhiều dãy phố còn là những mái nhà lợp lá cọ nối nhau. Chẳng thế mà một thời Thái Nguyên có cái “danh hiệu” không mấy thiện cảm: “Thành phố que diêm”, với ý nghĩa chỉ cần một que diêm cũng có thể làm cho cả thành phố hóa thành tro bụi. Thành phố Thái Nguyên đã có một thời như vậy. Đồi núi lô nhô, nham nhở xen phố xá, mặt đường bụi đỏ mịt mù, nhà tranh vách đất, đèn điện đỏ lòm như ma trơi. Vậy mà, cái ngày theo bố mẹ về Thái Nguyên sinh sống, không hiểu sao ngay từ lúc đặt chân đến tôi đã có cảm tình với cái “thành phố que diêm” ấy.
Với lứa tuổi của tôi thì đường phố tấp nập, đông vui không phải là những gì quá cuốn hút. Hình ảnh thân thương nhất đối với tôi chính là bởi thành phố hồi đó có một khu công viên rất hấp dẫn. Tuy không quá rộng rãi và còn mang vẻ hoang sơ nhưng ngay từ giây phút đầu tiên nó đã làm tôi bị mê hoặc. Ngày ấy, mọi người gọi công viên bằng một cái tên giản dị là “Vườn hoa Sông Cầu”. Tên như vậy bởi công viên chạy dọc theo con sông Cầu thơ mộng.
Thế rồi từ đấy, công viên Sông Cầu đối với tôi trở thành một người bạn thân thiết. Ngày nào không đảo qua công viên được một lần là cứ ra ngẩn vào ngơ. Cái công viên bé nhỏ ấy không phải là mảnh đất vô tri vô giác mà là một sinh linh đối với tuổi thơ tôi. Chỉ cần lách người qua hàng rào cây xanh, chân chạm vào thảm cỏ công viên là trái tim tôi lại đập rộn ràng với bao điều kỳ thú. Hàng cây mát rượi vươn mình trong ánh nắng pha lê, những chùm hoa nắng lấp lánh trên hàng ghế đá, những bông hoa dại rực rỡ treo trên hàng rào, dàn nhạc ve dệt mùa hè bên tán phượng đỏ tươi, tiếng chim hót lảnh lót trong veo…
Và mưa! Bạn có biết không? Mưa mùa xuân ở công viên mới tuyệt làm sao. Màn mưa mỏng như bong bóng xà phòng màu trắng muốt phủ kín đất trời. Mùi ẩm mốc, hăng hăng gợi cảm từ những đám lá khô bắt đầu bay lên khi bị những giọt mưa đánh thức. Công viên ngày ấy chưa thật sự phát triển nhưng cũng khá đầy đủ các thiết bị vui chơi giải trí. Tôi vẫn không sao quên được những buổi trưa hè chơi đùa cùng lũ bạn. Cả bọn thường tranh nhau chiếc bập bênh khiến nó đứng im không thể nhúc nhích trước những tràng cười thoải mái, vô tư. Rồi những chiếc đu quay chỉ đến khi quá chóng mặt mới chịu nhường lại cho đứa khác. Rồi những buổi chiều êm ả, từng tốp người đi dạo, tập thể dục, thong dong trò chuyện. Vui nhất là tiếng lọc cọc ở dãy bóng bàn vọng lại. Các trận đấu thường rất nhẹ nhàng vì cả hai bên không ai dám “tiu” mạnh bởi cái “lưới” được xếp bằng hàng gạch đỏ, bóng chạm vào là nứt (hồi ấy mua được quả bóng bàn là khó lắm).
Khi mùa đông tới, những buổi tối ở công viên có vẻ hơi vắng buồn. Dãy đèn điện đỏ quạch chẳng đủ sáng nối đuôi nhau hun hút về phía bờ đê sông Cầu. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi, mùa đông ở công viên vẫn có một vẻ đẹp riêng. Đó là những đống lửa lập lòe ấm áp ở góc công viên do chúng tôi vun củi khô nhóm lên. Chính vào lúc ấy, dường như tiếng vỗ nhẹ của sóng sông Cầu mới có dịp rầm rì trong tĩnh mịch và giá rét của mùa đông. Từ những đốm lửa ấy biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn, bao nhiêu ước mơ được thắp sáng… Một hình ảnh đầy lãng mạn nữa là vào những buổi tối muộn mùa đông, ta thường được gặp những chiếc xe đạp nhiều mầu, nhiều hãng dựa bên những gốc cây. Ngay cạnh những chiếc xe đạp ấy là những đôi lứa ngả đầu bên nhau như những đôi chim tràn đầy hạnh phúc. Đó chính là những “đốm lửa” sưởi ấm công viên trong những đêm giá buốt, cũng là vẻ đẹp kỳ ảo của mùa đông mà dường như chỉ ở công viên Sông Cầu mới có. Vâng! Ở đời có những điều mà chỉ ở tuổi ấu thơ, tuổi hoa niên mới nhìn, mới nghe thấy, còn khi bước sang tuổi trung niên, lão niên ta không còn hình dung được nữa.
Tôi lớn dần lên. Lúc bắt đầu có cảm giác xấu hổ trước bạn gái cùng lớp bởi mái tóc cóc gặm do bố cắt thì điểm đến của tôi vẫn là công viên. Tôi còn nhớ rất rõ hồi ấy dưới mỗi gốc xà cừ là một thợ cắt tóc. Tuy không có biển cửa hiệu nhưng để nhận biết chỉ cần nhìn hình dạng gốc cây là biết chủ hiệu là ai. Đến giờ tôi vẫn chưa quên những “tay kéo vàng” thời đó như Trần Huy, Phạm Đức, họ đều “thành danh” từ những gốc xà cừ ở công viên Sông Cầu. Chỉ là những người lao động bình thường trong cuộc sống mưu sinh nhưng tôi biết “tên tuổi và tài nghệ” của họ còn lưu lại trong nhiều thế hệ trẻ chúng tôi trên đất Thái Nguyên.
Ngày ấy, tất cả hình ảnh của công viên đều hiện lên trong tôi với một xứ sở thần tiên như thế. Chao ôi! Ai không có những ký ức về công viên Sông Cầu thì quả là quá thiệt thòi.
Đã trôi qua gần bốn mươi năm, tôi chợt hiểu, hóa ra những ký ức, những kỷ niệm sâu thẳm trong cuộc đời của mỗi con người đôi khi lại chỉ là những mảnh vụn rất bình thường, tưởng như vô nghĩa. Bạn có tin không, cho đến tận bây giờ mà tâm trí tôi vẫn hình dung rõ mồn một những bông hoa dại với bao màu sắc treo lửng lơ trên hàng rào công viên, vẫn nghe thấy tiếng chim trong veo trên tán xà cừ cổ thụ, vẫn nghe thấy tiếng quả bóng nhựa lọc cọc trên chiếc bàn bóng cũ kỹ, vẫn vẳng vẳng đâu đây tiếng đánh kéo thành thạo vui tai của những bác thợ cắt tóc có những bàn tay vàng, vẫn nhìn thấy chiếc đu quay cùng tiếng cười mãn nguyện của lũ trẻ,… Và tôi biết, từ cái công viên bé nhỏ kia đã xây nên hạnh phúc cho biết bao lứa đôi. Tất cả không chỉ là những hình ảnh cụ thể mà đã trở thành những mảnh ký ức không thể phôi pha của tâm hồn. Nó là dấu son trong đời người. Ở Thái Nguyên tôi từng quen một nhà văn mà tác phẩm của ông thường thấp thoáng bóng hình của công viên Sông Cầu ngày ấy. Tôi cũng quen một nhạc sĩ mà trong giai điệu nhiều ca khúc của anh như mang theo tiếng gió xạc xào từ con sông Cầu lơ thơ thổi về phía công viên trong những buổi chiều thu yên tĩnh.
Còn tôi, đang công tác cho một tờ báo, luôn mang cảm giác như một định mệnh: Dường như trong mỗi bài viết, mỗi bức ảnh hay trong tác phẩm hội họa đều bắt đầu từ những ám ảnh khôn nguôi của cái công viên thuở ấy. Mỗi khi sáng tác, những ẩn ức công viên trong tôi lại như được thăng hoa.
Giờ đây, có thể nhiều người chưa nghĩ hoặc chưa kịp nghĩ rằng, công viên trong mỗi thành phố chỉ là những nơi giải trí, vui chơi, như một sự trang điểm cho đô thị… Nhưng tôi thì luôn tin rằng, công viên chính là một mảnh hồn không thể thiếu đối với tuổi thơ của mỗi con người. Đôi khi nó còn là nền móng, là điểm xuất phát cho những tài năng nghệ thuật…
Công viên Sông Cầu không còn nữa. Tất cả đã đi vào dĩ vãng. Nhưng trong tôi, cái công viên thần tiên ấy mãi mãi là một giấc mơ huyền diệu, một sắc màu tươi sáng của cuộc đời.
Học sinh trường THPT Lương Ngọc Quyến tại công viên Sông Cầu (năm 1995)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...