Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:05 (GMT +7)

Con vẹt

Gurudev Rabindranath Tagore (1861 - 1941) là đại diện tiêu biểu của văn hóa Ấn Độ, được tôn vinh là một trong “Tam vị nhất thể” của Ấn Độ hiện đại, cùng với Mahatma Gandhi và Jawarharlal Nehru.

 

Chân dung nhà thơ Tagore

Là nhà thơ Châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, nhà thơ duy nhất trên thế giới sáng tác quốc ca cho cả hai nước Ấn Độ và Bangladesh, Rabindranath Tagore không chỉ là ngôi sao sáng trên bầu trời Ấn Độ thời kỳ Phục Hưng mà còn là nguồn cảm hứng bất tận để nhân loại nghiên cứu và tìm hiểu.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Tagore đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: khoảng 1.000 bài thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết cùng hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận… 2.000 tranh vẽ; hơn 2.000 bài hát và nhờ đó đã sáng tạo nên Rabindra Sangeet - một thể loại âm nhạc Bengal mang tên ông. (Theo “Rabindranath Tagore - Mặt trời của nền thi ca Ấn Độ” của Anh Vũ - Ngọc Quỳnh).

1. Xưa kia có một con vẹt. Đó là một con vẹt cực kỳ ngu ngốc. Nó hát những bài ca, nhưng không đọc được Kinh. Nó bay, nó nhảy, nhưng chẳng có chút nhận thức nào về phép xã giao.

Đức Vua nói: “Đúng là đồ chim! Chúng chẳng có ích gì cả. Chúng chỉ ăn quả trong vườn và thị trường hoa quả đâm ra thiếu hụt”.

Ông gọi quan Thượng Thư, và ra lệnh: “Hãy giáo dục nó!”.

2. Cháu trai của Đức Vua được giao trách nhiệm giáo dục con vẹt. Các vị học giả tổ chức những cuộc hội thảo dài ngoằng, chủ đề là: “Nguyên nhân nào đằng sau sự ngu dốt của sinh vật này?”.

Kết luận là: Kiến thức lớn không thể chứa được trong cái tổ bé xíu do con chim làm chỉ với cành con và mảnh rác của nó. Vì thế, trước hết, điều cần thiết là phải làm một cái lồng tốt cho nó.

Các vị học giả được trọng thưởng và vui vẻ về nhà.

3. Người thợ kim hoàn khởi sự làm cái lồng vẹt. Cái lồng hình thành đẹp đến mức tất cả mọi người dưới bầu trời này ùa đến xem lồng.

Một số người nói, “Vậy mới đúng là giáo dục!”, nhiều người khác nói, “Giáo dục hay phi giáo dục chẳng thành vấn đề, chí ít là con vẹt đã có được cái lồng! Quả là một con chim may mắn!”.

Người thợ kim hoàn được trọng thưởng một bao đầy phẩm vật. Anh ta hân hoan về nhà.

Nhà giáo sư học giả đến dạy cho con vẹt. Ông ta lấy một nhúm bột thuốc lá để hít và nói, “Một vài quyển sách sẽ không làm nên chuyện”.

Người cháu của Đức Vua bèn triệu tập những người viết thuê. Họ chép nhiều cuốn sách rồi lại chép từ những cuốn sách đó và làm thành một đống khổng lồ những cuốn sách như vậy. Bất kỳ ai nhìn thấy đống sách, đều nói, “Hoan hô! Kiến thức đang tràn ngập!”.

Những người chép thuê được những xe đầy phẩm vật. Lập tức họ về nhà ngay. Hậu duệ của họ từ đó không ai bị đói nghèo nữa.

Cháu của Đức Vua thì luôn luôn bận rộn làm những việc không bao giờ hết dành cho cái lồng quý giá. Việc sửa sang cái lồng khá đều đặn. Ngoài ra, còn phải rửa, lau và đánh bóng cái lồng. Mọi người đều nói: “Chắc chắn đó là những dấu hiệu của sự tiến bộ”.

Nhiều người được thuê và để tư vấn cho họ, nhiều người nữa lại được thuê. Mỗi người trong số đó được một nắm tiền vàng mỗi tháng và họ cất đầy tủ.

Họ, anh em trai, chị em gái và anh em họ của họ bắt đầu sống trong sự giàu sang và hạnh phúc.

4. Thế giới này thiếu nhiều thứ, chỉ có những người ưa-bắt-bẻ là đầy cả ra. Họ nói, “Đúng là có những cải tiến cho cái lồng, nhưng không có ai chăm sóc đến con chim”. Những lời này lọt đến tai Đức Vua. Ngài gọi người cháu lại và nói, “Cháu thân yêu, điều ta nghe nghĩa là gì?”.

 

Người cháu nói: “Thưa Đức Vua! Nếu Người muốn biết sự thật thì hãy triệu tập người thợ kim hoàn, gọi đến các vị giáo sư học giả và cả những người viết thuê, triệu tập thợ sửa chữa và những người tư vấn của họ. Những người ưa-bắt-bẻ không thể biết rõ và nói chuyện vớ vẩn”.

Sự việc trở nên trong như thủy tinh đối với Đức Vua, và một chiếc vòng vàng ngự lên cổ người cháu.

5. Đức Vua ước gì chính mình thấy được cái tốc độ ánh sáng mà sự giáo dục đang tiến hành. Vì thế một ngày nọ Ngài đến trung tâm giáo dục với toàn thể triều thần của Ngài.

Ngay khi Ngài đến lối vào, chuông trống, đàn sáo, đàn lia, đàn luýt, đàn viôlôngxen và viôlin, chiêng, măng đô lin, kèn và đủ thứ nhạc cụ khác nổi lên. Các học giả hất những món tóc rũ và bắt đầu hát những bài tụng ca bằng giọng cao nhất của họ. Những người thợ và người lao động, thợ kim hoàn và những người chép thuê, những người tư vấn và anh em họ đón chào Đức Vua quá sức náo động.

Người cháu nói, “Tâu Đức Vua! Người nghĩ gì?”.

Đức Vua nói, “Thật là ngạc nhiên! Lượng âm thanh này thật không tầm thường!”.

Người cháu nói, “Thưa Đức Vua, đây không chỉ là âm thanh, mà còn là một khoản tiền không tầm thường sau nó”.

Đức Vua cực kỳ hài lòng. Ngài bắt đầu quay lui. Ngài ra đến cửa trước và sắp lên voi, thì một người ưa-bắt-bẻ đang nấp sau một bụi cây kêu lên, “Đức Vua! Ngài đã xem con chim chưa?”.

Đức Vua giật mình. Ngài nói, “Ồ! Ta quên. Ta đã không hề thấy con chim”.

Một lần nữa Ngài lại trở vào và bảo học giả, “Ta muốn xem phương pháp giáo dục con chim của ông”.

Và Ngài thấy phương pháp đó. Thực sự rất hài lòng. Phương pháp giáo dục so với con chim thì thật quá mức đến nỗi người ta hầu như không chú ý đến con chim nữa. Có vẻ không thích đáng lắm nếu nhìn con chim. Đức Vua hiểu rằng các sự sắp xếp không hề sai sót. Không có hạt ngô trong lồng, cũng không có nước. Chỉ có cả đống trang sách được xé ra từ cả đống sách, và với đầu ngọn bút, những trang sách đang được nhét vào miệng con chim. Không còn chỗ nào trong miệng con chim để nó có thể phát ra một tiếng kêu, một âm điệu đơn lẻ. Đó thật sự là một cảnh thú vị kinh khủng.

Lần này, trước khi lên voi, Đức Vua ra lệnh cho quan kéo-tai hãy thẳng tay kéo tai kẻ ưa-bắt-bẻ.

6. Như có thể dự đoán, con chim sống dở chết dở theo từng ngày trôi qua. Những người giám sát hiểu rằng tình thế này đầy hy vọng. Nhưng dù vậy… theo những thói quen xấu của nó… con chim nhìn ánh nắng mai và đập cánh theo cách rất đáng chê trách. Một vài ngày thậm chí nó còn ra sức phá gãy những thanh lồng bằng cái mỏ yếu ớt của nó.

Quan quản lý nói: “Thật là cả gan!”.

Lập tức, người thợ rèn được triệu đến ban giáo dục với đủ đồ lề ống thổi, lửa, búa và đục. Những thao tác của ông ta thật là ngoạn mục. Một sợi dây xích được chế tạo còn đôi cánh của con chim bị cắt cụt.

Những người bà con của Đức Vua lắc đầu bi tráng và nói: “Ở xứ này, anh thấy đấy, những con chim không những ngu ngốc mà còn bạc bẽo nữa”.

Rồi những vị học giả đến với tay bút tay giáo và làm một việc có thể thực sự gọi là giáo dục.

Người thợ rèn được tiếng làm-rất-giỏi. Vợ anh ta được đồ trang sức vàng. Quan quản lý được Đức Vua ban tước hiệu nhờ sự báo động của mình.

7. Con chim chết… chẳng ai biết vào lúc nào. Người ưa-bắt-bẻ bỉ ổi loan tin này, “Con chim đã chết”.

Đức Vua gọi người cháu lại và hỏi: “Cháu yêu mến, điều ta nghe có nghĩa gì?”.

Người cháu nói: “Thưa Đức Vua, việc giáo dục con chim đã hoàn thành”.

Đức Vua hỏi: “Nó vẫn nhảy nhót chứ?”.

Người cháu nói: “Thượng đế cấm”.

“Nó còn bay chứ?”.

“Không ạ”.

“Nó còn hót không?”.

“Không ạ”.

“Nó còn kêu khi không có thức ăn không?”.

“Không ạ”.

Đức Vua nói, “Mang con chim lại đây. Ta muốn thấy nó”.

Con chim được mang vào. Cùng vào với nó là quan quản lý, những người giám sát, những kỵ sĩ. Đức Vua vuốt ve con chim. Nó không há mỏ và không phát ra một tiếng nào. Chỉ có những trang sách, đã bị nhét vào bụng nó, phát ra tiếng rột roạt nho nhỏ.

Bên ngoài, gió nam nhẹ thổi và cây rừng ra hoa đang báo hiệu mùa xuân, những chiếc lá xanh thả vào bầu trời tiếng rì rào sâu lắng.

Truyện ngắn. Rabindranath Tagore (Ấn Độ)

Dịch giả: Võ Hoàng Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước