Còn không 9 bậc cầu thang
VNTN- Chia tay Duy, tôi chạy xe chầm chậm trở ra, lẩm nhẩm hát “Chín bậc núi rừng, chín bậc nghiêng nghiêng...”, lòng trĩu nỗi buồn, và biết rõ tại sao!
Cầu thang nhà sàn người Tày. Ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn
Mấy lần tôi dự định đi Thái Nguyên mà không thành... Bữa nọ ngồi cà phê với cậu bạn đồng nghiệp người Thái Nguyên, nay đã định cư ở Hà Nội, buột miệng kể về ý định đó. Bạn phấn khởi hồ hởi: Thế hôm nào đi về cùng mình nhé, lâu lâu mình cũng không về thăm bố mẹ. Mình sẽ làm xe ôm cho mà chụp ảnh, mình sẽ đưa bạn về quê ông ngoại mình, nhiều nhà sàn lắm.... Nhưng lần lữa mãi chúng tôi vẫn chưa đi được!
Cuối cùng, thì cũng tới dịp, là “bị” đi. Tôi có công chuyện phải lên nhà người họ hàng ở Thái Nguyên - ngay thành phố. Hẹn cậu bạn rồi, mọi thứ chuẩn bị xong xuôi. Tối hôm trước khi đi gọi lại hẹn hò lần chót thì cậu báo tin buồn là bị ốm, nằm bẹp không đi được. Tôi vẫn đi theo công việc và cũng không có ý định thay đổi những lịch trình sau đó của mình. Chỉ có khác một điều là tôi lên đường bằng... "ngựa sắt".
Không thoải mái lắm trên con đường đầy bụi và nhiều xe, nhưng cuối cùng tôi và con "ngựa sắt" cũng “nuốt” hết hơn 80km Quốc lộ 3. Công việc nhà xong xuôi, tôi khéo léo từ chối lời mời ở lại và “phi” ngay ra Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - theo như cậu bạn nói - là niềm tự hào của người dân thành phố Thái Nguyên. Ở đó cả buổi chiều và giữ nguyên kế hoạch sáng hôm sau đi về quê bạn mà vắng bạn...
Sáng sớm, tôi ra quốc lộ, nhắn tin bạn hỏi đường. Bạn nhắn lại: Đi quốc lộ 3 về phía Bắc Kạn, tới km số... rẽ trái hỏi đường vào xã Yên Trạch - huyện Phú Lương. 40km là khoảng cách từ thành phố tới lối rẽ như tôi được chỉ dẫn.
Trên đường đi, tôi đã thấy những cánh đồng trải mênh mông, đã thấy thấp thoáng nhiều ngôi nhà sàn xa xa bên kia cánh đồng, tựa lưng vào sườn đồi. Con đường vắng dần... Những ngôi nhà, những cánh đồng lần lượt hiện ra trước mắt, những cây cọ, những đồi chè xanh ngắt trong cái nắng nhạt mùa xuân. Nhưng những ngôi nhà sàn như tôi tưởng tượng và mong mỏi thì rất hiếm. Nhiều ngôi nhà sàn xây kiểu mới với vật liệu mới trông khá lạ lẫm - dấu ấn của đô thị hóa. Tôi hơi thất vọng nhưng không nản lòng, tiếp tục độc hành vào sâu hơn nữa.
Vừa đi, vừa dừng, vừa nghỉ - ngắm, la cà chụp ảnh suốt dọc đường, vừa vui vừa buồn, vừa... cô đơn. Qua 10km, thấy cột cây số và biển báo sang địa phận xã Yên Ninh kế bên và lại vòng ra quốc lộ. Tôi không muốn trở về 10km trên quốc lộ (vì chắc chẳng có gì hay) nên quyết định vòng ngược lại chính con đường mà mình đã đi ở Yên Trạch, trong lòng nghĩ rằng biết đâu có những ngôi nhà, có những góc mình chưa để ý, chưa phát hiện ra, biết đâu chốc nữa ánh sáng khác, nắng đẹp hơn!?
Lại vừa đi vừa ngắm, vừa đi vừa ngó. Gần hết đoạn đường ra, tôi chợt thấy một ngôi nhà sàn nhỏ ngay bên đường, mà lúc đi vào tôi không để ý. Dừng xe, tôi đứng trước cánh cổng gỗ xộc xệch ngắm nghía. Chưa kịp chụp thì thấy một thanh niên đang đi tới, hỏi: Anh chụp ảnh nhà sàn à? Anh có muốn vào trong chụp không? Tất nhiên, tôi không bỏ lỡ cơ hội...
Chủ nhà khá cởi mở, dễ mến. Câu chuyện của chúng tôi vui vẻ bên ấm trà nguội trên sàn tre. Nguyễn Công Duy - người thanh niên chủ nhà, dân tộc Tày tận tình trả lời những câu hỏi của tôi. Vừa nói chuyện, tôi vừa ngắm nhà. Duy nói cả xã này toàn là người Tày và nhà sàn ở đây là nhà sàn của người Tày, nhưng nhà cổ giờ còn ít lắm. Chính nhà của Duy cũng là nhà mới dựng, vì ngôi nhà cũ đã... bán. Duy bảo nếu ai mua ngôi nhà đang ở này cũng sẽ bán, và lại làm cái khác. Duy tự hào khoe đã “môi giới” bán được mấy chục ngôi nhà ở đây, vừa nói vừa lôi cả đống giấy tờ hợp đồng bán nhà sàn cho tôi xem. Tôi nói mình làm nghề xây dựng, mắt Duy sáng lên và bảo: Có ai cần mua nhà sàn anh bảo em nhé! Số điện thoại của em đây! Tôi đưa Duy cuốn sổ tay, bảo Duy ghi vào trong đó. Cậu cắm cúi ghi rất cẩn thận địa chỉ, số điện thoại. Tôi ngồi sát lan can, nhìn xuống sân, xuống đường; dưới đó vắng vẻ và lòng mình trống trải... Ghi xong, đột nhiên Duy hỏi tôi: Anh muốn xem nhà sàn cổ không? Nhà cổ thật, đẹp lắm! Nếu anh đi ngoài đường thì không có nhà như thế đâu, phải đi sâu vào trong xóm cơ... Tôi quên mất vấn đề thời gian, cho phép mình tiếp tục phiêu lưu.
Duy đi xe máy khác, dẫn tôi ngược lại, băng qua cánh đồng, vòng vèo mấy bận, tới một ngôi nhà... xây chưa sơn vôi, xám xịt - thì dừng lại. Trời xế trưa, nắng lên hơi chói. Tôi định thần một lúc mới thấy nếp nhà sàn khuất phía sau, tôi đi theo vào, lên thang. Quả thật đây là một ngôi nhà sàn lớn nhất, nguyên bản nhất về kiến trúc và công năng trong những ngôi nhà sàn tôi thấy trong suốt hành trình, nhưng cảm giác lúc sáng lại trở về: Ngôi nhà mang hơi thở yếu ớt, mặc dù bếp lửa giữa nhà đang cháy đỏ. Duy nói thêm: Giờ ít nhà còn đặt bếp lửa giữa nhà lắm, anh thấy đấy, nhà em cũng để ở góc thôi...
Một lúc, chị chủ nhà đi chợ về, và anh chồng ở ngoài ruộng về. Tôi được biết ngôi nhà này được dựng từ năm 1982, và niên đại ấy cũng được xem là cổ rồi. Tôi xin phép tham quan, ngó trước, ngó sau và có vài thắc mắc. Những thắc mắc của tôi về các không gian khác (mà tôi thấy tềnh toàng, cũ nát, bẩn thỉu...) của ngôi nhà đã được giải đáp. Bây giờ, họ không ngủ ở đây nữa, chỉ nấu ăn, và chơi, tiếp khách thôi (chủ yếu ở không gian giữa) còn sinh hoạt đã chuyển dần sang ngôi nhà mới xây. Ra là vậy! Lân la ra chỗ chạn bếp có “sàn ướt” để gia công, tôi được cảnh báo: Khéo thụt chân nhé! Chỗ đó sàn hỏng hết rồi, nhưng mà chẳng muốn thay nữa... Cuối cùng thì tôi cũng được biết thêm, và không ngạc nhiên nữa: Ngôi nhà sàn này cũng đã được rao bán! Vì thế nó không được chăm sóc, sửa chữa. Nó chưa bị dỡ là vì chưa được giá mà thôi!
Xin phép từ chối lời mời cơm trưa rất nhiệt tình và hồn hậu, chân thành của vợ chồng chủ nhà, tôi và Duy ra về. Xuống thang, tôi dừng lại đếm bậc. Anh Bình, chủ nhà bảo: 9 bậc, đúng 9 bậc, là công thức rồi(*). Trong tôi vụt lên giai điệu “Chín bậc tình yêu” của nhạc sỹ An Thuyên. Cầu thang nhà sàn của người dân tộc là một chi tiết kiến trúc đặc biệt, gắn bó mật thiết, hữu cơ với ngôi nhà sàn, không thể thiếu. Cầu thang nhà sàn mang ý nghĩa văn hoá và gắn với nhiều nghi thức quan trọng, có ý nghĩa tâm linh... Chủ nhà tiễn chúng tôi ra ngoài sân, tôi dắt xe ra, ngoái lại chào họ lần nữa, thấy ngôi nhà mới xây xám xịt có cái mái như cái mỏ nghếch lên ngạo nghễ trong nắng trưa, mắt chợt thấy chói nhức...
Trở ra, về đến cổng nhà Duy, tôi lại vừa cảm ơn vừa xin lỗi vì không ở lại ăn trưa cùng do bận công việc. Duy bắt tay tôi chặt, không quên dặn đi dặn lại là có ai mua nhà sàn nhớ gọi em nhé! Chia tay Duy, tôi chạy xe chầm chậm trở ra, lẩm nhẩm hát “Chín bậc núi rừng, chín bậc nghiêng nghiêng...”, lòng trĩu nỗi buồn, và biết rõ tại sao!
_____________________
Chú thích:
(*) Theo khảo sát thực tế của tác giả và tra cứu tài liệu, thì số bậc thang ở nhà sàn người Tày không nhất thiết là 9, mà là số bậc lẻ, thường là 7-9-11 bậc. Số lẻ là số nhà của người sống, số chẵn là nhà của người chết. Tuy nhiên 9 là số bậc thang phổ biến nhất (có lẽ vì “số đẹp” và phù hợp chiều cao cho tầng trệt?). Và số bậc thang là số bậc trên cấu kiện rời của thang, không tính sàn như là bậc cuối giống nhà hiện đại. Hình ảnh “Chín bậc” trong ca khúc của nhạc sỹ An Thuyên cũng là hình ảnh khái quát từ cầu thang nhà sàn của dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (vùng núi phía Bắc).
Nguyễn Trần Đức Anh
Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...