Có một sợi dây gắn bó vô hình
Tác giả (đứng, ngoài cùng bên phải, hàng sau) tham dự Trại sáng tác Thanh thiếu nhi
Tôi nhận ra sợi dây này được kết nối âm thầm cùng những thăng trầm năm tháng, có cả yêu ghét và những giận hờn. Nó đã níu giữ tôi và mọi người ở một tổ chức mà chỉ ràng buộc bởi sự đam mê. Tự nguyện, hoàn toàn tự nguyện. Đó mới là điều đặc biệt của sợi dây vô hình này.
Nhớ lại cách đây gần hai mươi năm, nhà tôi chỉ cách Hội chưa đầy cây số, vậy mà tôi không hề biết có tờ báo văn nghệ, càng không hình dung ra diện mạo của Hội Văn nghệ như thế nào. Hứng lên làm được bài thơ nào chỉ ra gửi báo Thái Nguyên hoặc tập san của Sở Văn hóa. Rồi một ngày, tôi vô tình được đọc tờ Văn nghệ Thái Nguyên ở nhà anh bạn, thấy nội dung tờ báo có sự gần gũi với cảm xúc của mình. Tôi nhận thấy địa chỉ này có thể gửi gắm những đam mê của tôi. Vậy là quyết đặt báo hàng kỳ để đọc.
Tôi ra bưu điện đặt báo, nhân viên bưu điện không nhận và cũng không biết Tòa soạn ở đâu. Cứ tìm rồi cũng đến. Hồi đó Hội ở tầng một trong khu nhà ba tầng Ủy ban Hành chính Khu ngày xưa. Người tôi gặp đầu tiên là nhà văn Hồ Thủy Giang và Thư ký tòa soạn Nguyễn Thu Huyền. Tuy việc chính là đến đặt báo, nhưng trong túi tôi cũng thủ sẵn mấy bài thơ để có dịp là gửi luôn.
Mấy bài thơ ấy không được đăng, nhưng cái cảm xúc đầu tiên khi bước vào nơi làm việc của Hội vẫn sâu đậm trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Hai con người tôi gặp, một là đàn anh, một như người em vẫn song hành cùng tôi với những vui buồn trong ngôi nhà của Hội. Ngay cái bước ngoặt tôi chuyển từ làm thơ sang viết văn xuôi cũng là do lời khuyên của Thư ký tòa soạn. Gửi bao thơ không được duyệt, vậy mà chuyển sang tản văn lại được đăng luôn. Đặc biệt hơn, truyện ngắn dự thi của tôi được giải nhất năm 2005. Thì ra, văn xuôi mới là sở trường của tôi, thế mà bao năm không biết, cứ mải miết đi tìm vần, tìm điệu… Tôi được trở thành hội viên của Hội từ những tác phẩm văn xuôi ấy.
Được vào Hội, tôi có thêm bao người bạn, tôi hiểu thêm bao loại hình nghệ thuật khác mà sợi dây vô hình đã gắn kết chúng tôi với nhau. Có bao bậc đàn anh trong Chi hội Văn xuôi đã về với cõi vĩnh hằng, nhưng trong tâm trí tôi, những cử chỉ, lời nói của họ vẫn khó thể quên. Cố nhà văn Trần Quang Toàn nhà cùng phường với tôi, chúng tôi cùng chung gắn bó và viết nhiều về nông thôn. Không tuần nào anh không ghé qua tôi ít nhất một lần. Tôi bận bán hàng, nhưng cứ mấy hôm không thấy anh qua là tôi lại đóng cửa hàng nhào xuống anh ngồi chuyện trò. Rất nhiều lần từ những cuộc chuyện trò ấy tứ truyện lại bật ra, một truyện ngắn lại ra đời. Sự say mê của anh không chỉ riêng việc viết. Anh lên nhà tôi thì cũng qua Hội, nếu không khi về anh lại rẽ vào. Lần thì anh bảo: “Tao vừa ngồi ở Hội lên đây”. Vậy là lại có bao chuyện mới từ anh. Anh như một người luôn cập nhật những thông tin mới của Hội cho tôi. Lần, khi về anh bảo: “Tao còn vào Hội chút đã”, có lần còn kéo tôi cùng đi. Căn nhà của Hội là nơi hội tụ những niềm đam mê. Hình như chỉ ít ngày không ghé qua, trong anh và tôi đã thấy thiếu vắng điều gì. Tôi cảm thấy ở đó một không khí rất riêng. Cái không khí chẳng có gì đặc biệt, nhiều khi chỉ là vài câu chuyện phiếm, nhưng nó vẫn âm thầm mang một sự thúc đẩy, kích thích sự sáng tạo trong nhau.
Tôi nhận ra rằng, bạn bè trong cuộc đời này ai cũng có, nhưng bạn văn nghệ với nhau như có điều gì gắn bó khác thường. Nó không phụ thuộc tuổi tác, điều kiện cuộc sống của nhau thế nào. Bác Nguyễn Thịnh ở Phú Bình khi còn sống thấy mấy anh em đến thăm bác vui như Tết. Bác bảo nếu biết trước sẽ bắt con trai mổ con lợn để mời anh em. Đây là tấm lòng thật của bác chứ không phải câu chuyện đùa. Bác Ngọ Quang Tôn khi còn sống cũng vậy, gặp nhau là rổn rảng, vui mừng. Rồi bác Lê Thế Thành cũng thế. Những ngày bạo bệnh lần nào mấy anh em đến thăm cũng bảo: “Thèm gặp mọi người lắm!”. Nói còn bị ngọng nhưng cứ nhắc hết chuyện này sang chuyện khác như muốn níu mọi người ở lại lâu hơn. Cứ nghĩ đến những tình cảm ấy, tôi luôn bị xúc động vì sự chân thành, vì sự đồng cảm mà nó toát ra một cách tự nhiên từ đáy lòng chứ không phải sự xã giao. Tôi có thói quen, hễ đến nhà các bác, các anh quanh thành phố đều a lô xem có vướng bận gì không đã. Vì đã đến là ngồi say sưa chuyện, thấy trưa hay tối thì vội về, chứ không bao giờ quan tâm đến thời gian…
Người ta vẫn bảo những ai có tâm hồn nghệ sĩ lại hay có sự tự ái rất cao. Với Hội, đặc biệt là với Tòa soạn, chả thiếu gì những oán trách, giận hờn. Nhiều khi quá yêu tác phẩm mình vừa viết mà tưởng lầm giá trị của nó, mà sinh ra giận dỗi trách cứ. Tôi cũng mắc, và tôi tin ai cũng có thể mắc điều này. Không ít lần tôi gặp bạn viết với vẻ mặt không vui, “thề từ giờ tao đếch thèm viết nữa”. Nhưng rồi chỉ ít hôm sau đã khoe: “Tao vừa nghĩ ra cái tứ truyện này hay lắm”, và lại hào hứng như chưa bao giờ giận dỗi gì.
Trong công việc, nhiều khi không đồng quan điểm được ngay. Tôi nhận thấy chả thiếu gì thời điểm không khí Hội như chùng xuống. Chả thiếu gì những nỗi buồn đâu đó trong lòng người này, người kia. Nó như một nốt trầm để lắng lại, để như cần được bình tâm và quan trọng hơn để hướng đến một sự nhân văn trong ngôi nhà chung này. Nếu không có được điều này, thử hỏi lấy đâu ra giá trị nghệ thuật mà chúng ta luôn đề cao, theo đuổi. Chính vì thế, ngôi nhà chung vẫn là nơi tụ hội và tạo điều kiện để mọi sáng tạo sinh sôi.
Hàng năm, Hội vẫn tạo điều kiện cho hội viên được đi các trại sáng tác, được đi thực tế để hiểu biết thêm về lịch sử, về đời sống văn hóa của đất nước. Điều tôi tâm đắc nhất là có cơ hội được giao lưu, quen biết và học hỏi được nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Đi dự trại với nhau, tôi ngồi hàng giờ xem các họa sĩ vẽ tranh, hay leo trèo khắp chốn theo mấy anh nhiếp ảnh tìm khoảnh khắc đẹp. Mỗi loại hình có vẻ đẹp và những nhọc nhằn khác nhau. Có như vậy mới hiểu thêm, tôn trọng sự lao động và niềm say mê của nhau. Tôi nhận ra niềm vui của bạn bè khi thấy tôi có mặt trong những lần triển lãm cá nhân của họ. Ngược lại, lòng tôi cũng tràn ngập niềm vui khi tác phẩm của mình được bạn bè đọc và có những nhận xét chân tình. Nó như món quà của sự đồng cảm, động viên nhau trong hành trình sáng tạo.
Mấy năm gần đây, do dịch bệnh phải cách ly, sự gặp gỡ hội họp rất ít, tưởng như cái sợi dây gắn kết vô hình kia sẽ khó còn khăng khít, tác động lẫn nhau. Vậy mà Hội vẫn tổ chức các trại sáng tác cho thiếu nhi, vẫn mời được các nhà văn, nhà báo trung ương truyền lại những kinh nghiệm quí báu cho hội viên các chuyên ngành. Tôi nghĩ đây là sự gắn kết thiết thực nhất, tạo điều kiện cho mỗi người học tập và phát huy năng lực sáng tạo của mình. Tận dụng công nghệ 4.0, Hội đã có những nền tảng mạng xã hội để hội viên và bạn đọc xa gần theo dõi. Rồi báo đã có sáng kiến phát động các cuộc thi trên trang điện tử thu hút, kết nối tình cảm bạn đọc trên khắp mọi miền. Cái sợi dây vô hình ấy cứ dài mãi, lan xa. Theo dõi ý kiến bạn bè xa gần tôi thấy ít Hội làm được việc này. Đây là những điều mừng vui. Tôi yêu quí và trân trọng bao con người đang chung tay làm nên sức hút của sợi dây vô hình này. Ngôi nhà chung thật gần gũi và thân yêu với tôi.
Phạm Quý
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...