Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:53 (GMT +7)

Cô hàng xóm – Truyện ngắn. Rabindranath Tagore

VNTN - Cô hàng xóm của tôi là một góa phụ trẻ. Nàng giống như một đóa hoa nhài đẫm sương thu vừa từ trên cành rơi xuống. Sự có mặt của nàng không phải là chiếc giường hoa điểm tô cho ngôi nhà mới, mà là thứ để tôn thờ.

Tôi vô cùng kính trọng nàng. Ngoài sùng kính ra, tôi còn ẩn giấu một tình cảm gì đó đối với nàng, không dám nói về nàng bằng ngôn ngữ bình thường - thứ ngôn ngữ tôi hay dùng để nói chuyện với người khác hoặc với chính bản thân mình.

Ngay cả Nuobin Matobo, một người bạn tốt nhất của tôi cũng không hề biết điều này. Vì vậy, tôi gọi đó là những tình cảm sâu sắc nhất, giấu tận đáy con tim, khiến nó không vướng bụi trần, và tôi cảm thấy rất tự hào vì điều đó.

Nhưng tình cảm mãnh liệt trong lòng giống như dòng sông Parvati, nó không muốn bị giam hãm nơi ngọn nguồn, mà luôn luôn tìm cách này hay cách khác để thoát ra. Nếu không cho nó thoát ra, trong lòng sẽ có một cảm giác đau đớn. Vì vậy, tôi muốn mượn thơ ca để bày tỏ cảm xúc của mình, nhưng cây bút vụng về là tôi dù cố gắng thế nào cũng không viết nổi một điều gì đó.

Đúng lúc ấy, người bạn Nuobin Matobo của tôi, đột nhiên lại nổi hứng thích làm thơ. Chuyện này giống như một trận động đất đột ngột xảy ra, mọi người đều vô cùng kinh ngạc.

Anh chàng tội nghiệp ấy có bao giờ làm cái việc thiêng liêng này đâu. Vì vậy, dù là nhỏ nhất cũng chẳng có gì chuẩn bị cho việc này cả, chẳng biết tí nào về nhịp điệu của thơ ca. Nhưng anh ta không nản lòng. Chuyện này còn làm tôi ngạc nhiên hơn. Anh ta bén duyên với thơ ca giống như một lão già lụ khụ kết hôn với một bà vợ kế. Nuobin Matobo thường nhờ tôi sửa giúp những bài thơ của mình.

Nội dung bài thơ không phải là mới, nhưng cũng không phải là cũ. Cũng có thể nói là nó luôn luôn tươi mới, cũng có thể nói là nó luôn luôn cũ kỹ. Đó là những bài thơ tình viết cho người yêu. Tôi nắm chặt tay và mỉm cười hỏi anh ta: “Này, nàng là ai thế?”.

Nuobin mỉm cười và trả lời: “Bây giờ còn chưa tìm thấy”.

Khi sửa thơ giúp Nuobin, tôi cảm thấy thoải mái vô cùng. Những cảm xúc bày tỏ với người yêu trong mộng của Nuobin hoàn toàn bị tình cảm của tôi choán chỗ. Tôi trút cả bầu nhiệt huyết trong trái tim mình để bày tỏ tình cảm thay người bạn Nuobin Matobo bất hạnh của tôi. Kết quả là, gần như cả bài thơ đã trở thành sáng tác của tôi.

Nuobin ngạc nhiên nói: “Những lời này đúng là những gì tôi muốn nói, nhưng tôi không thể nói ra. Tình cảm mãnh liệt này của anh từ đâu ra vậy?”.

Tôi ở tư thế nhà thơ mà trả lời: “Tôi tưởng tượng ra. Bởi vì hạnh phúc thực sự thì thường khó nói, còn tưởng tượng thì mới thao thao bất tuyệt được. Thực tế như hòn đá tảng ngăn chặn dòng thác tình cảm, còn tưởng tượng thì khai phá con đường cho nó”.

Nuobin nói: “Chuyện này tôi đã rõ rồi. Chính xác là như vậy”. Anh ta suy nghĩ một lát, rồi nói: “Đúng, đúng như vậy”.

Như tôi đã nói, đối với tình yêu, tôi luôn có một cảm giác rụt rè, do đó, dùng lời lẽ như thế nào cũng không viết ra nổi. Bây giờ, Nuobin đang là cái màn che, khiến cho cây bút của tôi có thể mở lời. Niềm đam mê thích thú tràn đầy ấy làm cho các dòng thơ tình không ngừng tuôn chảy.

Nuobin nói: “Nhưng bài thơ này đều do anh viết cả. Tôi phải dùng tên của anh mà đăng tải, bản quyền là của anh mà...”.

“Khiêm tốn làm gì, sửa giúp bạn bè một vài câu thơ tình là sở trường của tôi mà!”, tôi đáp.

“Giữa bạn bè không cần phải phân bì so sánh, nhưng tiến bộ của tôi là công lao của anh”, Nuobin nói lời cảm ơn.

Thế rồi Nuobin cũng dần tin như vậy.

Tôi không phủ nhận rằng, có đôi khi nhìn trộm qua cửa sổ nhà bên, giống như một nhà thiên văn chờ đợi các ngôi sao xuất hiện trên bầu trời. Tôi hướng ánh mắt tràn đầy tôn kính về phía cửa sổ, đôi khi cũng đạt được mục đích của mình. Mỗi khi nhìn thấy khuôn mặt thanh tú của người đàn bà theo đạo Bà-la-môn bận bịu với công việc gia đình là lúc tôi tràn ngập ánh sáng dịu dàng, thanh thản và tất cả những phiền muộn trong tim dường như tan biến cả.

Nhưng mà, ngày hôm đó tôi chợt nhìn thấy những gì nhỉ? Tôi đang ngồi trên cung trăng, và bây giờ đang cháy lên ngọn lửa? Trong hang động im lặng không người, ngọn lửa vẫn cháy, và bây giờ còn chưa bị tắt hoàn toàn?

Vào buổi chiều này hôm đó, những đám mây đen từ phía đông bắc ùn ùn kéo về. Trong lúc mưa gió ập tới, sấm chớp lóe lên, tôi thấy cô hàng xóm một mình đứng bên khung cửa sổ. Ngày hôm đó, từ ánh mắt của nàng đang nhìn lên khoảng không gian tối sầm, tôi nhìn thấy nỗi đau buồn sâu thăm thẳm.

Đúng vậy, tôi ngồi trên cung trăng đang có một ngọn lửa cháy bùng! Ngay ở đây, bây giờ có thể cảm thấy một luồng hơi thở ấm áp. Con người không chỉ sống vì các vị thần, mà các vị thần tồn tại vì con người. Trong ánh chớp mưa bão ngày hôm đó, đôi mắt nàng chứa nỗi sầu đau vô hạn, giống như một con chim lo lắng bay vụt đi. Nó không bay lên thiên đàng, mà là bay vào nội tâm của con người.

Kể từ khi nhìn thấy đôi mắt tràn đầy khao khát của nàng, những con sóng dậy lên trong lòng tôi khó mà bình lặng. Lúc đó, việc sửa những bài thơ cho người khác không làm tôi hăng hái nữa, nó không còn làm tôi cảm thấy hài lòng. Vì vậy, tôi muốn làm một việc gì đó khác đi.

Tôi đã hạ quyết tâm, dồn hết sức mình tuyên truyền cho các quả phụ tái hôn. Không giới hạn bởi các bài phát biểu và bài viết, tôi còn cố gắng để cung cấp và hỗ trợ cả về tiền bạc.

Nuobin đã tranh luận với tôi. Anh ta nói: “Các góa phụ đã thủ tiết lâu rồi, hãy để họ được yên tĩnh một cách thánh thiện. Giống như những nấm mồ dưới ánh trăng nhàn nhạt của đêm trăng tròn rất đẹp đẽ và yên tĩnh. Nếu tái hôn thì sẽ là mang vẻ đẹp yên tĩnh mà phá bỏ phải không?

Nghe những lập luận có vẻ êm tai này, tôi rất tức giận. Nếu khi mất mùa đói kém, một người ăn no thừa mứa đến nỗi chán cả đồ ăn, trong khi có người sắp chết đói trước mắt, lại còn khuyên người ấy dùng tiếng chim hót và hương hoa thơm làm tan cơn đói. Nếu như vậy, người đang sắp chết đói sẽ cảm thấy thế nào?

Tôi giận dữ nói: “Này Nuobin! Các nhà nghệ thuật có thể mang ngôi nhà đang cháy mà vẽ nên một bức tranh đẹp, nhưng chỉ mang ngôi nhà vẽ lên bức tranh, đó là điều không được. Bên trong đó có người đang sống. Vì vậy, dù cho nhà nghệ thuật nói như thế nào, cũng phải mang ngôi nhà ra mà sửa cho tốt. Anh đứng ở một bên, nghĩ ra những tứ thơ hay phó thác cho người góa bụa đang sống, nhưng anh không được quên rằng: trong cuộc sống này, tâm hồn của người đang sống tràn đầy khát vọng, dù đang phải chịu các loại khổ đau.

Tôi cảm thấy khó mà thuyết phục được Nuobin, do đó, ngày hôm đó, khi tôi nói chuyện với anh, tôi quá xúc động. Nhưng đột nhiên tôi phát hiện ra rằng, sau khi kết thúc lời nói này của tôi, Nuobin thở dài và đột nhiên đồng ý với ý kiến của tôi. Tôi còn có bao nhiêu lời nói có sức thuyết phục phải nói, nhưng không có cơ hội.

Sau khoảng một tuần, Nuobin đến nói với tôi:

“Nếu anh sẵn sàng giúp đỡ, tôi sẽ kết hôn với một góa phụ”.

Tôi đã rất vui mừng! Tôi kéo Nuobin lại và ôm chặt lấy anh ta. Tôi nói với anh ta: “Chi phí mà anh cần đến, tôi sẽ đáp ứng hết!”.

Lúc đó, Nuobin kể lại câu chuyện tình yêu của mình.

Giờ tôi mới rõ rằng, người yêu của anh ta không phải là người tưởng tượng ra. Hóa ra anh ta

âm thầm yêu bông hoa nhài đẫm sương thu, cô hàng xóm xinh đẹp cũng là người góa phụ ấy. Chuyện này đã diễn ra lâu rồi, nhưng anh ta không nói với ai cả. Đăng tải thơ của Nuobin, cũng là mấy số tạp chí có vài bài thơ tôi viết, tất nhiên đã tới tận tay người yêu của anh ta. Mấy bài thơ đã phát huy tác dụng. Anh bạn của tôi không hẹn hò, mà dùng cách để thu phục lòng người là như vậy.

Nhưng Nuobin lại nói rằng, anh ta không có ý dùng cách này. Anh ta thậm chí còn tin rằng, người góa phụ kia không biết chữ. Anh ta đã không ký tên, cũng không lấy nhuận bút, mang mấy số tạp chí này gửi cho anh trai người góa phụ. Đây chẳng qua là mượn hành động cuồng nhiệt tự an ủi mà thôi. Điều này cũng giống như dâng hương hoa cho các vị thần tiên, các vị thần có thể biết hoặc có thể không biết; có thể chấp nhận, hoặc có thể không chấp nhận.

Trong khi Nuobin tìm cớ làm bạn với anh trai người góa phụ, thì Nuobin lại nói rằng tình bạn của họ, không có mục đích gì khác. Nếu bạn yêu một người, sau đó bạn sẽ cảm thấy thân thiết đối với những người thân yêu của nàng.

Cuối cùng, anh ta cũng đã kể một câu chuyện rất dài: Vì anh trai của người góa phụ rất ốm yếu, anh ta mượn cơ hội để gặp mặt cô em gái của người bạn ấy. Bởi vì nàng biết nội dung những bài thơ, cho nên thường cùng người làm thơ bàn luận về thơ ca. Tất nhiên, cuộc thảo luận không giới hạn ở bài thơ đã nói ở trên.

Trước đó không lâu, khi Nuobin và tôi tranh luận và bị tôi thuyết phục, anh ta đã đến gặp người góa phụ, anh cầu hôn cô. Ban đầu, nàng không đồng ý. Lúc đó, Nuobin nói lại những lời tôi đã nói khi tranh luận với anh ta, cộng thêm một vài giọt nước mắt, đã hoàn toàn chinh phục được nàng. Bây giờ, người đỡ đầu cho người góa phụ, ông chú của nàng đã nói đến chi phí hôn lễ.

Tôi nói với Nuobin: “Bây giờ anh cầm lấy đi”.

Nuobin nói: “Ngoài ra, những tháng đầu sau khi chúng tôi làm đám cưới, cha của tôi chắc chắn sẽ không cho tôi tiền. Lúc ấy anh phải trợ giúp chúng tôi các chi phí sinh hoạt...”.

Tôi không nói gì, ngay lập tức viết một tờ ngân phiếu và nói với anh ta: “Bây giờ anh hãy nói tên của cô ấy đi! Anh không phải sợ, tôi sẽ không tranh luận với anh về chuyện của cô ấy. Bây giờ tôi có thể thề với anh rằng, tôi sẽ không viết thơ cho cô ấy nữa, dù tôi có viết thơ, cũng không gửi anh trai của cô ấy, mà sẽ trực tiếp gửi cho anh. Quân tử không cướp người yêu của người khác”.

“Anh thôi đi cho rồi!”, Nuobin nói, “Tôi không sợ đâu. Mà vì cô ấy tái hôn, nên tâm lý luôn thắc thỏm, bất an, cho nên cô ấy không muốn anh bàn luận về mình. Nhưng tới bây giờ mà còn giấu chuyện này thì quá giả dối. Cô ấy là người hàng xóm cạnh nhà anh, ở nhà số 19 ấy mà”.

Nếu trái tim tôi là một nồi hơi bằng sắt, chắc nó sẽ nổ tung ra rồi! Tôi lại hỏi: “Nàng không còn phản đối việc góa phụ tái hôn nữa chứ!”.

“Bây giờ không phản đối nữa rồi”, Nuobin nói và nở một nụ cười.

Tôi hỏi lại: “Đó là vì cô ấy đọc những bài thơ rồi mới đổi ý phải không?”.

“Anh nghĩ đúng rồi! Mấy bài thơ tôi viết không phải là dở, có phải không”, Nuobin trả lời.

Tôi thầm nói với chính mình: “Thực xấu hổ!”.

Ai xấu hổ? Là anh ta, là tôi, hay là Đấng Tạo hóa nhỉ? Dù sao cũng có người xấu hổ

Phạm Thanh Cải

Dịch từ bản tiếng Trung của Đổng Hữu Thầm

Nguồn: blog.sina.com.cn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước