Cố gắng giới thiệu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam với Trung Quốc
Hội trường của Hội Nhà văn Việt Nam trở nên quá chật, khi giới văn chương Việt Nam tỏ ra quan tâm đến con người cụ thể và tình hình văn học Trung Quốc; khi lần đầu tiên một đoàn cấp cao của Hội Nhà văn Trung Quốc, do vị nữ Chủ tịch Hội trẻ trung làm trưởng đoàn.
Văn chương, văn học là ngọn đèn và ngọn đèn văn học phải có khả năng chiếu sáng tâm hồn, tâm linh con người. Văn học có một sức mạnh vô biên vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ để đến với trái tim con người. Chính vì thế nên sự giao lưu văn hóa là vô cùng cần thiết. Tôi nghĩ rằng 1,3 tỉ người Trung Quốc cũng đều muốn đọc các tác phẩm văn học của Việt Nam, để thông qua các tác phẩm văn học thấy được hình ảnh con người Việt Nam trong chiến tranh, trong dựng xây cuộc sống.... Chúng tôi cũng cảm nhận được sự yêu mến văn học Trung Quốc của người Việt Nam. Tuy nhiên, sự giới thiệu các tác phẩm văn học của Việt Nam với Trung Quốc vẫn còn quá ít. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để giới thiệu những tác phẩm văn học của Việt Nam với Trung Quốc. Nữ nhà văn Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc đã bày tỏ cởi mở và chan hòa những tâm tình của mình với các đồng nghiệp Việt Nam. Bà cũng chia sẻ: Đến Việt Nam chúng tôi có cảm giác như được về nhà, như đang sống trên quê hương...
Nền văn học Trung Quốc là một nền văn học lớn, đặc sắc, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam. Văn học cổ điển Trung Quốc với các tác phẩm kinh điển hầu như người Việt Nam đều biết. Văn học Trung Quốc mấy chục năm gần đây, đặc biệt trong thời kỳ cải cách, mở cửa đã có nhiều tác phẩm đặc sắc; trong đó nhiều tác phẩm của nhà văn Thiết Ngưng đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, và được công chúng đón nhận. Vừa qua nhà văn Mạc Ngôn được giải Nôben đã chứng tỏ những thành tựu và tài năng của các nhà văn Trung Quốc. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thẳng thắn và chân tình ngay trong những lời phát biểu với các nhà văn Trung Quốc.
“Nhà văn viết là mang lại sự ấm áp cho mọi người”. Câu nói của nhà văn Thiết Ngưng được các nhà văn Việt Nam và Trung Quốc tán đồng. Dịch giả, nhà văn Trần Đình Hiến- người đã dịch vài chục đầu sách Trung Quốc cũng thẳng thắn trao đổi quan niệm về tự do sáng tác, và sáng tác vì nhân dân... Nhà văn Ngải Khắc Bái Nhi – Mễ Cát Đề, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn Trung Quốc thông báo với các nhà văn Việt Nam: “Chúng tôi cũng vừa mới dịch và in tuyển tập thơ, văn của các nhà văn Việt Nam, được bạn đọc Trung Quốc đón nhận và ưa thích”. Ông cũng cho rằng văn học đi vào trái tim của nhân dân hai nước, văn học là nhịp cầu văn hóa đi sâu vào tâm linh, tâm hồn.
Nhà văn Hoàng Minh Tường cho biết đã đọc cuốn “Người đàn bà tắm” của Thiết Ngưng khi chị chưa là Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ông cũng cho rằng ở Trung Quốc hiện nay, nhà văn nam thì có Mạc Ngôn, nữ thì phải là Thiết Ngưng. Qua những tác phẩm của Thiết Ngưng, nhà văn Hoàng Minh Tường khẳng định, đó là những tác phẩm văn học lớn trên văn đàn Trung Quốc.
“Con người và đất nước Việt Nam đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp ngay từ khi tôi mới 7, 8 tuổi”; là tâm sự của nhà văn vùng Tây Tạng, Thứ Nhân La Bố. Ông kể rằng từ bé ông được xem một bộ phim của Việt Nam, ấy là phim “Người chiến sĩ trẻ” và ông nhớ mãi. Văn học nghệ thuật có sức mạnh lớn lao như vậy đó, nó khắc sâu vào tâm hồn mỗi con người, dù sinh ra và lớn lên ở vùng đất nào. Vậy nên, chúng ta là những người cầm bút, thông qua tác phẩm, nhà văn hai nước càng có dịp hiểu nhau hơn và thúc đẩy văn học cùng phát triển... Nhà văn Đỗ Chu cũng bày tỏ một số quan điểm về văn học của Trung Quốc và Việt Nam những năm gần đây.
Nhà Thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Thiết Ngưng đều thống nhất đánh giá vai trò, ảnh hưởng to lớn của văn học đến đời sống xã hội. Đồng thời hai nhà văn cũng thêm một lần nữa nhấn mạnh đến trách nhiệm và sứ mạng của nhà văn đối với nhân dân, dân tộc. Và mong rằng sự hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa hai Hội Nhà văn Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tốt đẹp hơn.
Cao Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...