Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
07:55 (GMT +7)

Cô gái đóng ghế

Cô gái đóng ghế

Guy de Maupassant (1850 - 1893) là nhà văn Pháp nổi tiếng. Ông viết bằng nhiều thể loại nhưng thành công và có giá trị nhất là ở thể loại truyện ngắn, với hơn 300 truyện. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương (1870), sau đó gia nhập quân đội, làm công chức... Cùng với A. Chekhove (Nga), O. Henry (Mỹ), Catherine Mansfield (Anh), ông được xem là nhà văn viết truyện ngắn hàng đầu thế giới. Truyện ngắn của ông mang đậm thi pháp của chủ nghĩa hiện thực (realism).

Bữa tiệc tối để bắt đầu cuộc đi săn ở nhà nam tước de Bertrans đã kết thúc. Mười hai tay săn, tám phụ nữ trẻ và một bác sĩ người địa phương ngồi quanh một chiếc bàn lớn, rực sáng và phủ đầy hoa trái.

Họ nói về tình yêu và cuộc tranh cãi vô tận bắt đầu về việc người ta có thể chỉ yêu một lần hay được quyền yêu nhiều lần. Họ nêu những ví dụ về những người chỉ có một tình yêu nghiêm túc và về những người luôn yêu đương với tất cả sức lực. Nói chung, họ cho là, tình cảm, cũng như bệnh tật, đến nhiều lần trong đời và người ta sẽ chết nếu bị ngăn trở. Dù lập luận này đã rõ ràng nhưng những người phụ nữ trong tiệc khẳng định, khi họ chỉ dựa vào văn chương hơn là thực tế, là tình yêu đích thực, lớn lao, chỉ đến một lần và chúng như sét đánh, làm con tim trở nên bâng khuâng và như bị lửa đốt. Theo họ, tình yêu mạnh mẽ, cũng như giấc mơ, không thể nẩy mầm nhiều lần.

Ông nam tước là người đã yêu nhiều, bác bỏ mạnh mẽ những niềm tin này:

- Theo tôi, người ta có thể yêu nhiều lần bằng tất cả trái tim. Tôi biết có nhiều người đã chết vì yêu. Tình yêu đối với họ là thử thách không thể lãng quên. Tôi cho rằng, nếu người ta không tự sát một cách ngu ngốc, người ta sẽ có cơ hội được chữa khỏi bệnh, không bị tái phát và sau đó, người ta lại yêu, cho đến khi chết một cách tự nhiên. Tình yêu như kẻ say. Người ta uống và người ta say. Đó chỉ là vấn đề khí chất.

Cả nhóm nhờ vị bác sĩ làm trọng tài. Ông là vị bác sĩ già, lành nghề ở Paris, giờ về nông thôn nghỉ hưu. Ông nêu ý kiến.

Ông nói: Tôi có quan điểm như ngài nam tước. Tình yêu là vấn đề khí chất. Riêng tôi, tôi biết có một tình yêu dài 55 năm, không ngơi nghỉ, chỉ chấm dứt khi người ta chết.

Ngài nam tước vỗ tay.

- Thật tuyệt! Thật như mơ!

Năm mươi lăm năm hạnh phúc trong một tình yêu dài lâu và nồng thắm! Đời họ như thể được số phận ban ơn!

Vị bác sĩ cười nói:

- Thật vậy, thưa các quí bà, tôi sẽ không nói dối về mối tình này. Quí bà biết đó, người đàn ông trong câu chuyện là ông Chouquet, dược sĩ trong thị trấn còn người phụ nữ, chắc các bà cũng biết, đó là người phụ nữ già làm nghề đóng ghế, đã nhiều năm lui tới lâu đài. Tôi biết rõ chuyện tình này.

Các quí bà chùng xuống, nhăn nhúm mặt nói: “Ái chà!”. Đối với họ, tình yêu này như thể không trang nhã, không xứng để được quan tâm.

Vị bác sĩ kể: Tôi được gọi tất cả ba lần để đến bên giường bệnh của bà. Lần sau cùng, người phụ nữ già này đến chỗ tôi bằng xe ngựa nhà bà, do một con ngựa gầy kéo, theo sau là hai con chó đen to, bạn bè bà và những người làm vườn. Cha xứ cũng đến. Bà nhờ chúng tôi làm chứng cho di chúc của bà, tiết lộ ý chí cuối cùng của mình, kể cho chúng tôi nghe toàn bộ cuộc đời mình. Tôi không biết nói sao, ngoài đau xót.

Cô gái đóng ghế

Cha bà làm nghề đóng ghế, mẹ bà cũng làm nghề đóng ghế. Bà không bao giờ có một chỗ ở ổn định trên mặt đất. Khi là một cô bé, bà lang thang, rách rưới, dơ bẩn. Cha mẹ bà làm ở đầu làng, dọc các mương rãnh. Họ tháo ngựa. Ngựa ăn cỏ. Con chó của họ ngủ, mõm đặt lên hai chân, còn cô bé thì đi loanh quanh trên cỏ trong khi cha mẹ cô vá víu ghế cũ của người trong các làng dưới bóng các cây du. Họ đi nay đây mai đó. Người ta chỉ nói vài từ cần thiết với họ, là họ phải làm gì, với câu đầu tiên là, “Kìa ông vá ghế!”. Cô bé ngồi bện rơm trước mặt hoặc bên cạnh cha mẹ mình. Khi cô bé đi chơi với những đứa trẻ nghịch ngợm trong làng, cha cô quát: “Mày không biết trở về à, con mất dạy!”. Đó là những lời dễ nghe mà cô bé biết.

Khi cô bé lớn thêm một chút, cha mẹ cô bắt cô đi nhặt ghế bị hư. Thế là cô bé được đi đây đó, có thêm bạn. Nhưng lần này, cha mẹ của lũ bạn mới lại mắng chúng: “Đi về, đứa mất dạy! Mày chơi với con chân đất đó à?”.

Bọn trẻ trong làng thường lấy đá ném cô. Thi thoảng, khi được các bà cho vài xu, cô bé cho lại lũ bạn.

Một ngày nọ, vào 15 năm trước, khi cô bé đi lang thang trong vùng, cô thấy trong nghĩa trang có cậu bé Chouquet đang khóc lóc vì cậu bị một đứa bạn lấy mất 2 liard. Những giọt nước mắt của cậu bé quý tộc mà cô nghĩ là bị bạc đãi, một cậu bé luôn được làm hài lòng và được vui, làm đảo lộn suy tư của cô. Cô tiến tới và khi biết được lý do, cô xòe bàn tay có 7 xu ra đưa cho cậu bé. Cậu ta thản nhiên nhận và chùi nước mắt. Cô bé thấy vui và táo bạo ôm chú bé. Vì đã được tiền nên cậu ta để mặc cho cô bé ôm. Do không xô đẩy ra, cô bé xoa tay vào ngực của cậu. Sau đó, cô bé đi về.

Điều gì đã xuất hiện trong đầu cậu bé? Cô bé quyến luyến cậu bé vì cô đã giúp được cậu hay vì đó là lần đầu tiên cô được phép vuốt ve một người? Đây là điều bí ẩn không ai biết.

Trong một tháng ròng, cô bé nghĩ về góc nghĩa trang và cậu bé. Với hy vọng gặp lại cậu. Cô lấy cắp tiền của cha mẹ và dành 1 xu có được từ việc này, 1 xu từ việc kia khi cô sửa ghế hoặc khi người ta đặt cọc để mua ghế.

Cô đi tìm cậu bé, với 2 franc trong túi, nhưng cô bé chỉ có thể nhận ra cậu bé sạch sẽ, con của một dược sĩ, sau cửa kính của cửa hiệu thuốc của cha cậu, giữa các chai lọ và hình các con sán xơ mít. Cô thấy thích thú, bị quyến rũ, ngất ngây trước cửa tiệm đa sắc màu, tuyệt đỉnh với kính pha lê rực rỡ.

Kỷ niệm không phai mờ trong lòng cô bé. Một năm sau, cô gặp lại chú bé. Khi đó, cậu ta vừa tan học, đang chơi bi với bạn. Cô nhào tới, nắm lấy tay và ôm hôn ào ạt cậu bé nhưng cậu ta la lên. Để làm cho cậu ta bớt sợ, cô bé cho cậu tiền gồm 3 franc 20 xu, là một kho báu đối với cô. Cậu ta trố mắt nhìn tiền. Cậu ta nhận và để cô bé tha hồ vuốt ve mình.

Trong 4 năm tiếp theo, cô đổ vào tay cậu ta tất cả tiền cô có và cậu ta thích thú bỏ chúng vào túi. Lần thì cô cho 30 xu, lần thì 2 franc, lần thì 12 xu (mà cô khó nhọc và ê chề lắm mới có được và càng về sau, cô càng khó kiếm). Lần cuối cùng số tiền cô cho cậu ta là 5 đồng 5 franc tròn trịa và cậu ta nhe răng cười hài lòng.

Cô không còn để cho cậu ta nữa còn cậu ta thì sốt ruột chờ cô, chạy tới phía trước cô cho cô thấy, làm tim cô thổn thức.

Sau đó cậu ta biến mất. Người ta nói cậu ta đã vào đại học. Cô khôn khéo điều tra anh ta. Cô sử dụng sự khôn ngoan để thay đổi đường đi của cha mẹ anh ta và làm cho họ phải qua chỗ cô vào kỳ nghỉ hè của anh ta. Cô thành công sau một năm mưu mẹo. Đã hai năm cô không gặp anh ta. Cô vẫn còn nhận ra anh ta, dù anh ta đã thay đổi, to lớn hơn, rạng rỡ và đường bệ trong bộ áo dài có nút vàng. Anh ta vờ không thấy cô và bước đi. Cô khóc trong hai ngày, sau đó, đau khổ khôn nguôi. Năm nào vào kỳ hè, cô cũng lảng vảng gần anh ta, đi qua anh ta mà không dám chào còn anh ta thì không rủ lòng quay mắt nhìn cô. Cô yêu anh ta cuồng dại. Cô nói với tôi, “Bác sĩ ạ, anh ấy là người duy nhất trên trái đất tôi yêu. Tôi không biết có ai khác ngoài anh”. Cha mẹ cô qua đời. Cô tiếp tục nghề của họ. Cô nuôi 2 con chó. Chúng rất dữ, không ai dám chọc ghẹo chúng.

Một ngày kia, cô qua làng anh ta, nơi cô đặt cả trái tim, cô thấy có một phụ nữ trẻ từ cửa hiệu đi ra. Chouquet nắm tay cô ta. Đó là người anh ta yêu quí. Anh ta đã kết hôn.

Chiều hôm đó, người phụ nữ đóng ghế phóng lên con ngựa còm đang cột ở quảng trường Mairie. Một người có vẻ say rượu đón và mở cửa hiệu thuốc cho chị. Chàng Chouquet mặc áo ngự dài xuống lầu để khám cho chị. Anh ta không nhận ra chị, dù đã cởi áo chị để khám và đã xoa bóp cho chị. Sau đó, anh ta nói bằng giọng khó nghe: “Chị bị điên rồi! Tôi chưa thấy ai như vậy!”.

Thế là anh ta đã chữa bệnh cho chị! Đã nói chuyện với chị! Chị thấy sung sướng, mãn nguyện.

Anh ta không muốn nhận thù lao, dù chị khăng khăng muốn trả.

Đời cứ thế trôi đi. Chị vừa đóng ghế vừa mơ về anh ta. Năm này qua năm nọ, chị nhìn vào cửa kính của cửa hiệu. Chị luôn mua thuốc chữa bệnh ở đó. Chị chỉ muốn được nhìn gần anh ta, được nghe anh ta nói, được anh ta thối tiền.

Như tôi đã nói, chị chết vào mùa xuân. Sau khi kể cho tôi nghe chuyện buồn đời mình, chị mong tôi hiểu cho là, chị yêu quí vô cùng tất cả tài sản của mình, vì như chị nói, chị đã làm lụng vì anh ta. Chị đã nhịn ăn để để dành tiền. Chị ước ao anh ta nghĩ về chị, dù chỉ một lần, sau khi chị mất.

Chị trao cho tôi 2.327 franc. Tôi trao cho cha xứ 27 franc để chôn cất chị. Tôi giữ phần còn lại sau khi chị trút hơi thở cuối cùng.

Hôm sau, tôi tới nhà Chouquet. Họ vừa ăn sáng xong. Anh ta đường bệ, hồng hào, buôn bán phát đạt và có vẻ trịnh trọng, hài lòng.

Họ mời tôi ngồi và trao tôi một ly rượu anh đào. Tôi nhận. Tôi bắt đầu nói bằng giọng xúc động, hy vọng anh ta sẽ khóc.

Khi Chouquet biết mình được người phụ nữ đóng ghế lang bạt, cơ cực yêu, anh ta giận dữ, như thể anh ta đã bị tước đoạt danh dự, uy tín, tình cảm, các giá trị của đời mình. Anh ta lại bực dọc thét lên: “Cái mụ lang thang này! Cái mụ lang thang này! Không kiếm được ai khác sao?”

Anh ta đứng dậy, bước nhanh ra sau bàn, chiếc mũ không vành kiểu Hy Lạp sụp xuống tai. Anh ta ấp úng nói: “Bác sĩ hiểu chưa? Đó là điều sỉ nhục đối với tôi! Hay đó! Ô, nếu mụ ta còn sống, tôi sẽ gọi hiến binh bắt giữ mụ ta và tống vào tù. Mụ ta không biết thân phận mình, tôi muốn nói với bác sĩ như thế!”     

Tôi ngồi trỏng trơ, mụ mị. Tôi không biết nói và làm gì. Nhưng tôi phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà bà ấy đã gửi gắm. Tôi tiếp tục nói: “Bà ấy trao cho tôi tài sản của bà ấy, bảo tôi trao lại cho anh, gồm 2.300 franc”. Tôi có cảm giác anh ta sẽ không vui vẻ nhận. Nếu vậy, tốt hơn hết, anh ta hãy trao lại cho người nghèo.

Người đàn ông và vợ anh ta chợt nhìn tôi, tê dại, sướng rơn. Tôi rút tiền trong túi ra. Đó là những đồng tiền đau khổ, với đủ loại, có cả tiền vàng và tiền xu. Sau đó, tôi nói: “Anh quyết định thế nào?”. Cô vợ của ông Chouquet mở miệng ngay: “Nhưng một khi đó là ý chỉ cuối cùng của người phụ nữ này... thì chúng tôi khó có thể từ chối”. Người chồng tê mê nói: “Chúng tôi sẽ dùng tiền này để mua gì đó cho con chúng tôi”. Tôi nói khô khốc: “Tùy anh muốn!”. Anh ta nói: “Dù gì thì đây cũng là tiền tặng! Chúng tôi sẽ có tiền để thuê nhân công”.

Tôi trao tiền, chào và đi ra.

Hôm sau, Chouquet tìm gặp tôi và nói ngay: - “Nhưng người phụ nữ đó còn... để lại một chiếc xe ngựa! Ông đã làm gì với chiếc xe đó?”

- Không làm gì cả! Anh thích thì anh cứ lấy!

- Tốt quá! Tôi sẽ đến nhận! Tôi sẽ dùng nó để làm một cái lều trong vườn rau của tôi!

Anh ta bước đi. Tôi gọi lại nói: “Bà ấy còn để lại 1 con ngựa già và 2 con chó. Anh muốn không?”. Anh ta dừng lại, ngạc nhiên nói, “À, vậy à! Ông sẽ làm gì với chúng? Hãy dàn xếp nếu ông có thể”.  Sau đó, anh ta cười và kéo lấy tay tôi. Anh ta muốn gì? Trên xứ sở này, bác sĩ và dược sĩ không phải là kẻ thù của nhau. Tôi dắt con chó còn cha xứ, người có một cái sân rộng, dắt con ngựa đến cho anh ta. Chiếc xe được dùng làm lều ở vườn anh ta. Anh ta mua 5 tờ trái phiếu đường sắt bằng tiền của người phụ nữ”.

Đó là câu chuyện tình yêu thiết tha mà tôi biết trong đời. Ông bác sĩ im lặng. Ngài nam tước nước mắt giàn giụa, thổn thức nói: “Chắc chắn là, không có người phụ nữ nào là không biết yêu!”

Guy de Maupassant (Pháp)

Dịch giả: Trần Ngọc Hồ Trường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tuần trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tuần trước

Xổ số

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 3 tháng trước