Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:10 (GMT +7)

Chuyện trên đường phố – Truyện ngắn. Rachida el-Charni

VNTN - Nàng thấy hắn đi về phía nàng, miệng huýt sáo và ngân nga một giai điệu. Hắn dừng lại trước mặt nàng lịch thiệp hỏi nàng có biết đi lối nào đến đường Poppy không. Nàng không hề nghĩ rằng hắn sẽ lợi dụng lúc nàng suy nghĩ để giật lấy sợi dây chuyền vàng của nàng và bỏ chạy.

Hắn đến từ cùng một bên lề đường với nàng khi nàng đang vừa đi vừa miên man suy nghĩ. Vẻ ngoài của hắn không có gì có thể gợi lên sự nghi ngờ hay cảnh giác; mà đúng hơn, vẻ lịch sự của hắn gợi lên sự tôn trọng, thản nhiên và thậm chí làm cho người ta nghĩ hắn là người khá giả. Hắn dùng tay xô nàng và nàng ngã mạnh đến mức tưởng chừng như xương ức rụng rời ra. Nàng bất động trong chốc lát nhưng nhanh chóng tỉnh táo lại và quay sang hắn hét lên: “Dừng lại, cướp! Dây chuyền của tôi, dây chuyền của tôi!”.

Sự căm phẫn thổi bùng cơn tức giận của nàng. Nàng vừa rượt theo hắn vừa kêu cứu thống thiết. Mọi người túa ra từ các cửa hàng, các ngôi nhà, và các phân xưởng ở hai bên đường. Họ đứng đó mà không làm gì, chỉ lo lắng nhìn cảnh tượng đó.

Nàng nhanh hơn hắn nghĩ và chỉ trong phút chốc đã có thể bắt kịp và cản đường hắn. Có lẽ hắn đã không tính đến chuyện một phụ nữ lại có thể rượt đuổi một tên cướp giật với quyết tâm như thế. Hắn bắt đầu chạy ngoằn ngoèo. Mặt trời ló rạng và chiếu ánh nắng xuống đầu mọi người. Ánh nắng chiếu trên khuôn mặt đổ mồ hôi của hắn, làm sợi dây chuyền hắn quấn quanh mấy ngón tay lấp loáng. Sợi dây chuyền có mặt bằng vàng lủng lẳng, một bề là hình tháp Babel và bề kia là hình ngôi đền trên Núi Đền thờ trong thành phố cổ Jerusalem ở Israel. Suốt đời, nàng thường bị mất nữ trang nhưng nàng không buồn lâu, hay thậm chí quan tâm đến giá trị của món đồ đã mất. Nhưng lần này, nàng cảm thấy như thể linh hồn mình đột ngột bị giật mạnh rời khỏi cơ thể.

Răng nghiến chặt, nàng bắt kịp tên cướp và vươn tay về phía hắn, những ngón tay của nàng gần như đã nắm được hắn. Hắn quay lại, thân hắn uốn cong, nhưng chân phải uốn cong phía sau làm hắn mất thăng bằng và nàng nắm được gấu áo hắn. Nàng cố nắm thật chặt, ngăn chặn các cử động của hắn khi chiếc áo sơ mi của hắn cuộn trên tấm lưng đen nhẻm. Hắn cố vuột thoát khỏi sự nắm giữ mạnh mẽ của nàng nhưng không thể.

Nhiều người tụ tập chung quanh họ, nhưng không ai có hành động gì để giúp nàng. Họ đứng đó trơ trơ như người mất trí. Nàng lại kêu lên những lời cầu cứu thống thiết: “Cướp! Giúp tôi lấy lại sợi dây chuyền!”.

Bất chợt hắn rút một con dao giấu sẵn trong túi quần và vung lên trước mặt nàng. Nàng nhận ra những bước chân người lùi lại. Nhiều tiếng nói vang lên quanh nàng, cảnh báo cho nàng:

“Lùi lại, nó có vũ khí!”

“Ngốc thế, nó sẽ rạch mặt cô!”

“Cô yếu hơn nó, sao dám làm thế?”

“Cô bướng bỉnh quá!”

Mặt nàng đanh hơn, cứ như thể trong người phụ nữ luôn luôn bình tĩnh đó có một con quỷ đầy sức mạnh cư trú. Nàng rất can đảm. Nàng không cảm thấy sợ chút nào. Nàng cũng sẽ không lùi bước. Một thanh niên từ một phân xưởng chuyển động định giúp nàng, nhưng nhiều người giữ anh ta lại, cản bằng một giọng bộc lộ sự thô bạo:

“Mày muốn chết hả? Để mặc cô ta, cô ta chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về sự bướng bỉnh của mình.”

Những câu nói cáu kỉnh của họ âm thầm chạm vào tim nàng và làm nàng tổn thương. Một lần nữa, nàng nhận ra họ đang lẩn quẩn chung quanh nàng như những con chim nhỏ. “Không nên chống lại, gã có thứ vũ khí chết người!” ai đó nói, với vẻ cam chịu.

Sự nhu nhược của họ chỉ làm tăng thêm lòng kiên quyết của nàng. Một sự tức giận mù quáng bùng nổ trong nàng. Nàng cố gắng sử dụng những móng tay của mình làm cho chúng cũng nguy hiểm như con dao hắn đang vung trước mặt nàng. Nàng múa tay một cách khéo léo, tìm cách cào vào mặt hắn, đồng thời kiên định thì thầm: “Chấp hắn có tất cả các loại vũ khí, mình nhất định không để mất sợi dây chuyền!”

Ngay lúc đó hắn chồm tới phía nàng, mắt lóe lên, môi mím lại đầy vẻ nham hiểm. Nàng thấy gương mặt căng thẳng của mình trong đồng tử của hắn trong khi hắn quát:

“Đồ bướng bỉnh!”

Hắn bất ngờ tung mấy cú đấm dữ dội vào thái dương và mặt nàng. Nàng mất thăng bằng và ngã xuống dưới chân hắn. Những cú đấm tiếp tục làm cho cánh tay nàng đang nắm áo sơ mi của hắn lỏng ra và cuối cùng hắn dứt ra được. Hắn đá nàng trước mặt tất cả những người đứng ở đó với vẻ hoảng sợ trên nét mặt, bất động vì hèn nhát. Hắn đá mạnh nàng một lần nữa, rồi bỏ chạy.

Ngay tức khắc nàng lấy lại tinh thần và vùng dậy tiếp tục cuộc rượt đuổi, tóc xổ tung, máu chảy ra từ mũi và quần áo nàng lấm bụi.

Với tất cả sức mạnh của mình nàng vừa chạy vừa la “Trả dây chuyền cho tao!”. Lúc đó hắn đã chạy tới chỗ đồng bọn đang chờ trên một chiếc mô tô ở góc đường. Hắn nhảy lên sau lưng đồng bọn và chiếc xe vù đi, luồn lách qua đám đông. Lúc đó nàng nhận ra mọi chuyện đã được chúng tính trước.

Nàng quỳ gối, sức mạnh và sự quyết tâm rời bỏ nàng. Nàng khóc trào nước mắt. Một cảm giác xấu hổ trào dâng trong nàng, xấu hổ vì là một cư dân trên con đường đó, sự nhu nhược của những người cùng khu phố là một cú đấm còn mạnh hơn sự tấn công của kẻ cướp. Khi nỗi buồn của nàng dâng lên tột đỉnh nàng nhớ đến cô gái đã bị cưỡng hiếp bởi mấy thằng thanh niên ở đường Cairo mà không một khách qua đường nào cứu giúp. Tim của họ đã đóng kín và họ đã làm ngơ nhìn cảnh tượng đó như đang xem một bộ phim hồi hộp hấp dẫn nào đó.

Trí tưởng tượng của nàng vụt quay về quá khứ, khi mà một cuộc tấn công nhắm vào con lạc đà cái đã làm cho hai bộ lạc Ả rập dấy lên một trận chiến dữ dội kéo dài bốn mươi năm. Nàng cảm thấy sự xấu hổ của nhiều người và buông ra một tiếng rên lớn khi cảm thấy tâm hồn mình trở nên trơ lạnh. Đúng lúc đó, hồi chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên trong không gian, giọng của vị giáo sĩ vang lên.  Tiếng nói trong trẻo của ông ta như rót dầu xoa dịu nỗi đau nội tâm của nàng.

Nhiều người tụ tập quanh nàng, an ủi nàng nhưng tránh nhìn nàng.

“Chúng tôi rất tiếc về chuyện đã xảy ra.”

“Cô không nên tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm như thế.”

“Sao cô lại chuốc lấy sự nguy hiểm cho mình bởi sự kiên quyết đó?”

“Cô đã thoát khỏi sự nguy hiểm, thôi hãy sống và hy vọng về những điều tốt đẹp hơn.”

“Cô nên giấu các vật quý của mình đi, đừng có phô chúng ra.”

Với niềm kiêu hãnh bị tổn thương nàng nhìn những mặt người và cảm thấy như có một bức tường lặng lẽ chắn giữa nàng và họ. Rồi, khi nàng đứng dậy, mình mẩy vẫn còn lấm lem bụi, nàng nghe một giọng nói lãnh đạm vang lên:

“Thật xấu hổ. Cô đã tự biến mình thành trò cười. Thật thảm hại!”

Nàng nhìn quanh, tìm người vừa lên tiếng. Nàng đăm đăm nhìn những mặt người rồi nói to:

“Đồ nhu nhược, những kẻ hèn nhát! Các người đã đứng yên để nhìn sự việc và cười từ khi nào thế?”

Những lời nói tuôn ra gay gắt và đầy đau đớn. Sự dữ dội bật ra từ miệng nàng đã tác động mạnh đến mọi người hiện diện.

Nàng tiếp tục đi một mình về căn nhà của cha mẹ ở cuối đường, cảm thấy như thể trí óc nàng đã bị xóa bỏ bởi những ảo giác nặng nề. Nàng cố điềm tĩnh đi dưới ánh nắng mặt trời đang xua đi những màn mây, bắt đầu chiếu xuống, phả hơi thở ác độc của nó lên nàng.

Rachida el-Charni sinh năm 1967 tại Tunis (Cộng hòa Tunisia). Khi đang theo học ngành luật chị đã bắt đầu có những truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí Ả rập.

Tập truyện ngắn đầu tiên in năm 1997 đã đem về cho chị giải thưởng của Trung tâm Huấn luyện và Nghiên cứu Phụ nữ Ả rập ở Tunis. Tập truyện thứ hai (2000) được giải nhất Sáng tác về Phụ nữ Ả rập ở Sharjah, sau khi do quy định của kiểm duyệt, chị đổi tên tập truyện là God Loves Me, Credo (Thượng đế thương tôi, Credo). Năm 2002, tập truyện này được in lại ở Beirut, có tựa là Saheel al-Asaila (The Neighing of Questions/ Những câu hỏi kêu vang) gồm cả truyện đã bị kiểm duyệt.

Tiểu thuyết đầu tiên của chị là Tarateel li- Alamiha (Hymns for her Pain/ Những bài tụng ca cho nỗi đau của nàng) được in năm 2011 bởi Nxb Arab Scientific Publishers, Beirut. Rachida sống và làm việc ở Tunis với chức vụ là thanh tra bậc tiểu học.

Võ Hoàng Minh dịch

 (Từ “The Way to Poppy street”)

Nguồn: Http://www.banipal.co.uk/selections/76/271/rachida-el-charni/

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước