Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:02 (GMT +7)

Chuyện một tiểu thư – Truyện ngắn của Anton Chekhov

VNTN - Chín năm trước, một hôm Pyotr Sergeyitch, phó ủy viên công tố và tôi đi đến trạm bưu điện để lấy mấy lá thư vào buổi chiều.

Hôm ấy thời tiết đẹp, nhưng trên đường trở về chúng tôi nghe một loạt tiếng sấm, và thấy một đám mây bão lớn đang trôi về phía mình trong khi chúng tôi đi về phía nó.

Trên nền trời đen nhà tôi và nhà thờ nổi bật một màu trắng, những cây dương cao thì sáng như bạc. Trong không khí có hơi mưa và mùi rơm. Bạn tôi tinh thần phấn chấn. Anh cứ cười và nói huyên thuyên đủ mọi chuyện. Anh nói thật là thú vị nếu như chúng tôi đột ngột gặp một tòa lâu đài trung cổ có những tháp cao rêu phong và có những con cú, ở đó chúng tôi có thể trú tránh mưa và cuối cùng chúng tôi bị chết vì một tiếng sét.

Lúc ấy dợn sóng đầu tiên lùa qua cánh đồng lúa mạch dập dờn, một cơn gió thổi và cát bụi bay trong không khí. Pyotr Sergeyvitch cười và thúc ngựa.

“Hay lắm! Thật là hoành tráng!” anh nói.

Bị ảnh hưởng bởi sự vui vẻ của anh, tôi cũng cười khi nghĩ rằng chốc lát nữa tôi sẽ bị ướt đẫm và có thể bị sét đánh.

Việc phi ngựa vun vút trong cơn bão trong khi hụt hơi vì gió quật, và cảm thấy mình như một con chim, làm tâm hồn người ta trở nên phấn khích. Lúc chúng tôi về tới sân nhà, gió đã lặng, và những hạt mưa lớn đang trút xuống cỏ và mái nhà. Không một bóng người ở khu chuồng ngựa.

Pyotr Sergeyitch tự tháo dây cương, dẫn hai con ngựa vào chuồng của chúng. Tôi đứng ở ngạch cửa nhìn những tia mưa xiên chờ anh; ở đây cái mùi nồng nàn của rơm còn đậm hơn ở ngoài ruộng; những đám mây bão và mưa làm bầu trời u ám.

“Đúng là dữ dằn!” Pyotr Sergeyitch nói khi đến chỗ tôi sau một tràng sấm dữ dội như xé bầu trời làm hai.

Anh đứng bên tôi nơi ngạch cửa, vẫn còn hổn hển vì chuyến phi ngựa, nhìn tôi. Tôi biết là anh đang chiêm ngưỡng tôi.

“Natalya Vladimirovna,” anh nói, “Anh sẽ đổi bất kỳ vật gì chỉ để đứng đây lâu hơn một chút nhìn em. Hôm nay em đáng yêu quá.”.

Mắt anh nhìn tôi với niềm vui và sự khẩn khoản, mặt anh tái. Trên râu và ria của anh là những hạt mưa lấp lánh, và chúng cũng như đang nhìn tôi với tình yêu.

“Anh yêu em,” anh nói. “Anh yêu em, anh hạnh phúc khi nhìn em. Anh biết em không thể trở thành vợ của anh, nhưng anh không muốn gì cả, không yêu cầu gì cả, chỉ biết rằng anh yêu em. Hãy lặng yên, đừng trả lời anh, đừng chú ý gì, chỉ cần biết rằng em là người yêu dấu đối với anh và cho anh nhìn em.”.

Sự sung sướng của anh cũng tác động tôi; tôi nhìn khuôn mặt phấn chấn của anh, nghe giọng nói anh hòa trong tiếng mưa, và đứng như bị bùa mê, không thể động đậy.

Tôi muốn nhìn đôi mắt sáng của anh và lắng nghe anh mãi mãi.

“Em không nói gì, và như thế là quá tuyệt vời,” Pyotr Sergeyitch nói. “Hãy cứ im lặng.”.

Tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi cười sung sướng và chạy qua màn mưa vào nhà; anh cũng cười, và rộn ràng chạy theo tôi.

Cả hai ướt mưa, thở dốc, ồn ào chạy lên cầu thang như những đứa trẻ, chúng tôi ào vào phòng. Cha và anh tôi không thường thấy tôi cười vui, ngạc nhiên nhìn tôi và cũng cười thành tiếng.

Những đám mây bão đã tan, sấm sét đã dừng, nhưng những hạt mưa vẫn còn lấp lánh trên râu của Pyotr Sergeyitch. Anh hát suốt buổi chiều cho tới giờ ăn, huýt sáo, đùa nghịch ồn ào với con chó và rượt nó chạy từ phòng này sang phòng khác, đến nỗi anh suýt đụng phải người gia nhân bưng ấm trà samovar. Trong bữa ăn, anh ăn khá nhiều, nói huyên thuyên nhiều chuyện, và khẳng định rằng khi người ta ăn dưa chuột tươi trong mùa đông thì có được hương vị mùa xuân trong miệng.

Khi về phòng ngủ tôi thắp một cây nến và mở toang cửa sổ, và một cảm giác không xác định được xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi nhớ rằng tôi là người tự do và khỏe mạnh, rằng tôi thuộc tầng lớp trên giàu có, rằng tôi được yêu, Chúa ơi! Thật là tuyệt!... Rồi, thu mình trong giường với cái lạnh thấm vào từ khu vườn đầy hơi sương, tôi cố suy nghĩ xem tôi có yêu Pyotr Sergeyitch hay không…rồi thiếp ngủ mà chưa xác định được gì.

Vào buổi sáng tôi thấy những đốm nắng lung linh và bóng hàng cây chanh lá cam trên giường tôi, những gì đã xảy ra ngày hôm qua lại trở nên sống động trong trí tưởng tôi. Cuộc sống với tôi là phong phú, đa dạng, đầy quyến rũ. Ngân nga, tôi mặc nhanh quần áo và đi ra vườn…

Và những gì đã xảy ra sau đó? Không có gì cả. Trong mùa đông khi chúng tôi về thị xã, Pyotr Sergeyitch thỉnh thoảng đến thăm chúng tôi. Những người miền quê chỉ hấp dẫn ở miền quê trong mùa hè, còn ở thị xã trong mùa đông thì họ hết hấp dẫn. Khi bạn rót trà cho họ ở thị xã dường như họ là một người khác, ví dụ như họ khuấy trà quá lâu. Ở thị xã, cũng vậy, Pyotr Sergeyich thỉnh thoảng nói về tình yêu, nhưng hiệu quả không còn như lúc ở miền quê. Ở thị xã chúng tôi nhận thức rõ ràng hơn về bức tường ngăn cách chúng tôi. Tôi thuộc giai cấp thượng lưu giàu có, trong khi anh thì nghèo, anh chẳng phải là một nhà quý tộc, mà chỉ là con của một thầy trợ tế và là một phó ủy viên công tố; cả hai chúng tôi…tôi với tuổi trẻ của mình và anh thì vì một lý do nào không rõ…nghĩ rằng bức tường đó rất cao và dày, và khi anh cùng chúng tôi ở thị xã anh chỉ trích xã hội quý tộc với một nụ cười miễn cưỡng, và duy trì sự im lặng nặng nề khi có ai đó trong phòng khách. Không có bức tường nào không thể phá vỡ để đi qua, nhưng những vị anh hùng trong truyện tình hiện đại, theo như tôi biết, thì quá rụt rè, chẳng có can đảm, lười nhác, và quá nhạy cảm, quá sẵn sàng để rút lui với ý nghĩ họ tất phải thất bại, cuộc sống cá nhân đã làm họ thất vọng; nên thay vì phấn đấu họ lại chỉ phê phán, cho rằng thế giới tầm thường và quên rằng những lời phê phán của họ cũng từ từ biến thành tầm thường.

Tôi được yêu, hạnh phúc hầu như ở sát bên tôi; tôi tiếp tục sống thoải mái mà không cố tự tìm hiểu mình, không biết những gì tôi mong đợi hay những gì tôi muốn có từ cuộc đời, và thời gian cứ trôi qua…Nhiều người trôi qua đời tôi với tình yêu của họ, những ngày tươi đẹp và những đêm ấm áp trôi qua, những con chim sơn ca hót líu lo, đụn rơm tỏa mùi thơm, tất cả dịu dàng và tràn ngập trong trí nhớ, trôi qua với tôi cũng như với mọi người một cách nhanh chóng, không để lại dấu vết, không được quý trọng và biến mất như mù sương… Tất cả đã ở đâu?

Cha tôi mất, tôi đã lớn hơn, mọi chuyện đã làm tôi vui sướng, đã chiều chuộng tôi, cho tôi hy vọng… tiếng mưa rơi, tràng sấm, những ý nghĩ về hạnh phúc, câu chuyện tình yêu… tất cả chỉ còn là kỷ niệm, và tôi thấy trước mắt mình là một khoảng cách sa mạc nhạt nhẽo; một cõi không bóng người, và ở chân trời thì tối tăm và kinh khủng…

Một tiếng chuông reo… Là Pyotr Sergeyitch. Hồi mùa đông tôi nhìn hàng cây và khi nhớ lại chúng xanh như thế nào trong mùa hè, tôi thì thầm:

“Ôi, hàng cây tôi yêu dấu!”

Và khi tôi gặp những người mà cùng họ tôi trải qua mùa xuân, tôi cảm thấy buồn nhưng lòng ấm áp và cũng thì thầm lời yêu dấu như vậy.

Anh đã cách biệt một thời gian dài vì những cơ sở phát đạt của cha tôi được chuyển đến thị xã. Anh trông già hơn một chút, xa xôi hơn một chút. Từ lâu anh không còn nhắc đến tình yêu của anh, đã thôi không còn huyên thuyên nhiều chuyện, không còn thích công việc của anh, phiền muộn và vỡ mộng; anh đã thôi không còn cố gắng để đạt được điều gì từ cuộc sống, không quan tâm gì trong cuộc sống. Bây giờ anh ngồi đây bên lò sưởi và lặng yên nhìn lửa…

Không biết nói gì tôi bèn hỏi anh:

“Anh có gì để nói với em không?”

“Không có gì,” anh đáp.

Lại im lặng. Ánh lửa hồng chập chờn trên khuôn mặt buồn của anh.

Tôi nhớ về thời đã qua, và ngay lập tức vai tôi bắt đầu rung rung, tim tôi chùng xuống, tôi bắt đầu khóc tấm tức. Tôi cảm thấy buồn cho mình và cho chàng trai này đến không chịu đựng nổi, và khao khát vô cùng những gì đã mất đi và những gì cuộc đời không dành cho chúng tôi bây giờ. Bây giờ tôi không nghĩ về giai cấp thượng lưu và sự giàu có.

Tôi khóc thành tiếng, hai tay ôm lấy đầu, thì thầm:

“Chúa ơi! Chúa ơi! Đời con đã lãng phí!”

Anh ngồi lặng không, bảo tôi: “Đừng khóc”. Anh hiểu rằng tôi phải khóc, và thời điểm phải khóc này đã đến.

Tôi thấy trong mắt anh sự tội nghiệp tôi; và tôi cũng tội nghiệp anh, và bực tức vì chàng trai nhút nhát, không thành công này không thể tạo được một cuộc đời cho tôi, chứ không phải cho chính anh.

Khi tôi đưa anh ra cửa, tôi tưởng tượng anh ao ước khoảnh khắc anh mặc lại áo khoác kéo dài. Hai lần anh hôn tay tôi mà không nói gì, nhưng nhìn hồi lâu khuôn mặt lấm nước mắt của tôi. Tôi tin vào lúc đó anh nhớ lại cơn bão, những dòng nước mưa, tiếng cười của chúng tôi, khuôn mặt tôi ngày hôm đó; anh muốn nói gì đó với tôi, và chắc là anh sẽ vui sướng nói ra; nhưng anh không nói gì, anh chỉ lắc đầu và bóp chặt tay tôi. Cầu Chúa phù hộ cho anh!

Sau khi tiễn anh đi, tôi trở lại phòng khách ngồi trên tấm thảm bên lò sưởi; những khúc củi đỏ phủ tàn tro đang bắt đầu lụi tàn. Sương giá tạt mạnh hơn vào những ô cửa sổ, và gió thì kêu u u trong ống khói.

Cô người làm vào, nghĩ rằng tôi ngủ, đã gọi tên tôi

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “A Lady's story”)

Nguồn: Http://www.online-literature.com/anton_chekhov/1246/

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước