Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:31 (GMT +7)

Chuyện đọc không hiểu

VNTN - Giáo sư hôm nào trước khi đi ngủ cũng đọc cho con nghe một câu chuyện, nhưng câu chuyện “Ba người thợ săn” trên “Họa báo tuổi thơ” thì ông không sao có thể đọc cho con nghe. Câu chuyện như sau: Ngày xưa có ba người thợ săn, hai người không mang theo súng, một người không biết bắn súng. Họ bắt gặp ba con thỏ, bèn nổ súng. Hai con thỏ trúng đạn chạy mất, một con không trúng đạn ngã gục.

Ba người xách con thỏ chạy mất đi về phía trước, đến trước một ngôi nhà không có cửa ra vào, không có cửa sổ, cũng không có mái, không có cả cột, gọi chủ nhà hỏi: “Chúng tôi muốn nấu con thỏ chạy mất, có thể cho mượn chiếc nồi được không?”

“Tôi có ba chiếc nồi, hai chiếc vỡ, một chiếc mất đáy.”

Ba người thợ săn nghe nói vậy thì hết sức vui mừng, reo lên: “Thế thì tốt quá, chúng tôi cần chính chiếc nồi mất đáy.”

Ba người dùng chiếc nồi mất đáy, nấu chín con thỏ chạy mất, ăn một bữa no nê.

Giáo sư ngẫm nghĩ mấy ngày, mà không nghĩ ra được ý nghĩa của câu chuyện là gì, bèn viết thư cho tạp chí “Giáo dục gia đình”, vạch rõ những sai lầm hiển nhiên về mặt logic của chuyện. Sai lầm thứ nhất là con thỏ trúng đạn làm sao chạy mất được, con thỏ không trúng đạn thì làm sao lại ngã? Sai lầm thứ hai, con thỏ đã chạy mất thì làm sao mà xách nó đem nấu ăn? Sai lầm thứ ba, chiếc nồi không đáy thì làm sao nấu chín được thỏ, mà ba người thợ săn đánh chén một cách no nê?

Sau khi bức thư của giáo sư được đăng lên, nhiều tờ báo và tạp chí đã đăng lại, giáo sư cũng nhận được rất nhiều thư từ. Thư gửi cho giáo sư, tất nhiên đều ủng hộ quan điểm của giáo sư, khiến ông cảm thấy được cổ vũ động viên rất nhiều, bèn viết một loạt bài phê bình hiện tượng bài viết cho trẻ con mà người lớn đọc không hiểu.

Một năm sau, có một vị khách đến thăm giáo sư. Vị khách và giáo sư nhất kiến như cố, giống như hai người bạn thân lâu năm gặp lại chuyện trò không dứt. Hai người nói đến một sinh viên  tốt nghiệp đại học, đã thi đỗ nghiên cứu sinh, nhưng bỏ học để về Sở đầu tư làm một viên chức sở, vì công việc ở đấy có thu nhập cao; nói đến một nhân vật đầy rẫy tiếng xấu, tham nhũng tham ô bề bề lại được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng… Hai người càng nói, càng cảm thấy phẫn nộ và buồn chán. Chuyện lan man, thế là hết nửa ngày, người khách đã ngà ngà bất ngờ nâng cốc hỏi giáo sư, ông có còn nhớ câu chuyện “Ba người thợ săn” không? Liệu bây giờ ông đã đọc thủng truyện ấy chưa? Giáo sư phẩy phẩy tay, im lặng không nói. Người khách cũng ngừng nói, nâng li chạm vào môi rồi lại đặt xuống. Một lúc lâu, giáo sư nói, uống nữa, uống nữa. Thế là hai người lại uống rượu, lại thở dài, lại uống. Đột nhiên giáo sư kêu lên, ái dà, nâng nâng ly rượu nói: “Chân lí đơn giản nhất thường lại khó phát hiện nhất. Chuyện “Ba người thợ săn” là nhằm để cho các em ngay từ còn bé, hiểu được rằng rất nhiều sự việc có thể xẩy ra nhưng đã không xẩy ra, lại cũng có những việc không thể xẩy ra nhưng lại đã xẩy ra…”.

Thang Quốc Cơ (Trung Quốc)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước