Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:27 (GMT +7)

Chuyến đi vào vùng “rốn lũ” miền Trung

KỶ NIỆM 30 NĂM VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (6/1991 - 6/2021)

VNTN - Tôi gắn bó với Tòa soạn Văn nghệ Thái Nguyên được gần 7 năm. So với các đồng nghiệp khác thì thời gian này không dài nhưng tôi luôn thấy thật tự hào bởi ở đây tôi được cống hiến hết mình và đóng góp một phần nhỏ bé vào chặng đường 30 năm khẳng định, phát triển rạng rỡ của ấn phẩm này.

Với vai trò là một phóng viên nên những chuyến đi xa thường xuyên diễn ra. Có những chuyến đi, những nhân vật đã để lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc thật khó quên. Như đợt tháng 11 năm ngoái, tôi cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên đi tặng quà từ thiện ở 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị - là những tỉnh bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão lũ gây ra.

 

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong chuyến công tác vào “rốn lũ” miền Trung năm 2020

Xuất phát từ Thái Nguyên lúc 18h, xe chạy xuyên đêm nhưng phải đến 8h sáng hôm sau đoàn mới có mặt ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Mưa càng lúc càng nặng hạt khiến mọi người có chút lo lắng, sợ rằng không hoàn thành được chuyến đi theo lịch trình vạch ra, và trên hết là thương bà con miền Trung lại phải gánh chịu thêm một cơn lũ khác. Anh em phóng viên phải trang bị mỗi người một cái áo mưa để che chắn cho thiết bị tác nghiệp, còn người thì ướt như “chuột lột” cũng chẳng quan tâm.

Tận mắt chứng kiến những gì mà thiên tai đã gây ra, cảm giác của tất cả mọi người đều là xót xa vô bờ. Dù cơn lũ đi qua đã được gần 2 tuần nhưng dọc các con đường của Quảng Bình, Quảng Trị vẫn còn lại những khung cảnh hoang tàn, thê lương. Hàng loạt nhà cửa bị tốc mái, tường vách nứt toạc ra, sập đổ, xung quanh ngập ngụa toàn bùn là bùn, không thể sửa chữa nên phải bỏ hoang. Cây cối cao đến cả chục mét vẫn bị ám vết bùn vàng quá nửa, trên cành là những túi ni lông, những mảnh giấy treo lủng lẳng. Trên các gò đất cao, xác gà vịt vẫn còn ngổn ngang. Những cánh đồng trải dài cả chục km, nước đục ngầu chảy xối xả, nếu chỉ nhìn qua, sẽ nghĩ đó là một con sông. Trôi nổi theo dòng nước nhấp nhô những tấm nhựa, các mảnh đồ đạc như vỏ tivi, bếp ga… bị nước cuốn trôi.

Trong suốt chuyến đi, tuy thời gian không cho phép gặp gỡ được nhiều người dân nhưng hình ảnh, hoàn cảnh của họ vẫn luôn ám ảnh tôi. Ở cái vùng đất mà nhiều người vẫn thường gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, lại thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, bà con phải tảo tần, vất vả lắm mới có được cuộc sống bình thường. Mất mát là quá nhiều đối với họ, thật khó có gì có thể bù đắp được hết.

Tôi còn nhớ mãi trường hợp của vợ chồng anh Trần Hữu Diệu ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hai anh chị cưới nhau được 4 năm, mãi mới dựng được gian nhà nhỏ để ở, thế mà cơn lũ đi qua đã làm sập hoàn toàn. Đau lòng hơn là cơn lũ năm 2016 đã cướp mất đi người con đầu của họ. Hai năm sau, trời mưa to nên vợ anh bị tai nạn giao thông, đứa con chuẩn bị lọt lòng cũng rời bỏ họ…

Đó là hình ảnh bà cụ Trương Thị Hữu (73 tuổi, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cùng 2 đứa cháu nép mình trong căn nhà đang chực đổ xuống. Bố mẹ các em vì nợ nần nên bỏ đi làm ăn biệt tích đã nhiều năm nay, 3 bà cháu nương tựa nhau mà sống. Cậu cháu lớn mới 11 tuổi vừa nhặt nhạnh những đồ dùng còn có thể dùng lại được đang vương vãi trên các cành cây, lấp dưới bùn đất, vừa cười nói với tôi “nhất định cháu sẽ là trụ cột của gia đình, cố gắng cùng bà và em vượt qua”. Rồi cậu ngoảnh mặt đi ngay, vờ như lau mồ hôi nhưng thật ra khóe mắt đã đỏ hoe. Cũng phải thôi, cậu vẫn còn là một chú bé, ở lứa tuổi đáng nhẽ đang được vui chơi thì nay phải gồng mình vì cơn lũ quái ác.

Bà cụ Nguyễn Thị Giáo (76 tuổi, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), thì chẳng còn tâm trí nào để dọn dẹp nhà cửa sau lũ nữa bởi mọi tâm trí của cụ lúc này đều dồn về người con gái duy nhất của mình. Cụ sống một mình trong căn nhà tình thương xóm xây cho, đồ đạc trong nhà đã bị nước cuốn trôi hết. Nhưng điều mà cụ lo lắng đến mất ăn mất ngủ là không liên lạc được với người con gái đã đi lấy chồng ở Quảng Bình cũng đang bị lũ tàn phá. Cụ cầm tay tôi, bất giác xưng mẹ với tôi, bảo tôi ở lại ăn cơm cùng, cụ sẽ nấu thịt heo thật ngon mời tôi. Tội nghiệp cụ nhưng tôi cũng chỉ biết ôm cụ vào lòng động viên rồi lên đường ngay…

Trở về nhà, tôi bắt tay ngay vào viết bài. Sau khi bài viết được đăng tải, đã có một số tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ cho những nhân vật, trường hợp cụ thể mà tôi đã phản ánh trong bài viết. Đó là nguồn động viên lớn nhắc nhở tôi cần phải trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa đối với nghề để cùng với các đồng nghiệp yêu mến của mình tiếp tục đưa tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên ngày càng phát triển hơn.

Anh Thắng (phóng viên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy