Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:39 (GMT +7)

Chùm truyện ngắn của Peter Bichsel.

 

Peter Bichsel (2012)

 Peter Bichsel (sinh ngày 24.3.1935 tại Luzern - Thụy Sỹ) là một nhà văn Thụy Sỹ đương đại, đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Ông nổi tiếng nhờ các truyện ngắn và cực ngắn mang phong cách nghệ thuật tương phản của mình. Những truyện ngắn này đều giống như những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thể hiện sự đối lập. Đó là sự đối lập trong tâm trạng, tính cách của các nhân vật, sự đối lập giữa vị tha và ích kỉ, giữa thật thà và gian dối, giữa bao dung và hẹp hòi... khiến cho người đọc không khỏi suy ngẫm.

VNTN xin giới thiệu cùng bạn đọc chùm truyện ngắn của PETER BICHSEL.

Cô con gái

Họ đợi Monika vào mỗi buổi tối. Cô làm việc trong thành phố, việc đi lại bằng tàu hỏa thật bất tiện. Họ, ông chồng và vợ của mình, ngồi ở bàn và đợi Monika. Từ khi cô làm việc ở trong thành phố thì bảy rưỡi họ mới ăn tối. Trước đây họ ăn sớm hơn một tiếng đồng hồ. Giờ đây, hàng ngày họ ngồi đợi một tiếng đồng hồ cạnh chiếc bàn ăn đã được trải khăn, tại chỗ của họ. Ông chồng ngồi ở bên ngoài, bà vợ ngồi trên chiếc ghế gần cửa bếp và một chỗ còn trống của Monika. Sau đó bà vợ bày dần cà phê đang pha, bơ, bánh mỳ và mứt nhừ ra bàn.

Monika cao lớn hơn họ, tóc của cô cũng vàng hơn và cô có làn da mịn màng như da của Maria, người cô ruột. "Nó luôn là đứa con đáng yêu", bà vợ nói trong khi họ chờ đợi. Trong phòng Monika có một cái máy quay đĩa, cô thường mang đĩa hát từ thành phố về, và cô biết tên các ca sĩ hát những bài hát ở trong đĩa. Ngoài ra trong phòng còn có một cái gương, một bộ đồ trang điểm, một chiếc ghế đẩu bọc da của Marốc và một bao thuốc lá.

Ông chồng tự đi lấy phong bì đựng tiền lương của mình do một cô nhân viên văn phòng phát cho. Ở phòng kế toán, ông ta đã nhìn thấy rất nhiều con dấu để trên một cái giá, ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng gõ máy tính lạch cạch, ngắm mái tóc nhuộm vàng của cô nhân viên. Và cô vui vẻ, lễ phép đáp lại khi ông nói "cảm ơn cháu".

Buổi trưa Monika ở lại thành phố. Cô ăn uống qua quýt ở các phòng trà, theo như cô nói. Cô cũng thoải mái hút thuốc ở trong đó. Bố mẹ cô thường hỏi cô làm những gì ở cơ quan và ở trong thành phố. Nhưng cô chẳng biết nói gì. Đương nhiên, sau đó họ thử hình dung một cách chính xác những việc cô thường làm trên đường đến nơi làm việc của mình. Cô dửng dưng mở cái ví màu đỏ và xuất trình vé tháng của mình ở trên tàu, cô đi dọc theo sân ga, cô sôi nổi trò chuyện với bạn bè của mình ở trên đường tới cơ quan, cô mỉm cười đáp lại lời chào của một gã đàn ông... Và trong giờ phút này nhiều lần họ hình dung ra cô về nhà, xách túi và kẹp một quyển tạp chí thời trang ở dưới cánh tay, người cô tỏa ra mùi nước hoa, cô ngồi vào chỗ của mình, sau đó họ cùng ăn tối với cô.

Chẳng bao lâu nữa cô sẽ thuê cho mình một căn phòng ở trong thành phố. Họ biết điều đó và biết rằng sau đó họ sẽ lại ăn tối vào lúc sáu rưỡi, rằng ông bố sẽ lại đọc báo sau giờ làm việc, rằng trong nhà sẽ không còn tiếng nhạc phát ra từ cái máy quay đĩa và sẽ không còn những phút chờ đợi nữa. Ở trên nóc tủ trong phòng cô có một cái lọ hoa bằng thủy tinh xanh của Thụy Điển, đó là cái lọ hoa cô mang về từ thành phố, một món quà tặng của tạp chí thời trang.

"Nó giống như em gái của anh", bà vợ nói, "mọi thứ ở nó đều giống như ở cô ruột của mình. Anh hãy nhớ lại mà xem, cô Maria hát mới hay làm sao!"

"Những đứa con gái khác cũng hút thuốc", bà nói tiếp.

"Ừ", ông chồng nói, "anh cũng nghĩ thế."

"Một đứa bạn gái của nó vừa mới lấy chồng", bà vợ nói. Nó cũng sẽ lấy chồng, ông chồng nghĩ, nó sẽ sống ở trong thành phố.

Cách đây không lâu ông đã nói với Monika: "Con hãy nói gì đi chứ!"  "Đúng đấy", bà vợ nhắc lại, "con hãy nói gì với bố mẹ đi!". Nhưng cô con gái chẳng biết nói gì.

Lúc này ông chồng nghĩ, thậm chí nó còn viết được cả tốc kí nữa cơ đấy. Và họ đã thường nói với nhau: "Nói chuyện với bố mẹ đối với nó thật khó."

Sau đó bà vợ bày các tách để rót cà phê ra bàn. "Em đã nghe thấy tiếng tàu hỏa", bà nói

 

San Salvador(1)

Paul đã mua cho mình một cái bút máy.

Anh ta ký đi ký lại nhiều lần, ghi họ, địa chỉ của mình, vẽ một vài đường lượn sóng. Sau khi ghi địa chỉ của bố mẹ lên một tờ giấy anh ta lấy một tờ giấy khác, cẩn thận gấp nó lại và viết: "Anh thấy ở đây lạnh quá", đoạn "anh đi Nam Mỹ". Sau đó anh ta dừng bút, vặn nắp bút, ngắm nghía dòng chữ, nhìn mực khô dần và trở nên sẫm màu (ở cửa hàng văn phòng phẩm người ta cam đoan với anh là nó sẽ chuyển thành mầu đen sau khi viết lên giấy). Tiếp theo anh ta lại mở nắp bút và viết thêm tên mình là "Paul" to tướng ở bên dưới.

Sau đó anh ta ngồi yên.

Một lúc sau anh ta thu dọn những tờ báo ở bàn, đồng thời đọc lướt qua các quảng cáo phim đăng trên báo. Anh ta nghĩ tới điều gì đó, đẩy cái gạt tàn sang bên cạnh, xé vụn tờ giấy có những đường lượn sóng, bơm hết mực ra khỏi ruột bút máy và lại hút vào đầy. Bây giờ đã quá muộn để đi xem phim.

Buổi diễn thử của dàn đồng ca nhà thờ kéo dài đến chín giờ, vào lúc chín rưỡi Hildegard sẽ về nhà. Anh đang đợi Hildegard. Căn phòng tràn ngập tiếng nhạc phát ra từ radio. Paul tắt radio đi.

Lúc này tờ giấy được gấp lại nằm ở giữa bàn, trên đó có tên Paul với nét chữ màu xanh đen. Dòng chữ "Anh thấy ở đây lạnh quá" cũng ở trên đó.

Paul nghĩ, thế nào rồi Hildegard cũng về nhà vào lúc chín rưỡi. Bây giờ là chín giờ. Cô ấy sẽ đọc dòng chữ anh để lại, đồng thời sợ hãi, có lẽ cô ấy sẽ không tin anh đi Nam Mỹ, nhưng cô ấy sẽ kiểm tra hòm quần áo, nhất định sẽ xảy ra điều gì đó. Cô ấy sẽ gọi điện đến quán "Sư tử". Nhưng vào ngày thứ tư quán "Sư tử" đóng cửa. Có thể cô ấy sẽ mỉm cười, thất vọng và bằng lòng với điều đó. Cô ấy sẽ vén tóc ra khỏi mặt dọc theo hai bên thái dương bằng ngón đeo nhẫn của bàn tay trái rồi cởi cúc áo măng tô.

Sau đó Paul ngồi yên, ngẫm nghĩ xem có thể viết cho ai một lá thư, đọc tờ hướng dẫn sử dụng bút lại một lần nữa anh ta giữ nó hơi nghiêng về bên phải, đọc cả phần được ghi bằng tiếng Pháp, so sánh phần ghi bằng tiếng Anh với phần ghi bằng tiếng Đức, nhìn tờ giấy ở trên bàn, nghĩ tới những cây dừa ở San Salvador, nghĩ tới Hildegard.

Anh ta ngồi yên.

Vào lúc chín rưỡi Hildegard về nhà và hỏi: "Các con ngủ chưa, anh?"

Cô vén tóc ra khỏi mặt

(1) Thủ đô của El Salvador

 

Ông giao sữa

Ông giao sữa viết vào một mảnh giấy: "Đáng tiếc là hôm nay hết bơ rồi." Bà Blum đọc mảnh giấy và tính toán, lắc đầu và tính lại một lần nữa, sau đó bà viết: "2 lít sữa, 1 lạng bơ, hôm qua ông đã không có bơ. Tuy nhiên, ông vẫn tính cả tiền bơ đối với tôi."

Vào ngày hôm sau ông giao sữa viết: "Xin lỗi". Ông ấy đem sữa đến giao vào lúc bốn giờ sáng. Bà Blum không biết ông. Bà thường nghĩ, mình nên biết ông ấy, mình cần phải dậy một lần vào lúc bốn giờ, để làm quen với ông ấy.

Bà Blum sợ, ông giao bơ có thể giận bà, ông ấy có thể nghĩ xấu về bà. Cái nồi của bà bị móp.

Ông giao sữa biết cái nồi bị móp, đó là cái nồi của bà Blum, bà ấy thường mua 2 lít sữa và 1 lạng bơ. Qua đó ông giao sữa biết bà Blum.

Nếu người khác hỏi ông về bà ấy, ông sẽ nói: "Bà Blum là người hay mua 2 lít sữa và 1 lạng bơ, bà ấy viết chữ rõ ràng và có một cái nồi bị móp." Ông giao sữa chẳng nghĩ ngợi gì, bà Blum cũng chẳng có lỗi gì. Và nếu như điều đó là có thể lắm chứ - số tiền mà bà Blum để sẵn ra để trả tiền sữa và bơ thiếu 10 xu thì ông viết vào một mảnh giấy: "Thiếu mười xu." Ngay ngày hôm sau ông ta được trả thêm 10 xu và nhận được mảnh giấy ghi: "Xin lỗi". Sau đó ông giao sữa nghĩ mình sẽ viết "Không có vấn đề gì" hoặc "Không sao" lên một mảnh giấy, nhưng như vậy thì trở thành việc trao đổi thư từ. Ông ta không viết nữa.

Ông giao sữa không quan tâm bà Blum sống ở tầng nào của tòa nhà, ông chỉ biết chiếc nồi của bà ấy được để ở dưới, cạnh cầu thang. Ông ta chẳng nghĩ ngợi gì nếu như nó không có ở đấy. Ở đội bóng hạng nhất có một cầu thủ cũng mang tên Blum, ông giao sữa biết anh ta, người có đôi tai vểnh. Có thể bà Blum cũng có tai vểnh.

Những người đàn ông giao sữa thường có đôi tay sạch sẽ, thô ráp, đỏ ửng, vụng về và cục mịch. Bà Blum nghĩ đến điều đó, mỗi khi bà nhìn thấy những mảnh giấy của ông ta để lại. Hy vọng là ông ta đã có được 10 xu. Bà Blum không muốn ông giao sữa nghĩ xấu về bà. Bà cũng không muốn ông ta nói chuyện ấy với bà hàng xóm.

Nhưng không có ai sống ở tòa nhà của chúng tôi biết ông giao sữa. Ông ta đến chỗ chúng tôi vào lúc bốn giờ sáng. Ông giao sữa là một trong số những người làm nhiệm vụ mà công ty giao cho. Việc đó diễn ra hàng ngày, cả thứ bảy, chủ nhật và những ngày làm việc trong tuần.

Hình như những người giao sữa không được trả lương cao, và hình như họ thường thấy thiếu tiền khi nhận tiền của khách hàng. Họ nghĩ, họ không có lỗi trong việc sữa đang trở nên đắt hơn.

Và thật ra bà Blum rất muốn làm quen với ông giao sữa.

Ông giao sữa chỉ biết bà Blum qua việc bà ấy mua 2 lít sữa, 1 lạng bơ và có một cái nồi bị móp

 

Phạm Đức Hùng 

dịch từ nguyên bản tiếng Đức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước