Chùm truyện ngắn của Kawabata Yasunari
Cô gái đi vào lửa
Nước hồ lấp loáng ở xa xa. Nó có màu của một con suối tù đọng trong một khu vườn cũ kỹ vào một đêm sáng trăng.
Khu rừng bên kia hồ đang lặng lẽ cháy. Lửa lan ra khi tôi nhìn - một đám cháy rừng.
Xe chữa lửa đang chạy nhanh dọc theo bờ hồ trông giống một món đồ chơi in hình sống động trên mặt hồ. Từ phía dưới, nhiều đám đông người liên miên ngược triền dốc lên đồi làm đen sẫm ngọn đồi.
Khi tôi bình tĩnh lại, không khí quanh tôi vẫn yên tĩnh và sáng, nhưng khô hanh.
Dãy thị trấn dưới chân đồi là một biển lửa.
Một cô gái tách khỏi đám đông người và đi xuống triền dốc một mình. Nàng là người duy nhất đang đi xuống đồi.
Lạ thay, toàn thế giới không một âm thanh.
Khi tôi thấy cô gái đang đi thẳng về hướng biển lửa, tôi không chịu đựng nổi cảnh tượng đó.
Rồi, không cần phải dùng lời, tôi thực sự trò chuyện với cảm xúc của nàng.
“Sao em lại đi xuống đồi một mình? Định chết cháy hay sao?”
“Em không muốn chết, nhưng nhà anh ở phía tây, và vì thế em đi về phía đông.”
Cảnh tượng nàng - một đốm đen nổi lên trên ngọn lửa choán hết tầm nhìn của tôi - làm nhức mắt tôi. Tôi thức giấc. Có những hạt lệ trong mắt tôi
Quả lựu
Trong gió lộng đêm ấy cây lựu đã trút hết lá. Lá cây rơi nằm thành một lớp vòng tròn dưới gốc cây.
Vào buổi sáng Kimiko giật mình khi thấy cây trơ trụi, và ngạc nhiên vì vòng tròn hoàn hảo của lá dưới cây. Nàng đã tưởng là gió sẽ xáo trộn chúng.
Có một quả lựu, một quả lựu rất đẹp, còn lại trên cây.
“Đến xem nè mẹ”, nàng gọi mẹ nàng.
“Mẹ đã quên mất nó.” Mẹ nàng nhìn lên cây và bỏ vào nhà bếp.
Quả lựu làm Kimiko nghĩ đến sự cô đơn của hai mẹ con. Quả lựu phía trên hàng hiên cũng cô đơn và bị lãng quên.
Khoảng hai tuần trước, đứa cháu trai bảy tuổi của nàng đến chơi nhà, và đã để ý những quả lựu ngay. Nó leo lên cây. Kimiko cảm thấy nàng còn hiện diện trong đời.
“Có một quả lựu to ở phía trên đó,” nàng nói từ hàng hiên.
“Nhưng nếu con hái nó con không thể leo xuống được.”
Quả đúng vậy. Để leo xuống với những quả lựu trong cả hai tay thì không dễ. Kimiko cười. Nó là đứa cháu ngoan.
Cho tới khi nó đến hai mẹ con nàng đã quên mất quả lựu. Và đến bây giờ họ lại quên nữa.
Khi đó quả lựu ẩn mình trong lá. Giờ thì nó hiển hiện trên nền trời.
Có sức mạnh trong quả lựu và trong vòng lá dưới gốc cây. Kimiko đi chọc cho quả lựu rơi xuống bằng một cây tre.
Quả lựu chín đến nỗi những hạt lựu bung nứt vỏ. Những hạt lựu lấp loáng trong ánh nắng khi nàng đặt quả lựu trên hàng hiên, và nắng như thể chiếu xuyên qua chúng.
Nàng cảm thấy như hối tiếc.
Khoảng mười giờ khi ở trên gác với món đồ may, nàng nghe tiếng của Keikichi. Qua khung cửa không khóa, hình như chàng đã vòng qua vườn. Có vẻ khẩn cấp trong giọng nói của chàng.
“Kimiko, Kimiko!” mẹ nàng gọi. “Keikichi đến nè.”
Kimiko chưa xỏ chỉ vào kim. Nàng cắm kim trở lại vào chiếc gối cắm kim.
“Kimiko nói nó muốn gặp lại cháu trước khi cháu đi.” Keikichi sắp ra trận. “Nhưng chúng ta khó đi gặp cháu khi không có lời mời, mà cháu thì không đến. Hôm nay cháu đến thật là tốt.”
Bà mời chàng ở lại ăn trưa, nhưng chàng đang vội.
“Vậy thì ít nhất hãy ăn một quả lựu. Chúng tôi tự trồng đấy.” Bà lại gọi Kimiko.
Chàng chào nàng bằng mắt, như muốn nói chàng có thể làm nhiều hơn nữa để chờ nàng xuống. Nàng dừng bước trên cầu thang.
Một cảm xúc ấm áp như đến với mắt chàng, và quả lựu từ tay chàng rơi xuống đất.
Họ nhìn nhau và cười.
Khi nhận ra mình đang cười, nàng đỏ mặt. Keikichi đứng dậy.
“Em bảo trọng nha, Kimiko.”
“Anh cũng vậy nha.”
Chàng đã quay đi và đang nói lời tạm biệt với mẹ nàng.
Kimiko nhìn cổng vườn sau khi chàng đi.
“Cậu ấy vội,” mẹ nàng nói. “Quả lựu đẹp thế chứ.”
Chàng đã để quả lựu lại trên hàng hiên.
Hình như chàng làm rơi quả lựu vì một cảm giác ấm áp chạm mắt chàng khi chàng đang sắp mở quả lựu. Chàng đã không tách nó thành hai nửa riêng biệt. Quả lựu nằm với những hạt lựu hướng lên trên.
Mẹ nàng mang quả lựu vào nhà bếp rửa, rồi đưa cho Kimiko.
Kimiko cau mày và rụt tay lại, rồi, đỏ mặt một lần nữa, cầm quả lựu đi với vẻ bối rối.
Keikichi hình như đã lặt mấy hạt ngoài rìa.
Người mẹ nhìn nàng, hẳn là sẽ thấy lạ khi nàng không ăn. Nàng thờ ơ cắn vào quả lựu. Chất chua ngập trong miệng nàng. Nàng cảm thấy một niềm vui, như đang thâm nhập vào sâu trong nàng.
Thờ ơ, mẹ nàng đứng dậy.
Bà đến bên tấm gương và ngồi xuống. “Hãy nhìn tóc của mẹ. Mẹ chào tạm biệt Keikichi với búi tóc rối này.”
Kimiko nghe mẹ nàng nói đến lược.
“Khi cha con chết,” mẹ nàng nhẹ nhàng nói, “Mẹ sợ chải tóc. Khi mẹ chải tóc mẹ sẽ quên những gì mẹ đang làm. Khi mẹ tỉnh trí lại cứ như thể cha con đang chờ cho mẹ làm xong.”
Kimiko nhớ thói quen của mẹ nàng là ăn những gì thừa cha nàng để lại trên dĩa của ông.
Nàng cảm thấy điều gì đó níu kéo nàng, một niềm vui làm nàng muốn khóc.
Có thể mẹ nàng cho nàng quả lựu thay vì miễn cưỡng ném nó đi. Chỉ là vì thế. Đã trở thành một thói quen là không ném các đồ vật đi.
Một mình với niềm vui riêng tư của nàng, Kimiko cảm thấy mắc cỡ trước mẹ nàng.
Nàng nghĩ rằng đó là một lời tạm biệt tốt hơn mà Keikichi đã có thể nhận thức, và rằng nàng có thể đợi lâu đến bao nhiêu cũng được chờ chàng trở về.
Nàng nhìn về phía mẹ. Nắng đang chiếu trên những ô cửa giấy bên kia chỗ mẹ nàng ngồi nơi tấm gương.
Không hiểu vì sao nàng ngại cắn vào quả lựu để trên đầu gối nàng
Võ Hoàng Minh dịch.
Nhà văn Kawabata Yasunari | Kawabata Yasunari (14.6.1889 - 16.4.1972) là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel văn chương năm 1968, đúng dịp kỷ niệm 100 năm hiện đại hóa văn học Nhật Bản tính từ cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868. Những sáng tác văn chương, tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn có hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật (theo Wikipedia tiếng Việt). Kawabata nổi tiếng với các tiểu thuyết “Snow Country - Xứ Tuyết”, “A thousand cranes - Ngàn cánh hạc”, và “The Sound of the Mountain - Tiếng núi”, nhưng ông cũng viết nhiều truyện rất ngắn - loại truyện mà ông gọi là tanagokoro no shôsetsu (truyện ngắn trong lòng bàn tay). Những truyện này ít có cốt truyện, mà miêu tả những cảm xúc và trải nghiệm tức thời có những ý nghĩa lớn. |
Võ Hoàng Minh dịch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...