Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:55 (GMT +7)

Chùm truyện ngắn của Elena Pucillo Trương

LTS: Elena Pucillo Trương là Tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài. Bà là người Ý, sau khi kết hôn với chồng là dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân đã thêm họ “Trương” của chồng vào tên mình.

Elena Pucillo Trương

Bà từng dạy tiếng Pháp và Văn minh Pháp tại Đại học Milano Ý. Hiện bà đang dạy tiếng Ý tại Nhạc viện TP.HCM và văn hóa Pháp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bà sáng tác truyện ngắn, tùy bút, tản văn bằng tiếng Ý và được chồng dịch ra tiếng Việt.

Tòa soạn xin giới thiệu chùm truyện ngắn do vợ chồng Elena Pucillo Trương gửi đến với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc Văn nghệ Thái Nguyên.

Ngày xửa ngày xưa… xưa lắm… có một quyển sách. À… mà chính tôi là quyển sách ấy và đây là câu chuyện đời tôi.

Có ai đó đã viết rằng đọc một quyển sách như sống cả ngàn cuộc đời, còn tôi thì nhờ được chuyền tay qua nhiều độc giả nên trong lòng cũng lưu giữ được bao nhiêu ký ức về họ.

Tất cả câu chuyện được bắt đầu từ ngày xa xưa ấy, khi sách vừa được in, trang giấy còn thơm mùi mực và gáy sách vừa mới kịp khô là người ta đã bỏ tôi vào thùng giấy bên những ấn bản khác. Chúng tôi tất cả đều giống nhau, 10 quyển sắp xuôi, 10 quyển sắp ngược để được nén chặt trong thùng cát tông. Tuy hình dạng như nhau mà định mệnh chúng tôi mỗi người mỗi khác.

Thế rồi có những người lấy chúng tôi từ thùng cát tông và sắp thành từng hàng như toán quân trên kệ của các nhà sách. Nhưng tôi không nằm ở đó lâu, có lẽ nhờ nội dung hấp dẫn qua những hàng chữ mà tác giả đã xăm lên trang giấy.

Trên kệ ở một cửa hàng lớn, người ta lồng tôi vào một chiếc bao nhựa, nhưng tôi không phải nằm lâu trong đó vì chỉ một ngày sau là đã có hai bàn tay háo hức kéo tôi ra khi chân anh chưa bước hẳn ra khỏi tiệm. Hai bàn tay trẻ, nhanh nhẹn, hồi hộp lật nhanh các trang sách. Thỉnh thoảng một bàn tay dừng lại để vuốt mái tóc đang rơi phủ xuống trán và ngước nhìn lên bầu trời. Anh chính là độc giả đầu tiên của tôi, có lẽ là một sinh viên trẻ vì tôi nhớ là đã cùng anh đến trường đại học bằng xe bus. Anh thường bỏ tôi vào chiếc ba lô để mang theo và lấy ra đọc trong những lúc an nhàn. Cũng có khi anh chở tôi trên chiếc xe đạp để về những vùng quê. Anh dành rất nhiều giờ để đọc và khi nào mệt anh úp tôi lên mặt để che nắng rồi thiếp ngủ.

Rồi một ngày người bạn trẻ này viết vài hàng lên trang đầu và để tôi lại ở một quán cà phê. Trên chiếc kệ đó có những quyển sách khác đang nằm chờ phủ bụi.

Cũng có thể là tôi sẽ nằm yên ở đấy mặc tình cho nhện giăng một thời gian nếu không có đôi bàn tay dịu dàng của một cô gái. Tôi yêu cô ấy ngay từ phút đầu gặp gỡ, không phải chỉ vì cô đã cứu tôi thoát khỏi định mệnh bị lãng quên mà vì cô là một người đặc biệt: luôn mỉm cười, hai bàn tay nâng tôi lên thật nhẹ nhàng, cử chỉ thân thương và không bao giờ vội vã. Với cây bút chì trên tay có khi cô làm tôi nhột vì những gạch dưới hay ghi chú bên lề. Tôi có cảm giác là tôi và cô đang trao đổi: Tôi mang lại cho cô sự thích thú nên khi đọc cô cảm nhận rồi bình luận, để lại trong tôi một phần hồn và những khoảnh khắc của mình. Cô lật sách dịu dàng, và khi nào ngừng đọc cô đặt một thanh đánh dấu bằng giấy có in hình một chú mèo, ở một đầu có cột một dải lụa màu vàng cam.

Thanh đánh dấu bằng giấy vẫn còn nguyên khi cô gái để tôi trên băng ghế của một sân ga và có lẽ nhờ dải vải màu vàng cam nên tôi được một người đàn bà chú ý.

Hai bàn tay bình tĩnh, gần như cẩn trọng, bà lật và đọc những ghi chú của độc giả đầu tiên và những bình luận của cô gái rồi cẩn thận bỏ tôi vào túi áo khoác. Tôi nằm yên trong chiếc áo đó và làm bạn với người đàn bà giữa những lối đi rộng và có mùi thuốc khử trùng.

Có lẽ người đàn bà này là bác sĩ hay một nữ y tá, tôi không chắc, còn bà ấy thì chỉ đọc tôi vào ban đêm và tôi rất thích những giây phút tĩnh lặng, năm khi mười họa mới bị làm phiền bởi tiếng ngáy hay một cơn ho của người bệnh.

Một ngày người đàn bà ấy lấy tôi ra từ túi áo khoác và đặt vào tay một người đàn ông, hai bàn tay của người này hơi run. Và thế là tôi lại bắt đầu cho một cuộc đời khác, chung sống với một ông cụ có hai bàn tay sần sùi và trên cánh tay có nổi những đường gân lớn. Ông cẩn thận và chậm rãi lật tôi từng trang và tôi rất thích điều này, vì điều đó có nghĩa là đề tài và những hình xăm của tôi thường làm ông suy nghĩ. Ông cụ nằm ở bệnh viện một thời gian khá dài rồi sau đó mới về nhà. Tôi còn nhớ là ông cẩn thận đặt tôi trên bộ pijama nằm trong túi xách, trong đó còn có các lọ thuốc viên, chiếc đồng hồ báo thức, một radio nhỏ, chai nước suối và vài tờ nhật báo.

Bằng những bước chân chậm rãi nhưng còn khá vững ông mang tôi theo về một căn nhà lớn và mỗi ngày đều có một người đàn bà đến chăm sóc. Thế là tôi làm bạn với ông trong những phút cô đơn. Giờ nào tôi cũng ở cùng ông, giữa hai bàn tay khẳng khiu và trong sự yên lặng của căn nhà ông cẩn thận lật từng trang. Thay vì chiếc bàn đêm ở bệnh viện, bây giờ ông đặt tôi trên chiếc bàn con dưới một chân đèn, từ đó tỏa ra một thứ ánh sáng ấm áp soi chiếu chiếc ghế bành đặt trên một tấm thảm đẹp và một tủ sách thật to. Ông vẫn giữ thanh giấy đánh dấu tuy lúc này đã sờn, hình con mèo đã có hai tai bị cong queo.

Thế rồi một ngày kia mọi chuyện thay đổi.

Tôi bị bỏ quên nhiều ngày trên chiếc bàn con để nằm chờ ông cụ. Trong bóng đêm tôi lắng tai cố nghe bước chân chầm chậm của ông, tiếng dép kéo lê trên nền nhà. Nhưng không nghe thấy.

Thỉnh thoảng vào buổi sáng có một ai bước vào căn nhà, vén màn, mở những chiếc cửa sổ để tiếng chim chóc và ánh nắng ấm áp tràn vào. Rồi sau vài giờ những chiếc màn được kéo lại che cửa sổ cũng vừa được khép. Sau đó không có gì. Nhưng sự yên lặng không kéo dài.

Rồi đột nhiên tôi thấy mình bị nhốt trong một chiếc thùng cát tông cùng với những vật dụng khác. Rồi sau một chuyến đi không thoải mái, bị giằng xóc giữa những thứ linh tinh như bức tượng, các vật lưu niệm… cuối cùng tôi cũng được mang đến và nằm trong tay người bạn già. Ông không còn ở trong căn nhà lớn có phòng khách ấm cúng, một tủ sách to và nhiều ánh sáng.

Ông cụ đặt tôi lên một góc trên chiếc tủ nhỏ ở gần một chiếc giường bằng sắt. Dưới cửa sổ trong căn phòng nhỏ có một chiếc bàn và một chiếc ghế, một cái tủ đứng dựa vào tường và không có gì khác. Chẳng có ai đến thăm ông cụ của tôi. Ông làm bạn với tôi hằng giờ. Và một ngày, hai bàn tay ông buông lõng đánh rơi tôi trên mặt nệm.

Có những bàn tay khác quan tâm đến tôi. Họ gấp tôi lại, bỏ riêng ra, rồi cho vào một thùng cát tông và kể từ ngày đó tôi vĩnh viễn đánh mất thanh đánh dấu sách có in hình con mèo nhỏ.

Đời tôi sẽ ra sao?

Tôi cảm thấy mình bối rối và thiếu tự tin, mất phương hướng. Tôi gần như không còn hy vọng gì nữa.

May thay! Lại có thêm một biến chuyển mới.

Hai bàn tay mới này mạnh mẽ, nhanh nhẹn, linh động và đầy niềm vui sống. Anh ta cầm tôi lên và giải thoát tôi ra khỏi nhà tù. Xin lặp lại, tôi phải hấp dẫn thế nào nên mới được người đàn ông này mang tôi theo trong những chuyến công tác, phần lớn di chuyển bằng máy bay. Thật tuyệt! Ai mà có thể ngờ? Tôi được theo anh ấy đi khắp mọi nơi, nhìn thấy bao nhiêu miền đất mới dù có một vài trang trên thân thể tôi dính những vết cà phê, cà ri, có trang bị cháy vàng vì nắng hay có những hạt cát làm cho vài trang bị tổn thương. Tôi đã thấy sông, thấy biển, nghe được cả những hơi thở hổn hển, của đam mê và niềm sảng khoái trong các động tác ái tình. Tôi đã có mặt trong những giây phút đẹp nhất của anh ấy với trọn niềm vui sống và yêu thương. Với anh, với tình yêu, với những người bạn… tôi nghe được những tiếng cười, tôi nghe anh đọc vài trang cho các bạn nghe, vừa nói vừa lật sách, chỉ tay vào những hàng chữ cùng với niềm say mê như bàn tay một người đàn ông lướt trên cơ thể người tình.

Bao nhiêu thời gian đã trôi qua và có nhiều cuộc đời mà tôi đã sống cùng. Những bàn tay trẻ trung, mạnh mẽ hay có khi yếu đuối, mảnh mai, như trường hợp của một người đàn bà khiếp hãi, bị đánh đập và bỏ rơi. Và giống như những thân phận bất hạnh đó, với thời gian, tôi cũng bị sờn, vài trang bị rách, có trang bị mất… thế nhưng dù thân thể đã hư hao tôi vẫn còn có sức thu hút.

Giờ thì tôi đang nằm trên một chiếc kệ ở sân bay nhưng tôi chẳng biết là đâu. Trên loa phóng thanh người ta phát ra bằng nhiều ngôn ngữ chìm lẫn trong những tiếng ồn của động cơ. Rồi có những bàn tay cầm tôi lên với sự hờ hững, liếc qua vài phút với vẻ hoài nghi, uể oải trong thời gian chờ đợi chuyến bay. Tự dưng tôi cũng cảm thấy nghi ngại, nghĩ đến những ước muốn và kỷ niệm của mình.

Mà đây rồi, có hai bàn tay khác đang cầm lấy tôi với sự nồng nhiệt, lật từng trang với niềm thích thú. Những ngón tay này chạm vào tôi thật khẽ khàng nhất là ở những chỗ có ghi chú hay bình luận bằng bút chì. Hai bàn tay ấy giữ chặt tôi, rồi mang tôi theo. Và thế là thân phận bị quên lãng của tôi cũng chấm dứt. Để trở thành một người bạn và tôi như lại được sống thêm một lần nữa.

Giấc mơ thu ngọt ngào

Tất cả trắng toát và lạnh lẽo xung quanh tôi. Những bức tường trắng và ngay cả thành giường bằng thép để tôi khỏi ngã.

Có lẽ vì thế mà tôi rất thích cái cây phong nằm bên ngoài cửa sổ, vật duy nhất cho tôi hay là thời gian vẫn đang trôi. Bên ngoài mọi thứ đang đổi mới và đổi thay.

Có một điều gì đó cũng đang thay đổi trong tôi, nhưng từ từ... chậm rãi, không đau đớn.

Tôi nhớ là khi mình vừa mới đến, căn phòng liền ngập đầy bác sĩ và y tá; tất cả đều rộn ràng chuẩn bị để tấn công căn bệnh một cách quyết liệt, không khoan nhượng.

Nhưng thực ra là cuộc chiến không khoan nhượng đó đang nhắm vào tôi... Không ai hỏi tôi muốn gì. Họ đến vào buổi sáng, viết lên bệnh án cái gì đó, bảo y tá truyền nước biển cho tôi, rồi đi.

Ngày hôm sau cũng thế. Mà thực ra tôi có gì khác nữa đâu để mà chọn lựa.

Từ mấy hôm nay có một người nào đó đến vào buổi sáng… sau đó thì tôi ngủ. Tôi ngủ càng lúc càng nhiều và tôi không thích điều đó.

Không thích vì tôi muốn tưởng tượng hay nhớ về một điều gì, nhưng tôi lại nằm mơ.

Tôi mơ thấy mình bơi lội trong làn nước biển xanh trong mát mẻ, có những tia nắng vàng phản chiếu với những giọt nước mặn trên làn da sạm nắng. Tôi mơ thấy mình đi xe đạp ở miền quê, giữa những cánh đồng lúa xanh rì.

Tôi mơ nhiều thứ, mà rồi khi thức giấc, đôi mắt chỉ nhìn thấy bức tường trắng trước mặt.

Thế là tôi xoay người hướng về phía cửa sổ và nhìn thấy bạn tôi. Đó là người duy nhất có thể hiểu những gì mà tôi cảm nhận. Tôi quan sát đôi bướm đang bay lượn như hai kẻ yêu nhau đang nhảy điệu luân vũ xung quanh bạn ấy. Đúng rồi, tôi muốn mơ thấy mình nhảy múa. Tôi muốn mơ thấy mình ôm hôn một ai đó, say đắm chứ không phải phớt qua như các bạn ở trường. Tôi muốn yêu, dù cũng chẳng biết thế nào là tình yêu. Tôi đã không có thời gian và chắc cũng sẽ không bao giờ có.

Những bác sĩ bước vào phòng tôi, càng ngày họ càng dừng lại ít thời gian, gần như là tôi có thể làm họ bị nhiễm hoặc có khi họ nghĩ, nếu không nhìn thấy tôi thì cũng giống như chẳng gặp phải vấn đề.

Tôi là một vấn đề! Điều mà không ai có thể chấp nhận. Nếu chết già là một niềm hy vọng thì cái chết của tôi khi chưa tròn 16 tuổi là một sự thật tàn nhẫn, không thể nào chấp nhận.

Nhưng có lẽ nhiều người không hiểu rằng tôi không hề sợ sệt. Người ta có thể dễ dàng chấp nhận khi biết mình sẽ chết. Chỉ khi nào còn hy vọng sống mới làm người ta hoảng sợ. Vì để sống, cần phải phấn đấu, một cách tuyệt vọng và liên tục. Còn tôi thì không muốn phấn đấu nữa rồi.

Tình cảm duy nhất có trong tôi chỉ là sự cay đắng, bởi vì đối với tôi đáng lý phải là mùa xuân, mùa của hoa hồng, của tình yêu đầu đời, của những điều vô tư và hồn nhiên nhưng thay vào đó chỉ là một cuộc tăng tốc để sớm vào đông. Tôi đã nhìn thấy những chiếc lá nhiều màu trên cành của bạn tôi. Hằng ngày tôi nhìn những chiếc lá thay đổi màu sắc dưới ánh nắng mặt trời càng ngày càng nhạt, hay có khi sáng bóng sau cơn mưa hoặc khẽ lay động vì những cơn gió càng lúc càng lạnh dần.

Lạnh lẽo và băng giá như căn phòng mà họ đang bỏ mặc tôi, một mình.

Bây giờ thì tôi mệt lắm, chỉ muốn ngủ, và mơ.

Mơ thấy mình đang ôm và siết chặt trong vòng tay một đứa bé, rồi đong đưa nó. Mơ thấy mình cẩn thận nắm tay bé, dạy bé chập chững bước đi, từng bước, từng bước hướng về phía cuộc sống.

Mơ thấy mình nằm, ngước mặt lên, nhìn thấy một bầy chim én bay lượn giữa bầu trời ấm áp, xoay tròn trên đỉnh đầu, miệng kêu ríu rít như thể muốn mời tôi nhập bọn, bay theo chúng trong cuộc hành trình.

Mơ thấy mình nằm dài trên một đống lá khô giòn, những chiếc lá phong của ông bạn ngoài kia, đủ màu sắc từ vàng, đỏ tươi, chuyển sang tím... rồi cuốn người lăn tròn cho đến khi mỏi mệt và nằm dài dưới bóng cây có những cành trơ trọi nhưng luôn sống động.

Nếu có ai đó hỏi thì tôi sẽ trả lời rằng mình chỉ muốn nằm nghỉ dưới bóng của bạn tôi mà thôi. Người duy nhất hiểu được những nỗi sợ hãi của mình. Người duy nhất đã không bỏ rơi tôi.

Có lẽ đấy là cái cách mà tôi sống lại.

Như thế tôi mơ là mình không thể chết.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước