Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
16:04 (GMT +7)

Chiếc tàu Alcazar

VNTN - Câu chuyện được kể bởi thuyền trưởng Jonh cho một cậu bé đi nghỉ hè tại hòn đảo nơi ông sống, trong một buổi chiều tà khi mà hai người ngồi trên mũi chiếc Alcazar bị mắc cạn giữa bãi cát.

***

“Chiếc tàu mà hai bác cháu mình đang ngồi vốn được cho là to nhất không chỉ ở hòn đảo này, mà là cả vùng duyên hải Đông Bắc. Thế nhưng không ai có thể phát âm đúng tên của nó. Thuyền trưởng Green, người chủ trước của chiếc tàu này nói, cái tên Alcazar được xuất phát từ tiếng Cuba. Ông ta hồi trẻ từng nhiều năm sống tại La Havana, rồi Bermuda, cuối cùng mới chuyển về đây.

Bác đã phải cho Green nốc biết bao nhiêu vại bia để ông ấy kể lại chuyện làm cách nào mà có thể lấy được chiếc tàu này. Green nói rằng, vào một ngày nọ ông ấy và hai người bạn lái thuyền ra đảo Isle de Haut để đánh cá trích. Họ quanh quẩn bên đảo được hơn một tuần thì sương mù kéo đến, ba người phải tạm thả neo vào bờ. Thế rồi, một cơn gió thổi đám sương mù đi, và một người bạn tinh mắt của Green phát hiện ra chiếc tàu này đang giăng buồm giữa biển. Green nhìn qua ống nhòm phát hiện trên boong tàu không có bất kỳ thủy thủ nào, còn vải buồm rách nát đến mức gần như không nhận ra được.

Green và hai người bạn lái thuyền lại gần chiếc tàu. Ban đầu họ đứng từ xa hét tướng lên để gọi nhưng không thấy ai trả lời. Green mới liều mình bám thành tàu leo lên boong.” - Thuyền trưởng John hơi rùng mình - “Bác chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy một chiếc tàu bị bỏ hoang trên biển, nhưng cứ nghe cái cách ông Green kể lại thì sợ thật. Ông ta đi vào khoang tàu mà cũng không tìm thấy bất kỳ người nào. Chỉ có mấy bộ quần áo vứt lung tung và mấy cái võng đã sờn. Toàn bộ cabin đều nặng mùi ẩm mốc.

Thuyền trưởng Green không thể hiểu nổi chiếc tàu này trước đó đã làm gì ở đây. Nó không phải là tàu chở hàng hay tàu săn bắt cá voi. Ngay cả những vị thương gia cũng chẳng mấy khi dùng loại tàu này, vì bên trong tàu có nhiều chỗ được lót nhung và thảm Thổ Nhĩ Kỳ. Nó giống như là một chiếc tàu của một ông nhà giàu nào đó lấy việc lái tàu làm thú vui.

Thuyền trưởng Green và hai người bạn đang đi quanh tàu thì bỗng dưng cánh cửa cabin thuyền trưởng bật mở. Ba người rùng mình nhìn nhau, rồi không ai bảo ai, chỉ có Green lấy đủ tự tin để bước vào cabin. Tất cả mọi thứ bên trong phòng được phủ bởi một lớp bụi dày hóa màu bạc dưới ánh trăng vàng. Tuy thế đồ đạc không lộn xộn như là ở dưới khoang tàu.

Green có cảm giác sờ sợ về chiếc tàu, nhưng ông cũng biết là mọi người sẽ cười nhạo mình vì bỏ lỡ một cơ hội tốt như thế này. Chỉ nhìn vào bên trong cabin là đủ biết chiếc tàu đáng giá đến mức nào, từ ván lát sàn bằng gỗ gụ, rèm cửa bằng vải ren, và một cái giá đầy những chai rượu whisky trống không. Mọi thứ trên tàu đều toát ra vẻ vương giả chỉ có tìm thấy được ở giới nhà giàu châu Âu.

Green đang trầm ngâm suy nghĩ thì một người bạn của ông ta kêu toáng lên: “Xuống đây ngay đi!” Green bèn chạy xuống tận dưới đáy tàu. Ông ta gần đến nơi thì phải hốt hoảng dừng lại, lấy tay bịt mũi vì ngửi thấy cái mùi thối không thể lầm được bởi xác chết. Người bạn của Green nhìn thấy ông ta thì mới lắp bắp:

“Chiếc t-tàu này… là tàu c-chở… nô lệ.”

“Nô lệ?!”

“Họ chết hết cả rồi!” - Vừa nói người bạn vừa phải dựa vào thành tàu để đứng vững. Điều đầu tiên đập vào mắt của Green là xác người la liệt trong khoang tàu. Những cái xác rũ xuống trong tư thế hai tay bị kéo ngược ra sau bởi dây xích trói. Cứ nhìn nước da của họ thì hẳn đây là những người thổ dân châu Phi bị bắt đi rồi đem đến nơi đây làm nô lệ.

Chính ra thì ngày xưa thuyền trưởng Green cũng từng lái tàu buôn nô lệ, rồi sau đó ông ta phải bỏ vì không chịu nổi cái nghề kinh khủng đấy. Nhưng cảnh tượng lúc đó ghê sợ đến mức ông ấy suýt nữa nôn ọe ra. Green sau đó quyết định rằng mình phải lái chiếc tàu này về đảo rồi trình báo với chính quyền.

 

Chẳng bao lâu sau lúc chiếc tàu cập cảng, người dân đảo tụ tập hết trên boong tàu. Bác cũng ở trong đám người đó. Họ vây lấy thuyền trưởng Green để hỏi, nhưng ông ta không hé răng lấy nửa lời. Thế là mọi người cứ bàn tán loạn lên. Người thì bảo rằng mọi người trên tàu đều mắc một thứ dịch bệnh nào đấy, người thì bảo nô lệ trên tàu nổi loạn khiến thủy thủ đoàn phải bỏ tàu. Họ còn lục lọi mọi ngóc ngách trên tàu, trừ khoang chứa nô lệ.

Mấy vị quan chức sau đó đến kiểm tra con tàu rồi lại bỏ đi. Đến cả họ cũng không đưa ra kết luận nào cả, cho nên mọi chuyện sau đó cũng dần lắng đi. Một vài đứa trẻ nói rằng vào buổi tối từ tàu phát ra những tiếng lách cách của dây xích, nhưng người lớn lại coi những lời đó là trẻ con bịa đặt. Chiếc tàu cứ thể thả neo ở bến cảng mà không ai nhìn ngó tới.

Có lẽ phải đến ba tháng sau thì thuyền trưởng Green mới quay trở lại chiếc tàu. Ông ta vẫn còn sợ, nhưng cũng cảm thấy tiếc về việc để một chiếc tàu tốt như thế này nằm mãi ở bến cảng. Thế là Green làm giấy tờ nhận chiếc tàu là của ông ta, rồi sau đó bắt tay sửa lại nó. Cái tên Alcazar cũng do ông ta đặt cho chiếc tàu từ lúc đó.

Thêm nửa năm nữa thì chiếc tàu Alcazar cũng được sửa soạn xong xuôi. Green và hai người bạn hồi trước lái tàu đến Bangor để lấy hàng, rồi lại ngược lên New York để tuyển thủy thủ. Chiếc tàu cứ thế ngược xuôi dọc bờ biển phía Đông chuyên chở hàng từ Vermouth đến Florida. Chuyến tàu nào cũng ổn thỏa cả, và chẳng mấy chốc mà Green trở thành người giàu có.

Tuy vậy chẳng ai trên tàu có được một giây phút thoải mái. Ai cũng biết chuyện về những người nô lệ chết trong tàu. Những người mê tín tin rằng hồn ma của người chết vẫn còn ám lấy tàu, còn người có đầu óc tỏ ra ghê tởm vì mình phải làm việc trên một chiếc tàu buôn nô lệ. Chẳng có thủy thủ nào ở lại trên tàu được hơn nửa năm cả.

Ngay cả bản thân Green cũng chẳng vui vẻ gì. Sau khi hai người bạn của Green rút ra, tất cả mọi việc trên tàu đều chất cả lên vai ông ấy. Chẳng mấy chốc Green bị kiệt sức vì làm việc quá nhiều. Nhưng sợ nhất với ông ta là những giấc mơ.

Green có lần từng thú nhận với bác là ông ta không bao giờ nằm mơ cả, ngoại trừ sau khi bắt đầu đi tàu Alcazar. Ông ta nằm mơ thấy những người nô lệ, khi là những người nô lệ còn sống trên chiếc tàu mà hồi trẻ ông còn làm thủy thủ, khi là những người đã chết trên tàu Alcazar. Lúc đầu trong giấc mơ, ông Green giống như một con ma vô hình đi lại khắp tàu; rồi sau đó ông ta dần dần mơ thấy mình đóng vai những người trên tàu. Cho dù Green có là thủy thủ hay nô lệ trong mơ đi nữa thì lúc nào ông ta cũng có thể cảm thấy sự tuyệt vọng như đang đè bẹp mình với sức nặng ngàn cân.

Đến một lúc nào đó chiếc tàu Alcazar trở thành một thứ nhà tàu với Green. Ông ta đã từng nhiều lần dò hỏi tìm kiếm người mua chiếc tàu, nhưng không ai muốn nhận một chiếc tàu nô lệ cả. Green cũng chẳng tìm được ai để chia sẻ tâm trạng của mình hết, mà chỉ biết chìm đắm trong rượu.

Một hôm nọ Green uống say tới mức không còn biết trời đất gì cả, rồi leo lên tàu bỏ neo. Đáng lẽ phải giương buồm ngược chiều gió để đi lên phía bắc, ông ta lại cho tàu xuôi theo chiều gió về hướng nam. Những người thủy thủ trên tàu cuối cùng nhận ra rằng nếu còn để cho tàu chạy thêm nữa thì nó sẽ lao vào bãi đá ngay đằng kia”. - Thuyền trưởng John chỉ tay vào dải đá ngầm lởm chởm lộ ra khi thủy triều rút “Họ cố tìm cách ngăn cản thuyền trưởng lại, nhưng Green liên tục hét lên: “Mặc kệ tôi! Tôi phải đền tội!”. Nói rồi Green liên tiếp đấm đá túi bụi vào bất kỳ người nào lại gần ông ta.

Cuối cùng thì chẳng ai bảo ai, từng người thủy thủ một bèn nhảy từ tàu xuống nước rồi bơi vào bờ. Chỉ còn lại mỗi Green ở trên chiếc tàu đang mỗi lúc một lao nhanh hơn. Những người thủy thủ cuối cùng rời tàu nói lại với bác rằng Green càng lúc càng trở nên điên loạn hơn.

Khi chiếc tàu va vào dải đá ngầm, nó lập tức vỡ tung và phát ra tiếng động chẳng khác gì một thùng thuốc súng phát nổ. Vì lao nhanh quá cho nên tàu Alcazar còn phóng thêm được một đoạn nữa lên bãi cát này rồi mới dừng lại. Ngay đêm hôm ấy mọi người quanh đây leo lên tàu thì tìm thấy Green đã chết với cái sọ bị vỡ.

Đến tận ngày nay người ta vẫn còn đồn đoán nhiều về cái chết của Green. Chẳng thiếu những người một mực cho rằng, ông ta bị hồn ma của những người nô lệ nguyền rủa nên mới phát điên. Chỉ có vài người như bác đây được nghe Green tâm sự thì mới biết lý do thật khiến ông ta tự tử.

Tội lỗi của con người ta là muôn thuở, cháu ạ. Kể cả sau hơn hai, ba chục năm Green bỏ cái nghề buôn nô lệ, ông ta vẫn còn bị tội lỗi của mình đè nặng trong lòng. Ông ta chỉ tạm cố quên nó mà sống tiếp thôi, cho đến ngày ông ta bắt gặp chiếc tàu Alcazar này. Phải hằng ngày đối mặt với tội lỗi của mình đã dồn nén hơn chục năm mà còn ở cái tuổi của ông ấy, thật chẳng có gì lạ mà Green trở nên như thế.

Có lẽ chính chiếc tàu đã tìm đến ông ấy. Nó hẳn cũng như Green muốn tìm cách chôn đi quá khứ tội lỗi của mình. Nó bị mắc cạn rồi bỏ mặc ở nơi đây và thế là theo đúng ý của nó.

Green có một người vợ và một đứa con gái. Họ tận tay chăm sóc những người thủy thủ trên tàu Alcazar đã thoát chết, rồi sau đó còn giúp họ tìm việc với các thuyền trưởng khác. Cuối cùng thì con gái của Green cũng lấy người thuyền phó của chiếc tàu Alcazar. Đôi vợ chồng trẻ sống với mẹ vợ và chăm sóc bà ta đến khi mất. Họ chôn bà trong nghĩa trang bên cạnh thuyền trưởng Green. Ngày nay thì họ là những nhà từ thiện có tiếng trong cả vùng này. Ai ai cũng yêu quý họ hết mình!”.

***

Thuyền trưởng John chậm rãi đứng dậy, lấy tay xoa xoa cái đầu gối già nua của mình, rồi cùng với cậu bé leo từ tàu Alcazar xuống bãi cát. Một già một trẻ cùng nhau đi lên một bãi cát gần đó để nhìn rõ cảnh mặt trời lặn.

Trong ánh chiều tà, chiếc tàu Alcazar càng trở nên cô độc và tàn tạ. Nước sơn đen của nó đã sờn đến mức làm lộ ra màu gỗ nâu đỏ. Ở những chỗ bị vỡ ra vì va vào dải đá ngầm, từng mảnh gỗ rơi rụng dần thành một đống trên bãi cát. Những lá buồm từng một thời ngạo nghễ trước gió nay rách nát, bạc màu. Chúng như những lá cờ rủ để tưởng nhớ một quá khứ đang dần đi vào lãng quên.

“Cháu à!” - Thuyền trưởng John nói như rót vào tai cậu bé - “Thuyền trưởng Green và chiếc tàu Alcazar này, cả hai đều muốn quên đi những tội lỗi trong quá khứ của mình. Cháu có nhận ra rằng họ phải chết đi để làm được điều đó không?! Bác đoán chắc chắn cháu không muốn mình cũng phạm phải tội lỗi như họ. Nếu muốn thế thì cháu chỉ có một cách thôi, đó là NHỚ. Hãy NHỚ đến câu chuyện của bác hôm nay, hay tất cả những gì mà cháu học được trong cuộc sống để không phạm phải sai lầm của những người đi trước. Một khi cháu đã làm một điều gì đó, thì hậu quả của nó sẽ là khôn lường và sẽ bám theo suốt cuộc đời của cháu. Vì vậy cháu hãy cố gắng bằng mọi giá đừng bao giờ làm điều gì trái với lương tâm của mình để rồi cuối cùng phải hối hận cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng!”.

Ở phía xa, ngọn hải đăng bắt đầu lên đèn dẫn lối cho những con thuyền vẫn còn nấn ná ở ngoài khơi vào cập bến bờ bình yên.

Truyện ngắn. Mary Hallock Foote (Mỹ)

Lê Công Vũ (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước