Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:50 (GMT +7)

Chiếc đầm đỏ

VNTN - Mẹ đang may cho tôi một chiếc đầm. Suốt cả tháng 11, tôi đi học về và thấy mẹ trong bếp, xung quanh toàn là những mảnh vải nhung và mẫu giấy lụa làm khuôn cắt vải. Mẹ làm việc với một chiếc máy may cũ có bàn đạp kê sát tường để lấy ánh sáng, và cũng để nhìn ra ngoài, qua cánh đồng đầy gốc rạ và vườn rau trơ trụi, sẽ nhìn thấy ai đi ngang qua trên đường. Thỉnh thoảng lắm mới thấy có người.

Vải nhung đỏ rất khó may, nó cứ kéo lại, và kiểu mẹ tôi chọn cũng không dễ luôn. Mẹ không thực sự may giỏi cho lắm. Bà thích tự làm đồ đạc; điều đó lại khác.

 

Bất cứ khi nào có thể mẹ đều cố bỏ qua việc may lược và ủi, bà chẳng lấy làm tự hào gì về những mũi may đẹp, thùa khuyết và vắt sổ như dì và bà ngoại tôi. Không như họ, mẹ bắt đầu với một cảm hứng, một ý tưởng dũng cảm và đáng kinh ngạc. Từ giây phút đó trở đi, niềm vui thích của bà tuột dốc dần. Trước hết, mẹ không bao giờ có thể tìm ra một loại hoa văn nào hợp với mình. Thế chẳng có gì lạ; không có loại hoa văn nào được sản xuất ra mà hợp với những ý tưởng nở hoa trong đầu bà hết. Hồi trước, mẹ đã nhiều lần may cho tôi một chiếc đầm vải bông sợi mịn với viền cổ áo cao kiểu Victoria bằng vải ren gây ngứa cùng một cái mũ rộng vành có quai cho đủ bộ; một cái áo choàng len kiểu Scotland đi cùng áo khoác nhung và mũ bê rê Scotland; một cái áo sơ mi nhà quê có hình thêu mặc với một chiếc váy đỏ tươi và áo bó ngoài cổ rộng bằng ren đen. Tôi đã ngoan ngoãn mặc những thứ đồ này, thậm chí là vui lòng, trong những tháng ngày chưa ý thức được quan điểm của thế giới. Giờ đây, khi đã khôn ngoan hơn, tôi ước có được những chiếc váy như của Lonnie bạn mình mua ở cửa hàng Beale.

Tôi phải mặc thử nó mới được. Thỉnh thoảng Lonnie đi học về cùng tôi và cô ấy sẽ ngồi trên đi-văng mà quan sát. Tôi xấu hổ bởi cái cách mẹ lượn lờ quanh mình, đầu gối bà kêu cọt kẹt, hơi thở bà nặng nhọc. Mẹ lẩm bẩm một mình. Ở nhà mẹ không mặc áo ngực và tất, bà mang giày đế liền và tất ngắn tới mắt cá chân; chân bà điểm những chỗ gân xanh lồi lên. Tôi nghĩ điệu bộ ngồi xổm của bà thật trơ trẽn, thậm chí là tục tĩu. Tôi cố gắng nói chuyện liên tục với Lonnie để kéo sự chú ý của cô khỏi mẹ hết mức có thể. Lonnie tỏ ra điềm tĩnh, lịch sự và tán thưởng để ngụy trang khi có mặt người lớn. Cô cười họ và là một người giỏi bắt chước dã man. Còn họ thì không bao giờ biết được.

Mẹ tôi kéo tôi lại gần và găm kim vào người tôi. Bà xoay tôi vòng quanh, đẩy tôi đi ra xa, bắt tôi đứng yên. “Cháu nghĩ sao Lonnie?” bà nói với đinh ghim ngậm trong miệng.

“Đẹp lắm ạ,” Lonnie nói bằng cái kiểu hòa nhã, thành thật của mình. Mẹ Lonnie mất rồi. Cô sống với người cha chưa bao giờ chú ý đến cô, và trong mắt tôi, điều này khiến cô dường như vừa dễ bị tổn thương lại vừa như có đặc ân.

“Nó sẽ đẹp thôi nếu cô có thể chỉnh cho vừa,” mẹ tôi nói. “À mà thôi” bà nói vẻ cường điệu rồi đứng dậy với một tiếng kẽo kẹt rầu rĩ và thở dài, “cô không tin là con bé sẽ thích nó.” Mẹ làm tôi nổi khùng bằng việc nói như thế với Lonnie, như thể Lonnie đã lớn rồi còn tôi vẫn là một đứa trẻ. “Đứng yên nào,” bà nói rồi lôi tuột chiếc váy mới chỉ được may lược và đính bằng đinh ghim qua khỏi đầu tôi. Đầu tôi bị vải nhung bóp nghẹt, cơ thể tôi phơi ra trong một chiếc váy lót cũ bằng vải bông mặc đi học. Tôi cảm thấy như mình là một đứa đần độn thô thiển kinh khủng, vụng về và nổi da gà. Tôi ước mình giống như Lonnie, mảnh dẻ, xanh xao và gầy. Cô ấy từng là một đứa bé tím tái do bị bệnh tim bẩm sinh.

“Chà, hồi đi học có ai may cho cô cái đầm nào đâu,” mẹ tôi nói, “cô tự may cho mình, nếu không thì chẳng có gì mà mặc.” Tôi sợ mẹ lại sắp bắt đầu kể câu chuyện bà đi bộ bảy dặm vào thị trấn và kiếm được một công việc phục vụ bàn trong một nhà trọ, thế nên bà mới đi học trung học được. Tất cả những câu chuyện đời mẹ thứ đã từng làm tôi thích thú giờ đã bắt đầu có vẻ cường điệu, không liên quan, và khó chịu.

“Có lần cô được tặng một chiếc váy,” bà nói. “Đó là một chiếc váy len Cashmere màu kem có đường viền màu xanh hoàng gia dọc xuống thân trước và những khuy áo xà cừ đáng yêu, cô tự hỏi số phận nó ra sao rồi?”

Khi chúng tôi được buông tha, Lonnie và tôi đi lên lầu về phòng, trời lạnh nhưng chúng tôi vẫn ở đó. Chúng tôi nói về bọn con trai trong lớp theo thứ tự chỗ ngồi và nói, “Cậu có thích cậu ấy không? Cậu có ghét cậu ấy không? Cậu sẽ đi chơi nếu cậu ấy mời chứ?”. Chẳng ai mời chúng tôi hết. Chúng tôi 13 tuổi và đã học trung học được hai tháng rồi. Chúng tôi làm những bản điều tra trên tạp chí để tìm ra xem liệu mình có cá tính và sẽ trở nên nổi tiếng hay không. Chúng tôi đọc những bài báo về cách trang điểm để làm nổi bật nét đẹp của mình, cách duy trì một cuộc chuyện trò, và điều nên làm khi một anh chàng cố vượt rào. Chúng tôi cũng đọc những bài báo về sự lãnh cảm của thời kì mãn kinh, phá thai và vì sao người chồng tìm kiếm sự thỏa mãn bên ngoài. Khi không làm bài tập, chúng tôi dành phần lớn thời gian thu thập, truyền tai và thảo luận về chuyện giới tính. Chúng tôi đã thỏa thuận sẽ kể cho nhau nghe mọi thứ. Nhưng có một chuyện tôi không kể, là về buổi khiêu vũ, buổi khiêu vũ Giáng sinh ở trường mà mẹ tôi đang may chiếc váy là vì thế. Đó là lí do tôi không muốn đi.

Ở trường trung học, tôi không bao giờ thấy thoải mái lấy một phút nào hết. Tôi không biết Lonnie như thế nào. Trước khi làm bài kiểm tra, bàn tay cô ấy lạnh giá và cô bị hồi hộp, còn tôi thì lúc nào cũng gần như tuyệt vọng. Khi tôi bị hỏi trong giờ học, với bất cứ câu hỏi nho nhỏ đơn giản nào, giọng tôi cũng có khuynh hướng vang lên the thé, nếu không thì cũng khô khốc và run rẩy. Lúc phải đi lên bảng, tôi chắc chắn rằng - ngay cả khi mỗi tháng mới có một lần cho nên chuyện này không thể là thật được - máu kinh của mình đã dính vào váy. Bàn tay tôi trở nên trơn tuột những mồ hôi lúc chúng bị bắt phải dùng cái com-pa vẽ bảng. Tôi không thể đánh trúng bóng trong môn bóng chuyền, bị gọi lên biểu diễn một hành động trước mặt người khác khiến cho mọi phản ứng của tôi đều trở nên dở dang. Tôi ghét môn Quản trị Kinh doanh vì phải kẻ sổ kế toán, viết bút mực, và khi giáo viên nhìn qua vai tôi, tất cả những đường thẳng đẹp đẽ đều lung lay và nhập vào nhau. Tôi ghét môn Khoa học. Bọn tôi ngồi trên mớ dụng cụ dưới những cái bóng điện chói mắt đằng sau những bảng thiết bị xa lạ, dễ vỡ, và được nghe giảng bởi Hiệu trưởng, một người đàn ông có giọng nói lạnh lùng, say mê bản thân - sáng nào ông ta cũng đọc kinh - và có năng khiếu tuyệt vời trong việc làm người khác bẽ mặt. Tôi ghét môn Tiếng Anh vì lũ con trai chơi trò lô tô ở cuối phòng trong khi giáo viên, một cô gái mập mạp, hiền lành, mắt hơi bị lệch, đọc thơ Wordsworth phía trên. Cô lảng tránh chúng, mặt cô đỏ và giọng cô cũng không chắc chắn như giọng tôi. Chúng bày trò xin lỗi và khi cô bắt đầu đọc tiếp thì chúng làm ra vẻ chăm chú, chưng ra vẻ mặt ngây dại, làm mắt lé, và vung tay đặt lên tim. Đôi khi cô bật khóc nức nở, chẳng ích gì, cô phải chạy tới phòng đợi. Thế là lũ con trai kêu lên những tiếng như bò rống ầm ĩ. Tiếng cười thèm khát của bọn tôi - ồ, của tôi nữa - đeo đuổi cô. Trong những lúc như thế, trong phòng có một không khí hội hè kinh khủng làm người yếu đuối và hoài nghi như tôi sợ hãi.

Nhưng điều đang thực sự xảy ra ở trường không phải là môn Quản trị Kinh doanh, Khoa học và Tiếng Anh, mà là thứ gì đó khác mang lại tính cấp bách và mặt tươi sáng cho cuộc sống. Tòa nhà cũ với tầng hầm lạnh lẽo và ẩm ướt xây bằng đá, những phòng vệ sinh đen kịt, những bức tranh vẽ người hoàng gia quá cố và những nhà thám hiểm mất tích, nó đầy rẫy sự căng thẳng và kích thích thi đua xem ai gợi tình hơn. Và ở đây, mặc cho những mơ mộng hão huyền của hàng loạt kẻ thành công, tôi đã có những linh cảm về việc thất bại hoàn toàn. Điều gì đó phải diễn ra, phải giữ tôi tránh xa buổi khiêu vũ đó.

Tháng 12 đến mang theo tuyết, và tôi nảy ra một ý. Trước đây tôi đã tính tới việc ngã xe đạp, làm bong gân mắt cá chân, và tôi đã cố xoay xở làm thế lúc đạp xe về nhà theo những con đường nông thôn đóng băng cứng đanh và bị lún sâu hoắm. Nhưng việc đó quá khó. Tuy nhiên, nghĩ rằng cổ họng và phế quản mình yếu vậy nên tại sao lại không phơi trần chúng ra? Tôi bắt đầu ra khỏi giường trong đêm và mở cửa sổ he hé. Tôi quỳ xuống và để gió, thỉnh thoảng kèm tuyết lạnh buốt nữa, ùa vào quanh cái cổ họng trần của mình. Tôi cởi áo pyjama. Tôi tự nhủ những từ “lạnh tím tái” và trong khi quỳ ở đó, mắt tôi nhắm lại, tôi mường tượng ra ngực và cổ họng mình chuyển sang màu xanh và những mạch máu lạnh lẽo màu xanh xám dưới lớp da. Tôi giữ như thế đến khi không thể chịu được nữa, và rồi tôi bốc lấy một nắm tuyết trên bậu cửa sổ và chà lên khắp ngực trước khi cài áo lại. Nó sẽ tan ra trên lớp vải fla-nen và tôi sẽ ngủ trong bộ đồ ướt, điều được coi là tệ nhất. Sáng ra, ngay lúc thức giấc tôi liền súc họng, kiểm tra xem có bị rát không, ho thử, hy vọng vậy, sờ trán xem liệu mình có bị sốt. Thế không tốt. Mỗi buổi sáng, kể cả vào ngày có buổi khiêu vũ, tôi đều thất bại và ở trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo.

Hôm khiêu vũ, tôi quấn tóc lên bằng ống lô thép.Tôi chưa bao giờ làm thế này vì tóc tôi xoăn tự nhiên, nhưng hôm nay tôi muốn được mọi nghi lễ của nữ giới bảo vệ. Tôi nằm trên đi-văng trong bếp đọc cuốn Những ngày cuối cùng của Pompeii và ước gì mình ở đó. Mẹ tôi, người không bao giờ thỏa mãn, lúc này đang may cái cổ áo bằng ren trắng vào chiếc váy. Bà đã quyết định rằng nhìn nó quá đứng người. Tôi xem giờ. Đó là một trong những ngày ngắn nhất trong năm. Giấy dán tường phía trên trường kỉ vẽ những hình trò chơi Ôm và Hôn cũ kĩ rồi hình vẽ và chữ viết vội vàng mà anh trai và tôi đã làm hồi chúng tôi bị viêm phế quản. Tôi nhìn chúng và ao ước được quay trở về an toàn đằng sau những ranh giới của tuổi ấu thơ.

Khi gỡ ống quấn tóc ra thì tóc tôi, như bị kích thích bởi cả tự nhiên và nhân tạo, bung ra thành một nùi tóc rậm rạp bóng mượt. Tôi làm ướt nó, tôi chải nó, nện nó bằng lược và kéo mạnh xuống hai bên má.Tôi bôi phấn thoa mặt trắng bệch nổi bật trên nền khuôn mặt nóng bừng của mình. Mẹ tôi lấy ra chai nước hoa Tro của Hoa Hồng Cologne mà bà không bao giờ dùng và để tôi rảy chúng lên khắp cánh tay mình. Rồi bà kéo khóa váy và đẩy tôi xoay vòng đến chỗ gương soi. Chiếc váy kiểu công chúa bó sát ở chỗ cơ hoành. Tôi thấy ngực mình trong cái áo lót mới cứng ngắc, nó bày ra một cách đáng ngạc nhiên với vẻ trưởng thành bên dưới cái cổ áo có diềm xếp nếp như trẻ con.

“Ôi ước gì mẹ có thể chụp một tấm hình,” mẹ tôi nói. “Chân thành mà nói, mẹ thật sự tự hào là nó vừa vặn như thế. Và con có thể nói cảm ơn được rồi đấy.”

“Cảm ơn mẹ,” tôi nói.

Điều đầu tiên Lonnie nói khi tôi mở cửa ra gặp cô là, “Chúa ơi, cậu đã làm gì tóc mình vậy?”

“Tớ uốn đấy.”

“Cậu trông như thổ dân Zulu.Ôi đừng lo. Đưa tớ cái lược và tớ sẽ làm phía trước thành một lọn.Trông nó sẽ ổn thôi. Thậm chí nó sẽ làm cậu trông già đi.”

Tôi ngồi trước gương và Lonnie đứng sau lưng sửa tóc cho tôi. Mẹ tôi có vẻ như không thể rời chúng tôi ra được. Tôi ước gì bà làm thế. Bà quan sát lọn tóc thành hình và nói, “Cháu là thiên tài đấy Lonnie. Cháu nên chọn nghề làm tóc đi.”

“Ý đó cũng hay,” Lonnie nói. Cô ấy mặc một chiếc váy peplum bằng nhiễu xanh dương nhạt thắt nơ. Nó còn đứng người hơn cái của tôi nhiều cho dù không có cổ áo. Tóc cô xõa ra bóng mượt như cô gái trên miếng bìa gắn kẹp tăm. Tôi đã luôn thầm nghĩ rằng Lonnie không thể nào xinh đẹp được vì cô có hàm răng khấp khểnh. Nhưng giờ tôi thấy rằng dù răng có khấp khểnh hay không thì chiếc váy phong cách và mái tóc mượt mà của cô làm tôi trông hao hao một con búp bê mặt đen nhồi trong vải nhung đỏ, mắt mở to, tóc bù xù như bị phát cuồng.

Mẹ tôi đi theo chúng tôi ra tới cửa và gọi vọng ra trong bóng tối bằng tiếng Pháp, “Tạm biệt!”. Đây là một lời chào tạm biệt truyền thống của Lonnie và tôi. Câu đó phát ra từ miệng bà nghe thật ngớ ngẩn và sầu não, và tôi giận bà vì đã dùng nó tới mức tôi không thèm đáp lại. Chỉ có Lonnie vui vẻ nói với lại một cách khích lệ, “Tạm biệt!”.

Phòng học môn thể dục có mùi gỗ thông và gỗ tuyết tùng. Những chùm giấy xanh đỏ xếp nếp treo lủng lẳng trên mấy vành đai treo lưới bóng rổ. Những khung cửa sổ trên cao có chấn song được che lại bằng cành cây xanh. Ai học mấy lớp trên cũng đều có vẻ có đôi có cặp hết. Vài chị lớp 12 và 13(2) dẫn theo bạn trai đã tốt nghiệp và giờ là những ông chủ trẻ quanh thị trấn. Những người đàn ông trẻ tuổi này hút thuốc trong phòng, không ai ngăn họ được, họ có quyền. Đám con gái đứng cạnh họ, suồng sã đặt tay trên tay áo đàn ông, gương mặt họ buồn chán, bàng quan và xinh đẹp. Tôi khát khao được như vậy. Họ cư xử như thể chỉ có mình - những người lớn tuổi hơn - là thật sự có mặt ở buổi khiêu vũ, như thể toàn bộ chúng tôi, những đứa mà họ đi ngang qua và săm soi qua lại, nếu không vô hình thì cũng là đồ vô tri vô giác. Lúc điệu nhảy đầu tiên được thông báo - điệu Paul Jones - họ uể oải tiến ra, cười với nhau như thể mình được yêu cầu tham gia vào trò chơi trẻ con đã gần rơi vào quên lãng. Nắm tay nhau, rùng mình và tụ tập lại với nhau, Lonnie và tôi cùng những đứa con gái lớp 9 khác theo ra.

Tôi không dám nhìn vòng ngoài lúc nó đi ngang qua vì sợ sẽ nhìn thấy mấy người hấp tấp không biết lịch sự. Khi nhạc dừng tôi đứng lại ngay tại chỗ và hơi ngước mắt lên, tôi thấy một bạn nam tên là Mason Williams đang miễn cưỡng đến gần mình. Chỉ hơi chạm vào eo và ngón tay tôi, cậu ấy bắt đầu nhảy với tôi. Chân tôi như bị rỗng, cánh tay tôi run rẩy từ trên vai xuống, tôi không nói nên lời. Mason Williams này là một trong những người nổi tiếng nhất trường. Cậu ta chơi bóng rổ, khúc côn cầu và đi trong hội trường với vẻ sưng sỉa vương giả và khinh miệt dã man. Nhảy với một đứa vô danh tiểu tốt như tôi cũng làm cậu ta khó chịu như phải học thuộc lòng kịch Shakespeare. Tôi cảm thấy điều này một cách sắc bén giống như cậu ta, và tưởng tượng rằng cậu ta và bạn mình đang nhìn nhau. Cậu ta dẫn dắt tôi ra ngoài rìa sàn nhảy trong vấp váp. Cậu ta bỏ tay ra khỏi eo tôi và buông tay tôi ra.

“Chào,” cậu ta nói và đi mất.

Phải mất một hay hai phút tôi mới nhận ra chuyện gì đã xảy ra và rằng cậu ta sẽ không quay lại. Tôi đi tới đứng một mình cạnh tường. Cô giáo Thể dục lúc này đang hăng hái khiêu vũ ngang qua trong vòng tay một nam sinh lớp 10 nhìn tôi tò mò. Cô ấy là giáo viên duy nhất trong trường vận dụng lời lẽ điều chỉnh xã hội, và tôi sợ rằng nếu cô ấy đã thấy, hoặc nếu tìm hiểu được thì cô có thể sẽ quyết công khai nỗ lực bắt Mason nhảy cho xong với tôi. Tự bản thân tôi không giận hay ngạc nhiên về Mason. Tôi chấp nhận địa vị của cậu ta và của mình trong thế giới trường học và tôi thấy rằng điều cậu ta đã làm là chuyện thực tế phải làm. Cậu ta là một người sinh ra đã nổi tiếng, không phải là kiểu người nổi tiếng trong Hội Học sinh gắn liền với thành công khi học cao hơn, mà là một trong số những người sẽ nhảy với tôi một cách lịch sự và trịch thượng rồi để lại trong tôi cảm giác không mấy dễ chịu. Tôi vẫn hi vọng không mấy người nhìn thấy. Tôi ghét bị người ta nhìn. Tôi bắt đầu cắn đầu ngón tay cái.

 

Khi nhạc ngừng, tôi nhập vào dòng các bạn gái tiến tới cuối phòng. Tôi tự nhủ rằng hãy vờ như chuyện đó không xảy ra. Vờ như đây chính là khởi đầu, ngay bây giờ đây.

Ban nhạc bắt đầu chơi tiếp. Đám người đông đúc ở phía bên kia di chuyển, nó nhanh chóng thưa người đi. Mấy đứa con trai qua, con gái đi ra nhảy. Lonnie đi rồi. Đứa con gái đối diện tôi phía bên kia cũng đi. Không ai hỏi tới tôi hết. Tôi nhớ một bài báo trong tờ tạp chí Lonnie và tôi đã đọc nói rằng Hãy vui vẻ! Hãy để cho đám con trai thấy mắt bạn long lanh, hãy để họ nghe thấy tiếng cười trong giọng bạn! Đơn giản, rõ ràng, nhưng biết bao cô gái đã quên mất! Thật vậy, tôi đã quên mất điều đó. Lông mày tôi xô vào nhau căng thẳng, nhìn tôi chắc phải đáng sợ và xấu xí lắm đây. Tôi hít một hơi thật sâu và cố giãn mặt ra. Tôi mỉm cười. Nhưng tôi thấy thật lố bịch vì mình đang cười vào hư không. Và tôi quan sát thấy rằng đám con gái trên sàn nhảy, những đứa nổi tiếng, đều không cười. Nhiều đứa trong số chúng có vẻ mặt buồn ngủ, ảm đạm và không bao giờ cười chút nào.

Đám con gái vẫn ra nhảy. Vài đứa tuyệt vọng đi với nhau. Nhưng hầu hết là đi với đám con trai. Gái béo, gái mặt mụn, một cô tội nghiệp không có lấy một cái áo đầm đàng hoàng và phải mặc một chiếc váy và áo len đi tới buổi khiêu vũ; họ được mời, họ nhảy xa dần. Tại sao lại mời họ mà không mời tôi? Tại sao ai khác cũng được mà không phải là tôi? Tôi mặc một chiếc đầm nhung đỏ, tôi uốn tóc xoăn, tôi dùng sáp khử mùi và xịt nước hoa. Cầu nguyện, tôi nghĩ. Tôi không thể nhắm mắt nhưng tôi lại nói đi nói lại trong tâm trí mình rằng, Làm ơn, là tôi đi, làm ơn, và tôi đan ngón tay vào nhau sau lưng mình trong một dấu hiệu có hiệu nghiệm hơn cả bắt chéo, cái dấu hiệu bí mật giống như vậy mà Lonnie và tôi dùng để không bị gọi lên bảng lúc học môn Toán.

Nó không có tác dụng. Điều tôi đã lo sợ là sự thật. Tôi sẽ bị bỏ rơi. Có gì đó bí ẩn không ổn ở tôi, điều gì đó không thể diễn tả thành lời như hơi thở hôi hay nhìn thấy được như mụn, và ai cũng biết điều đó, và tôi biết; ngay từ đầu tôi đã biết. Nhưng tôi đã không biết rõ, tôi đã hi vọng đó là nhầm lẫn. Sự chắc chắn dâng lên trong tôi như cảm giác buồn nôn. Tôi vội vàng đi qua một hay hai đứa con gái cũng bị bỏ lại và đi tới phòng vệ sinh nữ. Tôi giấu mình trong một phòng nhỏ.

Đó là nơi tôi ở lại. Giữa các điệu nhảy, đám con gái nhanh chóng đến và đi. Có rất nhiều phòng, không ai để ý rằng tôi đang ở lì trong đó. Trong lúc cuộc khiêu vũ diễn ra, tôi nghe nhạc, thứ mình thích nhưng không còn dính dáng gì đến nữa. Bởi vì tôi sẽ không cố nữa. Tôi chỉ muốn trốn ở đây, đi khỏi mà không gặp bất kì ai, và về nhà.

Một lần sau khi nhạc bắt đầu nổi lên, có ai đó còn ở lại. Cô ta đang để vòi nước chảy thật lâu, rửa tay, chải tóc. Cô ta nghĩ rằng thật buồn cười khi tôi ở bên trong quá lâu. Tôi nên đi ra và rửa tay thì hơn, và có lẽ trong khi tôi đang rửa thì cô ta sẽ rời đi.

Đó là Mary Fortune. Tôi có nghe tên cô ta, vì cô ta là một thành viên của Hội Điền kinh nữ, đang có tên trong danh sách những người được khen tặng, và luôn tổ chức mọi việc. Cô ta sắp xếp việc gì đó cho buổi khiêu vũ này. Cô ta đã vòng quanh tất cả các phòng học kêu gọi tình nguyện viên làm công tác trang trí. Cô ta học lớp 11 hay 12 gì đó.

“Ở đây mát mẻ dễ chịu ghê,” cô ta nói. “Tôi vào để hạ nhiệt bớt. Tôi nóng quá.”

Cô ta vẫn chải tóc khi tôi rửa tay xong. “Cô có thích ban nhạc không?” cô ta nói.

“Cũng được.” tôi không biết thực sự nên nói gì. Tôi ngạc nhiên về cô ta, một cô gái lớn tuổi hơn lại chọn lúc này nói chuyện với tôi.

“Tôi thì không. Tôi không chịu được. Tôi ghét nhảy nhót khi không thích ban nhạc. Nghe đi. Thật là rời rạc. Tôi thà không nhảy còn hơn nhảy với cái nhạc đó.”

Tôi chải tóc. Cô ta dựa vào một cái bồn rửa nhìn tôi.

“Tôi không muốn nhảy và thực sự không muốn ở lại chỗ này. Mình đi hút một điếu thôi.”

“Đi đâu?”

“Thôi nào, tôi sẽ chỉ cách.”

Ở cuối phòng vệ sinh có một cánh cửa. Nó không khóa và dẫn vào một căn phòng để đồ tối tăm chứa đầy giẻ lau sàn và xô. Cô ta bảo tôi giữ cửa mở để lấy ánh sáng từ phòng vệ sinh đến khi tìm ra nắm đấm của một cánh cửa khác. Cánh cửa này mở ra bóng tối.

“Tôi không bật điện được vì ai đó có thể nhìn thấy,” cô ta nói. “Đây là phòng bảo vệ.” Tôi nghĩ rằng mấy vận động viên luôn có vẻ biết nhiều hơn toàn bộ bọn tôi về ngôi trường; họ biết nơi cất đồ đạc và họ luôn đi ra khỏi những cánh cửa không được phép đi với một vẻ táo bạo, lơ đãng. “Coi chừng bước chân,” cô nói. “Chỗ cuối đường kia có mấy bậc cầu thang. Chúng dẫn lên một phòng để đồ trên tầng hai. Cánh cửa bị khóa trên nhưng có thứ giống như một bức vách ngăn giữa cầu thang và căn phòng. Vậy nên nếu chúng ta ngồi trên bậc thang thì cho dù tình cờ có ai vào đây cũng sẽ không thấy mình được.”

“Họ sẽ không ngửi thấy khói thuốc sao?” tôi nói.

“À. Sống táo bạo chút đi.”

Có một ô cửa sổ phía trên cao quá mấy bậc cầu thang mang lại cho chúng tôi ít ánh sáng. Mary Fortune có mang theo thuốc lá và diêm trong xắc tay. Tôi chưa từng hút thuốc ngoại trừ mấy điếu Lonnie và tôi tự làm bằng giấy và thuốc lá sợi lấy trộm của ba tôi; chúng bị bung ra ở giữa. Mấy điếu này tốt hơn nhiều.

“Lí do duy nhất tôi đến đây tối nay,” Mary Fortune nói, “là vì tôi chịu trách nhiệm trang trí và tôi muốn nhìn thấy, cô biết không, là trông nó ra sao một khi người ta bước vào và nhìn mọi thứ. Còn không thì sao lại bận tâm chứ? Tôi không phải là loại thích được trai theo.”

Trong ánh sáng từ ô cửa sổ trên cao, tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt thuôn dài đầy khinh miệt của cô, làn da sẫm màu bị rỗ vì mụn trứng cá, hàm răng xô vào nhau ở phía trước, chúng làm cô nhìn trưởng thành và oai vệ.

“Đa số con gái như vậy hết. Cô không để ý sao? Bộ sưu tập đám con gái thích được trai theo lớn nhất mà cô có thể tưởng tượng ra là ngay tại đây trong chính cái trường này.”

Tôi biết ơn vì sự quan tâm, sự đồng hành và điếu thuốc của cô. Tôi nói mình cũng nghĩ như vậy.

“Như hồi chiều ấy. Chiều nay tôi đang cố bảo bọn họ treo mấy cái chuông và đồ tạp nhạp lên. Chúng nó cứ trèo lên thang và đùa cợt với lũ con trai. Họ không quan tâm liệu nó có bao giờ được trang trí xong hay không. Đó chỉ là một cái cớ. Đó là mục tiêu duy nhất trong đời họ, cợt nhả với trai. Đối với tôi họ toàn là lũ ngốc nghếch hết.”

Chúng tôi nói về giáo viên, và những chuyện ở trường. Cô ấy nói cô muốn trở thành giáo viên thể dục và vì vậy sẽ phải đi học đại học, nhưng bố mẹ cô không có đủ tiền. Cô nói cô dự định sẽ làm việc theo cách của riêng mình từ đầu đến cuối, dù thế nào đi nữa cô cũng muốn không lệ thuộc, cô sẽ làm việc trong quán ăn tự phục vụ và vào mùa hè cô sẽ làm ở nông trại, như là thu hoạch lá thuốc lá. Nghe cô nói, tôi cảm thấy tình trạng buồn bã sâu sắc của mình qua đi. Đây là người đã trải qua cùng một sự thất bại như tôi - tôi thấy vậy - nhưng cô ấy tràn đầy năng lượng và lòng tự trọng. Cô ấy đã nghĩ tới những chuyện khác phải làm. Cô ấy sẽ đi hái lá thuốc lá.

Chúng tôi ở đó nói chuyện và hút thuốc trong lúc nhạc ngừng khá lâu, khi đó ở bên ngoài, họ đang ăn bánh vòng và uống cà phê. Khi nhạc bắt đầu trở lại, Mary nói, “Xem kìa, chúng ta có phải ngồi chờ ở đây thêm nữa không? Đi lấy áo khoác rồi đi thôi. Mình có thể xuống quán Lee uống một tách sô-cô-la nóng và nói chuyện thoải mái. Sao lại không nhỉ?”.

Chúng tôi mang theo tàn thuốc và mẩu thuốc lá còn lại trong tay tìm đường đi ngang qua phòng bảo vệ. Trong phòng để đồ, chúng tôi dừng lại và nghe ngóng để đảm bảo là không có ai trong nhà vệ sinh. Chúng tôi quay trở lại trong ánh sáng rồi ném tàn thuốc vào bồn cầu. Chúng tôi phải ra ngoài và đi cắt qua sàn nhảy để tới được phòng giữ mũ áo nằm cạnh cửa ngoài.

Một điệu nhảy vừa mới bắt đầu.“Vòng qua rìa sàn nhà,” Mary nói. “Sẽ không ai để ý tới mình đâu.”

Tôi đi theo cô. Tôi không nhìn ai hết. Tôi không nhìn Lonnie. Lonnie chắc sẽ không còn là bạn tôi nữa, dù sao thì cũng không như trước. Cô ấy là người mà Mary gọi là thích được trai theo.

Tôi thấy rằng mình không quá sợ hãi, giờ thì tôi đã quyết định quên buổi khiêu vũ. Tôi không đợi ai đến chọn mình hết. Tôi có kế hoạch của riêng mình. Tôi không phải cười hay làm những dấu hiệu may mắn. Nó chẳng là gì với tôi hết. Tôi đang trên đường đi uống một cốc sô-cô-la nóng với bạn mình.

Một anh chàng nói gì đó với tôi. Cậu ta ngáng đường tôi. Tôi nghĩ chắc cậu ta đang nói tôi vừa làm rớt thứ gì đó hoặc là tôi không được đi đường đó mà cũng có thể là phòng giữ mũ áo bị khóa rồi. Tôi không hiểu rằng cậu ấy đang mời tôi nhảy cho đến khi cậu ấy nói lại lần nữa. Đó là Raymond Bolting học cùng lớp, người tôi chưa bao giờ nói chuyện trong đời. Cậu ấy nghĩ tôi đồng ý. Cậu ấy đặt tay lên eo tôi và gần như không định làm nhưng tôi lại bắt đầu nhảy.

Chúng tôi di chuyển ra giữa sàn. Tôi đang khiêu vũ. Chân tôi đã quên run rẩy và bàn tay tôi không đổ mồ hôi nữa. Tôi đang nhảy với một anh chàng mời mình. Không ai bảo anh ta phải làm thế, anh ta không phải làm thế, anh ta chỉ mời tôi thôi. Điều đó có thể chăng, tôi có thể tin vậy không, có phải chẳng có gì quan trọng với tôi hết không?

Tôi nghĩ rằng mình phải bảo cậu ấy rằng có một sự nhầm lẫn nào đó, rằng tôi chỉ đang rời khỏi đây, tôi đang định đi uống một cốc sô-cô-la nóng với bạn. Nhưng tôi không nói gì hết. Gương mặt tôi đang hiện lên những thay đổi tinh tế nào đó có được mà không tốn chút công sức nào khi nhìn vào cái vẻ đãng trí nghiêm trọng của những người được chọn này, những người nhảy kia. Đây là gương mặt mà Mary Fortune thấy khi cô nhìn ra từ cửa phòng giữ mũ áo, khăn choàng của cô đã khoác trên đầu rồi. Tôi phác một cử chỉ vẫy tay yếu ớt bằng bàn tay đặt trên vai chàng trai biểu thị rằng tôi xin lỗi, rằng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra và rằng đợi tôi cũng vô ích mà thôi. Rồi tôi quay đầu đi, và khi nhìn lại thì cô đã đi mất rồi.

Raymond Bolting đưa tôi về nhà còn Harold Simons đưa Lonnie. Tất cả bọn tôi đi bộ cùng nhau đến góc cua nhà Lonnie. Các chàng trai đang tranh luận về một trận đấu khúc côn cầu, thứ mà Lonnie và tôi không theo nổi. Rồi chúng tôi chia ra thành từng đôi và Raymond tiếp tục nói với tôi về chuyện mà cậu ấy đã nói với Harold. Cậu ấy không có vẻ gì để ý rằng giờ mình đang nói với tôi thay cho người kia. Đôi lần tôi nói, “Chà mình không biết, mình không xem trận đó,” nhưng một lúc sau tôi quyết định chỉ cần nói, “Hừm, ừm,” và thế có vẻ là tất cả những gì cần thiết.

Còn một chuyện khác cậu ấy nói nữa là, “Mình không nhận ra cậu ở xa thế này”. Và cậu ấy khụt khịt mũi. Cái lạnh cũng đang làm tôi hơi nhảy mũi và tôi lần ngón tay qua những mẩu giấy gói kẹo trong túi áo khoác đến khi tìm ra một mảnh khăn giấy Kleenex đã trầy trụa. Tôi không biết mình có nên đưa nó cho cậu ấy hay không, nhưng cậu ấy sụt sịt mũi to quá nên cuối cùng tôi nói, “Mình chỉ có miếng khăn giấy Kleenex này thôi, hẳn là nó không còn sạch đâu, chắc có vết mực trên đó rồi. Nhưng nếu mình xé đôi nó ra thì mỗi đứa sẽ có được thứ gì đó.”

“Cảm ơn,” cậu ấy nói. “Chắc là mình dùng được mà”.

Tôi nghĩ thật tốt vì mình đã làm vậy, bởi vì trước cổng nhà mình, khi tôi nói, “Thôi, chúc bạn ngủ ngon,” thì sau khi cậu ấy nói, “ừ. Chúc ngủ ngon,” cậu ấy nhoài người về phía tôi và hôn tôi, trên khóe môi, nhanh thôi, với cái vẻ của người hiểu việc mình làm. Rồi cậu ấy quay lại thị trấn mà không bao giờ biết rằng mình là người đã cứu nguy cho tôi, rằng cậu ấy đã mang tôi từ địa hạt của Mary Fortune vào thế giới bình thường.

Tôi đi vòng qua nhà ra cửa sau, nghĩ rằng tôi đã tới một buổi khiêu vũ và một chàng trai đã đưa tôi về nhà rồi hôn tôi. Tất cả đều có thật. Cuộc đời tôi là có thể chấp nhận được. Tôi đi qua cửa sổ nhà bếp và thấy mẹ. Bà đang ngồi gác bàn chân lên trên cửa bếp lò để mở mà uống trà bằng một cái tách không có đĩa lót. Bà chỉ đang ngồi và chờ tôi về kể cho nghe mọi thứ đã xảy ra. Còn tôi sẽ không làm vậy, không bao giờ. Nhưng khi tôi nhìn thấy căn phòng bếp chờ đợi, và mẹ tôi trong chiếc áo choàng ngủ kiểu kimono đã sờn cũ, bạc màu, khuôn mặt ngái ngủ nhưng kiên cường trông ngóng của bà, tôi hiểu ra mình có một bổn phận bí ẩn và ngột ngạt đến thế nào để được vui vẻ, và tôi đã gần như thất bại ra sao, lần nào cũng có khả năng thất bại, còn bà thì không hề biết.

..................................................

(1) Alice Munro sinh năm 1931, là một nhà văn viết truyện ngắn người Canada đã đạt giải Nobel Văn học năm 2013. Tác phẩm của bà được miêu tả là đã cách mạng hóa cấu trúc truyện ngắn, nhất là xu hướng hồi cố.

(2) Trong hệ thống giáo dục Ontario (một tỉnh miền đông Canada, phía tây Québec), bậc trung học bao gồm 5 năm, được biết đến với lớp 13 từ năm 1921 - 1988. Chế độ này bị hiệp hội OAC (Ontario Academic Credit) hủy bỏ vào năm 2003. Truyện ngắn. Alice Munro(1) (Canada)

Truyện ngắn. Alice Munro(1) (Canada)

Dịch giả: Trương Thị Mai Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước