Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:29 (GMT +7)

Chiếc đầm dạ hội màu xanh – Laura E. Richards (Mỹ)

VNTN - Ai lại đi mặc một bộ đầm trông kì cục đến thế chứ?

Ngày xưa chính mẹ đã mặc nó đấy con à! Con muốn nghe chuyện đó chứ? Thế thì ngồi xuống đây, trong khi sửa chỗ rách trên bộ đồ này, mẹ sẽ kể con nghe.

Năm 17 tuổi, hồi bằng tuổi con bây giờ, có lần mẹ đến Hillton chơi với bà Persis Elderby dễ thương mà giờ mất rồi. Mẹ đã kể con nghe về bà ấy, nhưng thật lạ là chưa bao giờ kể câu chuyện về chiếc váy dạ hội xa-tanh màu xanh đó, nhưng quả thật là đã nhiều năm mẹ không nhìn nó rồi.

Mẹ và bà Persis là chỗ rất thân thiết. Bà ấy tuy nhiều tuổi nhưng lại trẻ trung, còn mẹ dù ít tuổi lại quá già dặn, bởi vậy chúng ta không bao giờ nghĩ nhiều về tuổi tác cách biệt giữa hai người. Hàng ngày, chúng ta bao giờ cũng dành thời gian đi dạo trên những con phố Hillton xinh đẹp. Ở đó, người bạn già của mẹ thường chỉ cho mẹ thấy một ngôi biệt thự trang nghiêm, đứng một mình trên một mỏm đất nhỏ, với giọng đầy hãnh diện: “Đó là nhà của ngài nam tước - ngôi nhà đẹp nhất trong quận đấy. Bà nam tước giờ sống một mình ở đó. Đó là một người phụ nữ cao quý dù bà ấy không dát trang sức gì lên người hết”.

Mẹ không biết chính xác bà Persis muốn nói gì với lời nhận xét cuối cùng này, nhưng nó nghe thật ấn tượng. Thế nên lúc nào mẹ cũng nhìn ngôi nhà đá xám đó - nơi che chở cho một nhân vật quan trọng đến thế một cách kính cẩn.

Một ngày nọ, bà Persis từ ngôi nhà đó về, thở hổn hển, gương mặt già nua của bà ấy hồng lên vẻ phấn khích. Bà ấy ngồi xuống chiếc ghế gần cửa nhất và nhìn mẹ với cảm xúc không nói nên lời.

“Cô Persis yêu quý!” mẹ kêu lên. “Có chuyện gì thế? Cô có tin không hay gì sao?”

Bà Persis lắc đầu. “Không đâu! Cháu à, bà nam tước muốn gặp cháu. Giờ ta không thể nói gì hơn đâu. Đội chiếc mũ đẹp nhất của cháu vào và đi với ta. Bà nam tước đang đợi chúng ta đấy!”

Mẹ vội vàng chỉnh trang bản thân tươm tất hết mức có thể. Trên đường đi, mẹ khẩn nài bà Persis giải thích nhưng bà ấy chỉ lắc đầu và rảo bước nhanh hơn.

Mẹ và Persis đi nhanh tới mức khi đến nơi, người hầu gái ra mở cửa đã kinh ngạc khi thấy gò má đỏ bừng và vẻ ngoài lôi thôi của hai người. May là bà ấy biết rõ bà Persis, nên ngay lập tức đưa chúng ta vào một căn phòng khách mát mẻ có ánh sáng dịu nhẹ, trong đó treo những bức tranh gia đình.

Chợt cánh cửa ở đầu kia căn phòng bật mở; có tiếng sột soạt nhè nhẹ và mùi gỗ đàn hương thoảng trong không gian. Ngay sau đó bà nam tước đã đứng trước mặt chúng ta rồi. Dáng người bà ấy mảnh dẻ, cao bằng mẹ, người mặc một bộ váy lỗi mốt nhìn là lạ, mái tóc bạc trắng như tuyết được bới lên thành từng mớ bồng bồng đầy tinh tế; đôi mắt bà ấy là đôi mắt đen lay láy và dịu dàng nhất mẹ từng thấy, bà mang cái phong thái như đã để lại vương miện của mình ở phòng bên cạnh vậy. Đây là một người phụ nữ đầy quyền uy.

Chúng ta đứng dậy và mẹ tỏ ra lịch sự hết mức có thể, rồi bà ấy nói chuyện với chúng ta bằng chất giọng già lão dịu dàng, cứ sột soạt như loại vải lụa bà ấy đang mặc vậy.

“Vậy đây là đứa trẻ đó nhỉ!” bà ấy nói và quay sang mẹ. “Ta tin rằng cháu rất giỏi. Mà bà Elderby đã cho cháu biết cái chuyện nhỏ mà cháu có thể giúp ta chưa?”

Bà Elderby vội vàng nói rằng mình không phí thời giờ vào giải thích mà chỉ cố gắng mang mẹ tới đây nhanh hết mức có thể, vì nghĩ đó mới là việc chính. Bà nam tước gật đầu và cười một chút, rồi bà quay sang mẹ nói vài lời đơn giản, và thế là mẹ đã biết cả.

Sáng hôm đó, bà ấy nhận được một bức thư từ cháu gái mình, thông báo rằng cô ta và nhóm bạn của mình định sẽ tới Hillton để xem ngôi nhà cổ, tối hôm nay họ sẽ có mặt ở đây để ăn tối.

Bà nam tước quay sang mẹ và nói: “Không tính hai người hầu gái trung tuổi và những vị khách trẻ tuổi không quen biết, ta chỉ có một mình. Nhờ bà Elderby mà ta biết được rằng có một quý cô trẻ tuổi đang ở nhà bà ấy, thế nên ta nghĩ ra cái ý mời cháu tới đây, ở lại một đêm với ta, và có thể ngày hôm sau nữa nếu khách của ta vẫn ở lại. Nếu cháu sẵn lòng giúp ta làm việc này thì cháu có thể tháo mũ ra rồi ta sẽ gọi người đi lấy váy dạ hội và đồ trang điểm đến cho cháu”.

Mẹ cứ lắng nghe bà ấy nói trong mơ màng. Gò má mẹ ửng đỏ khi mẹ trình bày sự thật rằng bấy lâu nay mẹ chẳng có thứ gì gọi là váy dạ hội hết. Bà Persis tái mặt vẻ khốn khổ như bị mất hết thể diện, nhưng bà nam tước chỉ lặng lẽ nhìn mẹ và mỉm cười dễ thương.

“Ta sẽ cho cháu một bộ váy phù hợp”, bà ấy nói. “Ta có thứ mà cháu sẽ mặc rất hợp. Chúng ta sẽ đón khách vào giờ ăn tối, lúc 8 giờ đấy.”

Lúc này, mẹ cảm giác như mình đã bước vào một câu chuyện cổ tích, nếu không thì là mẹ đang mơ rồi! Mẹ ngồi trong một căn phòng lộng lẫy; rồi một người phụ nữ mang trà, bánh ngọt, nho khô trên một cái khay bằng bạc vào cho mẹ. Bà ấy có làn da rám nắng, nhỏ nhắn, khô héo như trong truyện thần tiên. Bà ấy nhìn mẹ bằng đôi mắt hiền từ và nói sẽ mang chiếc váy vào ngay rồi để mẹ lại một mình mà tưởng tượng. Mẹ hầu như không biết nên nghĩ gì nữa, quá nhiều chuyện đang diễn ra, dường như trong mấy giờ gần đây đã có nhiều chuyện hơn toàn bộ cuộc đời trước kia của mẹ. Mẹ hầu như không biết nên nghĩ gì nữa. Mẹ cố dồn tâm trí vào bữa tiệc vui vẻ sẽ sớm lấp đầy sự náo động và sức sống vào ngôi nhà yên ắng này… nhưng tâm trí mẹ cứ trở lại với chiếc váy mà mẹ sẽ có vinh dự được mặc đó. Nó sẽ ra sao? Giá mà nó không phải màu hồng!

Mẹ ngước nhìn lên và thấy bức chân dung vẽ một cô gái xinh đẹp mặc một bộ trang phục xưa cũ kì lạ treo trên tường và mẹ biết, đó là bà chủ nhà hồi còn trẻ. Trong lúc đó, bà nam tước nhẹ nhàng bước vào, theo sau là người hầu gái với một hộp đồ dài.

“Váy của cháu đây,” bà ấy nói, “ta nghĩ cháu sẽ muốn chuẩn bị cho buổi tối ngay rồi. Tháo nó ra đi Jessop!”

Jessop giở từng lớp giấy lụa ra. Mẹ nhìn vào và đó chính là chiếc váy dạ hội vải xa-tanh xanh lá đó!

Chiếc váy này có tay dài, ôm sát, gấp nếp dọc xuống tận bàn tay và nhấn bằng diềm đăng-ten tổ ong bằng ren vàng; cổ áo tròn và hơi trễ xuống, có một phần diềm đăng-ten tương tự, gần như dày tới mức có thể gọi là cổ áo xếp nếp; eo váy, nếu có thể gọi là eo, cao lên đến tận nách. Nói ngắn gọn thì đó là bộ đồ của thời bà nội mẹ. Một đôi hài nhỏ bằng vải xa-tanh xanh lá nằm bên cạnh nó cùng với một cái quạt lông khổng lồ cột ruy-băng xanh.

Đây là một trò đùa chắc? Mẹ ngước nhìn lên, gò má nóng bừng và mắt ướt đẫm. Mẹ gặp một ánh nhìn hiền hậu, rạng rỡ đầy thiện ý tới mức mắt mẹ sụp xuống, và mẹ chỉ có thể ước là nỗi khổ não của mình không hiện ra.

“Jessop giúp cháu nhé?” bà nam tước nói. “Hay cháu tự thay được? Chà, ta thích nhìn thấy người trẻ tuổi độc lập lắm. Ta nghĩ bộ váy này sẽ hợp với cháu, hồi trước nó là một bộ váy đẹp đấy”. Bà ấy trìu mến nhìn chất vải bóng rồi rời khỏi phòng, người hầu gái sau khi liếc nhìn mẹ bằng ánh mắt thích thú cũng đi theo, và mẹ bị để lại với chiếc váy xa-tanh màu xanh.

Khóc ư? Không, mẹ không khóc - mẹ được nuôi lớn không phải để khóc, nhưng mẹ đau đớn lắm con à, sự đau đớn ở tuổi 17 ấy. Mẹ nghĩ tới việc nhảy ra khỏi cửa sổ và bỏ trốn về với bà Persis; mẹ nghĩ tới việc đi ngủ và nói là mẹ bị ốm. Đúng là mẹ đã tự nhủ bằng sự dữ dội đến phát sốt: mẹ bị bệnh, phát ốm lên với sự xấu hổ, tủi nhục và thất vọng. Xuất hiện trong bữa tiệc vui vẻ này mà ăn mặc như bà cố mình sao? Mẹ thà chết còn hơn! Người ta dễ chết vì một nỗi phiền muộn như thế này lắm!

Nhưng đột nhiên có một ý nghĩ chợt nảy ra trong mẹ, cứ như một cái chạm nhẹ dễ chịu trên trán mẹ, đó là lời của chú John, lời mà trước kia đã giúp mẹ nhiều lần: “Cháu yêu à, hãy cố gắng giữ vững chính kiến nhé!”.

Những lời đó đã tác động mạnh vào cái tâm trí điên cuồng lúc bấy giờ của mẹ. Mẹ ngồi thẳng dậy trên chiếc ghế bành. Trong chuyện này có cần chút chính kiến nào không? Mẹ rùng mình rồi bình tĩnh suy xét mọi điều. Một mặt là hai bà già dễ thương mà có lẽ mẹ có thể giúp đỡ được một người chút ít và làm hài lòng cả hai; mặt khác, ôi trời ơi cái thân mẹ! Đó là sự phù phiếm sao? Mẹ nghĩ về hai khuôn mặt già lão đáng mến sáng bừng lên vẻ hiền hậu, mẹ tưởng tượng ra nỗi buồn phiền và sự thất vọng mà họ có thể mang lấy nếu mẹ…

“Vâng, chú à,” mẹ nói to, “cháu đã có được chính kiến rồi!”. Mẹ rùng mình lần nữa và bắt đầu thay đồ. Lúc này một ý nghĩ vui vẻ chợt nảy ra trong mẹ. Mẹ liếc nhìn bức chân dung treo trên tường và thấy cô gái xinh đẹp mặc váy xanh. Mẹ cố nhanh tay và khéo léo hết sức có thể bới tóc lên thành hai mớ bồng lớn với một cái cặp hình con bướm trên đỉnh đầu theo phong cách như trong bức tranh; giá mà mẹ có được cái lược trang sức nhỉ! Mẹ mặc váy vào, nó khá vừa vặn. Mẹ mang đôi hài và cột mấy sợi ruy-băng màu xanh quanh mắt cá chân; rồi mẹ thắp hết nến lên và ngắm mình. Một con bù nhìn hoàn hảo sao? Chà, có lẽ, mà cũng có khi…

Lúc đó Jessop bước vào, mang theo một đôi găng tay vàng. Bà ấy nhìn mẹ từ trên xuống dưới mà không nói gì hết, rồi bà ấy liếc nhìn bức tranh, lui ra rồi ngay lập tức xuất hiện trở lại với một chiếc lược đồi mồi. Bà ấy cẩn thận găm nó vào tóc mẹ, quan sát mẹ lại rồi lại nhìn bức tranh. Đúng vậy, cần phải có sợi dây chuyền; nhưng tất nhiên là…

Jessop lại biến mất và lần thứ ba không biết bà ấy ở đâu hết; nhưng lần này bà nam tước đến cùng. Bà lặng lẽ nhìn mẹ, nhìn tóc mẹ, rồi lại nhìn lên bức tranh. Sự vui vẻ thích thú trên gương mặt đáng mến của bà ấy đã làm tan biến hết chút tàn dư cuối cùng của lòng kiêu hãnh ngu ngốc trong mẹ.

Bà quay sang Jessop và gật đầu. Người hầu gái đặt một chiếc hộp dáng dài bằng da dê thuộc vào tay phu nhân; bà hôn mẹ và đeo chiếc vòng cổ cho mẹ bằng những ngón tay mềm mại run run. “Đó là một lời khen thanh nhã mà cháu dành cho ta đấy,” bà nói và lại liếc nhìn bức tranh, mắt hơi mờ lệ. “Cháu đã gia ơn cho ta khi đeo nó, để làm cho cái ảo ảnh về tuổi trẻ đã qua của ta được trọn vẹn.”

Mười ngôi sao bằng đá thạch anh màu xanh, thứ màu xanh tinh khiết và mong manh nhất trên đời, viền bằng vàng được chế tác tinh xảo. Mẹ không cần phải miêu tả chiếc vòng cổ đâu, con hãy cứ nghĩ đó là thứ trang sức đẹp nhất trên đời vậy.

Bà nam tước không bao giờ thay đổi kiểu cách thời trang, và thứ vải thêu kim tuyến màu xám và bạc của bà rất hợp với xa-tanh. Chúng ta đứng cạnh nhau một lúc nhìn vào trong tấm gương mờ dài ngoằng, rồi bà ấy vỗ vai mẹ và khẽ thở dài.

“Mái tóc màu nâu vàng của cháu trông rất hợp với màu xanh,” bà nói. “Tóc của ta màu đen chứ nếu không thì…  Mình xuống lầu chứ nhỉ?”

Mẹ sẽ không kể nhiều về buổi tối hôm đó đâu. Tất nhiên nó không vui vẻ gì. Rõ ràng là giữa những cô gái vui tươi toàn ăn mặc hợp mốt nhất kia thì mẹ trông thật là kì quặc. Cái khoảnh khắc xuất hiện đầu tiên mới tệ làm sao, những tiếng cười khúc khích khiến cho huyết quản mẹ như có lửa đốt, người mẹ thì nóng suốt cả buổi. Nhưng việc thỉnh thoảng liếc nhìn khuôn mặt bình thản của bà nam tước đã giúp mẹ có thể giữ được chính kiến của mình. Và mẹ nhớ ra rằng hai người đàn ông thông thái là Solomon(*) và chú John của mẹ đã so sánh tiếng cười của lũ đần độn với tiếng nổ lốp bốp của cành gai đang cháy bên dưới cái nồi. Và… và có người lại không cười.

Ghim nó lại đi con! Bố con tới rồi và ông ấy sẽ muốn uống trà đấy.

Mẹ có thể kể ngắn gọn phần còn lại của câu chuyện như thế này.

Một năm sau, bà nam tước mất, và vài tuần sau đó một gói hàng từ Hillton được gửi đến cho mẹ.

Mẹ kinh ngạc mở nó ra, và mẹ còn có thể thấy thứ gì khác nữa ngoài chiếc váy dạ hội xa-tanh màu xanh, đôi hài, và chiếc quạt, còn chiếc lược đồi mồi trong một cái hộp bằng da dê thuộc! Mẹ cung kính nhấc chiếc váy ra khỏi cái hộp, trên tay mẹ nó nặng đến khác thường, và sau một lát sờ vào nó mẹ thấy có chuyện lạ. Túi áo đầy những mẩu vàng, những đồng xu 5 đô sáng ngời rơi xuống quanh mẹ như một cơn mưa vàng khiến mẹ kêu lên sửng sốt; nhưng không chỉ có thế! Nước mắt tuôn trào khi mẹ mở chiếc hộp da thuộc và lấy ra chiếc vòng cổ thạch anh - mẹ khóc một phần vì biết ơn và vui sướng, phần vì lòng tốt, tình yêu và nỗi buồn dành cho người phụ nữ đáng mến, oai vệ, người đã nghĩ tới mẹ trong những ngày cuối đời và tìm thấy một trong những niềm vui cuối cùng của mình trong việc sắp đặt sự ngạc nhiên này cho mẹ (sau này người ta cho mẹ biết vậy).

Con à, có thêm một chuyện mà mẹ có thể kể ra. Bố con cũng có mặt ở bữa tiệc vui vẻ đó, và ông ấy thường nói về lần đầu tiên nhìn thấy mẹ là khi mẹ đang đi xuống cầu thang trong bộ váy dạ hội xa-tanh màu xanh đó.

(*) Nhà vua người Israel thế kỉ thứ 10 TCN nổi tiếng là khôn ngoan phi thường.

Trương Thị Mai Hương dịch

Nguồn: online-literature.com

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước