Chị tôi
VNTN- Thấy chị hai bị mẹ đánh đau, tôi sợ quá chạy vào chuồng lợn nấp. Tôi sững người thấy mấy tờ tem phiếu mua thực phẩm rơi trên nền đất…
Ba chị em (tác giả đứng ngoài cùng bên trái)
Bố mẹ tôi sinh được ba người con, đều là gái. Nhà tôi ở phố Gia Bẩy, tiểu khu Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Biến cố lớn của gia đình tôi vào hôm ấy, trưa ngày 17 tháng 10 năm 1965.
Mẹ tôi bưng nồi cơm vừa cạn vần tai bếp, vươn người bắc siêu nước định đặt lên kiềng, thì: roành roành roành..., ú ú uuuuuu... tiếng máy bay Mỹ rít xé màng nhĩ kèm tiếng nổ đinh tai.
Chị cả lao đến ôm tôi. Mẹ hét: cả nhà xuống hầm ngay. Hữu ơi, mày đi đâu rồi... Ôi con ơi... Hữu ơi…
Tiếng bom, tiếng đạn pháo chẹn ngang tiếng mẹ. Căn hầm đất rung bần bật. Mẹ tôi gục đầu xuống gối, lẩm nhẩm cầu trời khấn Phật cho chị hai tôi tai qua nạn khỏi.
Dứt tiếng bom, cả nhà túa đi tìm chị. Bước ra ngoài ai nấy kinh hoàng vì những gì bày ra trước mắt. Phố xá tan hoang, lửa bốc ngùn ngụt, xác người mắc trên cành cây, dân phố khản giọng gọi nhau. Nhà này bom trúng hầm không ai sống sót, nhà kia có người bị thương. Tiếng khóc, tiếng kêu hoảng loạn tan tác phố nhỏ.
Lúc lâu sau bố mẹ tôi mới tìm thấy chị hai tôi run lập cập ngồi trong gầm một cái xe bò, tóc xoăn tít, mặt đen sạm khói bom.
Đêm hôm ấy, nhà tôi cùng hàng nghìn người Thái Nguyên làm cuộc di cư khẩn cấp ra khỏi thành phố. Chúng tôi không kịp chia ly với nơi gắn bó mấy chục năm, với cầu Gia Bẩy vừa bị bom Mỹ đánh gục và đoạn sông Cầu chi chít vết chém sắc lẻm của mảnh rốc-két.
Tôi ba tuổi ngồi một bên quang thúng mẹ gánh, bên kia là quần áo, xoong nồi; chị cả tôi mười lăm tuổi cũng lặc lè quang gánh trên vai; bố tôi cõng bộ đồ nghề cắt tóc; chị hai tôi lon xon bám theo. Gia đình tôi chọn một nơi cách thành phố chừng 15km: xóm Chợ, xã Phúc Trìu (khi đó thuộc huyện Đồng Hỷ, nay thuộc thành phố Thái Nguyên).
Những chuyện ấy sau mọi người kể thì tôi biết, ký ức của tôi ghi nhớ rõ nét khoảng từ khi tôi lên năm tuổi.
Chị cả tôi cao lớn, hai bím tóc dài nặng quệt qua quệt lại lưng áo xanh “sĩ lâm”. Chị học cấp 3 ở xóm Lai Thành (cách nhà 5 km). Đi bộ từ 4 giờ sáng, chiều học xong chị vào rừng kiếm củi. Khi bóng tối trùm kín khoảnh ruộng trước nhà, tôi tựa bậu cửa ngóng chị về. Chị đi tắt qua cánh đồng, vòng ra sân sau, hất “ịch” bó củi nặng trên vai xuống. Chị ngồi ăn cơm một mình bên ngọn đèn dầu, cái bóng lặng lẽ in trên vách bếp trát bùn. Cô bé 16 - 17 tuổi đã biết lo toan gia đình sớm đến thế. Hay hoàn cảnh khốn khó khi ấy đã sinh ra lớp người già trước tuổi như chị cả tôi?
Tôi năm tuổi thì chị cả vào học Đại học Sư phạm Việt Bắc, theo trường đi sơ tán. Ở nhà còn tôi và chị hai dí dủm chơi với nhau. Hai chị em lấy lá tre khều ổ công cống, thích thú xem con vật bé xíu tròn vo ngửa bụng xoay xoay trên mặt đất. Chị dắt tôi ra bờ ruộng moi đất sét nặn “pháo nổ pháo nang”. Chị chải đầu, lấy rơm khô buộc cho tôi hai túm tóc vênh vênh.
Chị hai tôi tuổi Tuất (sinh 1958), một “chú chó mít ướt”, đi học thường bị bắt nạt. “Chúng mày ơi, đánh con bé thành thị này đi”. Những đứa trẻ nơi sơ tán vạch đường ranh giữa “nông thôn” và “thành thị”. Và chị tôi hôm thì mang về cái đầu tổ quạ vì bị giật tóc, chạt quả ké, mẹ tôi phải dùng kéo cắt tóc mới hết; hôm thì quần áo bê bết phân trâu và mặt đỏ ửng vết tay. Về đến cổng, chị òa nức nở, kể bị đứa này đánh đứa kia đánh, sau vài tháng hành hạ thì những đứa trẻ “nông thôn” dần thân với đứa trẻ “thành thị”, chị không bị bắt nạt nữa.
Tôi học lớp Vỡ lòng dưới vầng tre khum khum. Cô giáo người cùng xóm cầm tay tôi viết chữ O đầu đời, tay cô ấm và ram ráp. Ngày đầu tiên đón tôi đi học về, chị khoe với mẹ: “Em học chăm lắm, ngồi im không nhúc nhích”. Hóa ra chị lén đến lớp xem tôi có bị bạn bắt nạt không?
Ông trời bắt tôi mê chữ. Có mẩu báo, quyển sách lọt vào tay là tôi lẩm bẩm đọc kiệt, dù chẳng hiểu gì. Lên lớp Hai, tôi bắt đầu ngốn truyện. Những tập truyện cười dân gian Việt Nam, truyện cảnh giác in trên giấy giang đen nhẻm, hình vẽ xộc xệch nhưng tôi đọc ngốn ngấu, đọc đi đọc lại đến thuộc làu.
Năm ấy trời lạnh lắm, mẹ sai chị hai ra phố Đán mua thực phẩm. Con bé mười một tuổi đi bộ hơn 4 cây số, mang theo tem phiếu, mang theo hy vọng của cả nhà bữa chiều có chất tươi. Sẩm tối thì chị về, hí hửng khoe bố mẹ chiến tích xếp hàng mua được mắm tôm, cá khô, mấy bìa đậu khét lẹt. Chị không quên mua cho tôi 2 quyển truyện tranh bắt gián điệp. Tôi vồ lấy truyện mang ra góc chuồng lợn ngồi đọc. Đang mê mải, tôi nghe tiếng mẹ tôi rít lên: “Tem phiếu đâu”? Tiếng chị cuống quít: “Con… con… rõ ràng… con… để đây cơ mà…”. Tôi chạy ra, thấy chị rúm người, cong lưng, hai tay ôm đầu che làn mưa roi. Mẹ tôi vừa đánh vừa gầm lên: “Đồ ăn hại, mày giết cả nhà này rồi, năm nay thì treo niêu”…
Ồ không, tôi và chắc cả các chị tôi không oán trách mẹ đâu. Ngày ấy, trong các gia đình, chuyện bố mẹ đánh chửi con là chuyện thường ngày. Mẹ tôi vẫn nói: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhưng chúng tôi là những đứa trẻ gái yếu đuối, nhạy cảm. Bao trận đòn roi hằn trong ký ức sâu đến nỗi tôi tự hứa với mình: sau này sẽ không bao giờ làm con tôi tổn thương như tôi đã từng chịu đựng.
Càng có tuổi, càng nếm trải cay ngọt cuộc đời, hiểu tâm lý con người, tôi càng thương mẹ hơn. Gương mặt xương gầy đẫm mồ hôi, hiếm khi tôi thấy mẹ cười, thấy mẹ thong dong nhàn hạ. Mẹ bì bõm mót từng hạt thóc rơi trên ruộng thụt. Mẹ cuốc đồi trồng sắn nuôi lợn. Mẹ căng mảnh ni-lông che mái nhà chi chít chỗ dột cho chúng tôi ngủ. Khi người đàn bà phải “ngồi một mình đứng một mình” (lời mẹ tôi); khi chồng yếu đau, con bé dại, túp nhà lợp rạ sắp đổ ập… thì mấy ai có thể dịu dàng, bao dung, nhân từ như giáo lý thường răn dạy.
Thấy chị hai bị mẹ đánh đau, tôi sợ quá chạy vào chuồng lợn nấp. Tôi sững người thấy mấy tờ tem phiếu mua thực phẩm rơi trên nền đất. Thì ra, chị kẹp những tờ giấy mang sinh mệnh cả nhà vào cuốn truyện, tôi mang đi đọc và làm tuột mà không biết.
Tôi kêu lên: Mẹ ơi, chị ơi, tem phiếu đây rồi!!!
Mẹ tôi đánh rơi cái roi cầm trên tay, nét mặt sượng sùng. Chị tôi tủi thân khóc rống lên. Tôi di di ngón chân xuống nền đất không biết phải làm gì.
Chị tôi bây giờ học Phật pháp và tin vào nhân - quả. Chị bảo, được làm mẹ - con, chị - em với nhau trong kiếp này phải có nhân duyên từ vạn vạn kiếp trước.
Ba chị em tôi đã “lên chức” bà. Mỗi lần gặp nhau vẫn thủ thỉ kể chuyện chín năm ở nơi sơ tán. Chúng tôi lớn lên trong hầm chữ A sặc mùi đất ẩm. Chúng tôi lớn lên trong thiếu đói và roi vọt như thế. Chị hai tôi nhớ rành rọt nhiều chuyện hơn tôi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị nhắc đến trận đòn oan năm chị mười một tuổi.
Nhưng tôi chưa bao giờ quên chuyện ấy. Chỉ có điều đến hôm nay tôi mới có dịp để kể ra.
Dù đã nửa thế kỷ rồi, em vẫn muốn nói lời xin lỗi chị!!!
Minh Hằng (Số nhà 74, ngõ 339, tổ 13, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên.)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...