Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:44 (GMT +7)

Chi hội Văn xuôi của tôi

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)

VNTN - Tôi nâng lên đặt xuống từng từ, xóa xóa viết viết “ướm” tiêu đề cho bài của mình. Những cái tên hiện lên rất nhanh trong đầu như “Ngôi nhà của người viết văn xuôi”, “Cái nôi ấm áp tình người” hay “Nơi giao lưu và giúp nhau tỏa sáng”… tôi đều lần lượt gạt đi. Cuối cùng, tôi chọn cái tên giản dị, truyền thống nhưng lại thấy ưng ý nhất: Chi hội Văn xuôi của tôi.


Háo hức mỗi lần gặp nhau

Mỗi hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đều có một nơi sinh hoạt phù hợp sở trường sáng tác, nơi nắm bắt thông tin vui buồn nhanh nhất, đó là chi hội. Dạo đầu vào Hội, tôi sinh hoạt ở Chi hội Thơ, chục năm trở lại đây tôi lại “chuyển sang” Chi hội Văn xuôi. Chỗ nào tôi cũng thấy có lý, mà chả riêng tôi, hội viên ít ai chỉ làm thơ mà không viết văn, rất nhiều người “hai tay hai súng”, văn - thơ “bắn” đều giỏi như nhau.

“Mời đồng chí đúng x giờ ngày y đến họp Chi hội”. Thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn như thế của Chi hội trưởng Phạm Đức. Lần nào tôi cũng mau mắn xác nhận: “Vâng, em sẽ có mặt” cùng sự háo hức mơ hồ. Cái sự háo hức ấy dễ hiểu thôi, vì tôi sẽ được gặp các “bà chị, bà em” quý mến như Ngọc Thị Kẹo, Ngọc Thị Lan Thái, Bùi Như Lan, Thu Huyền... Nhìn thấy nhau, mắt chúng tôi sáng lên, ngồi dính vào nhau mà “tra khảo”: Dạo này có gì mới?, tập sách định ra thế nào, đang ấp ủ viết gì? Nhiều ý tưởng nhất là nhà văn quân đội Bùi Thị Như Lan. Thế mạnh là truyện ngắn đậm chất dân tộc Tày (nói theo ngôn ngữ của Lan là “thổ mừ”), Lan chuyển phắt sang viết truyện cho thiếu nhi. Lan say sưa nói về “Cuộc phiêu lưu của giọt nước” hứa hẹn hấp dẫn lắm các cô cậu tuổi khăn quàng đỏ. Rồi thoắt cái, Lan khóa phây-búc, đóng cửa ngồi nhà viết tiểu thuyết. Những hai cuốn liền, bản thảo đang đặt trên bàn các biên tập viên nhà xuất bản lớn, nghe nói là nội dung rất “dữ dội” khiến chúng tôi hồi hộp đón chờ.

Chi hội đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh. Ảnh: Q.K

Một người tôi rất mến là chị Ngọc Thị Kẹo. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ chị đã 70 tuổi. Dáng người óng ả, miệng cười chum chúm kín đáo khiến chị mang nét son trẻ. Đến thời điểm hiện giờ, chị là nữ hội viên cao tuổi nhất của Hội, chứ chả riêng của Chi hội Văn xuôi. Dạo đầu tháng 3 năm 2017, tôi cùng các đồng nghiệp nữ đi thăm Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội). Trong tủ kính trưng bày kỷ vật của chị em đóng góp vào sự nghiệp giữ nước, tôi nhìn thấy tập Nhật ký viết tay mang tên Ngọc Thị Kẹo. Mọi người xúm vào xem. - Chị Kẹo đấy - tôi khoe - tác giả tập truyện dài “Nhật ký cô văn thư”; tập truyện cười “Ông ba chấm” và tiểu thuyết “Người đàn bà không chồng” cùng rất nhiều truyện ngắn khác. Giờ ít viết hơn trước nhưng chị vẫn ăm ắp ý tưởng văn chương. Đàn em chúng tôi có cần trợ giúp gì là chị sẵn sàng ngay.

Nói đến chị Kẹo là nói đến chị Ngọc Thị Lan Thái, hai chị em ruột lại sinh hoạt trong cùng Chi hội. Đúng là gen di truyền, chị Thái cũng thơ, văn lai láng. Thế mạnh của chị Thái là viết kịch bản, một trong những người viết kịch hiếm hoi của Thái Nguyên bây giờ. Đọc “Thượng đế vi hành” của chị, nhiều đoạn tôi cứ cười một mình không dứt. Chị Thái quả là có tài “cù” người đọc, người xem. Chả thế mà tiểu phẩm của chị đi diễn được rất nhiều giải thưởng.

Một người nữa khiến tôi háo hức đi họp, là Thu Huyền, Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Mỗi lần “chạm” nhau, chúng tôi lại “tóe” lên một ý tưởng gì đó. Người gợi, người bàn, rồi cùng đi hoặc đi cơ sở một mình, chúng tôi đã thành công nhiều tác phẩm có xuất xứ như thế.

Tỏa cho nhau cảm hứng

Vài tháng được ngồi “ngắm” các hội viên Chi hội một lần, tôi tự thấy mình là người hạnh phúc. Vì tôi đang được sinh hoạt với những bậc gạo cội của Văn nghệ Việt Bắc xa xưa, Văn nghệ Bắc Thái đã qua lâu và Văn nghệ Thái Nguyên hiện nay. Những bậc cha chú tuổi 70-80 như chú Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên, Nguyễn Đình Ẩm, Hữu Thịnh, Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Văn Thởn, Lê Thế Thành. Đến những bậc đàn anh tên tuổi khẳng định trên văn đàn như Hồ Thủy Giang, Đức Diêm, Phạm Quý, Minh Sơn. Dù sức yếu và có người ở tận Hà Nội (anh Khánh Hạ), ở huyện Phú Bình (bác Hữu Thịnh, bác Ngọ Quang Tôn) nhưng các hội viên rất tôn trọng tổ chức, có mặt đúng giờ họp, không đi được là báo cáo xin phép. Không chỉ nghiêm túc mà họ còn là những người giữ được lửa sáng tác cháy rực, truyền năng lượng của họ sang cho lớp tuổi con, cháu như chúng tôi.

Tôi nhớ Trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở tại Đà Lạt 6 năm trước. Mấy bác “văn xuôi” nhà mình đặt ba lô xuống là sùng sục đi, tìm, viết. Ngay sáng hôm đầu tiên ở Trại, anh Bùi Nhật Lai đã phát hiện một “dị nhân” tạc tượng ngay cạnh Nhà sáng tác. Chỉ ba hôm sau anh đã “nổ phát súng” ký chân dung đầu tiên. Được thêm tiếp sức của anh Thanh Đạm, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, các trại viên miệt mài viết lách gửi đăng báo. Rồi phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo tỉnh nườm nượp vào trại xin phỏng vấn, làm chương trình, trả nhuận bút…

Trong Chi hội, cỡ tuổi tôi (ngoài 50) được bao bọc ở giữa. Nhìn lên, nhìn xuống đều có người đáng khâm phục, đáng học tập. Nhìn lên, tuổi 80 như bác Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn vẫn ra tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ đều đều. Nhìn các bác hào hứng nhanh nhẹn thông minh bàn luận xử lý tình huống mà ước ao sau này mình cũng được như vậy cho con cháu nhờ. Tuổi 70 như các nhà văn Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Phạm Đức luôn là chỗ tin cậy để chúng tôi học hỏi về lý luận cũng như thực tế. Trẻ hơn tí nữa như các anh: Minh Sơn, Phan Thái, Đào Nguyên Hải ăm ắp vốn sống và vô cùng chịu khó. Nhìn xuống, các em các cháu như: Dương Thu Hằng, Trần Danh Khải, Trinh Nguyên,… đều là những cây bút hứa hẹn trên văn đàn. Đặc biệt, tuổi 9x như Hoàng Thị Hiền đang là niềm hy vọng không chỉ của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên. Một mình “lưu lạc” từ Cao Bằng về Thái Nguyên, lại làm trưởng xóm thuần nông, cô gái Tày này được nạp năng lượng ở nhiều vùng miền khác nhau. Cuộc sống lo toan thường ngày cùng người nông dân cộng với óc nhạy bén của người viết, những tác phẩm của Hiền đang được nhiều người đánh giá cao. Riêng tôi luôn có niềm tin vững chắc rằng, Hiền sẽ là một cây bút sáng giá của Thái Nguyên.

Thành công là tất yếu

Một trùng hợp khá thú vị, cách đây tròn 10 năm, tôi viết bài về hội thảo văn xuôi Thái Nguyên. Đây là cuộc hội thảo đầu tiên tổ chức sau 20 năm Hội Văn nghệ tỉnh thành lập. Hầu hết các tham luận trình bày tại Hội thảo đều chê văn xuôi Thái Nguyên. Nhà phê bình văn học Lâm Tiến (nay đã mất) chứng minh sự yếu kém của văn xuôi Thái Nguyên bằng con số: Từ năm 2000 đến 2007, Thái Nguyên không xuất bản được cuốn tiểu thuyết nào. Trong khi 10 năm trước đó (từ 1990 đến 1999), Thái Nguyên xuất bản đến 21 cuốn tiểu thuyết. Nhiều về số lượng nhưng theo nhà phê bình văn học Lâm Tiến thì tiểu thuyết Thái Nguyên còn nặng về nội dung, tư duy và hình thức nghệ thuật chưa đổi mới. Cách viết nặng truyền thống, nặng đơn thanh, nặng độc thoại. Tiểu thuyết thì thế, còn truyện ngắn thì sao? Nhà văn Bùi Thị Như Lan đánh giá truyện ngắn Thái Nguyên quá "khiêm tốn" (cách nói khéo của Lan) ở tất cả các mảng, đặc biệt thiếu hụt ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và miền núi. Chưa kể đội ngũ viết truyện ngắn Thái Nguyên đang mỏng và thiếu vắng dần những cây bút khả thi…

Giờ đây nhìn lại, mới thấy chúng ta đã đi được những bước thành công đến thế nào. Chỉ tính 3 năm gần đây, văn xuôi Thái Nguyên được ví như “mùa hái chữ”. Về tiểu thuyết, riêng tác giả Phan Thái liên tục trình làng 3 cuốn (Cơm áo chợ đời; Sóng bên ngày nắng; Đèn giời). Nhà văn Phạm Đức ra 2 cuốn (Bão rừng và Giông gió làng chè). Nhà văn Ma Trường Nguyên có “Ông ké thượng cấp” (2017), nhà văn Hồ Thủy Giang chiếm con số kỷ lục, riêng năm 2016 và 2017 đã xuất bản 4 tiểu thuyết. Chưa kể nhiều tác giả khác có 1 đến 2 tác phẩm như tác giả Nguyễn Văn với “Danh gia đất mỏ”; Hoàng Luận với “Cây không lá”; Đỗ Dũng với “Trung đoàn 165” ; dịch giả Phạm Đức Hùng với 2 cuốn sách dịch từ tiếng Đức…

Mảng truyện và ký cũng không kém cạnh so với tiểu thuyết. Những cái tên xuất hiện khá dày trên báo Văn nghệ Thái Nguyên như Trinh Nguyên, Đào Nguyên Hải, Trần Nhung, Hoàng Thị Hiền, Nguyễn Thị Sáu, Lê Thế Thành, Phạm Ngọc Chuẩn, Quang Khải… cùng những giải thưởng dành cho họ đã khẳng định văn xuôi Thái Nguyên đang có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Viết bài này, tôi không có ý định thống kê thành tích của Chi hội Văn xuôi mấy năm qua. Với góc nhìn của hội viên, tôi chỉ cảm nhận được khối hơi ấm lan truyền, sự tiếp nối và triển vọng ở nơi này. Và chính điều đó đã góp phần củng cố Hội ngày càng phát triển.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy