Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:08 (GMT +7)

Chén trà Tân Cương

VNTN- Lần đầu tiên về Thái Nguyên tôi có ngay cảm giác gần gũi qua chén trà thơm ngon, đặc sánh. Và cũng chỉ cần một lần thôi về với Tân Cương nhưng cũng đủ để tình người và hương vị của trà đi vào trái tim tôi...

Đồi chè Tân Cương. Ảnh minh họa, nguồn: loctancuong.com

Nắng thu rát bỏng, con đường lượn vòng trên sườn đồi như dài ra. Mỗi khi có  bóng cây chúng tôi lại đứng nghỉ một lát rồi mới đi tiếp, không phải là mệt mà là tôi muốn cảm nhận bầu không khí của miền trung du.

Địa hình của Thái Nguyên chủ yếu là đồi núi thấp, thấp dần từ bắc xuống nam. Núi của Thái Nguyên không cao lắm và đều là phần phía Nam của các dãy núi cánh cung Ngân Sơn, Bắc Sơn. Địa hình cao hơn cả là dãy núi Tam Đảo, sườn đông dãy núi Tam Đảo thuộc địa phận phía Tây Nam của tỉnh Thái Nguyên (gồm các xã phía tây huyện Đại Từ giảm nhanh xuống thung lũng sông Công và vùng hồ Núi Cốc). Phía Đông tỉnh, phần nhiều là các khối núi đá vôi với độ cao sàn sàn như nhau. Phía Nam tỉnh, địa hình thấp hơn nhiều, có một số núi thấp nhô lên khỏi các vùng đồi thấp. Vùng trung du và vùng đồng bằng phù sa thì ở phía Nam. Tất cả tạo cho mùa thu của Thái Nguyên có một nét riêng: Thu mang đặc trưng của miền núi cao, thu của vùng bán sơn địa và thu của miền đồng bằng...

Chiều, bạn Việt gửi xe dưới chân đồi dắt tôi đi bộ lên. Con đường nghiêng nghiêng cong cong theo sườn đồi. Nhiều đoạn chè vươn cành chạm cả vào mặt người. Lên tới đỉnh đồi thì trời tắt nắng, cơn mưa tới làm không gian trở nên se lạnh. Gió heo may ở miền trung du cũng khác Hải Phòng quê tôi.

Lần đầu tiên về Thái Nguyên tôi có ngay cảm giác gần gũi qua chén trà đặc sánh. Trà Tân Cương chính hiệu do đôi bàn tay bác chủ nhà làm. Để có chén trà ngon, ngoài việc chọn giống chăm cây, hái chè cũng là một khâu rất quan trọng. Cả năm chỉ có thời gian nắng giữa xuân là hái trà sẽ có nước ngon nhất. Hái sớm thì thời tiết còn lạnh (trà có nhiều vị chat) hái muộn hơn thì gặp mưa rào (trà sẽ bị nhạt). Loại trà quý ấy được chủ nhà để riêng bán cho những người biết thưởng thức và phải là người  sành trà mới nhận ra. Trà xuân ngon nhưng phải thưởng thức vào mùa thu khi tiết trời se lạnh mới thấy được hết vị đậm đà.

Nhà Việt có ba anh em đều thoát li về Hà Nội, Hải Phòng làm giáo viên và kinh doanh. Tính cả dâu rể hiện giờ đã thành 6 người nhưng không có ai theo nghề chế biến trà của gia đình. Vườn chè có từ thời ông nội vẫn được bố mẹ Việt giữ lại để làm ra những gói trà ngon mang biếu mọi người. Lợi nhuận từ vườn chè với gia đình hôm nay không còn là thứ đặt lên hàng đầu. Kể từ khi cây chè được ông Vũ Văn Hiệt mang về trồng trên đất Tân Cương, tới nay vườn chè cổ đã tròn trăm năm tuổi. Đất và người Thái Nguyên, đặc biệt là ba xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu đã biến sản vật từ cây chè thành loại trà ngon mang bản sắc của riêng mình. Trà Tân Cương giòn thơm, bóp bằng tay vụn nhừ ra thành bột để lại đầu ngón tay chút nhựa nham nháp, trà cho vào miệng nhai tựa bim bim tan thành nước để lại vị ngòn ngọt nơi cuống họng.

Nước pha trà Tân Cương xưa phải là nước mưa hứng từ cây cau, cây dừa. Nước pha trà nay phải là nước tinh khiết vừa lấy từ máy lọc ra. Đêm về không gian tràn ngập mùi trà thơm, gió lạnh khiến trà thêm dậy mùi. Lá chè héo vừa độ phải sao ngay thì mới có được trà ngon. Buổi chiều bác Vinh bố của Việt đã giảng giải kĩ cho tôi về các khâu chế biến chè sau khi lìa cành, rồi đến lúc thành trà. Công thức chỉ có vậy nhưng trà thơm ngon hay không còn phụ thuộc vào sự tinh tế của người chế biến. Thế mới biết nghề nào cũng có bí quyết riêng. Những kinh nghiệm đúc kết được từ quá trình làm trà, người Tân Cương chia sẻ với tất cả những ai muốn biết.

Trà là một loại đồ uống cao sang cũng đúng, trà là một loại đồ uống bình dân cũng không sai. Trà  đi vào đời sống người Việt từ bao giờ? Mà hôm nay chuyện vui hay buồn trong mỗi gia đình không thể thiếu chén trà. Cùng với miếng trầu là đầu câu chuyện, tới hôm nay chàng trai đi hỏi vợ, gia đình giàu hay nghèo cũng không thể thiếu gói trà trong mâm lễ vật…

Trà Tân Cương Thái Nguyên từ xa xưa đã đi khắp mọi miền đất nước và được người Pháp mang về Paris… Nghe nói trà Thái Nguyên còn được cả các nhà du hành vũ trụ Liên Xô mang ra ngoài vũ trụ. Tin đó đúng hay không thì vẫn có một sự thật hiển nhiên là trà Thái Nguyên đã từng được rất nhiều người Liên Xô yêu mến.

Không biết từ bao giờ trà trở thành bạn của những con người yêu cái đẹp và những người làm nghệ thuật. Không thể thiếu một chén trà khi ngắm một bức tranh, bình một câu thơ, thưởng thức một bản nhạc. Và cả những nhà khoa học cùng các nhà quản lí cũng phải có chén trà cho tư duy  sáng suốt.

Trà là tinh hoa của đất trời, để có được chén trà ngon phải hội đủ rất nhiều yếu tố. Trong đó có cả không gian và thời gian. Ông nội tôi xưa, là một nhà Nho, thường thưởng trà Tân Cương cùng với người bạn tâm giao bên bờ ao, dưới bóng cây to, khi  khách tới chơi vào buổi sáng và chiều, tối thì ở khoảng sân gạch rộng. Ông chỉ tiếp những người bạn Nho trong nhà khi trời mưa. Thời tiết mát mẻ chén trà sẽ ngon hơn và khi tư duy không phải vướng bận  việc gì mới lĩnh hội được hết những nét tinh hoa của trà.

Biết Việt về nhà chơi, các bạn thời học phổ thông gọi điện mời đi suốt cả ngày. Tôi ở nhà với vợ chồng bác Vinh cũng chỉ có việc uống trà và nghe hai bác giảng về trà. Theo kinh nghiệm truyền thống mà các cụ cao niên ở Tân Cương truyền lại, trà ngon hay không được đánh giá theo bốn tiêu chuẩn gồm: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Thanh là loại trà có màu nước xanh ánh vàng mật ong. Sắc là trà cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh. Vị là trà uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, lúc mới uống có vị chát êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu. Thần là hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà. Sau một ấm trà Tân Cương, người thưởng trà thấy ấm áp trong lòng, tình người thăng hoa, tinh thần sảng khoái, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Nếu là người đang yêu thì sẽ thấy yêu nhiều hơn. Nếu là người đang buồn thì nỗi buồn sẽ hết. Nếu là người có trí tuệ sáng tạo thì tư duy sẽ được thăng hoa…

Theo bác Vinh, để có được chén trà ngon, chất đất và khí hậu cũng rất quan trọng. Chất đất nhiều vùng trung du khác có thành phần giống Thái Nguyên. Khí hậu do (địa hình) Thái Nguyên có một đặc điểm không giống với nơi nào trên chiều dài đất nước. Rõ nét nhất là vào mùa đông Thái Nguyên được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng lạnh nhiều nằm ở phía bắc huyện Võ Nhai. Vùng lạnh vừa gồm các huyện Định Hóa, Phú Lương và phía Nam huyện Võ Nhai. Vùng ấm gồm: thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ. Do đa dạng như vậy nên trong cùng một tỉnh chất lượng trà cũng khác nhau.

Một lần thôi về với Tân Cương nhưng tình người và hương vị của trà đã đi vào trái tim tôi, chẳng thể nào quên!

Lê Trung Cường 

Bắc Sơn, An Dương, Hải Phòng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước