Câu chuyện hải hành
Robert Barr (1849 - 1912)
Robert Barr (1849 - 1912) là một nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết người Scottland - Canada. Đa số tác phẩm của ông thuộc thể loại tội phạm mà thời đó khá thịnh hành. Arthur Conan Doyle - tác giả của bộ truyện Sherlock Holmes đã miêu tả ông trong hồi kí của mình là “một người Anglo nóng nảy hay có phần giống người Mĩ gốc Scottland, với tính khí bạo liệt, vốn liếng dồi dào những tính từ mạnh, và có một trong số những bản tính tốt đẹp nhất ẩn bên dưới.”
Tôi không biết mình có nên kể câu chuyện này ra không. Khi người quản lí tải vụ kể lại cho tôi nghe, tôi biết ý định của ông ta là viết nó ra để đăng báo. Thực tế thì ông đã viết nó ra rồi, và tôi hiểu rằng một tờ tạp chí danh tiếng của Mĩ đã đề nghị đăng nó, nhưng tôi đã theo dõi tạp chí đó ba năm qua và vẫn chưa thấy câu chuyện của người quản lí tải vụ đó đâu. Tôi tiếc là lúc đó mình không viết câu chuyện ra; nếu vậy thì có lẽ tôi hẳn đã nắm được những nét đặc thù tinh tế trong cách ông ấy kể chuyện rồi. Tôi thấy mình dần quên mất câu chuyện nên giờ phải viết nó ra phòng khi quên hết, và rồi bị kí ức về sự quên lãng làm cho căng thẳng suốt từ đầu đến cuối.
Chẳng có tình thế nào đau đớn và dày vò hơn việc biết mình có gì đó đáng để kể mà mặc cho mọi nỗ lực tinh thần đã bỏ ra vẫn không làm sao tìm lại được kí ức. Nó cứ lơ lửng một cách mơ hồ đâu đó ngoài tầm kí ức có thể với tới được, và như con cá thoát ra khỏi lưỡi câu, nó trở nên càng lúc càng quan trọng hơn khi năm tháng nhạt nhòa dần.
Có lẽ, khi đọc câu chuyện này, bạn sẽ nói suy cho cùng thì nó chẳng có nghĩa gì hết. À thì đó là lỗi của tôi, và tôi chỉ có thể tiếc rằng mình đã không viết câu chuyện ra khi được nghe kể, vì lúc tôi ngồi trong phòng của người quản lí tải vụ ngày hôm đó, dường như tôi chưa từng nghe thứ gì sinh động hơn thế.
Phòng của người quản lí nằm ngay đầu con tàu vượt Đại Tây Dương đó. Từ một trong những ô cửa sổ nhỏ treo rèm đỏ có thể nhìn xuống nơi hành khách khoang hạng chót tụ tập trên boong tàu. Khi phần mũi của con tàu vĩ đại chúi vào những con sóng lớn của Đại Tây Dương, đám bọt dâng trào bắn lên sẽ được gió cuốn theo và văng tung tóe như mưa vào cửa sổ phòng ông ta. Có điều gì đó ở tiếng rơi lộp độp từng hồi lên tấm kính cửa này khiến ông nhớ đến câu chuyện, và vì thế nên ông kể nó cho tôi nghe.
Có rất nhiều hành khách khoang hạng chót lên tàu ở Queenstown, ông ta nói, và chúng tôi có hơi vội vàng đưa họ lên tàu. Mỗi bên cầu tàu có hai viên sĩ quan đứng nhận vé lúc người ta dồn tới. Thông thường họ đã cầm vé trên tay rồi và thường thì không có rắc rối gì hết. Tôi đứng đó nhìn họ lên tàu. Đột nhiên có chuyện ồn ào và đám đông nghẽn lại. “Chuyện gì thế?” tôi hỏi viên sĩ quan.
“Thưa ngài có hai cô bé nói họ mất vé.”
Tôi đưa các cô bé qua một bên và dòng người tiếp tục tràn vào. Một cô khoảng 14 tuổi còn đứa kia có lẽ lên tám. Đứa lớn nắm chặt tay đứa nhỏ và cô bé đang khóc. Cô bé lớn hơn nhìn thẳng vào mắt tôi lúc tôi hỏi.
“Vé của các cháu đâu?”
“Thưa ông, chúng cháu mất rồi.”
“Ở đâu?”
“Thưa ông, cháu không biết.”
“Cháu có nghĩ mình cất nó trong người hay trong hành lí không?”
“Thưa ông, chúng cháu không có hành lí.”
“Đây là em cháu hả?”
“Dạ vâng ạ.”
“Cha mẹ các cháu có trên tàu không?”
“Không thưa ông.”
“Các cháu đi một mình sao?”
“Vâng thưa ông.”
“Các cháu không lên tàu được nếu không có vé.”
Đứa bé hơn bắt đầu khóc nhiều hơn còn đứa lớn đáp, “Có khi chúng cháu tìm có thể tìm ra chúng thưa ông.”
Chúng là những đứa trẻ lanh lợi, sáng dạ và cô lớn đối đáp nhanh gọn, thẳng thắn, có vẻ không thể nào có chuyện trẻ con còn nhỏ đến vậy lại cố vượt biển mà không có vé trong tay nên tôi kết luận là cho chúng lên tàu và quyết tâm tìm ra sự thật.
Hôm sau tôi bảo người phục vụ boong tàu mang bọn trẻ tới phòng mình.
Chúng bước vào y chang như lúc tôi thấy chúng hôm qua, đứa lớn nắm chặt tay đứa nhỏ với đôi mắt tôi không bao giờ nhìn thấy được. Nó kiên quyết cứ nhìn xuống đất trong khi đứa kia nhìn thẳng vào tôi bằng đôi mắt to xanh biếc.
“Giờ thì các cháu đã tìm ra vé chưa?”
“Thưa ông chưa.”
“Tên cháu là gì?”
“Bridget thưa ông.”
“Bridget gì?”
“Bridget Mulligan thưa ông.”
“Cháu sống ở đâu?”
“Ở Kildormey thưa ông.”
“Cháu mua vé ở đâu?”
“Từ chỗ ông O'Grady thưa ông.”
Lúc đó tôi biết rõ Kildormey cũng như hiểu con tàu này, và tôi biết O'Grady là đại lí của chúng tôi. Lúc đó nếu được, có phải trả giá nhiều tôi cũng phải nói vài lời với ông ta rồi. Nhưng tôi không biết gì về nhà Mulligan ở Kildormey hết, dù tất nhiên cũng có thể lắm. Tôi sinh ra cách đó có vài dặm. Giờ tôi nghĩ, nếu hai đứa trẻ này có thể làm một người quản lí tải vụ với hai mươi năm đi tàu vượt Đại Tây Dương bối rối khi nói chúng sống ở gần quê nhà ông ta thì chúng xứng đáng được đi chuyến tàu này. Tôi vẫn thường thấy người lớn cố gian lận để vượt biển, và tôi có thể nói rằng không một ai trong số đó thành công trên tàu của tôi.
“Cha mẹ cháu đâu?”
“Mất cả rồi thưa ông.”
“Cha cháu là ai?”
“Ông ấy đã nghỉ hưu thưa ông.”
“Ông ấy lấy tiền lương hưu ở đâu?”
“Cháu không biết thưa ông.”
“Cháu lấy tiền đâu ra mà mua vé?”
“Nhờ bà con lối xóm ạ, và ông O'Grady cũng giúp nữa thưa ông.”
“Họ là những ai? Đọc tên xem nào.”
Cô bé không do dự đọc tên một số, tôi biết nhiều người trong số đó; và tôi thấy không có lí do gì để nghi ngờ lời cô bé hết.
“Giờ thì” tôi nói, “ta muốn nói chuyện với em cháu. Cháu đi được rồi.”
Cô bé con bám chặt lấy tay chị gái và khóc nức nở.
Khi đứa kia đã đi rồi, tôi kéo đứa bé lại gần mình và hỏi han nó, nhưng chẳng thể nào khiến nó trả lời được.
Trong một hai ngày sau đó, tôi hơi bực mình về chuyện một người đàn ông cao lớn người Ireland tên là O'Donnell, một kẻ đâm bị thóc thọc bị gạo trong đám khách khoang hạng chót. Hắn ta cứ chỉ trích những cái sai của nước Ireland trước mặt họ suốt ngày đêm, và hô hào nguyện vọng phá hủy hoàn toàn nước Anh, cũng như nhiều người Ireland yêu chuộng hòa bình phàn nàn về những cuộc cãi lộn ồn ào không dứt mà O'Donnell đang gây ra, tôi buộc phải yêu cầu anh ta giữ yên lặng. Một hôm anh ta quay sang lăng mạ té tát và cố đánh tôi. Tôi cho nhốt anh ta lại tới khi anh ta biết điều hơn.
Lúc tôi đang ở trong phòng sau sự kích động nho nhỏ này, chị vợ O'Donnell đến cầu xin cho gã chồng côn đồ của mình. Trước đó tôi đã để ý cô ta rồi. Cô ta là một người phụ nữ đau khổ, yếu ớt, nghèo khó mà gã chồng đã biến thành nô lệ, và chắc chắn có cơ hội là hắn lại đánh cô ta. Rõ ràng cô ta cực kì sợ hắn và có vẻ chỉ cần hắn nhìn một cái thôi cũng khiến cô ta chết khiếp rồi. Theo cách riêng của mình, hắn là một kẻ bạo ngược tồi tệ hơn cả nước Anh từng trải qua.
“Chà, bà O'Donnell này,” tôi nói. “Tôi sẽ thả chồng bà ra, nhưng anh ta sẽ phải ăn nói lễ độ và không được động vào mọi người. Tôi đã từng thấy nhiều gã bị xích lại suốt hành trình và bị trao cho các nhà chức trách khi cập bến. Giờ thì tôi muốn bà giúp tôi một việc. Có hai đứa trẻ lên tàu mà không có vé. Tôi không tin là chúng từng có cái vé nào và tôi muốn tìm hiểu cho ra. Bà là một người phụ nữ tốt bụng bà O'Donnell ạ, và có lẽ lũ trẻ sẽ trả lời bà.” Tôi đã cho gọi hai đứa vào rồi, và chúng đi tay trong tay như thường lệ. Đứa lớn nhìn tôi như thể nó không thể nào rời mắt khỏi mặt tôi ấy.
“Nhìn người phụ nữ này đi,” tôi nói với con bé. “Nó muốn nói chuyện với bà đấy. Hỏi nó vài câu về bản thân đi,” tôi thì thầm với bà O'Donnell.
“Cháu à,” bà O'Donnell nói với vẻ âu yếm vô hạn và nắm lấy bàn tay để không của cô bé. “Hãy cho ta biết cháu từ đâu tới.”
Tôi nghĩ chắc lúc trước mình đã nói chuyện có phần khắc nghiệt với chúng dù tôi không định làm vậy, nhưng dù chuyện đó có như thế nào thì trước những lời lẽ ân cần đầu tiên từ miệng người phụ nữ đồng hương, cả hai cô bé đều bật khóc như thể trái tim chúng sẽ tan vỡ mất. Người phụ nữ tội nghiệp kéo chúng về phía mình và vuốt mái tóc vàng nhạt của đứa lớn, cố dỗ dành nó trong khi nước mắt chảy thành dòng xuống má cô ta. “Thôi nào, cháu yêu; thôi nào, chắc chắn là ông ấy sẽ không khó dễ với hai đứa trẻ tội nghiệp sắp đến một đất nước xa lạ đâu.”
Tất nhiên sẽ không bao giờ có chuyện thừa nhận rằng công ty có thể chở dân di cư đi miễn phí bằng sự thông cảm được, và hẳn tôi đã tỏ ra hơi nhẫn tâm khi bảo bà O'Donnell rằng tôi sẽ phải mang chúng về Cork cùng mình. Tôi cho người mang lũ trẻ đi rồi dàn xếp với bà O'Donnell trông nom chúng trong suốt chuyến đi, điều mà bà ấy sẽ đồng ý nếu ông chồng cho phép. Tôi không thể moi ra được gì từ hai đứa trẻ trừ việc chúng đã làm mất vé. Và khi chúng tôi nhìn thấy New York, tôi đưa chúng đi khắp khoang hạng chót và hỏi hành khách xem có ai chịu tránh nhiệm về bọn trẻ và trả tiền vé cho chúng. Không ai làm vậy hết.
“Vậy thì,” tôi nói, “những đứa trẻ này sẽ về Cork với tôi, và nếu tôi tìm hiểu được là chúng chưa bao giờ mua vé thì chúng sẽ phải đi tù.”
Có những tiếng kêu ca và rít lên, tôi trao lũ trẻ cho nữ nhân viên phục vụ trên cabin chịu trách nhiệm và ra lệnh rằng chúng không được rời khỏi tàu. Cuối cùng tôi tin chắc rằng chúng không có bạn bè nào trong số hành khách khoang hạng chót hết. Tôi định sẽ đích thân dẫn chúng lên bờ trước khi nhổ neo và tôi có những người bạn tốt ở New York sẽ trông nom những đứa trẻ bơ vơ này, dù tôi không đề nghị thế nhưng bất kì người di cư nào cũng phải biết rằng một người quản lí tải vụ già hẳn phải ngu xuẩn lắm mới trả tiền tàu cho hai đứa trẻ vô danh người Ireland.
Chúng tôi cho hành khách khoang hạng nhất xuống bến và chiếc thuyền hơi nước nhỏ cùng đến để đưa khách ở khoang hạt chót tới Castle Garden(*). Tôi cho người nữ phục vụ mang lũ trẻ ra, hai đứa đứng nhìn mọi người lên thuyền.
Ngay lúc thuyền rời đi, một tiếng la inh tai dữ dội vang lên giữa đám hành khách, bà O'Donnell vung tay lên đầu và kêu lên với cái giọng thương tâm nhất tôi từng nghe “Ôi các con tôi, các con tôi.”
“Im lặng đi đồ quỷ,” gã chồng rít lên túm lấy tay cô ta. Sự căng thẳng kinh khủng kéo dài 10 ngày cuối cùng đã bộc phát và người phụ nữ tội nghiệp khuỵu xuống thành một đống dưới chân hắn ta.
“Mang chiếc thuyền đó lại đây,” tôi hét lên và nó trở lại.
“Lên đây anh O'Donnell.”
“Không đời nào!” hắn gào lên và lắc lắc nắm đấm vào tôi.
“Mang người đó lên tàu.”
Chẳng mấy chốc người ta đã mang hắn lại và tôi trao người vợ cho cô phục vụ trông nom. Cô ta nhanh chóng trấn tĩnh lại rồi ôm hôn con mình như thể chưa bao giờ rời xa chúng.
“Thế nào anh O'Donnell, đây là con anh phải không?”
“Đúng vậy; và tôi muốn ông biết là tôi đang ở một đất nước tự do, tôi đố ông dám đặt một ngón tay lên người tôi đấy.”
“Đừng có thách thức nhiều quá,” tôi nói, “nếu không tôi sẽ cho anh thấy có thể làm gì ở một đất nước tự do đấy. Giờ thì nếu tôi để lũ trẻ đi thì ông sẽ trả tiền vé cho công ty khi có chứ?”
“Tôi sẽ trả,” hắn ta đáp, dù tôi biết hắn nói dối.
“Vậy thì,” tôi nói, “vì bà O'Donnell tôi sẽ thả lũ trẻ ra. Và tôi phải chúc mừng bất kì đất nước tự do nào có được một công dân như ông.”
Tất nhiên tôi không bao giờ nghe tin gì nữa từ nhà O'Donnell.
(*) Còn gọi là pháo đài Clinton, một pháo đài bằng sa thạch nằm trong Công viên Battery ở mũi phía nam của đảo Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ.
Truyện ngắn. Robert Barr
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...