Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:44 (GMT +7)

Câu chuyện chuộc lỗi

VNTN - Mona Sylviana sinh năm 1972 tại Bandung, Tây Java, Indonesia. Sau khi tốt nghiệp khoa Truyền thông tại Đại học Pajajaran, cô đã dành thời gian đáng kể cho Nghệ thuật và Văn học. Truyện ngắn của cô xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông quốc gia và các tuyển tập chung. Năm 2011, cô ra mắt tập truyện ngắn Wajah Terakhir (Gương mặt cuối).


Mona Sylviana (Indonesia)

Người đàn ông quay lại. Cà phê và lá ca cao được xếp chồng lên, tất cả dính với nhau. Những cành nhánh cọ vào nhau đu đưa trong gió. Samsu đẩy cánh cửa thấp để bước vào. Ông dừng lại một lúc. Sự yên tĩnh ở bên ngoài đã bị phá vỡ bởi tiếng ồn của chiếc tivi trên tường. Hầu hết mọi người trong quán vừa uống cà phê vừa nói chuyện, bày tỏ ý kiến ​​về các cuộc thảo luận đang diễn ra trên truyền hình.

Đây đang là giữa mùa sau thời gian hanh khô, lúc thời tiết thường thay đổi, không ai để ý gì việc Samsu vừa đến. Đúng lúc ông bước vào, một cơn gió thổi mạnh mang lá khô và không khí lạnh ùa vào quán. Một số người ngước lên cùng một lúc.

Samsu mỉm cười đầy vẻ thân thiện. Ông vội đến góc chỗ gần phòng tắm và kéo một chiếc ghế. Ông cởi khăn, mũ và cái áo khoác dày cộm của mình đặt lên bàn.

Trước khi Samsu kéo ghế ra, một người đàn ông mặc áo sơ mi đỏ gọi “Cho một li cà phê. Chúng tôi sẽ tập hợp quanh ông bạn quý ngay để nghe tiếp câu chuyện những hôm trước”.

Samsu mỉm cười một lần nữa và khẽ gật đầu. Ông đứng thẳng chân phải lên và lấy trong túi áo ra một gói thuốc lá, một hộp diêm. Ông vừa nhả ba hơi thuốc trước lúc ly cà phê đen bốc khói xuất hiện trước mặt. Chính là cô ấy như bốn ngày trước, người phụ nữ thầm lặng phía sau quầy. Trước khi đặt xuống, cô lau cà phê và nước bắn ra từ miệng li. Người đàn ông mặc áo sơ mi đỏ kéo một chiếc ghế ngồi cạnh Samsu.

“Việc thế nào, thưa quý ông?”

“Này, Buton. Anh có thể thấy quý ông chưa hút xong điếu thuốc. Hãy quay lại đây. Không vội chi. Chúng ta chưa xem xong chương trình này”.

“A, tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Làm sao có thể nói chuyện khi mở truyền hình ầm ĩ?”

“Ừ, ừ. Chúng tôi đang chán nó đây, này ông bạn quý”, một người đàn ông quàng sarong quanh vai nói khi ông kéo ghế ngồi trước mặt Samsu.

“Này, anh sẽ tiếp tục kể trọn câu chuyện chứ? Chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ về mình nếu chúng ta chỉ nghe lời những quan chức nói trên truyền hình. Tôi nói đúng không, thưa ông?”

“À, tôi không xem truyền hình đại chúng”, Samsu nói, khẩy tàn thuốc xuống sàn nhà.

Người phụ nữ phía sau quầy đứng lên và mang ra một cái đĩa kim loại như cái gạt tàn, rồi quay về chỗ ngồi của mình.

“Nếu thấy phù hợp thì chúng tôi sẽ chuyển chỗ. Hãy ngồi ở giữa chỗ này đây”. “Được rồi, như vậy tất cả mọi người có thể nghe được những đoạn tiếp theo của câu chuyện hôm trước”.

“Tôi thực sự không giỏi kể chuyện. Mấy hôm trước chỉ là nhờ may mắn...”

“Đó là vì Munik ở đây đưa tất cả chúng ta về nhà”.

“Vào đi, thưa ông”. Người đàn ông mặc sarong mang cà phê và gạt tàn của Samsu đến chiếc bàn trung tâm. Có người nào đó vặn nhỏ âm lượng tivi.

“Này, sao các bạn lại làm thế? Không phải là tất cả những gì mà các bạn đã bàn trước chứ?”

“Đó không phải là điều quan trọng, thưa ông. Chúng tôi đã mở tivi ầm ĩ từ đầu buổi tối”.

“Được rồi, nhưng làm thế nào chúng ta có thể cạnh tranh với truyền hình?”

“Chúng tôi không có cách nào để biết quí ông sẽ quay lại. Chúng tôi đang mong đợi muốn chết vì tò mò phần tiếp theo của câu chuyện”.

“Im lặng. Không thể bắt đầu nếu các bạn cứ huyên thuyên mãi như vậy”.

“Được rồi. Vậy, quý ông có thể kể câu chuyện để chúng tôi nghe...”

Cuối cùng, Samsu nhặt gói thuốc lá của mình và chuyển đến chiếc bàn trung tâm. Tám người đàn ông ngồi thành vòng tròn xung quanh ông.

“Chúng ta đã nghe đến đâu rồi nhỉ? À, đó là sau khi người tù ra khỏi trại giam Wirogunan...

“Không, chúng tôi không đến chỗ xa xôi đó, thưa ông. Hầu hết chúng tôi nghe nói đến thành phần bên đó mới mấy hôm trước.

“Thành phần bên đó có nghĩa là gì? Bạn có cái bụng xấu xí rồi.”

Tiếng cười rộ khắp quán cà phê. Không ai để ý người phụ nữ phía sau quầy đã tắt truyền hình.

“À, câu chuyện không vui nếu không có điếu thuốc. Gói thuốc của quí ông gần rỗng rồi. Này người đẹp, cô có thể mang tới cho quý ông đây một gói thuốc. Tôi sẽ trả tiền.”

“Ôi trời, bạn trúng xổ số chắc…”

“Không, chỉ là nhờ cha mẹ chúng ta dạy, chúng ta phải trọng đãi khách của mình thôi”.

Người phụ nữ phía sau quầy quay lại và mở gói thuốc lá.

“Đừng đem cho quí ông chỉ một điếu thuốc lẻ, người đẹp ơi. Tôi xấu hổ đó... Mang nguyên gói chứ”.

Người phụ nữ mang gói thuốc lá ra và ngồi xuống. Có tiếng nhạc đệm mơ màng, có thể từ chiếc radio ở dưới gầm bàn.

“Tôi cảm thấy như tôi vừa phải đi một chặng đường dài. Một con đường dài đáng sợ. Có lẽ nó chỉ là cảm nhận như thế. Tôi muốn thoát ra ngay lập tức sau khi trời tối. Đến lúc cuối cùng tôi bước vào sân nhà của một giáo sĩ có thể đã được gọi đến nhà thờ Hồi giáo. Tôi đã đi bộ suốt đêm.

Lúc này chỉ vài phút nữa trời sẽ sáng. Chẳng mấy chốc mọi người cũng sẽ ra giếng phía sau nhà.

Đầu gối của tôi cứng đơ làm tôi thấy khó khăn khi gập lại. Các vết thương bên dưới lớp băng vải trên bắp chân phải của tôi bắt đầu co giật mạnh. Nó rất đau đớn. Tôi ngồi xuống bên dưới cửa sổ.

Trước khi các giáo sĩ Hồi giáo giảng kinh xong, tôi gõ vào cửa sổ. Nhè nhẹ. Rất nhẹ. Như tôi sợ ai đó có thể nghe thấy. Nhẹ đến nỗi tôi lại sợ cô ấy có thể không nghe được. Một tiếng rít vang lên từ cửa sổ.

Cửa mở ra. Chỉ he hé.

Tôi có thể nhìn thấy đôi mắt của cô. Sáng và trong như mắt mèo.

“Anh đó hả?” Laksmi thì thầm.

Đôi môi của tôi nứt nẻ và khô cứng. Máu trên trán khô lại nên chớp mắt khó khăn. Tôi nghiêng đầu. Hy vọng có ánh đèn từ trong phòng rọi ra thì chắc cô ấy nhận ra cái gật đầu.

Laksmi chớp mắt. Cô có vẻ sốc. Có lẽ bởi vì đôi mắt của tôi dính một mớ hỗn độn màu nâu và đỏ. Cô cố tìm cách mở cửa sổ và tôi đẩy ngực mình chui qua. Tay Laksmi luồn dưới nách tôi để kéo vào. Đầu gối và các chỗ xương cứng cảm thấy đau nhói. Tôi vô ý làm đổ chiếc gương trên bàn gần giường ngủ khi các ngón chân tôi đụng vào nó.

“Las, con làm gì vậy?”, giọng nói của một người già từ phía giếng sau nhà cất lên hỏi.

“Không có gì đâu, dì Min. Chiếc gương ấy mà. Con vô ý làm đổ nó”, Laksmi nhanh chóng trả lời.

Tôi nín thở, ngồi xổm bên chân giường.

Laksmi ra khỏi phòng, sau đó mang vào một ly nước rồi khóa cửa lại. Cô tắt ngọn đèn dầu treo gần cửa ra vào.

“Tôi không biết đi đâu nữa, Las à”

“Cậu và cha đã đưa dì ra thị trấn”.

“Tôi không biết đi đâu cả”.

Tôi cảm thấy có cái gì đó ấm nóng chảy dài trên má tôi. Tôi không thể ngăn dòng nước mắt.

Sức ép từ miếng vỏ thân cây chuối mắc trong cổ họng choài quậy cả đêm dài. Tôi nghẹn ngào. Laksmi kéo một miếng vải giường ra lau mặt cho tôi. Những giọt nước mắt bao khắp mặt tôi đã khô.

“Có một chiếc xe tải đến, Las ơi. Họ bắn Giáo sư Munir bên ngoài trường Khoa học Chính trị. Mười người chúng tôi đã bị ném lên xe như những cái bao tải. Trong xe đã có rất nhiều người. Thứ được xếp chồng lên là những xác chết. Tôi không biết đi đâu nữa...”

Laksmi gật đầu. Mái tóc dài của cô chạm xuống sàn nhà khi búi tóc sổ tung. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô bỏ mạng che.

“Anh không thể ở lại đây. Chúng vẫn ra vào làng này hàng ngày”.

Cổ tôi như cứng lại. Tôi gần như không thể xoay lắc nó. Khói từ ngọn đèn dầu cuộn lên khắp phòng.

Bỗng có tiếng đập cửa trước. Cả hai chúng tôi nín thở.

“Mở cửa ra!”

Có tiếng đập cửa nhiều lần nữa.

“Tôi sẽ ra mở cửa. Anh núp vào chuồng dê đi.”

“Đừng mở, Las”.

“Tôi phải mở thôi. Chúng chỉ bắt mở cửa như vậy thôi. Nhanh lên, đi núp đi”.

Tôi gật đầu.

“Mở cửa ra!”

“Vào đi!” Laksmi nói. Cô cố tình bước nặng nề khi đi qua căn phòng phía trước nên chúng đã nghe thấy cô. Ngay lúc hai tay cô với lên mở cửa trước, tôi mở cửa nhà bếp và chuồi qua lỗ lọt vào cái chuồng cao ngang thắt lưng ngay bên ngoài. Tôi cúi người núp trong một góc. Miệng của một con dê đang nhai lá mít chạm trên đầu tôi. Bàn chân của tôi ngập trong bùn và phân dê. Mùi nước tiểu làm tôi ngộp thở. Lũ muỗi bay vo ve xung quanh tôi.

Có một đôi dép của dì Min để ở cửa sau. Có lẽ người phụ nữ cao tuổi đã chạy đến nhà thờ Hồi giáo ngay khi xe tải dừng trước nhà. Những căn nhà hàng xóm cũng như dọc đường đều đóng hết cửa. Hình ảnh tang tóc giống như những đám mây đang kéo qua.

Tôi nghe tiếng kéo cửa, có lẽ cửa phòng của Laksmi được hé mở. Tôi nghe tiếng đập kính.

À, chúng tôi đã quên giấu chiếc kính. Tôi cúi thấp hơn nữa khi chúng đến gần. Chúng đã đi vào nhà bếp. Tiếng nồi rơi xuống. Thùng chứa gạo bị xô đổ.

“Mày có thực sự nhìn thấy hắn không, Jaman?”

“Vâng, thưa ông, tôi thấy nó”.

“Ở đâu?”

“Tôi thấy nó chui qua cửa sổ”.

“Như vậy, cô đang giấu một thằng cộng sản, phải không?”

Không có tiếng trả lời. Sau đó, có tiếng đồ sứ vỡ, tiếng hộp lon rơi xuống, tiếng các thứ rơi vỡ. Tiếng nấc nghẹn của Laksmi để cầm nước mắt. Cô đang ở gần ngay đây. Có lẽ chúng đã đẩy cô ngã xuống sàn gần cửa nhà bếp. Có người nhìn ra ngoài cửa. Một con dê kêu be he. Gã đàn ông quay trở lại bên trong nhà.

“Không có gì ở đó, thưa chỉ huy”.

“Trả lời tao hoặc mày sẽ bị bắt đi”.

“Cô ấy là con gái của Kiai Munaf, giáo viên của nhà thờ, thưa ông”.

Tôi nghiến chặt răng để để không nói gì với chúng.

“Ê, nói đi! Chắc mày muốn nhừ đòn ngay lần đầu hử, hãy nói đi”.

“Ông Jaman... đã nói... không có ai mà”.

Giọng Laksmi yếu ớt.

“Con này im mồm đi!”

Người đàn ông tên Jaman đi ra ngoài và châm một điếu thuốc, đứng không xa chỗ tôi đang cúi núp. Đôi mắt ông ta lấp lánh những giọt nước mắt vừa ứa ra.

Tôi có thể nghe thấy tiếng quần áo bị xé rách. Và những tiếng nức nở của Laksmi trở nên mờ nhạt hơn.

Cả quán cà phê im lặng nhưng để tiếng nhạc từ radio phát ra vừa đủ nghe.

“Như vậy, người đàn ông chỉ cần giữ yên lặng trong chuồng dê?”

“Suỵt...”

Tôi dỏng tai lên nghe, nhưng không thể nào ngăn lại những tiếng nức nở của Laksmi. Nó đang rụng rơi tan nát.

“Đi thôi, Jaman”.

Có giọng nói tinh quái của một người nào đó gọi. Jaman, bạn học cùng lớp của Laksmi, buông tàn thuốc xuống bàn chân. Hắn quay trở lại nhà bếp. Có tiếng giầy bước xa dần, sau đó chiếc xe tải chạy đi.

Tôi bò ra khỏi chuồng dê.

Bên ngoài trời vẫn còn mờ xám. Bầu trời ẩn khuất sau bụi tre rậm rạp. Mặt trời chưa hiện rõ, tôi vẫn muốn nán lại, nhưng không muốn bị rầy rà. Tôi tập tễnh bước đi với cái bắp chân mang vết thương bị rựa chém. Rồi lao mình chạy cho đến khi tôi không còn có thể nghe thấy những tiếng nức nở của Laksmi.

“Khốn nạn! Y thậm chí còn không ở lại để xem Laksmi như thế nào à?” Samsu rít sâu một hơi thuốc, đầy buồng phổi.

“Y đúng là một thằng bạc nhược”.

“Tôi phải tìm vợ tôi. Tôi về nhà”.

“Tất cả chúng ta nên về nhà. Sáng mai chúng ta đi phơi ca cao sớm”.

“Cảm ơn câu chuyện, thưa quí ông. Ngày mai quí ông có quay lại không?”

Samsu không trả lời. Ông thả tàn thuốc vào cái gạt tàn.

“Hãy đến nhé, ông bạn quí. Nếu không, tâm trí chúng tôi sẽ hỏng khi cứ nghe những chuyện sai lạc trên truyền hình”.

“Vâng, tôi quay lại. Nhưng ngày mai không phải là một câu chuyện buồn.”

Tám người đàn ông đã đi tới chiếc bàn bên cửa ra vào và trả tiền cà phê của họ. Các cánh cửa chớp nửa mở nửa đóng để cho gió tràn vào. Samsu chắp hai tay vào ngực mình làm cử chỉ chia tay.

Người phụ nữ phía sau quầy tắt radio. Samsu đội mũ, mặc áo khoác và quàng khăn vào. Ông trả tiền cho cô. Khi dọn dẹp những li cà phê người phụ nữ thầm thì, “Ông không cần phải quay trở lại nữa”.

“Tôi muốn cầu xin cô tha thứ, Laksmi...”

Người phụ nữ đã cho ông điều ông mong muốn. Cô che miệng mình bằng các ngón tay của bàn tay trái. Để che lại tám chiếc răng đã gãy mất vì cú đánh bằng báng súng trường.

Người dịch: Dương Đức

Nguồn: http://wordswithoutborders.org/article/a-tale-of- edemption#ixzz3im5VfwtI

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước