Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:01 (GMT +7)

Cám ơn bà

Truyện ngắn. Langston Hughes

Langston Hughes là nhà văn Mỹ, sinh ngày 01/2/1902 tại Joplin, bang Missouri, Hoa Kỳ. Langston Hughes là tác giả của 16 tập thơ, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và truyện viết cho thiếu nhi.

Đáng kể nhất có thể kể đến các tập thơ: Shakespeare in Harlem (Shakespeare ở Harlem, 1942), One Way Ticket (Vé một chiều, 1949), Montage of a Dream Deferred (Dựng lại giấc mơ bị hoãn, 1951), The Panther and the Lash (Con báo và cái roi, 1967); các vở kịch: Mulatto (Người da ngăm, 1935), Black Nativity (Giáng sinh đen, 1961); các tập truyện: Laughing to Keep From Crying (Cười để khỏi khóc, 1952), The Big Sea (Biển lớn, 1940)... Một đặc điểm của thơ Langston Hughes là sự kết hợp nhiều thể loại và sử dụng những bài hát dân gian của người da đen.

Ông mất ngày 22/5/1967 tại New York, Hoa Kỳ (theo Wikipedia).


Đó là một người phụ nữ phốp pháp có cái túi xách lớn đựng được mọi thứ trong đó chỉ trừ búa và đinh. Túi xách có một quai dài bà đeo trên vai. Lúc ấy khoảng mười một giờ đêm, bà đang đi một mình thì một thằng nhóc từ phía sau chạy đến cố giật cái túi xách của bà. Quai túi bị đứt khi thằng nhóc giật túi xách từ phía sau. Nhưng trọng lượng của thằng nhóc và trọng lượng của túi xách hợp lại làm nó mất thăng bằng, vì vậy thay vì có thể chạy biến đi ngay như nó nghĩ, thì thằng nhóc lại té bật ngửa trên lề đường, chổng chân lên trời. Bà phốp pháp chỉ đơn giản quay lại và đá cho một cú thẳng cánh vào thằng nhóc mặc quần jean. Rồi bà cúi xuống, thộp ngực áo thằng nhóc lôi nó dậy, và cứ thế mà lắc lư nó cho tới khi răng nó đánh lập cập.

Kế đó người đàn bà nói, “Nhóc, nhặt cái túi lên đưa đây”.

Bà vẫn nắm chặt nó. Nhưng bà cúi người đủ thấp để thằng nhóc có thể khom mình nhặt cái túi xách của bà. Rồi bà nói, “Bây giờ mày có thấy mắc cỡ không hả?”.

Thằng nhóc nói trong khi ngực áo của nó bị nắm chặt, “Dạ có”.

Người đàn bà nói, “Mày giật đồ để làm gì hả?”

Thằng nhóc nói, “Con đâu có giật”.

“Mày là thằng nói láo!”.

Lúc đó có hai ba người đi ngang qua, dừng lại, ngoái nhìn, thêm vài người đứng nhìn cảnh tượng đó.

“Nếu tao thả mày ra thì mày có chạy không?”, người đàn bà hỏi.

“Dạ có.”, thằng nhóc nói.

“Vậy thì tao sẽ không thả mày”, người đàn bà nói. Bà ta không thả thằng nhóc.

“Con xin lỗi bà, con xin lỗi”, thằng nhóc nói nhỏ.

“Ừ hứ! Mặt mày dơ bẩn. Tao muốn rửa mặt cho mày. Ở nhà không có ai rửa mặt cho mày sao?”

“Dạ không.”

“Vậy thì tối nay mày được rửa mặt”, bà béo nói và cất bước, lôi thằng nhóc sợ sệt đi theo bà.

Thằng nhóc đâu khoảng mười bốn hay mười lăm tuổi, ốm tong như cây liễu dại, mang đôi giày ten nít và mặc quần jeans.

Người đàn bà nói:

“Mày mà là con tao, tao sẽ dạy dỗ mày. Bây giờ chí ít thì tao sẽ rửa mặt cho mày. Mày có đói không?”

“Dạ không.”, thằng nhóc đang bị lôi đi nói. “Con chỉ muốn bà thả con ra”.

“Tao làm phiền mày khi tao quẹo chỗ cua đó hả?”, người đàn bà hỏi.

“Dạ không.”

“Nhưng mày đã chọn tao đấy”, người đàn bà nói. “Nếu mà mày nghĩ rằng sự lựa chọn này sẽ sớm kết thúc, thì khi tao xong việc với mày, mày sẽ nhớ đến Bà Luella Bates Washington Jones”.

Mồ hôi trán nhỏ giọt xuống mặt thằng nhóc và nó bắt đầu vùng vẫy. Bà Jones dừng lại, giật phắt nó một phát ra trước mặt bà, bà nắm cổ nó tiếp tục lôi nó đi trên đường. Khi về tới cửa nhà bà, bà lôi thằng nhóc vào trong, qua một hành lang rồi vào một gian phòng lớn có nhiều dụng cụ nhà bếp ở phía bên hông nhà. Bà bật đèn và để cửa phòng mở. Thằng nhóc nghe được tiếng nhiều người cười nói trong các gian phòng trong ngôi nhà lớn này. Một số phòng cũng để cửa mở, vì thế nó biết chẳng phải trong nhà này chỉ có mình nó với bà béo. Ở giữa gian phòng, bà béo vẫn thộp cổ nó.

Bà nói, “Tên mày là gì?”.

“Roger”, thằng nhóc trả lời.

“Vậy thì nghe đây, Roger, mày tới cái bồn kia và rửa mặt”, người đàn bà nói, đồng thời bà thả thằng nhóc ra. Roger nhìn ra cửa - rồi nhìn người đàn bà - lại nhìn ra cửa - và đi tới bồn rửa.

“Để nước chảy cho tới khi nước ấm”, người đàn bà nói. “Khăn sạch nè”.

“Bà có bắt con đi tù không?”, thằng nhóc cúi đầu xuống bồn hỏi.

“Với cái mặt đó thì không, tao sẽ không bắt mày đi đâu cả”, người đàn bà nói. “Tao đang đi về nhà để nấu ăn tí chút thì bị mày giật túi xách! Có thể là mày cũng chưa ăn gì, khuya rồi. Phải vậy không?”

“Ở nhà con không có ai”, thằng nhóc nói.

“Vậy thì mình sẽ ăn”, người đàn bà nói, “Tao nghĩ là mày đói… hay đã đói nên mới giật túi xách của tao”.

“Con muốn có một đôi giày da lộn màu xanh”, thằng nhóc nói.

“À, không nhất thiết mày phải giật cái túi xách của tao mới có được đôi giày đó”, bà Luella Bates Washington Jones nói, “Mày có thể hỏi xin tao mà”.

“Hỏi xin bà?”

Nước nhỏ giọt trên mặt thằng nhóc, thằng nhóc nhìn người đàn bà. Một hồi lâu im lặng. Một hồi im lặng rất lâu. Sau khi thằng nhóc lau khô mặt và không biết làm gì khác nó lại tiếp tục lau mặt, thằng nhóc xoay người lại, tự hỏi phải làm gì tiếp theo. Cửa thì mở. Nó có thể phóng ra hành lang. Nó có thể chạy, chạy, chạy, chạy, chạy!

Người đàn bà đang ngồi trên đi văng. Một lúc sau bà nói, “Hồi còn trẻ tao cũng muốn có những thứ mình không thể có”.

Lại một lúc dừng lâu. Miệng thằng nhóc mở ra. Rồi nó cau mày, nhưng nó không biết mình đã cau mày.

Người đàn bà nói, “Ừ hứ! Mày đã nghĩ là tao sẽ nói 'nhưng', đúng không? Mày đã nghĩ là tao sẽ nói 'nhưng tao không giật túi xách của người khác'. À, tao sẽ không nói như thế”. Dừng. Im lặng. “Tao cũng đã làm những việc mà tao sẽ không nói cho mày biết, con ạ - cũng chẳng tự thú với Trời, có thể ông trời không cần biết. Vì thế mày cứ bình tĩnh trong khi tao làm chút gì cho mình ăn. Mày có thể chải đầu để cho có vẻ tề chỉnh hơn”.

Phía sau tấm màn ở một góc phòng khác có một bếp ga và một thùng đá. Bà Jones đứng dậy đi vào sau tấm màn. Người đàn bà không nhìn chừng thằng nhóc để xem nó có định chạy hay không, bà cũng không dòm chừng cái túi xách mà bà để trên đi văng. Nhưng thằng nhóc cẩn thận ngồi ở phía kia của phòng, tại chỗ nó nghĩ bà có thể dễ dàng thấy nó bằng khóe mắt, nếu bà muốn. Nó không tin là người đàn bà không tin nó. Và bây giờ nó không muốn mình không được tin tưởng.

“Bà có cần ai đi mua gì không?”, thằng nhóc hỏi, “có thể là đi lấy sữa hay món gì đó?”.

“Không cần”, người đàn bà nói, “trừ phi chính mày cần sữa ngọt. Tao sẽ làm món nước cacao”.

“Vậy tốt rồi”, thằng nhóc nói.

Người đàn bà nấu đậu lima và thịt trữ trong thùng đá, làm nước cacao, rồi dọn lên bàn. Người đàn bà không hỏi thằng nhóc về chỗ sống của nó, hay về người nhà của nó, hay về điều gì khác có thể làm nó ngượng. Thay vì vậy, trong khi họ ăn, bà nói với nó về công việc ở một cửa hàng thẩm mỹ mở cửa trễ tại một khách sạn, công việc của bà là vậy, và về nhiều loại phụ nữ vào ra nơi đó, tóc vàng, tóc hung, và Tây Ban Nha. Rồi bà cắt cho nó một miếng bánh trị giá mười xu của bà.

Khi họ ăn xong người đàn bà đứng dậy nói, “Nè, cầm lấy mười đô la này mà mua đôi giày da màu xanh. Lần tới, đừng có nhầm mà giật túi xách của tao hay của ai khác… bởi vì giày có thể hóa thành giày quỷ đốt cháy chân mày. Bây giờ tao đi nghỉ. Ngoài ra tao muốn mày sẽ biết cư xử, con ạ, từ giờ trở đi”.

Người đàn bà dắt thằng nhóc ra hành lang, đến cửa trước và mở cửa cho nó. “Chúc ngủ ngon! Cư xử cho tốt nhé con”, người đàn bà nói khi nhìn ra đường.

Thằng nhóc muốn nói điều gì đó hay ho thay cho “Cám ơn bà” với bà Luella Bates Washington Jones, nhưng nó không nói được. Thằng nhóc ngoái nhìn người đàn bà đứng nơi khung cửa. Nó chỉ nói được mấy tiếng “Cám ơn” trước khi người đàn bà đóng cửa. Và nó không bao giờ gặp lại bà nữa.

Dịch giả: Võ Hoàng Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 4 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước