Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:13 (GMT +7)

Cái bắt tay thân thiện

VNTN - Tim đập thình thịch, tôi gắng mà ra sức thở dồn dập trong làn không khí mùa đông lạnh giá. Trong trạng thái ấy, tôi không thể nghe được một chút gì tiếng cười của hai thằng bé đang đứng trước mặt mình. Âm thanh đám bạn bè của chúng phát ra trong giờ ra chơi đã đủ khiến hai tai tôi trở nên bị điếc rồi. Từng thằng bé bèn kéo tay áo lên, để lộ ra hai cái cẳng tay trắng ngần nhuốm máu vẫn còn tươi. Vết thương của chúng chạy dài từ khuỷ đến giữa cổ tay. Một đứa thản nhiên nói: “Usne blade se mera haath kaat diya, to maine bhi uska haath kaat diya. Ghar pe mat bolna, samjhe kya?” (“Bạn ấy rạch tay em với một con dao, thế nên em rạch lại bạn ấy. Cô đừng nói với bố mẹ em nhé!”) “Thế thì con dao đâu?!” - Tôi lờ mờ nhận ra giọng mình như thể đang nghẹn lại. “Fek diya!”(“Em ném đi rồi!”) Quả thật, lúc đó tôi không thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra trước mắt mình nữa. Cũng giống như những học sinh khác trong trường, hai đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại khu ổ chuột ở ngoại ô Bombay. Trong sự khốn cùng, người ta có thể làm những việc thật kinh khủng. Nhưng hai đứa trẻ rạch tay nhau rồi thản nhiên làm như thể không có chuyện gì xảy ra khi máu của chúng đã chảy ư?! Hai thằng bé được đưa đến phòng y tế của trường để người ta tiến hành làm sơ cứu rồi tiêm một mũi Tentatnus nhằm chống nhiễm trùng. Vẫn không yên tâm, tôi cho cả lớp nghỉ học để dẫn hai đứa đến bệnh viện gần đó. Trên đường đi, hai đứa trẻ ấy lặp đi lặp lại một câu duy nhất: “Hum logon ko ye sab nahi chahiye, hume kuch nahi hota hai” (“Chúng em không sao cả. Cô không cần làm thế này đâu!”) Hai đứa trẻ không tỏ ra đau đớn gì cả. Thậm chí chúng còn cười đùa với nhau và với tôi nữa, cho dù chỗ khóe môi chúng run run. “Thế các em muốn chết à?!”. Tôi muốn hét lên vào mặt chúng như thế nhưng không được. Cuối cùng thì điều duy nhất mà tôi nói được lúc đó là: “Đi nhanh lên!”. Hôm sau hai đứa trẻ đó vẫn lên lớp như thường, cánh tay băng bó của chúng được giấu kỹ dưới ống tay áo. Tôi tuyên bố thẳng thừng trước cả lớp: “Từ nay không ai trong lớp này được phép mang dao đến trường. Nếu cô bắt gặp bất kỳ ai trong số các em vi phạm thì người đó sẽ bị đuổi học!” “Hindi mein baat karo, hum samajhtey nahi hain!” (“Chúng em chả hiểu cô nói gì hết. Cô hãy nói bằng tiếng Hindi, không thì chúng em chẳng hiểu gì cả!”). Không biết đứa nào đó ngồi phía cuối lớp đã nói ra cái câu đó với toàn bộ sự giận dữ mà một đứa trẻ 12 tuổi có thể cảm thấy. Đó không phải là lần đầu tiên tôi cảm thấy như mình đang đứng trước những con người hoàn toàn xa lạ thay vì là học sinh của mình. Ngược lại, lũ trẻ cũng không coi tôi như cô giáo - không đời nào một cô gái 23 tuổi, xuất thân từ gia đình Hồi Giáo có của ăn của để lại có thể hiểu, đồng cảm với những đứa trẻ được sinh ra trong thế giới của người Ấn Độ Giáo và lớn lên tại khu ổ chuột. Ngay cả thứ tiếng Anh của tôi, chúng cũng nghe câu được câu không. Tuy vậy, tôi vẫn cố giải thích cho chúng: “Các em hoàn toàn có thể giải quyết những vấn đề mà các em gặp phải bằng cách nói chuyện với nhau. Không có lý gì các em lại phải dùng đến dao cả!” Lần này thì chúng cười. Có đứa ngả ra bàn mà cười rồi khúc khích nói, như một sự thách thức: “Kya peace peace karte rehte hain aap? Hamare ghar ke bahar kal log chaku leke fight kar rahe the, unko samjhao jake” (“Bố mẹ chúng em vẫn dùng dao để giải quyết vấn đề đấy. Cô muốn dạy thì đi mà dạy bố mẹ chúng em!”) Tôi đứng như trời trồng trên bục giảng. Phải một lúc sau tôi mới có thể mở lời được với thằng bé đã nói câu đó: “Vậy thì sao chúng ta không đánh cược với nhau nhỉ? Trong vòng một tháng cô sẽ không phạt các em bằng cách đánh đòn nhưng vẫn sẽ làm các em bỏ được thói quen dùng dao!” Đến lúc này thì thằng bé vừa nói ban nãy lập tức còn phá ra cười to hơn trước, nhưng đột nhiên lại im bặt giống như cả lớp. Cái bóng của ông giám thị với cây gậy gỗ to bằng cổ tay đứng ở cửa bao trùm lấy gần như toàn bộ lớp học. Ông liếc cái nhìn gai góc của mình quét qua cả lớp một lượt, rồi tiếp tục đi tuần. Phải đến lúc đó tôi mới nhận ra mình vừa đánh cược cái gì. Tôi không phải đang cố gắng loại bỏ một thói quen, mà là đang tìm cách thay đổi cả cách sống của những con người đã quá quen với việc phải bạo tàn để mà sống sót. *** Trong vòng một tháng sau đó, các môn học như Tiếng Anh, Toán, Ngữ Văn,… đều bị dẹp sang một bên. Trong khi lên lớp tôi chỉ cố gắng làm cho lũ trẻ hiểu được thế nào là tình bạn; là tinh thần cộng đồng; là lòng trắc ẩn và cùng với đó là sự tha thứ, v.v… Nếu không tham gia vào những hoạt động nhóm thì tôi cho chúng đọc những câu vè bằng tiếng Anh thật đơn giản, lặp đi lặp lại hằng ngày, rồi cuối mỗi buổi học chúng sẽ tự cùng nhau sáng tác ra những câu vè mới: Em không phải người Ấn Giáo Em không phải người Hồi Giáo Em là một con người. … Nếu một ngày có người giơ tay tát em Thì em sẽ cười và nói 'Namestey Ji'…” Nhưng khó khăn nhất với tôi là cách lũ trẻ đối mặt với sự thay đổi này. Thay vì cười nhạo như những ngày đầu, chúng càng lúc tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Vì chúng mà tôi đã nhiều lần phải bật khóc. Đã có lần tôi hỏi thẳng chúng: “Các em có cho rằng cô đủ khả năng dạy các em không?!” Phải đến hàng chục tiếng hét “Không!” thì hiếm hoi lắm mới được một tiếng “Có!” rất thì thầm và rụt rè. Tôi bám vào cái tiếng “Có!” đó như người sắp chết đuối vớ được mảnh gỗ trôi sông. Ngày làm việc của tôi cứ dài thêm, cho đến khi tôi đến trường từ lúc ba giờ sáng để chuẩn bị phòng học. Tôi vẫn luôn phải xen vào ngăn cản để những đứa trẻ khỏi gây gổ rồi đánh nhau. Kể cả một trận đánh nhau giữa hai đứa trẻ cũng có thể khiến người lớn phát sợ. Chúng vẫn thường đá vào ngực nhau, hay một đứa sẽ bóp cổ đứa kia cho đến khi mặt bạn chúng hóa xanh lét. Những lúc đó, tôi thường hay ôm chầm lấy một đứa trong số chúng, rồi gọi những đứa khác vào giúp. Đôi khi chúng vừa cười vừa giúp tôi ngăn cản trận đánh nhau. Một ngày nọ sau giờ học, tôi bắt gặp một học sinh cứ đứng quanh quẩn bên cổng trường thay vì về thẳng nhà. “Vì sao em còn đứng đây?!” - Tôi bèn hỏi, và thằng bé trả lời: “Thưa cô, cô làm ơn từ giờ về sau đừng can thiệp vào lúc bọn em đánh nhau được không ạ? Mấy thằng định đánh em buổi sáng nhưng không được, anh trai bọn chúng lại đang “phục” em kia kìa!” Thằng bé chỉ tay về một đám thiếu niên, đứa lớn nhất cao đến vai tôi. Mặt mũi đứa nào trông cũng gầm gừ rồi bẻ tay răng rắc, vẻ rất hung tợn. “Mấy hôm trước chúng đã đánh em một trận rồi. Chúng lôi em vào một căn nhà hoang rồi đánh. Lúc nào em sẽ chỉ cho cô thấy căn nhà đó. Vẫn còn vết máu của em dính trên tường đấy!” Suốt một tuần sau đó, tôi đều tự mình dẫn thằng bé về tận nhà. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng tự chất vấn về việc này: Tất cả những học sinh của tôi chúng đều đang phải sống trong nỗi sợ hằng ngày, và chúng không còn cách nào khác để tồn tại bằng việc phải tự xù lông lên để tự vệ. Bố mẹ bọn trẻ vẫn thường đến trường than phiền rằng tôi không kiểm soát được học sinh của mình. Còn đồng nghiệp của tôi, người thì cười nhạo, người thì tỏ ra nghi ngờ. Phải khó khăn lắm mới có một hai người thì thầm vào tai tôi một vài lời động viên tẻ nhạt, gọi là cho có. *** Một tháng, hai tháng, rồi cuộc đánh cược cứ kéo dài mãi ra. Tôi mất dần khái niệm về cuộc sống riêng tư của mình. Nếu như lúc trước tôi luôn về nhà đúng giờ thì nay có nhiều đêm tôi phải ngủ lại trường. Tôi đến nhà của từng học sinh một, tâm sự và chia sẻ mọi thứ với họ. Cứ thế rào cản giữa chúng tôi cứ hạ dần xuống. Một ngày nọ, có đoàn khảo sát đến thăm trường tôi để điều tra, xem xét các trường hợp được nhận học bổng. Câu đầu tiên họ hỏi sau khi nói xin chào là: “Các em là người Ấn Độ Giáo, người Hồi Giáo, hay…”. Một cậu bé bật dậy rồi cắt ngang lời người đang hỏi: “Em là một con người!”. Câu nói của thằng bé làm tôi bàng hoàng đến mức không thể cất lên lời. Điều đáng ngạc nhiên nhất vì người nói lại là một trong số những học sinh cứng đầu và nóng tính nhất lớp. Tôi vội hỏi: “Em nói gì cơ?!” “Em là một con người!” - Thằng bé nhìn thẳng vào mắt tôi - “Em không phải người Ấn Độ Giáo. Em không phải người Hồi Giáo. Em là một con người!” Bất thình lình, không ai bảo ai, tất cả 63 đứa trẻ còn lại trong lớp cùng nhất loạt đứng dậy rồi từng đứa một nhắc lại đúng câu nói đó với toàn bộ sự nhiệt tình của chúng. Tôi không còn nhớ rõ những gì xảy ra sau đó nữa, ngoài chuyện tôi đã vừa khóc vừa tiễn chân đoàn khảo sát ra khỏi lớp của mình. *** Lũ trẻ không đồng loạt thay đổi một lúc, mà chúng tiến tới từng bước một. Việc gây gổ vẫn xảy ra thường xuyên, nhưng dần dần không còn chuyện chúng cố ý chọc tức để đánh nhau nữa. Tôi bắt đầu chuyển từ việc chỉ biết dạy đạo đức một cách đầy khuôn sáo và cứng nhắc như giáo án đã được mặc định sẵn sang việc tìm cách giúp cho học sinh của mình áp dụng đạo đức ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng. Cuối năm học đầu tiên, cả lớp tổ chức một vở kịch về chủ đề bạo lực gia đình. Tất cả khán giả đều là các vị phụ huynh, và ai cũng bật khóc khi cuối vở kịch bọn trẻ cùng nhau đồng thanh cất tiếng hát: Tôi đã tìm được một lý do Để tự thay đổi mình Để trở thành con người… Trong suốt 19 tháng cùng nhau, rào cản giữa cô giáo và học sinh gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có thể ngồi lại với nhau một cách thân thiện nhất để nói về mọi thứ chuyện trên đời. Lũ trẻ cũng dần bỏ được con dao để cầm lấy quyển sách cùng cái bút, những thứ mà chúng từng cho như là thứ gì xa vời lắm. Còn tôi, hằng ngày tôi bước vào lớp mà có cảm giác như đang ở chính ngôi nhà vô cùng thân quen của mình vậy. Tôi tin rằng một ngày nào đó không xa khi đã trưởng thành, những cô cậu học sinh thân yêu của mình sẽ vẫn giữ được những bài học học mà chúng đã tự khám phá. Cầu mong chúng sẽ không còn đánh giá và phân biệt con người dựa trên tôn giáo hay đẳng cấp xã hội nữa. Và nữa, rồi đây những đứa học trò bé bỏng đó cũng sẽ có được một cuộc sống đơn giản và thánh thiện như tôi hiện nay, ấy là sống làm sao cho mỗi ngày bản thân mình đều có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh!.

Lê Công Vũ (dịch)

Truyện ngắn. Leena (Ấn Độ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước