Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
10:51 (GMT +7)

Cách riêng của Ann

VNTN - “Ann! Ann! Cháu về nhà cho gà ăn chưa?”. Tiếng gọi đến từ cửa một ngôi nhà nông trại lớn cũ kĩ nơi một người phụ nữ đứng nhìn ra cánh đồng tháng Mười. Câu trả lời lơ lửng trôi xuống từ một cây táo gần đó nơi một cô bé 10 tuổi ngồi vắt vẻo giữa đám cành lắm mấu. Cô bé có cuốn truyện cổ tích sờn cũ đặt trên gối và mải mê đọc nó tới mức quên mất là gà cần được cho ăn.

“Chưa ạ, bác Sally, cháu chưa làm đâu nhưng cháu sẽ đi ngay,” và cô bé lại chìm sâu vào cuốn truyện.

“Nhưng Ann này, mặt trời gần lặn rồi đấy, và cháu phải đi ngay thôi. Lottie nói là cháu đã đọc sách từ lúc đi học về tới giờ và bác e rằng mẹ cháu sẽ không thích vậy đâu.”

“Ôi trời, phiền quá!”. Ann kêu lên khe khẽ, gấp cuốn sách lại một tiếng “bẹp” khó chịu; nhưng cô bé lại ngoan ngoãn đu mình xuống khỏi chạc cây và đi vào nhà lấy chìa khóa. Ngôi nhà thôn quê nhỏ nhắn nơi Ann Fowler sống nằm ngay bên kia con đường làng từ chỗ ngôi nhà lớn màu nâu của bác John, chỗ cô bé ở khi mẹ không có nhà. Bà Fowler vừa được gọi vào thành phố do chị gái bị bệnh và mang bé Betty đi cùng, nhưng Ann được để lại cho bác Sally trông nom. Sự thu xếp rất thích hợp với đứa trẻ vì nó có nghĩa cô bé là khách. Nhiệm vụ duy nhất của cô là băng qua đường mỗi ngày hai lần cho gà ăn.

Lúc Ann ra khỏi nhà tay vung vẩy chiếc chìa khóa, bác cô bé lại gọi: “Bà Grayson tới đây hôm nay. Bà ấy đến mời cháu và Lottie chiều thứ bảy ngày mai tới nhà chơi. Bà ấy mời một tá con trai và con gái đến chơi cả buổi chiều và ở lại uống trà. Con gái lớn Jennie của bà ấy định sẽ tổ chức một bữa tiệc Halloween vào buổi tối, nhưng bà ấy sẽ đưa mấy đứa về bằng xe ngựa sau bữa trà trước khi trò ngu xuẩn bắt đầu.”

“Bà ấy không mời chúng cháu tới bữa tiệc luôn sao?”. Ann hỏi, cô bé đã nghe mấy anh chị lớp lớn trong khu vực bàn tán ở trường cả tuần rồi tới khi đầu cô bé tràn ngập những chuyện mê hoặc và bí ẩn về Halloween.

“Tất nhiên là không rồi. Jennie Grayson đã tròn 18 tuổi và sẽ không muốn trẻ con các cháu lẽo đẽo quanh mình đâu.”

“Nhưng chúng cháu không thể làm phép gì vào buổi chiều được,” Ann nói. “Chúng sẽ không trở thành sự thật trừ khi chờ tới nửa đêm. Cháu tìm ra một danh sách dài về chúng trong một cuốn sách cũ ở nhà rồi. Cháu nghĩ chị Jennie có thể đã mời mình. Cháu muốn thử vận mệnh bằng cách đi thụt lùi xuống tầng hầm một tay cầm cái gương soi còn tay kia cầm nến. Người ta nói mình có thể thấy ảnh phản chiếu của người đàn ông mình sẽ cưới nhìn vào gương qua vai mình.”

“Ôi trời Ann Fowler ơi!”, bác cô bé kêu lên giọng kinh hãi và giơ cả hai tay lên. “Bác không nghĩ thế hồi còn nhỏ như cháu đâu! Đừng có gieo mấy cái ý tưởng ngu ngốc như thế vào đầu Lottie đấy. Đúng là số phận mà! Ngã xuống tầng hầm rồi làm vỡ cái gương soi và tự làm mình cháy sẽ giống số mệnh của cháu hơn đấy. Quả thực là không! Lottie không nên tới một bữa tiệc như vậy dù có đến cả tá lời mời.”.

Ann đi gấp, lòng ước gì mình đã không nói vậy. Cô bé có cảm giác khó chịu rằng bác coi mình gần như xấu xa vì đã ước như thế. [...] Không một ai nhìn cái dáng nhỏ nhắn cương quyết đang lê bước qua con đường làng, có thể tưởng tượng được rằng tội lỗi đầy ám ảnh của Ann là tình yêu váy xống. Cô bé có thân hình nhỏ, lỗi thời, không ưa nhìn với mái tóc ngắn màu nâu chải mượt ra sau tai. Nhưng cái mũ che nắng kẻ caro, cái tạp dề dài tay bằng vải bông kẻ, và đôi giày da bê bền chắc không phải gu của Ann. Chúng được mẹ cô chọn và mẹ Ann không phải là người mà quyết định của bà có thể nhẹ nhàng gạt qua một bên.

Trong ngăn kéo tủ com-mốt phòng khách ngôi nhà nhỏ có một chiếc đầm mà Ann đã khao khát được mặc sáu tháng rồi. Nó được may bằng vải sợi bông mịn màu trắng thanh nhã dùng để mặc bên ngoài một chiếc váy lụa xanh nhạt và đi cùng những dải ruy băng. Một đôi giày trẻ con màu xanh nhạt xinh đẹp được bọc cẩn thận trong một cái hộp với nhiều lớp giấy lụa. Ann mặc chúng mới được một lần và đó là hồi đầu xuân, khi cô bé đi dự đám cưới một người họ hàng trong thành phố. Từ đó tới nay nhiều Chủ nhật trôi qua, cô bé đã nhỏ nước mắt thảm thiết vào cái ngăn kéo đó vì không được mặc cả bộ đi nhà thờ.

“Nó đẹp quá chừng mẹ ơi,” cô bé sẽ nói với nước mắt giàn giụa, chạm vào chiếc váy với những ngón tay ngưỡng mộ và vuốt ve đôi giày. “Tới lúc có được cơ hội nữa để mặc chúng đi vào thành phố thì chúng sẽ quá nhỏ so với con rồi, và con sẽ phải cho Betty. Con không hiểu tại sao mình không thể mặc chúng để đi chơi ở đây.”

“Vì chúng không hợp đâu Ann,” mẹ cô bé sẽ trả lời. “Trông con sẽ kì cục khi đi qua cánh đồng và trên những con đường bụi bặm khi mặc bộ đồ lộng lẫy đến vậy, và giữa tất cả những con người nông thôn ăn mặc giản dị này con sẽ trở nên quá ăn diện. Mẹ hy vọng con gái nhỏ của mẹ có được thẩm mĩ của một quý cô để không bao giờ muốn thu hút sự chú ý theo cách đó, nhất là ở nhà thờ.”.

“Nhưng mẹ ơi,” cô bé nức nở phản đối, rồi giọng nói dứt khoát của bà Fowler sẽ làm cô bé im lặng.

“Suỵt, Ann! Đóng ngăn kéo lại ngay. Con không mặc chúng được.” Điều đó sẽ làm yên chuyện được một thời gian, nhưng cảnh tượng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần suốt mùa hè. Giờ đã là ngày áp chót của tháng Mười và không còn dịp thích hợp nào cho Ann mặc chúng nữa.

 

Lúc cô bé đứng rải ngũ cốc cho gà ăn, một kế hoạch táo bạo hình thành trong đầu cô bé. Cây cối gợi nên nó; cây cối của vùng rừng xung quanh tô điểm cho cảnh vật bằng màu đỏ và vàng, ngay lúc đó hoàng hôn chuyển thành một cảnh đẹp rực rỡ hoàng kim.

“Ngay cả cây cối cũng thỉnh thoảng mặc bộ đồ đẹp nhất của chúng,” cô bé tự nhủ. “Trông chúng thật giống những nàng công chúa đã sẵn sàng cho buổi vũ hội. Ôi, chúng là thế đấy,” cô bé kêu lên. “Chúng đều là các cô bé Lọ Lem. Tháng Mười là bà tiên đã biến bộ váy cũ kĩ thường ngày thành bộ váy dạ hội đẹp đẽ cho chúng mặc vào lễ Halloween. Mình chả hiểu sao mai mình lại không được mặc bộ đồ đẹp nhất của mình nữa.”. Rồi cô bé tiếp tục như thể đang nói chuyện với con gà trống già: “Mình thà được ăn mặc tươm tất và trông đẹp đẽ còn hơn được chơi, mình không cần nô đùa gì hết. Nếu chúng ta muốn bắt đầu thử làm phép sau bữa tối, bà Grayson gần như sẽ để chúng ta ở lại tới khi bữa tiệc của Jennie bắt đầu, và rồi mọi anh chị lớp lớn sẽ thấy bộ đồ dễ thương của mình. Không ai ở đây biết mình có chúng. Nếu mình đi xuống tầng hầm với gương soi và nến rồi có người nhìn qua vai mình, mình sẽ mừng lắm vì lần đầu tiên anh ta thấy mình, mình mặc toàn đồ xanh và trắng như công chúa Esmeralda1, chân mang đôi giày dự tiệc đẹp đẽ màu xanh nhạt.”.

Trời ơi! Bác Sally nói đúng. Những thứ tạp nhạp của quá nhiều câu chuyện và truyện cổ tích ủy mị đã trôi nổi trong tâm trí lanh lợi của đứa trẻ. Vài phút sau cô bé đã lấy trứng cất vào chạn. Rồi bước vào phòng khách, sợ hãi bởi sự tĩnh mịch trang nghiêm bao bọc lấy căn phòng. Nó mới kì lạ và tối tăm làm sao với tất cả các bức mành đều đóng! Cô bé dò dẫm băng qua phòng và nhón chân đi qua tiền sảnh như thể sợ rằng cái đồng hồ thùng vĩ đại ở góc phòng nghe được tiếng cô và gọi cô lại. Tiếng tích tắc ầm ĩ của nó là âm thanh duy nhất trong nhà, ngoại trừ hơi thở hối hả của cô.

Mở tung một ô cửa sổ hướng tây, cô bé đẩy ngược cánh cửa chớp tới khi phòng khách hoàn toàn bừng sáng trong ánh hoàng hôn. Rồi cô nắm lấy tay cầm ngăn kéo tủ com-mốt bằng ngón tay cứ giật giật như có lỗi và thình lình giật mạnh. Trong khoảnh khắc vẻ thất vọng của cô lớn đến nỗi cô gần như sắp khóc, nhưng gương mặt cô nhanh chóng sáng rõ và cô bắt đầu tìm chìa khóa. Dưới tấm thảm, trong mấy cái lọ trên mặt lò sưởi, sau những khung ảnh, trong từng kẽ nứt nơi có thể giấu một chiếc chìa khóa, cô bé nhìn kĩ bằng đôi mắt nâu nôn nóng. Không tìm thấy. Cuối cùng cô leo lên một cái ghế tới kệ tủ cao nhất nơi cô chợt phát hiện ra thứ gì đó khiến cô kêu lên một tiếng vui sướng. Đó là cái hộp đựng đôi giày trẻ em màu xanh.

“Dù sao mình cũng sẽ mang thứ này tới bữa tiệc,” cô tuyên bố và trườn xuống với cái hộp trong tay. Sau đó việc tìm kiếm đôi tất lụa đi cùng chúng không có kết quả [...].

Cô nghe thấy tiếng đầu bếp của bác Sally thổi còi gọi xuống ăn tối trước khi bỏ việc tìm kiếm. Tối hôm đó trước khi đi ngủ, cô có một cuộc nói chuyện riêng với chị họ.

“Mẹ đã cất mọi thứ và khóa lại trừ đồ đi học của em,” cô nói. “Em không tìm ra lấy một chiếc tất dài trừ đôi màu đỏ, đôi kẻ sọc và mấy thứ kinh khủng màu nâu. Mẹ không để ở ngoài lấy một chiếc màu trắng cho ngày Chủ nhật [...]”.

“Chị sẽ cho em mượn,” Lottie sốt sắng nói. “Chị có một đôi tất len cừu trắng mịn sẽ vừa với em. Chúng hơi nhỏ so với chị và mẹ cất chúng đi vì bà tự đan chúng. Nhưng chị biết bà sẽ chẳng bận tâm nếu em mang chúng có một lần.”.

“Thế thì tối nay lấy chúng ra luôn và không nói gì về nó tới hết ngày mai,” Ann nói. “Bà có thể nói em không nên mang giày và em chắc chắn chỉ có quyền làm theo ý mình một lần cả đời thôi.”.

Khi đôi mắt sẫm màu của Ann lóe lên đầy ranh mãnh như thường lệ, Lottie luôn phục tùng. Mở cái rương lớn trong góc phòng, cô bắt đầu lần mò giữa đống đồ bằng vải fla-nen mùa đông được bọc gọn gàng trong khi Ann cầm nến.

“Chị thấy mẹ bỏ chúng trong góc này,” Lottie nói. “Chị chắc chắn mà. Ôi! Chúng đây rồi,” cô kêu lên, và lúc trải chúng ra cô bị hắt hơi. “Đó là tiêu đỏ,” cô giải thích. “Trong đồ toàn thứ đó để ngăn nhậy cắn áo. Giơ chúng lên và giũ mạnh đi.”.

Mấy cái vỏ màu đỏ nhăn nheo rơi ra lúc Ann làm theo và nhiều tiêu bột tới mức cả hai đều bắt đầu hắt hơi dữ dội. Mẹ Lottie chẳng mấy chốc gọi với lên bảo chúng mau đi ngủ vì chúng chắc chắn sẽ bị cảm lạnh.

Chiều hôm sau khi xe ngựa của bà Grayson đến dưới đường thì Ann đã đợi trước ngôi nhà nhỏ và leo vào trước khi bác Sally ra cổng tiễn họ.

“Kéo khăn phủ đầu gối quấn quanh người cho kĩ vào,” chị gọi theo. “Nếu biết lạnh thế này ta đã mang mũ trùm đầu ra cho thay vì mấy cái mũ che nắng này rồi. Trời thực sự cảm giác như mùa đông sắp đến vậy.”

Đó là một ngày ảm đạm có dấu hiệu tuyết sắp rơi. Những bông tuyết rơi xuống trước khi họ tới điền trang nhà Grayson và nhiều lần Ann kéo khăn phủ đầu gối qua một bên để nhìn trộm đôi giày màu xanh nhạt với nỗi lo âu bí mật không biết chúng có phù hợp không. Đôi tất len khiến chúng vừa như in tới mức bó chặt vào chân, nhưng chuyện bó chặt đó đã được đền bù bằng hình dáng đẹp đẽ của đôi bàn chân thon gọn. Vả lại đứa trẻ bướng bỉnh vô cùng hài lòng với cái hiểu biết nhỏ nhặt rằng cô bé đang làm theo cách của mình.

Trong những hoàn cảnh bình thường Ann hẳn đã coi buổi chiều đó là một ngày vui vẻ nhất đời. Cô yêu khu rừng và thường sẽ là người dẫn đầu về những thành tích khi chúng đánh bạo đi chơi ngày hôm đó. Chúng đi vào rừng với những cái giỏ và xô ngay khi đã có mặt đông đủ. Nhưng chỉ một lần này thôi, những chùm nho dại cuối mùa treo lủng lẳng đầy cám dỗ trong vô ích. Những quả hồng vàng chín thơm lừng phủ sương giá và có màu nâu nằm dưới những cái cây không được những ngón tay nhanh nhẹn của Ann tìm tới, còn những quả hạch rơi lộp độp xuống đám lá khô không ai để ý. Trong khi đám trẻ kia thi nhau phóng xuống đồi, hò reo khắp thung lũng băng giá, Ann rón rén theo sau, cố hết sức chọn đường qua đám lá xào xạc và leo qua những khúc gỗ trơn trượt bắc qua mấy con suối. Trời lạnh quá không ngồi xuống được. Cô bé buộc phải ngọ nguậy suốt; vậy là cả buổi chiều khốn khổ cô phải lẽo đẽo theo sau người ta, đau đớn nghĩ đến đôi giày đẹp của mình và lúc nào cũng phải chịu trách nhiệm giữ cho chúng sạch sẽ.

“Chào Ann, có chuyện gì thế?” một đứa con trai gọi lúc nó để ý thấy cô đang đi õng ẹo cuối cùng trong đám thay vì dũng cảm dẫn đầu cuộc đột kích như thường lệ. Rồi nó nhìn vơ vẩn xuống cái mũ che nắng và tạp dề vải bông kẻ caro dài tay tới nguyên nhân gây ra dáng đi của cô.

“Ối mắt tớ!” nó kêu lên thật to trên mức lịch sự. “Sao cậu mang giày sớm thế hả Ann? Chúng vẫn chưa chín mà. Chúng xanh như quả bầu vậy.”

“Lo chuyện của mình ấy Bud Bailey,” là câu trả lời duy nhất thằng nhóc nhận được, nhưng từ đó trở đi niềm kiêu hãnh lớn nhất của cô trở thành sự xấu hổ sâu sắc. Vì lí do khó hiểu nào đó, một lúc sau bàn chân cô nóng bừng bừng như bị đốt, và trước khi buổi chiều kết thúc, cơn đau gần như không thể chịu đựng được nữa. Lottie tìm thấy cô ngồi trên một súc gỗ sau một cái cây lớn, cánh tay siết chặt quanh đầu gối, lắc lư tới lui, mắt cô nhắm nghiền và răng nghiến chặt.

“Chắc là do tiêu đỏ trong đôi tất đó thiêu đốt chân em đấy,” cô nói đầy thông cảm. “Đi lên nhà và cởi chúng ra nào. Lucy sẽ cho em mượn đôi khác.”

Nhưng Ann nhảy dựng lên, dữ dội không cho phép cô nhắc với ai hết và tức tốc tham gia vào mấy trò chơi với vẻ bất chấp của một chiến binh trong cơn đau của mình. Đó là cách duy nhất giữ cô bé không khóc, và cô chơi trò bắt tù binh một cách táo bạo, không nghỉ ngay cả khi một cái que nhọn đâm toạc một chiếc giày và một hòn đá sắc cắt chiếc kia.

Trời gần tối lúc chúng đi lên nhà. Bud Bailey quẳng mấy cái giỏ của mình qua hàng rào và quay sang giúp đám con gái, nhưng sau những lời xui xẻo cậu nói với Ann, cô bé coi khinh những cử chỉ lịch sự của cậu. Tự bò qua hàng rào chắn trên cùng cách chỗ cậu giúp một quãng, cô thăng bằng một khắc rồi nhẹ nhàng nhảy xuống. Không may cô đã không nhìn trước khi nhảy. Giỏ của Bud đang ở chỗ đó và cả hai bàn chân đều lún xuống đống nho dại nhão nhoét làm nước ép màu tím bắn ra thành tia khắp đôi giày nhạt màu của cô. Chúng dính bẩn và thấm màu sâu tới mức có kì cọ bao nhiêu cũng không thể nào lau sạch những vết ố xấu xí. Chúng bị tàn phá đến vô vọng.

Hỡi ôi công chúa Esmeralda, người mà đêm trước đã có thể biết được số mệnh mình trong tấm gương ma thuật! Đó là một lễ Halloween cô bé không thể nào quên, bởi lẽ vận rủi của nó đã được đóng dấu và nhuộm vào kí ức. Cô bé ngồi qua suốt tiệc trà, bàn chân như than nóng, quá đau khổ không thưởng thức được gì nữa. Sau đó, khi khách của Jennie bắt đầu đến, cô rút vào một góc với váy kéo xuống thấp hết mức có thể.

Dường như phải mất mấy tuần cỗ xe ngựa mới được đánh tới trước cửa nhà vậy, nhưng cuối cùng cô cũng xóc nảy người trên con đường về nhà đông cứng bên cạnh Lottie. Trong chiếc mũ che nắng, cô bé có thể để rơi vài giọt nước mắt mà cô đã quyết tâm ngăn lại quá lâu. Không đứa nào nói gì tới khi xe rẽ vào đường về nhà. Rồi Lottie kêu lên: “Ôi Ann ơi! Có ánh sáng trong nhà em kìa. Chắc mẹ em đã về sớm hơn dự tính. Đúng rồi, chị có thể thấy bé Betty bên cửa sổ ngóng em đấy.”.

Tới cổng, Ann trèo qua bánh xe rồi quay sang tức giận kêu lên, “em biết chị đang nghĩ gì đấy Lottie Fowler, dù chị không dám nói ra. Chị nghĩ chị mừng vì mình đang không mang đôi giày của em! Nhưng dù sao em đã làm theo cách của mình!”. Rồi ngẩng cao đầu, cô bé tiến lên lối dẫn vào nhà.

Nhưng dù nói vẻ dũng cảm vậy, lúc tới được ngưỡng cửa cô bé vẫn đứng lại lau mắt lần nữa bằng tạp dề. Cỗ xe lăn bánh và cô vẫn đứng đó tự nhủ với một tiếng nức nở nho nhỏ, “Ôi, mình tự hỏi không biết “đứa con hoang đàng”2 có đi về nhà mà xấu hổ bằng nửa mình không!”

1. Nhân vật trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà” của V.Hugo.

2. Truyện dụ ngôn về đứa con hoang đàng (Prodigal Son) là một trong số truyện dụ ngôn về Chúa Giêsu.

Trương Thị Mai Hương (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 4 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước