Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:23 (GMT +7)

Cá trê

VNTN - Amin Ahmad sinh ra ở Calcutta, Ấn Độ, học ở trường Cao đẳng Vassar và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Truyện của anh đã nhận được một số đề cử và một bài tiểu luận được in trong hợp tuyển The Good Men Project: Real Stories from the Front Lines of Modern Manhood. Ahmad sống ở Washington, DC.


Amin Ahmad

Một đêm muộn nọ, người cha 70 tuổi của tôi gọi cho tôi từ căn hộ đổ nát của ông ở Calcutta, ấn Độ. Có lẽ ông sẽ đến Boston ở với tôi vào mùa hè và tôi đã mua vé máy bay rồi.

“Bố không biết liệu mình có đến được không con à”, bố nói lầm bầm. “Ai sẽ chăm sóc cá của bố đây?”

Tôi tưởng tượng ra ông đứng trong bóng tối với mái tóc bạc chải vào nếp không chê vào đâu được, nhìn bể nuôi cá bừng sáng của mình. Ông có thể nhìn những con cá hàng giờ liền và dường như bị những con cá hồng nhung lấp lánh ở sông Amazon, những con cá mập con sáng lấp lánh và loài cá trê có râu hung hãn thôi miên. Niềm kiêu hãnh và sự vui sướng của ông dành cho loài cá ông tiên trong mờ màu ngọc trai, mỗi con to bằng nắm tay.

“Bố này,” tôi bảo ông, “bố đã không gặp con ba năm rồi. Bố chưa bao giờ gặp cháu trai mình mà. Bố phải qua thôi”.

Tôi và vợ sợ tới mức không dám dẫn đứa con hai tuổi của mình về Calcutta. Vi trùng ẩn trong nước, sữa và ngay cả trong không khí. Chúng tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn nếu bố qua thăm vì ông đã nghỉ hưu và lúc nào cũng rảnh rỗi. Dù rằng chẳng ai biết ông làm gì cả ngày trời nhưng khi hỏi thì bố thường trốn tránh. “À, bố phải làm tí việc, huyết áp của bố cũng cao nữa, và một con cá của bố bị ốm...”

Tôi chỉ biết chút ít về cuộc đời bố. Bố tôi thuộc thế hệ cũ, sinh ra trong lúc ấn Độ còn bị người Anh cai trị. Năm 1947, khi ấn Độ bị chia cắt, Calcutta bị tàn phá bởi những cuộc nổi loạn tôn giáo, và bố tôi hồi đó là một đứa trẻ, đã thấy một trong số những người chú yêu quý của mình bị một bọn du thủ du thực mang dao rựa chém tới chết. Sau đó trong thời kì chủ nghĩa Mao trỗi dậy những năm bảy mươi, những kẻ mang mặt nạ xông vào ngân hàng nơi bố làm việc, chĩa súng máy vào ông và bắt ông mở két sắt. Ông không hề nói với tôi lời nào về tất cả những chuyện này. Nhưng tôi lại tưởng bố sẽ tới Boston và dành thời gian cho thằng con hai tuổi đầu tròn của tôi, kể cho nó nghe mọi câu chuyện ông chưa từng kể với tôi bao giờ.

Tôi gọi điện thoại thúc ép liên tục đến khi bố đồng ý sang thăm.

Sau khi đã cân nhắc rất thận trọng, ông quyết định rằng người em trai 63 tuổi của mình, Zia sẽ chăm sóc lũ cá. Chú Zia sống trong một căn hộ nhỏ dưới tầng trệt tòa nhà bố ở và dành cả ngày ngủ gà ngủ gật trên cái ghế bành da tơi tả của mình. Hai anh em nhìn giống nhau với nét mặt nhìn nghiêng quý phái và mái tóc bạc sáng bóng, nhưng hai răng cửa chú Zia đã rụng và bụng chú phệ ra đung đưa. Chú đã không làm việc đã mấy chục năm và được bố tôi nuôi hoàn toàn.

Tôi thấy rõ ràng là thần kinh chú Zia có vấn đề, không có khả năng lao động nhưng bố tôi không bao giờ chấp nhận điều đó.

“Nói bậy”, bố nói. “Boki chỉ lười chảy thây thôi.” Biệt danh bố tôi đặt cho em trai mình trong tiếng Bengali có nghĩa là “đần độn”.

Bố tôi khóa cửa căn hộ, bắt hai chuyến bay và kiệt sức lúc đến nơi ở Boston. Việc đầu tiên ông làm là nhấc điện thoại lên gọi cho em trai.

“Boki, lũ cá ra sao rồi?” bố hét lên.

Ông luôn hét lên khi gọi điện đường dài như thể giọng ông phải đi cả quãng đường dài tới ấn Độ vậy.

“Hoàn toàn ổn, không có vấn đề gì hết, không phải lo. Đừng quên mang về cho em sô-cô-la Mĩ đấy,” chú Zia nói.

“Giờ đừng có ngồi một chỗ nữa,” bố cổ vũ. “Để xem cậu có sớm tìm được một công việc tử tế không.”

“Vâng, thưa anh”, chú Zia ngoan ngoãn nói.

Bố lo cho cá của mình trong suốt mấy tuần mà phớt lờ con trai tôi. Nó cứ tự mình đi chập chững quanh ông. Rõ ràng rằng ý nghĩ của tôi về việc bố sẽ trở thành một người ông thông thái, chiều chuộng cháu chỉ là tưởng tượng. Khi được ở một mình, bố lập một kế hoạch mới: cắt phiếu giảm giá trên báo, tìm máy theo dõi lượng đường trong máu rẻ nhất ở ngoại ô Boston.

Ở ấn Độ, sáng sáng chú Zia vật vã ra khỏi ghế và hổn hển leo ba cầu thang lên căn hộ của bố. Khi bước vào căn phòng khách tối om, chú bật máy bơm khí ô-xi lấp lánh đi khắp bể cá.

Theo hướng dẫn của bố, chú Zia ngồi trên trường kỉ và chờ đúng một giờ rồi cứ thế mà lẩm bẩm với chính mình. Sau khi tắt máy bơm khí, chú Zia cho cá ăn những con sâu nhỏ giãy giụa đựng trong một cái xô, rồi chú lại đi xuống tầng.

Chú Zia làm việc này hàng ngày một cách chính xác nhưng càng lúc càng thấy chán nhìn bong bóng. Chú để ý thấy chiếc điện thoại quay số của bố, một khúc nhựa Bakelite đen cổ xưa vẫn được cắm điện và hoạt động. Lường trước được em trai mình nên bố đã cắt dịch vụ gọi quốc tế nhưng chiếc điện thoại vẫn có thể gọi nội hạt được. Việc dùng điện thoại không bị giám sát khuấy động một tham vọng ẩn khuất trong tâm hồn tăm tối của chú Zia: trong khi bố đi xa, chú sẽ tự tìm ra một việc để làm.

Thế là chú Zia bắt đầu gọi điện. Chú gọi những người quen đã không nói chuyện cả 30 năm trời, gọi bạn của bố tôi, gọi những người cùng thời với ông nội tôi mà còn sống. Do người ấn Độ không có máy trả lời tự động nên chú Zia luôn gọi được ai đó khi quay số.

“Chào,” chú sẽ nói vậy. “Chắc ông nhớ tôi chứ? Zia-Uddin Ahmad đây. Mong là ông nhớ tôi. Tôi cần giúp đỡ”.

Người ở đầu dây bên kia sẽ lịch sự nói, “ồ, tất nhiên chúng tôi nhớ gia đình anh rồi. Anh của anh thế nào rồi? Đi Mĩ rồi phải không? Giờ tôi có thể giúp gì đây?”

“Tôi đang tìm việc, thứ gì đó trong ngành quảng cáo. Tốt nhất là một vị trí cao cấp. Tôi đã có chức vụ rất cao trong công ty Coca-Cola.”

Người ở đầu dây bên kia sẽ lịch sự hỏi thăm về kinh nghiệm làm việc của chú Zia.

“Chà, tôi đã thôi làm việc từ năm 1974. Tôi đã nghỉ rồi. Nhưng thật sự đó không phải lỗi của tôi. Cái chỗ cuối cùng tôi làm, cái đồ chó ấy - thứ lỗi cho lời lẽ của tôi - nói là: “Ông Ahmad này, chúng tôi sẽ cho ông nghỉ. Có lẽ có nơi nào khác cần tài năng của ông”. Và tất cả là do tôi làm việc tùy thích. Tôi từ chối tuân theo quan niệm tiểu tư sản về chuyện bắt đầu làm việc vào đúng chín giờ.”

Gọi tới chỗ nào chú Zia cũng bị lảng tránh và lịch sự từ chối. Không lâu sau, chuyện trở nên rõ ràng là sẽ chẳng có công việc nào cho ông hết. Những cú điện thoại của chú càng trở nên điên rồ hơn. Chú nói chuyện với những người bạn cũ của gia đình và xin tiền, xin ăn. Chú gọi hỏi thăm những người đã mất từ lâu. Cuối cùng chẳng còn ai để gọi, chú Zia chìm vào tâm trạng chán nản cực độ. Nếu bố tôi có ở đó thì ông đã gào vào mặt em trai mình rằng “Boki! Thôi làm cái chuyện vô ích này đi! Đi tắm đi! Cạo râu đi đồ trời đánh thánh vật! Làm cái gì cụ thể đi?”

Nhưng vì có một mình đối mặt với một căn hộ tối tăm và một bể đầy cá, chú Zia hoàn toàn lạc lối. Ban đêm chú không ngủ được và chú uống gấp đôi lượng thuốc an thần mà không nói với ai hết. Chú Zia kiệt sức khi đi lên căn hộ của bố mỗi sáng với cái  đầu tê liệt.

Chú bật máy bơm lên, không để ý rằng cái ống nối với thân máy đã bị lỏng. Trong bể cá, động cơ kêu rền nhưng không có bong bóng xuất hiện. Lũ cá dù được cho ăn no nhưng không còn bơi một cách hoạt bát. Con cá ông tiên, lớn hơn và cần nhiều khí ô-xi hơn, trôi trong bể với vẻ mê mụ y hệt Zia.

Ở Boston, tôi không hòa thuận với bố lắm. Những cảm giác tốt đẹp ban đầu đã nhạt hết rồi. Tôi đi làm về từ một công trường nào đó, nóng nực và kiệt sức thì thấy bố mình vẫn chưa hề rời khỏi ghế cả ngày trời. Một tối nọ, bố rời mắt khỏi mớ phiếu giảm giá cắt ra từ báo ngẩng lên nhìn chằm chằm vào chiếc mũ bảo hộ và đôi bốt bẩn của tôi rồi thở dài thâm trầm.

“Bố không biết sao con lại làm kiến trúc sư,” ông nói. “Vẫn chưa muộn để lấy bằng kinh doanh đâu.”

Tôi không nói gì, nhưng để trả đũa, tôi về nhà càng ngày càng muộn hơn và phớt lờ yêu cầu đi tới những hiệu thuốc ít người biết tới.

Khi đã ở được một nửa thời gian, bố bảo tôi ông thấy không khỏe. Tôi dẫn ông đi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ra rằng ông đã ho ra máu được một tháng rồi và rằng ông bị ung thư. Khi tôi hỏi bố tại sao ông lại giấu chuyện này, ông nhìn lơ đãng và nói rằng không muốn làm phiền tôi. Không có cách nào hơn là phải trải qua một ca mổ nguy hiểm. Nếu bố qua được, ông sẽ cần phải hồi phục trong hai tháng trước khi đủ khỏe để trở về Calcutta.

Buổi phẫu thuật đến. Tôi cúi xuống người cha bình thản của mình khi ông nằm trên một cái băng-ca, trên người chỉ mặc một cái áo bệnh viện mỏng như giấy. Chiếc đồng hồ Rolex cũ, cái ví tả tơi và cái lược bỏ túi của ông đã bị lấy đi, nhưng đường ngôi rẽ mái tóc bạc của ông vẫn thẳng như kẻ chỉ.

“Con yêu bố,” tôi nói.

“Chà, làm cho xong chuyện này đi,” ông đáp và nhắm mắt lại lúc người ta đẩy ông đi.

Bố qua được ca mổ dù họ cắt mất phần lớn dạ dày ông. Ông trở lại căn hộ của tôi, và tôi nghe lỏm được ông nói chuyện với chú Zia trên điện thoại mà giấu không cho biết mình vừa bị bệnh. Mặc dù chú Zia hơi bị kích động quá mức nhưng có vẻ chú vẫn kiểm soát được. Mỗi cuộc nói chuyện đều kết thúc bằng việc bố tôi hỏi thăm cá của mình và chất giọng trầm to của chú Zia cam đoan với bố là lũ cá hoàn toàn ổn, thực tế là còn khỏe mạnh nữa.

Sau khi bố tôi đã hồi phục, tôi không muốn ông rời khỏi Boston. Ai sẽ chăm sóc ông trong căn hộ bụi bặm của ông ở Calcutta? Ai sẽ theo dõi việc đi khám của ông?

“Bố sẽ ổn thôi,” bố nói cộc lốc. Mặt ông đã hồng hào trở lại, và tóc ông đã lấy lại được màu bạc bóng mướt. “Mà dù sao thì Zia cũng ở đó, trong căn hộ tầng dưới nếu bố cần ai giúp. Giờ trước khi đi, bố cần mua mấy thứ cho bể cá của mình.”

Tôi dẫn bố tới một cửa hàng bán đồ cho thú cưng, và ông lấy hàng đống thứ thiết bị cho bể cá của mình, bao gồm cả thuốc nước để làm sạch những loại nấm do vây cá bệnh gây ra. Tôi phải bỏ ra một phần nhỏ gia tài của mình mua mớ hành lí quá cân và cho bố về nhà bằng vé hạng thương gia. Bố hầu như không nói chuyện với tôi trong khoảng thời gian còn lại ở Boston, ông chỉ bình luận rằng nên cạo mái tóc lưa thưa của con trai tôi thì tóc nó mới mọc lại dày và khỏe được.

Ít nhất bố cũng không về nhà trong quan tài, tôi nghĩ, lúc ông biến mất vào trong sân bay Logan.

18 tiếng sau, khi bố tôi đáp xuống Calcutta, em trai ông gặp ông ở đó. Chú Zia đã cạo râu tươm tất, mặc một chiếc áo dài không cổ truyền thống màu trắng sạch sẽ và đậm mùi nước hoa xoa mặt.

“Anh,” chú hân hoan nói, “thật tốt khi thấy anh. Em đã chăm sóc mọi thứ. Lũ cá được ăn no.”

Chú Zia nói không nghỉ suốt quãng đường từ sân bay về nhà. Họ về tới tòa nhà tập thể đổ nát của mình, ở đó bị bất điện nên bố vật vã leo lên cầu thang và dừng lại ở mỗi đầu cầu thang để thở.

Khi bước vào căn hộ, ông thấy nó hoàn toàn sạch sẽ. Chú Zia đã gọi một người phụ nữ dọn dẹp tới, và sàn nhà bằng đá sáng bóng, đồ đạc đã được phủi bụi, tất cả cửa sổ đều mở tung cho không khí trong lành tràn vào. Thế rồi, từ bên kia căn phòng, bố nhìn thấy cái bể cá yêu dấu của mình. Từ sự tĩnh lặng trong xanh của làn nước và cái cách đám thực vật mọc dày đến nghẹt thở, ông biết được là có chuyện gì đó không hay.

Lúc chú Zia vã mồ hôi và lảm nhảm hỏi về sô-cô-la Mĩ của mình, bố tôi nhìn thấy một tia sáng nhợt nhạt trong bể. Con cá ông tiên bụng trắng đang nổi lềnh phềnh, bụng hướng lên trên. Mấy con khác đã ăn thấu phần mang dài óng ánh của nó trước khi cũng chết nốt do thiếu không khí. Bể đầy cá chết nổi lềnh bềnh.

Bố tôi quay sang em trai mình, miệng ông mấp máy không nên lời. Rồi ông ngồi sụp xuống trường kỉ và cứ thế nhìn bể cá chằm chằm.

Vài ngày sau khi tôi nói chuyện với bố, ông không đề cập gì đến mấy con cá chết hết. Ông cứ nói mãi về việc thiếu điện, sự thô lỗ của mấy thằng cha hải quan, việc ông làm mất một trong số khăn tay của mình ở Boston - rằng tôi có thể tìm và mang nó theo khi về quê không?

Một tuần sau tôi gọi cho bố nhưng ông đang đi ra ngoài và chú Zia trả lời điện thoại. Mất ngủ và bị cắn rứt với cảm giác tội lỗi, chú tôi ngay lập tức kể chuyện mấy con cá chết. Tôi lắng nghe ông nói và tim tôi đau nhói khi nghe về số phận của cái bể cá xinh đẹp của bố. Và sau đó, có lẽ do tâm trí chú Zia quá dễ thay đổi nên ông lại bắt đầu một chuyện khác, chuyện gì đó liên quan tới việc bố tôi ngã cây xoài, chuyện đó lại dắt dây liền mạch vào một câu chuyện về việc bố tôi làm gãy cổ tay khi đánh nhau với một toán con trai. Tôi dần dần nhận ra là ông đang nói về những sự kiện đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỉ.

Tôi cẩn thận nghe, cố gắng luận cho ra ý nghĩa của câu chuyện đứt gãy, của những hình ảnh lộn xộn thời ấu thơ của bố chợt hiện lên trong tâm trí mình. Có thể tôi đã nghe cả ngày nếu như con trai tôi không kéo tay áo tôi chỉ vào thứ nó muốn bên kia phòng.

Khi tôi gác máy, chú Zia vẫn đang nói rất nhanh trong phấn khích. Hình như chú đã trở lại chuyện cá.

“Không phải chúng chết hết rồi đâu, thật đấy,” chú hét lên. “Mấy con dưới đáy vẫn hoàn toàn ổn. Mấy con có râu ấy.”

Tôi biết sau đó chú Zia sẽ nói về cá trê, những con vật ở tầng đáy sống được nhờ ăn cặn bã và tảo. Tôi tưởng tượng ra chúng nằm trong làn nước xanh tối tăm suốt mấy tháng qua, di chuyển cầm chừng, đần độn và lờ đờ, nhưng vẫn sống.

Trương Thị Mai Hương (dịch)

Nguồn:http://www.narrativemagazine.com/issues/stories-week-2010-2011/catfish

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước