Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
02:35 (GMT +7)

Buổi tối và buổi sáng trở nên như thế

Tác giả. Heinrich Böll (Đức)

Mãi đến trưa anh mới nảy ra ý tưởng gửi hộp quà Giáng sinh dành cho Anna ở quầy gửi hành lý tại nhà ga; anh hạnh phúc về ý tưởng đó, vì nó giải thoát anh khỏi sự cần thiết đi ngay về nhà. Kể từ khi Anna không còn nói chuyện với anh thì anh sợ về nhà; sự im lặng của cô đè nặng lên anh như một tấm bia mộ ngay sau khi anh đã bước vào căn hộ. Trước đây anh đã vui mừng mỗi khi về nhà, suốt hai năm trời từ ngày họ cưới nhau; anh thích ăn với Anna, thích nói chuyện, sau đó thích đi ngủ cùng cô ấy; nhưng anh thích nhất quãng thời gian giữa lúc lên giường và lúc ngủ thiếp đi. Anna ngủ thiếp đi sớm hơn anh, vì giờ đây cô ấy luôn mệt mỏi - và anh nằm trong bóng tối bên cạnh cô, nghe hơi thở của cô, và thỉnh thoảng từ dưới lòng đường ánh đèn pha của những chiếc ô tô chiếu ánh sáng lên trần nhà, thứ ánh sáng mà di chuyển xuống khi những chiếc ô tô đã vượt qua đỉnh dốc, sự lướt qua của thứ ánh sáng vàng nhạt hắt hình nghiêng nghiêng của người vợ đang ngủ của anh lên tường một lát; sau đó bóng tối lại bao trùm căn phòng, và chỉ còn lại những vòng nhỏ thưa: hoa văn của tấm rèm được vẽ bởi ánh đèn khí của đèn đường lên trần nhà. Anh thích quãng thời gian này nhất trong mọi quãng thời gian trong ngày, vì anh cảm thấy ngày rời bỏ anh ra sao, và anh từ từ chìm vào giấc ngủ như chìm vào một bồn tắm.

Giờ đây anh lưỡng lự đi vơ vẩn ngang qua quầy gửi hành lý, nhìn thấy chiếc hộp cát tông đựng quà Giáng sinh của anh ở phía sau vẫn ở giữa chiếc va li da màu đỏ và chiếc chai có giỏ bện. Chiếc thang máy mở đi xuống từ sân ga trống không, bị phủ trắng bởi tuyết: nó hạ xuống nền bê tông màu xám của phòng bán vé như một tờ giấy, người đàn ông đã điều khiển nó đi ra đằng trước và nói với nhân viên bán vé: “Bây giờ đúng là lễ Giáng sinh rồi. Sẽ tuyệt vời nếu bọn trẻ được chơi đùa với tuyết, đúng không?”. Nhân viên bán vé gật đầu, lẳng lặng xiên tờ phiếu gửi hành lý vào chiếc đinh, đếm tiền trong ngăn kéo và nhìn bằng ánh mắt hoài nghi sang phía Brenig, người đã lấy phiếu gửi hành lý ra khỏi túi áo, nhưng sau đó lại gấp lại và nhét vào túi. Lần thứ ba anh đã ở đây, lần thứ ba lấy ra tờ phiếu và lại nhét nó vào túi. Những cái nhìn hoài nghi của nhân viên bán vé khiến anh khó chịu, và anh đi vẩn vơ về phía cửa ra, dừng lại ở đó và nhìn sân ngoài trống không.

Anh thích tuyết, thích cái lạnh; thời tuổi trẻ anh đã thích thú hít thở không khí lạnh trong lành, giờ đây anh vất điếu thuốc lá đang hút dở đi và giơ mặt đón lấy cơn gió thổi những bông tuyết nhẹ và rất nhiều về hướng nhà ga. Brenig mở to mắt, vì anh muốn thế, khi những bông tuyết tự dính vào đôi lông mi của anh, luôn có những bông tuyết mới, trong khi những bông tuyết cũ tan ra và chảy thành những giọt nước nhỏ xuống đôi má anh. Một cô gái đi nhanh ngang qua chỗ anh đứng, và anh nhìn thấy chiếc mũ màu xanh của cô bị tuyết phủ trong khi cô chạy qua sân ngoài, nhưng chỉ khi cô đứng ở ga tàu điện thì anh mới nhận ra chiếc va li da nhỏ màu đỏ đã ở cạnh hộp cát tông đựng quà sinh nhật của anh trong quầy gửi hành lý đang ở trên tay cô. Người ta không nên kết hôn, Brenig nghĩ, thiên hạ chúc mừng một người, gửi hoa cho cô ta, gửi những bức điện tín ngu ngốc đến tận nhà, và sau đó để cô một mình. Họ dò hỏi người ta đã nghĩ đến mọi thứ hay không: nghĩ đến thiết bị nhà bếp, từ lọ đựng muối cho đến bếp lò, và cuối cùng họ biết chắc cái chai đựng súp cũng đang ở trong tủ hay không. Họ tính lại liệu người ta có thể nuôi sống một gia đình hay không, nhưng là một gia đình thì có nghĩa gì thì không ai nói ra. Họ gửi hoa, hai mươi bó, và có mùi giống như ở một lễ tang, sau đó họ đập vỡ đồ sứ trước cửa nhà(1) và để ai đó một mình.

Một người đàn ông đi ngang qua chỗ anh, và anh nghe thấy rằng người đàn ông say rượu và hát bài hát “Alle Jahre wieder(2)”, nhưng Brenig không quay đầu nhìn, và thế chỉ sau đó mới anh mới nhận ra là người đàn ông đang xách một chiếc chai có giỏ bện bằng tay phải, và anh biết rằng bây giờ chiếc hộp cát tông có quà Giáng sinh dành cho vợ mình đang nằm một mình ở trên giá cao nhất trong quầy gửi hành lý. Trong đó có một cái ô, hai quyển sách và một cây đàn dương cầm to bằng sô cô la màu nâu đậm: những phím đàn màu trắng bằng bột bánh hạnh nhân, những phím sẫm màu bằng những miếng hạnh nhân nguyên chất có ngào đường. Cây đàn dương cầm sô cô la to như một cuốn từ điển, và cô bán hàng đã nói rằng sô cô la giữ lâu được nửa năm.

Có thể ta đã quá trẻ để kết hôn - anh nghĩ. Có thể ta đã nên đợi, cho đến khi Anna ít quan trọng hơn, và ta đã trở nên quan trọng hơn, nhưng đúng là anh biết rằng anh đủ quan trọng, và rằng sự quan trọng của Anna đang đúng. Bởi thế anh yêu cô. Vì khoảng thời gian trước khi ngủ thiếp đi anh đã từ chối đi xem phim, đi khiêu vũ, đã không giữ đúng lịch hẹn. Buổi tối, khi anh nằm trên giường thì sự ngoan đạo, sự bình yên xâm chiếm anh, và sau đó anh thường xuyên nhớ lại câu mà nguyên văn của nó anh không còn hoàn toàn nhớ chính xác: “Chúa tạo ra quả đất và mặt trăng, hãy để chúng điều khiển ngày và đêm, phân chia giữa ánh sáng và bóng tối, và Chúa thấy rằng điều đó tốt. Buổi tối và buổi sáng trở nên như thế”. Anh đã dự định đọc lại một lần nữa câu đó trong quyển Kinh Thánh của Anna, nhưng anh thường xuyên quên việc ấy. Việc Chúa đã tạo ra ngày và đêm đối với anh có vẻ cũng vĩ đại như việc tạo ra những loài hoa, những loài vật và con người.

Anh thích quãng thời gian trước khi ngủ thiếp đi. Nhưng kể từ khi Anna không còn nói chuyện với anh nữa thì sự im lặng của cô nằm trên anh như một vật nặng. Nếu như cô chỉ nói “Trời đã trở lạnh…” hoặc “Trời sẽ mưa…” thì anh đã được giải toả. Nếu như cô chỉ nói “Vâng, vâng” hoặc “Không, không”, hay điều gì đó ngu ngốc hơn, nhiều hơn thế, thì anh đã hạnh phúc và cái ý nghĩ tới việc về nhà đã không còn đáng sợ. Nhưng nhiều lúc gương mặt của cô như bằng đá, và trong những lúc này đột nhiên anh biết khi là bà già trông cô sẽ ra sao; anh sợ, đột nhiên anh nhìn thấy mình ở ba mươi năm sau, ở tương lai như nhìn vào một mặt phẳng bằng đá, anh cũng nhìn thấy mình già, với một khuôn mặt như nhiều người đàn ông mà anh biết có nó: bị hằn lên bởi nỗi đắng cay, ít tự nhiên bởi nỗi đau bị kìm nén và hơi bị nhăn nhúm vào đến hai cánh mũi cùng với nỗi tức giận: những bộ mặt, bị rải rác bởi cuộc sống thường nhật như những cái đầu lâu…

Thỉnh thoảng anh cũng đã biết khi là một cô bé trông Anna đã ra sao mặc dù anh mới biết cô từ ba năm nay, anh thấy cô là cô bé mười tuổi đang mơ màng trên một quyển sách dưới ánh sáng đèn, đôi mắt điềm tĩnh, thâm trầm bên dưới đôi lông mi vàng lạt, lim dim trên trang sách đã đọc với cái miệng mở… Ồ, khi anh ngồi đối diện với cô trong bữa ăn thì gương mặt cô thay đổi như những bức tranh thay đổi qua sự rung lắc, và đột nhiên anh biết rằng lúc còn là trẻ con cô cũng đã ngồi thế, cẩn thận giằm khoai tây bằng dĩa và đã để nước xốt từ từ nhỏ giọt lên đó… Tuyết gần như đã dính chặt những hàng lông mi của anh lại, nhưng anh còn có thể nhận ra tàu điện số 4 khẽ trượt lại gần lên tuyết như một chiếc xe trượt tuyết.

Có thể ta nên gọi điện thoại cho cô ấy, anh nghĩ, gọi nhờ vào máy điện thoại gia đình nhà Mender, sau đó cô ấy sẽ phải nói với ta. Ngay sau tàu điện số 4 tàu điện số 7, chuyến tàu điện cuối cùng đi vào tối nay, sẽ đến, nhưng bây giờ anh đang bị lạnh cóng, và anh lững thững đi qua quảng trường, nhìn thấy từ xa con số 7 màu xanh được chiếu sáng, lưỡng lự dừng lại cạnh bốt điện thoại và nhìn vào trong một tủ kính bày hàng, nơi những người trang trí đang thay những ông già Noel và thiên thần bằng những con búp bê khác: những người đàn bà mặc áo hở vai, đôi vai trần của họ được rắc bằng giấy hoa, những chiếc cổ tay của họ được buộc bằng những băng giấy màu. Những con búp bê của những người đàn ông hào hoa phong nhã với mái tóc hoa râm nhanh chóng được đặt trên những chiếc ghế đẩu cao ở quầy rượu, những cái nút của những chai rượu sâm banh rơi rải rác xuống đất, đôi cánh tay và những mớ tóc xoăn của một con búp bê bị lấy đi, và Brenig ngạc nhiên, thật là nhanh để một thiên thần biến thành một người pha rượu. Ria mép, bộ tóc giả màu đen, và cái biển đề câu châm ngôn “Giao thừa mà lại không có rượu sâm banh sao?” được đóng đinh cố định lên tường.

Lễ Giáng sinh ở đây đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Có thể, anh nghĩ, Anna cũng quá trẻ, cô ấy mới hai mốt tuổi, và trong khi anh ngắm nhìn ảnh phản chiếu của mình ở trong tủ kính bày hàng thì anh nhìn thấy rằng tuyết đã che phủ những sợi tóc của anh như một cái vương miện nhỏ - trước đây anh đã nhìn thấy như thế trên các cọc hàng rào - anh sực nhớ ra là những người già khi họ nói về tuổi thanh xuân vui nhộn: khi người ta trẻ thì mọi thứ đều quan trọng và khó khăn, và không ai giúp ai, và bất ngờ anh ngạc nhiên rằng anh không ghét Anna vì sự im lặng của cô, rằng anh không muốn đã lấy một người khác. Toàn bộ từ vựng được kể lại cho một người như thế không có giá trị: xin lỗi, ly hôn, lại bắt đầu, thời gian sẽ giúp - tất cả những từ này đều không giúp gì cho người ta cả. Một mình người ta cần phải đối phó với điều đó, vì người ta khác so với những người khác, và vì Anna là một người vợ khác so với những người vợ của những người khác.

Những người trang trí khéo léo đóng đinh những chiếc mặt nạ lên những bức tường, buộc những quả pháo Giáng sinh lên một sợi dây; tàu điện số 7 đã khởi hành từ lâu, và chiếc hộp cát tông có quà Giáng sinh dành cho Anna vẫn nằm ở phía trên giá.

Ta hai mươi nhăm tuổi, anh nghĩ, và ta cần phải bị phạt nặng vì một điều dối trá, một điều dối trá nhỏ, một điều dối trá ngu ngốc mà như hàng triệu người đàn ông hàng tuần hay hàng tháng mắc phải: bằng một cái nhìn vào tương lai bằng đá, Anna như là nhân sư cần phải nhìn thấy chính ta là ông già bị nhuộm vàng nhạt bởi nỗi đắng cay đang ngồi xổm trước hoang mạc đá này. Vâng, cái chai có gia vị súp sẽ luôn ở trong tủ, lọ muối ở chỗ bên phải, và từ lâu anh sẽ là trưởng phòng và có thể nuôi gia đình sống tốt: một gia đình bằng đá, và anh sẽ không bao giờ nằm trên giường nữa, sẽ khen ngợi sự tạo ra buổi tối trong quãng thời gian trước khi ngủ thiếp đi, sẽ cám ơn Chúa về buổi tối vĩ đại, và anh sẽ gửi những bức điện tín rất ngu ngốc vào dịp lễ cưới cho những người trẻ, như anh đã nhận được chúng…

Những người vợ khác đã cười về một lời nói dối rất ngu ngốc vì nội dung, những người vợ khác biết rằng tất cả đàn ông đều nói dối vợ của họ: đó có thể là một thứ giống như là tự vệ bẩm sinh, trái ngược với nó họ nghĩ ra những lời nói dối của riêng mình, nhưng gương mặt của Anna đã biến thành đá. Cũng có những quyển sách viết về hôn nhân, và anh đã tìm hiểu trong những quyển sách này người ta có thể làm gì khi có điều gì đó trong hôn nhân thất bại, nhưng không có trong quyển sách nào trong số những quyển sách đó đã có điều gì đó viết về một người vợ đã biến thành đá. Trong những quyển sách này viết về việc làm sao người ta có con và làm sao để người ta không có con, và có nhiều lời nói to và đẹp, nhưng thiếu những lời nói nhỏ.

Những người trang trí đã kết thúc công việc của họ: những băng giấy màu đang treo trên những dây thép được buộc chặt bên ngoài khoảng thấy, và anh nhìn thấy ở phía trong cùng của cửa hàng một trong những người đàn ông cắp hai thiên thần biến mất, trong khi người thứ hai còn trút hết một túi giấy hoa lên những đôi vai trần của những con búp bê và còn đóng đinh dịch cái biển đề câu châm ngôn “Giao thừa mà lại không có rượu sâm banh sao?” sang bên phải một chút.

Brenig phủi tuyết khỏi những sợi tóc của mình, đi qua quảng trường trở lại phòng chờ nhà ga, khi lần thứ tư anh đã lấy phiếu gửi hành lý ra và đã vuốt cho phẳng thì anh chạy nhanh, như thể anh không còn giây nào nữa để mất. Nhưng quầy gửi hành lý đã đóng cửa, và có cái biển đề dòng chữ “Mở cửa 10 phút trước khi một chuyến tàu đến hoặc khởi hành” trước tấm song sắt. Brenig cười, anh cười lần thứ nhất từ trưa và nhìn vào chiếc hộp cát tông của mình đang nằm ở phía trên giá đằng sau những song sắt như trong một nhà tù. Chiếc bảng giờ tàu treo bên cạnh quầy gửi hành lý, và anh nhìn thấy rằng chuyến tàu tiếp theo chỉ đến trong một tiếng đồng hồ nữa. Lâu như vậy ta không thể đợi, anh nghĩ, và vào lúc này ta thậm chí sẽ không nhận được hoa hoặc một thanh sô cô la, không một cuốn sách nhỏ và chuyến tàu điện số 7 cuối cùng đã đi khỏi. Lần đầu tiên trong đời anh nghĩ tới việc đi tắc - xi, và anh cho là mình đã rất trưởng thành, đồng thời hơi khờ khạo, khi anh chạy qua sân ngoài nhà ga đến xe tắc - xi. Trong xe anh ngồi ở phía sau, cầm tiền trên tay: tờ 10 mác(3), tờ tiền cuối cùng của anh mà anh đã để dành để còn mua cho Anna chút ít gì đó đặc biệt, nhưng anh đã không tìm thấy gì đặc biệt cả, và bây giờ anh đang ngồi đây với tờ tiền trên tay và quan sát chiếc đồng hồ tắc - xi mỗi lần tăng lên 10 xu trong những cự ly ngắn - đối với anh có vẻ trong những cự ly rất ngắn, và mỗi lần, khi chiếc đồng hồ tắc - xi kêu đánh cạch thì điều đó như đánh trúng tim anh, mặc dù đồng hồ mới chỉ hiện ra con số 2,80 mác. Anh nghĩ, ta đang về nhà mà không có hoa, không có quà tặng, đói, mệt và ngu ngốc, và anh sực nhớ ra là chắc chắn anh đã nhận được một thanh sô cô la nếu anh ở lại phòng chờ nhà ga.

Những đường phố trống không, chiếc xe tắc - xi đi gần như không có tiếng động trên tuyết, và Brenig có thể nhìn thấy những cây thông Noel có đèn nhấp nháy ở trong những ngôi nhà đằng sau những ô cửa sổ được chiếu sáng: lễ Giáng sinh, thứ mà với nó là trẻ con anh đã hiểu là gì và đã cảm thấy trong ngày này, thứ mà đối với anh có vẻ đã xa rồi, thứ mà quan trọng và có giá trị, diễn ra không phụ thuộc vào lịch và ở hoang mạc đá. Lễ Giáng sinh sẽ như một ngày nào đó trong năm và lễ Phục sinh giống như một ngày mưa trong tháng Mười Một: ba mươi, bốn mươi tờ lịch bị bóc ra, cuống lịch với những phần giấy còn lại bị xé rách, thứ sẽ còn lại, nếu người ta không để ý.

Anh sợ khi người lái xe tắc - xi nói: “Chúng ta đến nơi rồi...”. Sau đó anh cảm thấy bớt căng thẳng khi nhìn thấy chiếc đồng hồ tắc- xi đã dừng lại ở con số 3,40 mác. Anh sốt ruột đợi, cho đến khi anh đã được trả lại tiền với đồng năm mác, và anh cảm thấy nhẹ cả người, khi anh nhìn thấy ánh sáng phía trên ở trong căn phòng, nơi giường của Anna kê bên cạnh giường anh. Anh cho là không bao giờ quên khoảnh khắc của sự nhẹ nhõm này, và khi anh lấy chìa khoá nhà ra, đút nó vào trong ổ khoá cửa thì anh lại cảm thấy cảm giác ngu ngốc mà anh đã cảm thấy khi lên tắc - xi: anh cho là mình đã rất trưởng thành, đồng thời hơi khờ khạo.

Ở trong bếp cây thông Noel được để ở trên bàn, và ở đó có những quà tặng dành cho anh: một đôi tất, một bao thuốc lá, một cái bút máy mới và một cuốn lịch màu khá to mà anh sẽ có thể treo cho mình lên trên bàn viết ở văn phòng. Sữa có ở trong xoong trên bếp lò, anh chỉ cần bật ga, và những lát bánh mỳ đã được chuẩn bị sẵn trên đĩa - nhưng tối nào cũng như thế, ngay cả kể từ khi Anna đã không nói chuyện với anh nữa, việc xếp đặt cây thông Noel và việc sắp sẵn quà tặng đã như việc phết bơ cho những lát bánh mỳ: một bổn phận, và Anna sẽ luôn làm tròn bổn phận của mình. Anh không thích sữa, và cả những lát bánh mỳ ngon lành cũng không quyến rũ anh. Anh đi vào hành lang nhỏ và ngay lập tức thấy rằng Anna đã tắt đèn. Nhưng cánh cửa dẫn vào phòng ngủ mở, và anh gọi khẽ vào cái hình bốn cạnh tối om mà không hy vọng nhiều: “Anna, em đang ngủ đấy à?”. Anh đợi, có vẻ lâu đối với anh, như thể câu hỏi của anh rơi vào nơi vô cùng, vô tận, và sự im lặng tối om trong cái hình bốn cạnh tối om của cánh cửa phòng ngủ bao hàm tất cả những gì trong ba mươi, bốn mươi năm còn đợi anh - và khi Anna nói “Không” thì anh nghĩ mình đã nghe nhầm, có thể đó là một sự nhầm lẫn và anh nói tiếp một cách vội vàng và to: “Anh đã làm một việc ngu ngốc. Anh đã gửi những món quà tặng dành cho em ở quầy gửi hành lý của nhà ga, và khi anh định lấy chúng thì quầy gửi hành lý đã đóng cửa, và anh đã không muốn đợi. Việc đó tồi tệ phải không em?”.

Lần này anh chắc chắn đã nghe chính xác câu trả lời “Không” của Anna, nhưng anh cũng nghe thấy rằng câu trả lời “Không” này không phát ra từ góc phòng, nơi có hai cái giường của họ. Rõ ràng là Anna đã xê dịch giường của cô ra phía dưới cửa sổ. “Những món quà dành cho em gồm có một cái ô”, anh nói, “hai quyển sách và một cây đàn dương cầm nhỏ bằng sô cô la, nó to như một cuốn từ điển, những phím đàn được làm bằng bột bánh hạnh nhân và bằng những miếng hạnh nhân nguyên chất có ngào đường”. Anh không nói tiếp, lắng nghe câu trả lời, nhưng nó không phát ra từ cái hình bốn cạnh tối om, nhưng khi anh hỏi “Em có vui không?” thì câu trả lời “Có” phát ra nhanh hơn cả hai câu trả lời “Không” lúc trước…

Anh tắt điện bếp, cởi quần áo trong bóng tối và nằm xuống giường của mình: xuyên qua những bức rèm anh có thể nhìn thấy những cây thông Noel trong toà nhà đối diện, và phía dưới trong toà nhà có tiếng hát, nhưng anh lại có quãng thời gian của mình, có hai câu trả lời “Không” và một câu trả lời “Có”, và khi một chiếc ô tô lên dốc thì chiếc đèn pha chiếu ra hình nghiêng bằng bóng tối của Anna cho anh…

(1). Phong tục đập vỡ chén đĩa ở Đức với quan niệm số lượng những chiếc bát, đĩa bị đập vỡ trước lễ cưới càng nhiều, và cô dâu cùng chú rể phải dọn dẹp hết số đĩa vỡ càng lớn cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng càng bền vững. Đồ sứ vỡ hết tượng trưng cho sự đổ vỡ, khi ném hết sự đổ vỡ đi thì chỉ còn lại sự gắn kết yêu thương trong cuộc sống vợ chồng.

(2). Tiếng Đức: “Mỗi năm một lần nữa” - là một trong những bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất của Đức.

(3). Đơn vị tiền tệ cũ của Đức.

Dịch giả: Phạm Đức Hùng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đêm Giao thừa

Văn học nước ngoài 5 ngày trước

Cuộc sống hào hoa

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Bánh quy gừng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Một ngàn năm ở Tokyo

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Bí quyết mua xe cũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những vì sao

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Khi trúng số độc đắc

Xem tin nổi bật 3 tháng trước