Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:45 (GMT +7)

Bức thư giấu tên – Truyện ngắn. Đặng Giải Hoa (Trung Quốc)

VNTN - Hôm nay là ngày đại hỷ của con trai chủ tịch xã Điền Vĩ nên hầu hết các chủ doanh nghiệp và các hộ buôn bán trong địa bàn xã Liên Hoa đều đến chúc mừng. Sau khi tiễn đợt khách cuối cùng ra về vợ chồng Điền Vĩ đóng cửa lại bắt đầu kiểm đếm phong bao: Ông chủ Lý 1000 đồng, ông chủ Lưu 1500 đồng... Bà vợ Điền Vĩ bỗng thốt lên: “Còn thiếu cái lão Đức Can, thật không biết điều tý nào!”. Nói xong thuận tay vứt một cái phong bao vào sọt rác, Điền Vĩ vội nhặt lên xem hoá ra bên trong là mấy tờ giấy lộn. Bây giờ việc đem phong bao giả đến ăn cỗ mừng là chuyện không có gì lạ nên vợ chồng Điền Vĩ chẳng bận tâm lắm.

Hôm sau khi đang ăn sáng bà mẹ Điền Vĩ lại đưa cho ông một cái phong bì và nói: “Mẹ quét nhà nhặt được trong phòng của con mở ra thấy có bức thư, con xem xem!”.

Điền Vĩ vội mở thư ra xem và ông đã bị nội dung bức thư cuốn hút:

“Chủ tịch Điền kính mến!

Tôi là một người dân bình thường ở thôn Tam Lý… có thể ông không biết rằng ở thôn tôi có một cây cầu nguy hiểm vì rất lâu nó không được tu sửa. Cây cầu này nằm trên con đường đến trường tiểu học nên hàng ngày các cháu học sinh phải đi qua nó, chỉ sợ nhỡ ra...”

Tuy lời lẽ trong thư không có gì khó nghe nhưng lợi dụng hình thức này để gửi thư cho chủ tịch xã có nghĩa không vừa ý với cách làm việc của chủ tịch. Mặt Điền Vĩ tự nhiên nóng bừng, ông nghĩ thầm vậy rốt cuộc bức thư này là của ai?

Buổi trưa Điền Vĩ lập tức đến thôn Tam Lý, các cán bộ thôn xem bức thư giấu tên và đều cho rằng bức thư này của Lục Căn.

Nói về Lục Căn, Điền Vĩ biết ông ta từ rất lâu, vợ ông ta ốm yếu không thể làm công việc đồng áng được. Đứa con gái lớn bị bệnh bại liệt từ lúc mới ba tuổi nên hàng ngày Lục Căn phải cõng con đi học, do đó Lục Căn không thể đi ra ngoài lao động kiếm tiền như những người khác vì thế đời sống gia đình rất khó khăn. Năm ngoái có một người hảo tâm biết hoàn cảnh của Lục Căn đã giúp đỡ anh ta bằng cách lặng lẽ gửi tiền đóng học phí cho con Lục Căn.

Dưới sự tháp tùng của các cán bộ thôn Điền Vĩ đích thân đi kiểm tra tình trạng của cây cầu. Tới nơi Điền Vĩ mới thấy lời lẽ trong bức thư giấu tên là đúng sự thực. Cây cầu này xây dựng cách đây đã lâu nhưng không được sửa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng: mặt cầu thủng lỗ chỗ, lan can bảo vệ hai bên đều không còn nếu trẻ nhỏ và người già đi trên cầu thì thật không an toàn.

Việc sửa cầu là việc cấp bách, Điền Vĩ hỏi các cán bộ thôn nên như thế nào thì các cán bộ thôn chỉ lắc đầu thở dài. Lão Thi, trưởng thôn nói: “Ông chủ tịch ạ, sửa chữa cây cầu này đơn giản cũng cần mấy vạn đồng nhưng hiện nay thôn chúng tôi mũi chưa nhìn thấy môi lấy đâu ra tiền mà sửa”.

Tình hình của thôn Tam Lý ông chủ tịch hiểu rất rõ, do địa thế xa xôi hẻo lánh nên phát triển chậm. Hiện nay chưa nói đến việc sửa cầu mà tiền lương của các thầy cô giáo trường tiểu học cũng phải dựa vào sự hỗ trợ của thị trấn. Là người chịu trách nhiệm chính các công việc của xã, Điền Vĩ không thể trốn tránh trách nhiệm của mình. Trước khi đi Điền Vĩ nói với các cán bộ thôn: “Cây cầu này nhất định phải sửa để đảm bảo an toàn cho học sinh đi lại, tôi về suy nghĩ tìm cách tháo gỡ”.

Ba ngày sau chính quyền thôn Tam Lý nhận được một khoản tiền, phần phụ lục của giấy gửi tiền ghi là ủng hộ để sửa cầu, người gửi là Tân Khí Tật. Đúng là một người tốt bụng, chắc là một ông chủ doanh nghiệp nào đó có rất nhiều tiền.

Sau khi cầu được sửa chữa xong, lão Thi lên xã nhờ chủ tịch Điền tìm giúp Tân Khí Tật mời ông ta đến cắt băng khánh thành cầu đồng thời để cán bộ thôn có lời cảm ơn ông ta nhưng tìm khắp trong xã không ai có tên như thế cả.

Người tìm không thấy, chỉ vất vả cho trưởng thôn Tam Lý. Khi nghe mọi người trò chuyện bà mẹ Điền Vĩ phân tích: “Tôi cho là cái tên Tân Khí Tật chỉ là tên giả vì người ủng hộ tiền không muốn cho mọi người biết tên thật của mình. Tại sao người đó lại lấy tên của một nhà thơ thời Nam Tống. Tôi khẳng định nó còn có ý nghĩa gì đó”.

Bà mẹ Điền Vĩ trước khi nghỉ hưu là giáo viên tiểu học thôn Tam Lý, bố Điền Vĩ là hiệu trưởng. Năm ngoái bố Điền Vĩ bị bệnh nặng mất đi, lúc lâm chung ông có một di nguyện là mong muốn mộ của mình được đặt ở luỹ tre sau trường tiểu học. Bây giờ đứng trên cây cầu mới được tu sửa bà mẹ Điền Vĩ vô cùng xúc động, bà nói với con trai: “Con ơi, cầu đã được sửa sang đẹp đẽ rồi bố con ở dưới suối vàng chắc mãn nguyện lắm!”. Nhìn thấy mẹ vui vẻ, trong lòng Điền Vĩ bỗng thoáng một chút hổ thẹn, ông nói với mẹ: “May mà có người nhắc nhở, làm chủ tịch như con thì không biết đến bao giờ mới nhớ đến việc này”.

Tưởng rằng cầu được sửa xong thì không còn việc gì nữa. Một năm sau bất ngờ lại xuất hiện lá thư giấu tên thứ hai. Hôm đó, Điền Vĩ làm đầy tháng cho đứa cháu nội, tuy ông không mời ai nhưng tự nhiên các ông chủ và các hộ buôn bán trong địa bàn xã vẫn đến chúc mừng. Khi khách về hết vợ chồng Điền Vĩ lại kiểm đếm phong bao. Lần “thu hoạch” này còn nhiều hơn lần trước, khi mở cái phong bao cuối cùng  Điền Vĩ bỗng giật thót mình như bị ong châm: bên trong lại là một bức thư. Nội dung cũng tương tự như bức thư trước có quan hệ đến việc học tập của trẻ nhỏ: Giống như cây cầu, trường tiểu học của thôn Tam Lý cũng rất lâu chưa được sửa chữa nên mái bị dột, các cửa bị hỏng gần hết nên học sinh học trong tình trạng như ở ngoài trời... Cuối bức thư vẫn là yêu cầu chủ tịch Điền nghĩ biện pháp đế nhanh chóng sửa chữa lại trường học.

Tỷ mỉ đối chiếu nét chữ hai bức thư thấy giống hệt nhau, xem ra hai bức thư này vẫn do một người viết. Nếu nói rằng bức thư này vẫn là của Lục Căn thì có điểm vô lý vì chả nhẽ đây là vấn đề khó nói của Lục Căn?

Một tuần sau, chính quyền thôn Tam Lý lại nhận được một khoản tiền ủng hộ để sửa chữa trường tiểu học, người gửi vẫn là Tân Khí Tật.

Không lâu sau Điền Vĩ bị “mời” lên cục chống tham nhũng vì có người tố cáo ông lợi dụng chức quyền, làm những chuyện không đứng đắn, biến tướng việc gia đình để thu phong bao.

Con trai gặp rắc rối chỉ khổ cho bà mẹ Điền Vĩ, mấy ngày đó bà cứ ra đứng lặng thinh ở luỹ tre sau trường tiểu học. Trưởng thôn Tam Lý cũng rất buồn an ủi bà: “Bà không nên lo lắng quá, chủ tịch Điền không có gì sai đâu, “cây ngay không sợ chết đứng”, sẽ không có chuyện gì đâu.”

Hai ngày sau quả nhiên Điền Vĩ trở về. Nghe nói có người viết thư cho cục chống tham nhũng chứng minh rằng tuy Điền Vĩ có thứ phong bạo nhưng lại dùng số tiền đó lấy tên là Tân Khí Tật ủng hộ thôn Tâm Lý sửa cầu và trường học. Cục chống tham nhũng đã cử người về thôn Tâm Lý tìm hiểu tình hình. Trưởng thôn đưa ra hai tờ photo giấy gửi tiền có bút tích của người gửi là “Tân Khí Tật”. Trưởng thôn nói: “Thực ra khi xem chữ viết ở phần phụ lục giấy gửi tiền tôi đã biết tiền này của chủ tịch Điền ủng hộ vì nét chữ của chủ tịch Điền tôi quá quen thuộc”.

Con trai đã trở về nhưng trong lòng bà mẹ Điền Vĩ vẫn có điểm không yên tâm. Bà nghĩ rằng khi con trai nhận được hai bức thư giấu tên mới gửi tiền ủng hộ, nếu không có hai bức thư đó liệu nó có gửi tiền đi không? Điều này bà day dứt mãi đến gần một năm sau mới giải toả được.

Hôm đó, Điền Vĩ lại làm một bữa tiệc mừng đứa cháu nội tròn một tuổi. Lần này Điền Vĩ thu về được mấy vạn đồng tiền mừng và ông mang tất cả lên thị trấn lập một “quỹ khuyến học xã Liên Hoa” để giúp đỡ những hộ nghèo khó trong xã. Sau đó, mọi người còn biết được là người hảo tâm lặng lẽ gửi tiền đóng học phí cho con Lục Căn vẫn là chủ tịch Điền.

Một lần nữa bà mẹ Điền Vĩ lại đến luỹ tre sau trường học. Trước mộ chồng bà vui mừng bẩm báo với ông: “Ông ơi! Tôi đã trách nhầm con trai. Vì sợ nó phạm sai lầm nên tôi đã nhờ người viết hai bức thư cho nó. Không ngờ con chúng ta không những không phạm sai lầm mà ngược lại nó còn rất chu đáo...”.

Nguyễn Thiêm (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước