Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:39 (GMT +7)

Bảy nàng María – Truyện ngắn của Martha Batiz

VNTN - Trong toàn vùng, nhiều tuần lễ người ta nói về chuyện bà Donã Tonã sinh một lần được nhiều con. Bảy bé gái khỏe mạnh đã chào đời từ cái bụng bầu to tướng của mẹ, khóc to hết cỡ. Ngay khi Donã Tonã cho bú xong hết lượt thì tiếng khóc vì đói lại vang lên nơi những đứa vừa được cho bú đầu tiên. Trong ba mươi ngày và ba mươi đêm bà không ngủ, mà tận tụy cho từng đứa con bú no. Chỉ sau một tuần chăm con vất vả, đôi vú bà trông giống như vú của một con bò lớn. Ngay từ đầu, Donã Tonã đã không có thời gian để làm trạng thái thay đổi cơ thể bà đang trải qua dừng lại. Chỉ về sau này, khi những người khác bảo bà hãy chú ý tới việc bà ngày càng teo tóp trong khi các cô bé phát triển - như thể sữa mà các cô bé bú hàng ngày đã rút đi nơi bà từng mẩu nhỏ của cơ thể - bà mới cai sữa chúng. Chọn tên để đặt cho chúng thì cũng khó như việc phân biệt đứa này với đứa kia, vì thế sau cùng Donã Tonã chọn đặt một tên María cho tất cả các con. Theo cách đó bà sẽ không bao giờ nhầm lẫn mỗi khi bà gọi chúng.

Donã Tonã và bảy cô con gái cùng tên María của bà sống trong một ngôi nhà lớn ở vùng ngoại ô thị trấn. Các cô bé thường gây huyên náo, bởi vì bất kỳ chuyện gì một cô bé gặp phải thì cũng tác động đến tất cả với cảm xúc có cường độ tương đương. Nếu một trong các cô bé trượt chân té ngoài sân, thì cứ như thể cả bảy cô như bị vấp, và tiếng khóc của chúng làm bà mẹ mập mạp bối rối, vội vã chạy từ đứa này sang đứa kia, không chỉ cố an ủi tất cả mà còn để tìm ra đứa nào bị đau thật sự.

Khi chúng lớn lên, bảy cô bé María gặp phải những vấn đề của chúng gấp bảy lần. Tổng cộng, chúng bị bốn mươi chín lần viêm ruột thừa, sởi, cảm lạnh, và rối loạn tiêu hóa, ấy là chưa nói đến trận nhức răng khủng khiếp do một cô bé đã bị vì quá thích ăn ngọt. Ở trường, mỗi lần một cậu trai giật bím tóc của một cô María, thì tất cả các cô bị đau - và sau đó chúng sẽ trả thù bằng cách vây quanh thủ phạm và quay như chong chóng chung quanh cậu ta cho tới khi cậu ta té xỉu vì chóng mặt.

Khi họ bước vào tuổi thiếu niên, những mối xung đột chia sẻ giữa họ trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi lần một cô María cố nặn một nốt mụn trên mặt, thì sáu cô kia cảm thấy mặt bị nặn và trở nên khó chịu. Và vì thế nên ngoài việc mua thực phẩm và hàng hóa hàng tuần, Donã Tonã phải mua thêm hàng tá hoa hồng và quả đào để làm thuốc mỡ cho các cô gái, với hy vọng sẽ làm giảm bớt số vụ cãi cọ bùng phát vì da mặt thương tổn bởi mụn hay vết nám.

Sự thực là cả làng ngạc nhiên về sự kiên nhẫn và sắp xếp tốt mà Donã Tonã thể hiện khi bà đưa bảy cô con gái, cả một đoàn, đi khám bệnh, đi nghe lễ Mass, đến trường - họ luôn luôn cùng đi với nhau. Bà mẹ phải chữa chứng mất ngủ cho họ, làm giảm các cơn đau và khó chịu của họ, xoa dịu sự tức bực của họ, đáp ứng sở thích bồng bột và sự tò mò của họ; mỗi tháng, mỗi cô María phải chịu sáu lần kinh nguyệt ngoài chu kỳ của chính mình, cũng số lần bị phỏng như vậy vì nấu ăn, và bị kim đâm khi thêu thùa buổi tối. Tuy nhiên Donã Tonã không hề lo lắng về việc đáp ứng nhu cầu của họ. Thực tế là dường như bà có sức chịu đựng và năng lực của bảy người đàn bà gộp lại.

Nhưng hoàn cảnh đưa đến một khúc ngoặt tệ hại có tính quyết định khi một trong bảy cô María yêu lần đầu tiên. Đột ngột, cả bảy cô gái ăn không thấy ngon, tim họ rộn ràng, họ không thể tập trung khi học hay may vá, và họ thường nấu hư các món ăn, nhưng chỉ có một cô trong số họ có lý do đích thực để chịu đựng, còn thì sáu người kia cảm thấy bối rối vì cảm giác ngượng ngùng. Donã Tonã như bị vây quanh bởi những tiếng thở dài và những cuộc cãi vã, mặc dù hầu hết thời gian các cô con María của bà dành cho mơ mộng, chìm đắm trong những ý nghĩ của họ: họ ngân nga những giai điệu họ tự đặt ra trong khi nằm dài trên bãi cỏ hay đu đưa trong những chiếc võng lụa hay khi uống nước chanh trong sân có mái che. Mẹ họ lo lắng đến mức bà ra sức lần tràng hạt đọc kinh cho từng cô con gái của bà mỗi ngày.

Sau nhiều tuần lễ, María không còn chịu đựng được nữa và đi tìm Juan để thú thực rằng nàng yêu chàng, nhưng nàng quá mắc cỡ khi mặt đối mặt với chàng đến mức sáu người chị kia của nàng không đủ can đảm để ra khỏi giường sáng hôm đó. Tất cả họ đều mặt đỏ bừng và đau khổ, vì thế Donã Tonã phải pha sáu bình trà cây đoạn với hoa cúc cho họ trước khi rời nhà đi tìm cô María đã bỏ đi kia. Trong cơn bức xúc, người mẹ vô vọng lùng sục những con đường trong thị trấn, vì không ai có thể nói cho bà biết cô con gái của bà ở đâu.

Khi trở về nhà, bà hoảng hồn: sáu cô con gái của bà đều khỏa thân, cười phấn khích, và nhảy nhót quanh nhà. Họ tuyên bố họ đang cảm thấy một cảm giác râm ran kỳ lạ trên khắp cơ thể, đặc biệt là cảm giác sung sướng giữa hai chân. Donã Tonã nổi nóng và mất kiên nhẫn, nhanh chóng ra lệnh cho tất cả đi tắm nước lạnh pha tinh dầu khuynh diệp. María, trong vòng tay Juan, ngã người trên cỏ, rùng mình vì lạnh, nhưng lạnh chỉ làm cho nàng ôm chàng nhiệt tình hơn. Ngay dưới tác động của nước lạnh, những tiếng rên rĩ đồng thanh trong nhà của Donã Tonã làm cho những bức tường rung lên. Những lời chửi bới và những cú đánh mà bà mẹ trút lên những cô con gái dường như chỉ làm cho vấn đề tệ hơn. Cô nàng María đi hoang kia đã quyết tâm chống lại những cảm xúc và cảm giác mà các người chị của nàng truyền sang nàng với toàn bộ ý chí và, bất chấp cơn đau lan trên toàn cơ thể của nàng, những nụ hôn và những vuốt ve của Juan làm giảm sự khốn khổ của nàng.

Tuy nhiên, cuối cùng, những vết bầm mà sáu cô gái đã lãnh có tác động của chúng, và tất cả bảy cô María bắt đầu khóc. Trực diện với những giọt nước mắt bất ngờ của María, Juan hoảng sợ đến mức bỏ chạy khỏi làng. Nàng María của chàng quá tổn thương, đồng thời quá sung sướng, đến mức nàng không có khả năng rượt theo chàng. Cảnh chàng bán khỏa thân biến mất giữa rừng cây bụi đem lại cho nàng một nỗi chán nản sâu sắc. Nàng gọi với theo chàng cho tới khi giọng nàng khản đặc và cơn khóc của nàng trở nên không thể kiềm chế.

Đêm đã xuống khi Donã Tonã tìm thấy nàng. Nỗi buồn quá lớn của cô con gái đã làm giảm đi sự tức giận - giống như hồi còn bé cơn háu đói của các cô làm gầy đi thân thể của bà, và vì thế bà chỉ cố dỗ dành nàng María thất tình và giúp nàng đi về nhà mà không trách mắng hay thắc mắc bất kỳ điều gì. Thực sự bà ân hận sâu sắc về lần đầu tiên đã đánh các nàng María kia, và tự bà thề với chính mình rằng đó sẽ là lần cuối cùng.

Ngay khi bảy nàng María đoàn tụ, Donã Tonã không biết phải an ủi ai trước. María không thể ngừng khóc thương cho mối tình đã mất, và những người kia cùng đau khổ với nàng. Nước mắt thì dồi dào đến mức nền nhà bắt đầu bị ngập. Donã Tonã từ bỏ ý định dùng khăn thấm nước và phải đem ra những chén và bình, rồi đến mấy cái xô hoen rỉ để đựng nước mắt. María càng nhớ Juan, càng cảm thấy đau khổ, và tất cả họ càng khóc. Donã Tonã cuối cùng trút hết các chai rượu, chai sốt và chai giấm để có thể dùng chúng đựng đầy nước mắt. Trong vòng vài ngày, toàn thị trấn biết chuyện đang xảy ra trong nhà bà, và, bị thúc đẩy bởi sự tò mò hơn là thương cảm, những phụ nữ trong làng ra mặt đem đến nhiều vật đựng để chứa thứ nước mắt cứ trào tuôn không dứt.

Chính vì tình cờ mà Donã Tonã quyết định bán nước mắt của các cô con gái của bà. Một bà hàng xóm đã lấy đi một bình đầy nước mắt, và khi bà ta nhầm lẫn uống thứ nước mắt đó, bà chìm vào một cơn buồn bã khóc lóc suốt buổi chiều. Sau khi lập lại trải nghiệm đó, những phụ nữ khác thấy rằng điều ấy là hữu ích khi họ phải đi dự một đám tang, hay, như vợ của ông chủ tiệm tạp hóa thú nhận, là để làm eo làm sách với chồng để đòi ông cho bà thứ bà muốn. Chẳng bao lâu mọi phụ nữ trong làng muốn có trong tay một hoặc hai chai nước mắt María, để dự trữ và có thể dùng ngay cho bất kỳ trường hợp nào cần thiết. Thế là họ bắt đầu trả tiền cho Donã Tonã để đổi lấy nước mắt của các cô con gái của bà.

Không chỉ nước mắt của các nàng María không bao giờ dừng, mà chúng càng ngày càng dồi dào hơn. María buồn khóc không nguôi vì Juan, nhưng nàng cũng buồn khóc cho tình trạng đáng tiếc mà các chị nàng gặp phải. Về phần các cô chị, họ khóc vì tình trạng lẻ loi và thất vọng của María, cũng khóc cho cảnh ngộ của họ. Sự tuyệt vọng của họ dâng lên khi họ nhìn nhau và cảm thấy không có lối thoát nào cho tình cảnh khốn khổ của họ. Donã Tonã hẳn sẽ hóa điên nếu những tiếng khóc than kia đã không làm bà hóa điếc vài ngày sau khi thảm họa bắt đầu.

Dần dần, tin về tiệm nước mắt của Donã Tonã lan ra khắp vùng. Đàn ông và đàn bà từ mọi nơi bắt đầu đến, hy vọng có được nước mắt dùng để khóc vào dịp nào đó. Các luật sư ở xa tận thành phố đến, hỏi mua nhiều chai để giúp cho thân chủ của họ thể hiện cảnh tượng lâm ly làm xiêu lòng một quan tòa; những phụ nữ ngoại tình tìm thứ nước cần phải có ấy để thuyết phục các ông chồng tin vào tình yêu bất diệt của họ; những người đàn ông mong muốn thể hiện vẻ hối hận trong mắt những người tình bị xúc phạm của họ cũng kiếm một bình cho chính mình… Khách hàng cứ đến tiệm nước mắt không hề dứt.

Lẽ ra Donã Tonã sẽ không bực tức nếu như các cô con María của bà, sau khi khóc quá nhiều, đã không bắt đầu trở nên héo hắt. Bà mẹ tốt thậm chí còn sợ hơn khi bà phát hiện là càng héo hắt, họ càng cảm thấy âu lo, và càng tiếp tục khóc. Nhiều bác sĩ đến để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của họ, nhưng không có toa thuốc nào hiệu nghiệm. Thậm chí Donã Tonã đã thuê nhiều danh hề trong vùng đến để làm cho các nàng María cười, nhưng khi các danh hề gặp những cô gái bất hạnh họ cảm thấy buồn đến mức không thể làm gì được, và họ không thể tập trung để diễn dù chỉ một trò vui. Những nghi thức thanh tẩy của các thầy lang nổi tiếng nhất cũng không hiệu quả hay những bài kinh của các linh mục ở những xứ đạo gần đó cũng không tạo được sự yên bình. Kế sách cuối cùng là, Donã Tonã đồng ý tìm Juan, nhưng bà không thể tìm thấy chàng ở đâu trong các thị trấn lân cận. Bà dùng tất cả tiền kiếm được từ tiệm nước mắt làm phần thưởng cho bất kỳ ai có thể đưa chàng trai về nhà bà và kết hợp chàng với con gái của bà, nhưng không được gì. Nhiều hàng dài những chàng Juan giả hiệu trình diện ở cửa nhà họ, càng làm nàng María bất hạnh chán nản và làm trầm trọng thêm tình trạng khóc lóc của nàng.

Bất chấp những nỗ lực của Donã Tonã, bảy nàng María ngày càng héo hắt. Thế là bắt đầu những lời kinh tuyệt vọng, sự nóng nảy và lo âu, và cuối cùng, là những lời chửi thầm giữa suối nước mắt. Donã Tonã bắt họ uống những loại nước trái cây ép của nước ngoài và xức dầu gỗ đàn hương lên người họ vì bà sợ rằng, sau khi tuôn quá nhiều nước mắt, các cô con của bà sẽ bị khô đến xác xơ.

Trong bốn mươi chín ngày và bốn mươi chín đêm bà chăm lo cho các cô con gái không mệt mỏi, cho họ ăn, xức dầu cho họ, ủ cơ thể họ trong những tấm chăn, khăn tắm, và băng vải, nhưng mọi nỗ lực của bà vô hiệu. Sự khóc lóc không ngừng làm cho các cô María, vốn đã héo hắt, bắt đầu teo tóp. Giận điên lên, bà Donã Tonã đóng cửa tiệm nước mắt và, quát tháo đuổi đi tất cả khách hàng và những người tò mò tha thẩn bên ngoài nhà bà.

Không ai biết tin gì về gia đình này nữa cho tới nhiều ngày sau, Donã Tonã đi xuống làng nhằm mục đích duy nhất là đặt người thợ thủ công làm bảy cái hộp nhỏ bằng gỗ gụ, mỗi cái được sơn một màu trong bảy màu của cầu vồng. Bà bỏ ngoài tai những lời bình luận và những câu hỏi dân thị trấn bày tỏ với bà, và từ chối thẳng thừng không để cho ai tháp tùng bà trên đường về.

Với hai bàn tay trần, bà đào một cái hố ở góc nhiều nắng nhất trong sân và trong cái hố đó, với sự cẩn thận cực kỳ, bà đặt vào bảy cái hộp nhỏ, cẩn thận đặt chúng sát khít vào nhau. Rồi bà ngồi vào chiếc ghế bành đặt trên hàng hiên. Lơ đãng nhìn ra bãi cỏ, bà đợi đến lúc xóa bỏ bà khỏi mặt đất và, cùng với bà, mọi dấu vết về chuyện đã xảy ra ở đó.

Nhà văn Martha Batiz

Sinh năm 1971 và trưởng thành ở Mexico, Martha Batiz được vinh danh là một trong mười người Canada gốc Mễ có uy tín nhất năm 2015. Đến nay, chị đã có 2 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết ngắn và nhiều truyện ngắn (dịch) từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha.

Chị hiện sống tại Canada và công tác tại đại học York và đại học Toronto.

Truyện ngắn dưới đây được chính tác giả dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh, in trên tạp chí Words Without Borders số tháng 6 năm 2016. 

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “María Times Seven”)

Nguồn: Tạp chí Words Without Borders số tháng 6/2016

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước