Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:03 (GMT +7)

Bay đi – Truyện ngắn Etgar Keret

P.T nhìn thấy anh ta trước. Chúng tôi đang trên đường đến công viên để chơi bóng thì bất chợt nó kêu lên, “Ba ơi, nhìn kìa!”, đầu nó ngước lên và nó căng mắt để nhìn cái gì đó cao cao phía trên tôi, và trước khi tôi kịp tưởng tượng ra một chiếc phi thuyền của người ngoài hành tinh hay là một chiếc đàn dương cầm sắp rơi xuống đầu chúng tôi thì tôi đã nghĩ rằng có chuyện gì đó thực sự tệ hại đang xảy ra. Nhưng, khi tôi nhìn theo hướng P.T đang nhìn, tôi chỉ thấy một tòa nhà cao bốn tầng vách xám và lốm đốm những máy điều hòa không khí, như là một loại bệnh ngoài da vậy. Mặt trời đang ở vị trí ngay bên trên tòa nhà, làm tôi chói mắt, và khi tôi đang tìm một góc nhìn tốt hơn thì tôi nghe P.T nói, “Ông ta muốn bay.”. Giờ thì tôi thấy một người mặc áo sơ mi trắng đang đứng trên gờ tường sân thượng nhìn xuống phía tôi, và, sau tôi, P.T thì thào, “Ông ấy là một siêu anh hùng phải không ba?”.

Thay vì trả lời con, tôi la to với người trên gờ tường, “Đừng làm vậy!”.

Anh ta chỉ nhìn tôi.

Tôi lại la to, “Xin đừng làm vậy! Bất kỳ chuyện gì làm anh phải lên đó chắc là chuyện anh nghĩ sẽ không bao giờ khắc phục được, nhưng, xin hãy tin tôi, anh sẽ khắc phục được. Nếu bây giờ anh nhảy xuống, anh sẽ rời khỏi cuộc đời này với cảm xúc bất hạnh cuối cùng đó. Đó sẽ là kỷ niệm cuối cùng của cuộc đời anh. Không có gia đình, không có tình yêu, chỉ có sự thất bại. Nếu anh ở lại, tôi thề với anh bằng mọi thứ tôi có rằng nỗi đau của anh sẽ dần dần phai nhạt và, trong vòng vài năm, điều duy nhất còn lại của chuyện đó sẽ là một câu chuyện lạ anh có thể kể cho bạn bè nghe qua một chai bia. Câu chuyện về việc anh đã từng muốn nhảy xuống từ một nóc nhà và một thằng cha nào đó đứng ở dưới la to với anh…”.

“Cái gì?” – người trên nóc nhà la to đáp lời tôi, tay chỉ vào tai. Có lẽ anh ta không nghe được tôi vì tiếng động từ dưới đường. Mà có thể không phải vì tiếng động đó, vì tôi nghe được anh ta nói “Cái gì?” rất rõ. Có lẽ chỉ vì anh ta bị chứng lãng tai.

P.T đang ôm hai chân tôi với vòng tay chưa trọn, như thể tôi khổng lồ như một cây bao-báp, la với anh ta, “Ông có siêu năng lực hả?”.

Nhưng anh ta lại chỉ tay vào tai, như thể bị điếc, và la, “Tôi chán ngán rồi! Đủ rồi! Tôi có thể được gì?”.

P.T nói to với anh ta, như thể cả hai đang có một cuộc trò chuyện bình thường nhất, “Tiến lên, bay đi!”.

Tôi bắt đầu cảm thấy sự căng thẳng, nghĩ rằng sự việc này tùy thuộc vào tôi.

Tôi có nhiều căng thẳng ở sở làm. Với gia đình, cũng có. Như chuyện đã xảy ra trong quá khứ, trên đường đến hồ Kinneret, khi tôi thử thắng thì bánh xe bị kẹt. Chiếc xe bắt đầu trượt dài trên đường và tôi thầm nhủ, “hoặc là mình sửa chữa tình trạng này hoặc mọi chuyện kết thúc”. Khi lái xe đi Kinneret, tôi đã không sửa chữa, và Liat vợ tôi, là người duy nhất không thắt đai an toàn, chết, và tôi bị để lại một mình với mấy đứa con. P.T lên hai và chỉ mới biết nói, nhưng Amit không ngừng hỏi tôi, “Khi nào mẹ về? Khi nào mẹ về?” – và tôi nói sau đám tang thì mẹ về. Hồi ấy nó lên tám, cái tuổi đủ hiểu chết nghĩa là gì, nhưng nó cứ hỏi. Cho dù không có những câu hỏi gây khó chịu, thường xuyên của nó, tôi biết rằng mọi chuyện là do lỗi của tôi và tôi muốn kết thúc cho xong, y như người trên nóc nhà kia. Nhưng bây giờ tôi còn đây, đi không cần chống nạng, sống với Simona người vợ sau, làm một người cha tốt.

Tôi muốn kể với người trên nóc nhà tất cả những chuyện này. Tôi muốn nói với anh ta rằng tôi biết chính xác anh ta cảm thấy như thế nào và rằng, nếu anh ta không tự làm mình bẹp dí như một cái bánh pizza trên lề đường, cảm xúc đau khổ sẽ qua. Tôi biết những gì mình sẽ nói, vì không ai trên cõi đời buồn bã này đau khổ như tôi. Anh ta chỉ cần trở xuống và dành cho mình một tuần. Một tháng. Thậm chí một năm, nếu cần thiết. Nhưng làm sao tôi có thể nói được những điều đó với một người lãng tai ở cách mình bốn tầng lầu bên trên?

Trong khi đó, P.T níu tay tôi nói, “Hôm nay ông ấy sẽ không bay đâu, Ba. Mình đi công viên đi, trước khi trời tối”.

Nhưng tôi đứng yên tại chỗ cố la to hết sức, “Thời nay người ta chết như ruồi, cần gì phải tự tử. Đừng làm vậy! Xin đừng làm vậy!”.

Người trên nóc nhà gật đầu – có vẻ như lần này anh ta nghe được – và la to với tôi, “Làm sao ông biết? Làm sao ông biết cô ấy chết?”.

Luôn luôn có người nào đó chết, tôi muốn la to với anh ta như vậy. Luôn luôn. Nếu không phải là cô ấy, thì là người khác. Nhưng nói thế sẽ không làm cho anh ta từ đó trở xuống, vì vậy tôi nói, “Có một em bé ở đây này,” và tôi chỉ P.T. “Nó không cần phải thấy chuyện này!”.

P.T la, “Có, cháu thích! Có, cháu thích! Tiến lên và bay đi, trước khi trời tối!”. Bây giờ là tháng mười hai, trời thực sự tối sớm.

Nếu anh ta nhảy, sự việc này cũng ghi dấu lên lương tâm tôi. Irena, nhà tâm lý học ở dưỡng đường, sau đó sẽ nói với tôi rằng, “Anh không phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người. Anh phải nhớ điều đó trong đầu”. Và tôi sẽ gật đầu, vì tôi biết rằng phiên trị liệu sẽ kết thúc trong hai phút nữa và cô ta phải đi đón con gái ở trường mẫu giáo, nhưng phiên trị liệu sẽ không thay đổi được gì, vì tôi sẽ phải mang trên lưng gánh nặng cuộc đời với cái chết của người đàn ông lãng tai, cái chết của Liat và đôi mắt trong veo của Amit.

“Ở đó đợi tôi!”, tôi la to. “Tôi sẽ lên đó nói chuyện với anh!”.

“Tôi không thể sống mà không có nàng. Tôi không thể!” – anh ta nói to đáp lời tôi.

“Đợi chút,” tôi la, và tôi nói với P.T., “Đi nào con, mình lên nóc nhà đó.”.

P.T lắc lắc cái đầu dễ thương của nó, là cách nó luôn làm vậy trước khi bực tức, và nói, “Nếu ông ấy bay, ở đây mình nhìn thấy rõ hơn”.

“Ông ấy sẽ không bay,” tôi nói. “Hôm nay không bay. Mình lên trên đó chỉ một phút thôi. Ba phải nói chuyện với ông ấy”.

Nhưng P.T không chịu, “Thì ở đây la to lên.” – tay nó giật ra khỏi tay tôi và nó nằm lăn ra đất, như nó làm với Simona và tôi ở trung tâm thương mại.

“Mình chạy lên mái thượng,” tôi nói. “Nếu mình chạy thẳng lên đó không dừng lại, P.T và ba có kem làm phần thưởng”.

“Cho kem liền đi!”, P.T tru tréo, lăn mình trên lề đường. “Cho kem liền đi!”.

Tôi không có thời gian để làm chuyện vặt này. Tôi ẵm nó lên. Nó vùng vẫy và hét, nhưng tôi lơ đi và bắt đầu chạy đến cửa vào tòa nhà.

“Chuyện gì xảy ra với thằng bé vậy?” – tôi nghe anh chàng trên nóc nhà nói. Tôi không trả lời. Có thể sự tò mò của anh ta sẽ làm anh không nhảy, đủ lâu để tôi lên tới nóc nhà.

P.T nặng. Khó mà leo lên từng ấy bậc cầu thang khi phải ẵm một đứa bé năm tuổi rưỡi, đặc biệt là đứa bé ấy lại không muốn lên lầu. Đến tầng ba, tôi gần như hụt hơi. Một bà mập tóc hoe đỏ chắc là nghe tiếng hét của P.T mở hé cửa phòng và hỏi tôi tìm ai, nhưng tôi lơ bà ta và cứ đi lên. Thậm chí nếu như tôi muốn nói gì với bà, thì tôi cũng không đủ hơi trong buồng phổi.

“Không có ai sống trên đó,” bà ta nói vói theo tôi. “Trên đó là nóc nhà”.

Khi bà nói từ “nóc nhà,” giọng lanh lảnh của bà vỡ ra, và P.T la to với bà ta bằng giọng khóc lóc, “Cho kem liền đi! Cho liền đi!”.

Tôi không còn tay nào rảnh để đẩy khung cửa tróc sơn mở ra sân thượng – tay tôi bận ẵm P.T, thằng bé không ngớt khóc lóc – vì thế tôi dùng chân đá mạnh vào khung cửa. Sân thượng trống vắng. Người đàn ông đứng trên gờ tường bao cách đây một phút không còn ở đó nữa. Anh ta đã không chờ chúng tôi. Không đợi để biết vì sao thằng bé đang khóc.

“Ông ấy bay rồi,” P.T khóc thổn thức. “Ông ấy đã bay và tại ba mà mình không thấy gì hết!”.

Tôi đi về phía gờ tường bao. Biết đâu anh ta đã đổi ý và đi vào trong nhà, tôi cố an ủi mình. Nhưng tôi không tin như thế. Tôi biết anh ta nằm dưới đó, cơ thể anh ta sóng soài theo một góc chẳng tự nhiên chút nào trên lề đường. Tôi biết như thế, và tôi có một đứa trẻ trong tay hoàn toàn không nên nhìn thấy hình ảnh đó, vì nó sẽ gây chấn thương cho cả phần đời sau này của đứa trẻ, còn anh ta vừa qua trọn cuộc đời. Tuy nhiên chân tôi cứ đưa tôi đi tới sát gờ tường bao. Sự việc giống cứ như gãi tiếp một vết ngứa, cứ như gọi một ly Chivas nữa dù biết mình đã uống quá nhiều, như cứ tiếp tục lái xe dù biết mình đã mệt, quá mệt.

Giờ thì chúng tôi gần như ở sát gờ tường, chúng tôi bắt đầu cảm thấy độ cao. P.T thôi khóc, tôi có thể nghe được cả hai chúng tôi thở dốc và tiếng còi xe cứu thương vang lên từ xa. Tiếng còi như đang hỏi tôi, “Tại sao? Tại sao anh cần thấy hình ảnh đó? Anh nghĩ thấy rồi sẽ thay đổi được điều gì sao? Làm cho ai đó cảm thấy tốt hơn sao?”

Bất ngờ, giọng nói lanh lảnh của bà tóc hoe đỏ ra lệnh cho tôi từ phía sau: “Bỏ thằng bé xuống!” Tôi quay lại, không thực sự hiểu bà ta muốn gì.

“Bỏ con xuống!” P.T cũng la to. Nó luôn luôn gây căng thẳng khi có người lạ chen vào.

“Nó chỉ là một đứa bé,” bà đầu đỏ nói, nhưng giọng nói của bà đột ngột dịu lại. Bà như muốn khóc.

Tiếng còi xe cứu thương vọng lại gần hơn, và bà đầu đỏ bắt đầu đi về phía tôi. “Tôi biết anh đang đau khổ,” bà nói. “Tôi biết rằng mọi chuyện khá khó khăn. Tôi biết, tin tôi đi”. Có khá nhiều đau khổ trong giọng nói của bà đến mức P.T thôi mè nheo và nhìn bà như bị thôi miên. “Nhìn tôi đi,” bà thì thầm. “Tôi mập ú, cô độc. Tôi cũng từng có một đứa con. Anh biết mất một đứa con là như thế nào chứ? Anh có ý nghĩ gì về chuyện anh sắp làm không?”. Vẫn nằm trong tay tôi, P.T ôm chặt tôi. “Hãy nhìn thằng bé dễ thương như thế nào kìa,” bà nói, bà đã ở bên tôi rồi, bàn tay mập mạp của bà vò tóc của P.T.

“Có một ông ở đây,” P.T nói, đôi mắt xanh lớn của nó – mắt của Liat – đăm đăm nhìn bà. “Có một ông ở đây, nhưng bây giờ ông ấy đã bay đi rồi. Và tại ba mà mình không thấy ông ấy.”

Tiếng còi xe cứu thương tắt ngay bên dưới chúng tôi và tôi bước tới gờ tường thêm một bước, nhưng bàn tay ẩm mồ hôi của bà tóc đỏ níu tay tôi. “Đừng làm vậy,” bà nói. “Xin đừng làm vậy.”

P.T múc một muỗng kem va ni đựng trong cái ly nhựa. Tôi gọi một ly kem hạt dẻ và một kem nón sô cô la. Bà tóc đỏ gọi sữa lắc sô cô la. Mọi bàn trong tiệm kem đều bẩn, vì vậy tôi dọn sạch bàn của chúng tôi. P.T đòi nếm sữa lắc và bà ta cho nó sữa lắc. Bà cũng có tên Liat. Đó là một cái tên phổ biến. Bà không biết về Liat của tôi, về tai nạn. Bà không biết gì về chúng tôi hết. Và tôi không biết gì về bà. Ngoại trừ việc bà mất một đứa con.

Khi chúng tôi rời tòa nhà, nhân viên y tế đang đưa xác của người đàn ông vào xe cứu thương. May thay, nó được phủ bằng tấm phủ trắng. Một hình ảnh ít gợi đến cái xác hơn trong trí tôi.

Kem quá ngọt đối với tôi, nhưng P.T và bà tóc đỏ có vẻ vui. Với ly kem cầm trong một tay, nó với lấy ly sữa lắc của bà tóc đỏ bằng tay kia. Tôi không biết tại sao nó luôn luôn làm vậy. Vì rằng, nó vẫn đang ăn kem của nó – sao lại cần thêm nữa? Tôi định nói với nó, nhưng bà tóc đỏ ra hiệu rằng không sao và đưa ly kem gần hết của bà cho nó. Con của bà đã chết, vợ tôi đã chết, người đàn ông trên sân thượng đã chết.

“Cậu bé dễ thương quá,” bà thì thầm, trong khi P.T ra sức hút đến giọt sữa lắc cuối cùng trong cái ly giấy. Nó thật sự dễ thương.

 

NHÀ VĂN ETGAR KERET

Etgar Keret sinh ngày 20 tháng 8 năm 1967, tại Ramat Gan, Israel, là nhà văn Israel nổi tiếng với thể loại truyện ngắn và truyện vui cho người lớn. Ông cũng là tác giả nhiều kịch bản phim và truyền hình. Ông là con thứ ba của một gia đình sống sót trong thảm họa Holocaust của Phát xít Đức. Cha mẹ ông là người Ba Lan. Do đó ông mang hai quốc tịch Israel và Ba Lan. 

Keret đã nhận giải thưởng văn chương của Thủ tướng Chính phủ; giải thưởng điện ảnh của Bộ Văn hóa Israel. Năm 2006 ông được tổ chức Israel Cultural Excellent Foundation chọn là nghệ sĩ nổi bật. Ngoài ra ông còn có một số giải thưởng khác.

Hiện nay, song song với công việc sáng tác, ông là giảng viên tại đại học Ben-Gurion University of the Negev ở Beer Sheva, và đại học Tel Aviv University. Ông sống tại Tel Aviv cùng vợ và con trai.

Truyện ngắn dưới đây được Sondra Silverston dịch từ tiếng Hebrew sang tiếng Anh, đăng trên tạp chí The New Yorker số ra ngày 15/5/2017. Bản dịch tiếng Việt theo bản tiếng Anh của Sondra Siverston. 

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “Fly Already”) Nguồn: bHttp://www.newyorker.com/magazine/2017/05/15/fly-already

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước