Bắt nhịp những chuyển động mới của đời sống văn học, nghệ thuật
VNTN- Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vừa phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Lớp Bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ năm 2022. Những kết quả mà lớp bồi dưỡng thu nhận được cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực không ngừng của các đơn vị phối hợp làm công tác tổ chức cũng như sự đam mê lao động, sáng tạo, học tập của các học viên.
Giờ lên lớp của giảng viên Hoàng Thiện Thực, Hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Trưởng Khoa Múa, Trường Cao đẳng Văn học nghệ thuật Việt Bắc
Diễn ra từ ngày 25 - 29/4, Lớp Bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ năm 2022 có sự tham gia của hơn 30 học viên đến từ Trung tâm Văn hóa và Thể thao, Ban Tuyên giáo, Hội Văn học nghệ thuật các huyện, thành trong tỉnh…
Lớp học nằm trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 của Trường Chính trị tỉnh, đồng thời dựa trên cơ sở đề nghị của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh về việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ.
Vì thế, việc lựa chọn các chuyên đề giảng dạy trên lớp sao cho phù hợp với nhu cầu cũng như mục tiêu mở lớp đã được Ban Tổ chức lớp học cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo sát chương trình của lớp bồi dưỡng, các chuyên đề được giới thiệu đã đan xen hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, tạo sự cuốn hút với các học viên. Bên cạnh các chuyên đề như: Văn học nghệ thuật Thái Nguyên trong tiến trình đổi mới và hội nhập; Tìm hiểu tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật; Mỹ học trong tiếp nhận văn học Việt Nam hiện đại; Nghệ thuật múa trong đời sống đương đại; Mỹ thuật và đời sống… các học viên còn được nghiên cứu: Nội dung cơ bản về chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; về giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó là tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
Học viên Dương Văn Hợp, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa chia sẻ: Những kiến thức mà cá nhân thu lượm được từ lớp học lần này là rất lớn. Tôi đặc biệt ấn tượng với chuyên đề Văn học nghệ thuật Thái Nguyên trong tiến trình đổi mới và hội nhập do Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh truyền đạt. Nhờ đó tôi có thêm kiến thức về nền Văn học nghệ thuật của tỉnh nhà qua các thời kỳ. Những đóng góp của Thái Nguyên vào nền văn học nước nhà khiến tôi thêm tự hào về con người và mảnh đất mình đang sống.
Ấn tượng với chuyên đề lên lớp của giảng viên Nguyễn Kiến Thọ - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, học viên Hà Thị Thơm, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật TP. Thái Nguyên bày tỏ: Kiến thức ăm ắp cùng cách truyền đạt dạy mà như không dạy của thầy khiến tôi thực sự bị lôi cuốn. Những ví dụ thầy đưa ra rất cụ thể, gần gũi đã giúp tôi có thể nắm vững những khái niệm trong quan niệm thẩm mỹ, như thế nào chủ thể thẩm mỹ, khách thể thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ, cũng như hiểu được dưới góc nhìn mỹ học thì Văn học Việt Nam hiện đại là như thế nào.
Bị cuốn hút bởi từng buổi lên lớp, học viên Nguyễn Thị Huề, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Võ Nhai hồ hởi: Tôi mong được tham gia nhiều hơn những lớp bồi dưỡng như thế này. Có những điều chúng tôi vướng mắc từ lâu thì đến đây đã được các giảng viên giải đáp trong một vài tiết giảng. Ví dụ đơn giản như chúng tôi hay sử dụng quạt hoặc cây đàn tính làm đạo cụ trong khi dàn dựng các tiết mục múa. Thế nhưng, trong nghệ thuật múa dân gian dù là đương đại, nhiều động tác có thể cải biên nhưng cũng có nhiều thứ bắt buộc phải giữ lại. Ví dụ việc đưa cái quạt như thế nào, cầm cây đàn tính ra sao tưởng chừng là đơn giản nhưng nó đều có quy luật gắn với văn hóa và lịch sử không phải ai cũng biết. Với chúng tôi, đó là cả một vấn đề khó. Thế nhưng, qua giờ lên lớp của giảng viên Hoàng Thiện Thực, những điều đó chúng tôi đã được giải đáp thỏa đáng. Buổi học có giá trị quá thiết thực với cá nhân tôi và tôi tin nhiều người khác cũng cảm nhận như vậy!
Trong chương trình của lớp bồi dưỡng, các học viên được Nhà trường tổ chức đi thực tế tại Khu Di tích K9 - Đá Chông và Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là các địa chỉ khi đến giúp các học viên được hiểu hơn về cuộc đời thân thế sự nghiệp của Bác và góp phần thấm nhuần thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống, hành động tự giác hằng ngày của mỗi cá nhân.
Học viên nghe giới thiệu về Khu Di tích K9 - Đá Chông
Còn khi đến với Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, thăm những ngôi nhà tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc, mỗi người đều hiểu, tự hào và hun đúc tinh thần muốn góp phần gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chuyến đi thực tế với 2 địa điểm trên được các học viên đánh giá là vô cùng hữu ích với những người làm công tác văn hóa. Mặt khác, chuyến đi còn giúp tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của những người làm công tác văn hóa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với cách đổi mới trong tổ chức và giảng dạy, trong thời gian lên lớp, các học viên đã có sự chủ động tương tác với các giảng viên các vấn đề mình quan tâm, liên quan đến lĩnh vực công tác, hiệu quả các tiết học đã được nâng cao, các kiến thức trong bài giảng đã nhanh chóng được thu nạp để phục vụ cho hoạt động chuyên môn tại cơ sở.
Kết quả ấy còn được phần nào thể hiện qua chất lượng bài thu hoạch với gần 100% các bài có chất lượng khá, giỏi và lời nhắn nhủ của các học viên “mong sẽ có nhiều lớp bồi dưỡng như thế này hơn nữa” để những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở cơ sở không bị đi bên lề những chuyển động của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...