Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
10:57 (GMT +7)

Ba trăm đồng vàng – Truyện dân gian Turmenie

VNTN - Ngày xưa, có một bác làm yên ngựa, tên bác là Xa-re và con trai duy nhất của bác là Ma-mét.

Một hôm bác nói với con:

- Con ơi! Bố đã già rồi nên không thể làm lụng như trước nữa. Cả một đời bố đã dành dụm được ba trăm đồng vàng để chuẩn bị cho tương lai của con. Hãy cho bố biết con muốn làm nghề gì: nhà buôn, nhạc sĩ hay tu sĩ?

Ma-mét trả lời:

- Con không thích làm tu sĩ, vì phải học hành quá gian khổ, con cũng không muốn làm nhạc sĩ vì phải mang đàn và gào thét suốt ngày nên mệt lắm, con chỉ muốn làm nhà buôn, vì nhà buôn suốt ngày ngồi trong quán uống nước trà và tiền bạc lại nhét đầy túi.

- Được! - Bác thợ nói- Đây là một trăm đồng vàng, con hãy mang sang vương quốc láng giềng mua hạt tiêu, mang về đây mà bán.

Ma-mét thu xếp hành lý và lên đường.

Không quản khó khăn và vất vả, anh đã đến kinh đô của một nước láng giềng và tìm quán bán tiêu để mua một trăm đồng vàng. Trong khi chủ quán cân tiêu, quan sát xung quanh anh thấy một đám đông đi qua. Để tiêu tại chỗ, anh theo họ đến một vườn hoa và dừng lại. Kìa, anh thấy hai người đàn ông tuấn tú trong bộ áo quần thanh nhã đang chơi đàn. Đó là những nhạc sĩ nỗi tiếng mà mọi người đã biết và tán thưởng.

Đây là nghề mà mình rất thích! Ma-mét ngẫm nghĩ rồi anh đến gần nhạc sĩ và đặt vấn đề:

- Thưa các ngài, tôi phải trả các ngài bao nhiêu nếu tôi muốn học chơi đàn trong bảy ngày.

- Muốn học được đàn trong bảy ngày thì phải trả một trăm đồng vàng.

Ma-mét đồng ý. Hai nhạc sĩ dẫn anh về nhà và dạy cho anh. Học xong Ma-mét trả tiền và trở lại nhà.

Bác Xa-re vui mừng gặp lại con và hỏi:

- Này con, con đã mang tiêu về đấy chứ?

Ma-mét thú nhận rằng anh đã tiêu hết một trăm đồng vàng để học âm nhạc. Người cha lại đưa thêm cho anh một trăm đồng vàng và ra lệnh cho con đi mua tiêu.

Một lần nữa Ma-mét lại đến thành phố mà anh đã từng học nhạc. Người bán tiêu hỏi anh:

- Anh bạn trẻ, anh bỏ đi đâu khi tôi cân tiêu cho anh?

- Chớ lắm lời! - Ma-mét trả lời - Hãy cân cho tôi một trăm đồng vàng tiêu hạt. Nhanh lên!

Bác lái buôn bắt đầu cân tiêu, còn Ma-mét quan sát xung quanh. Bỗng anh thấy một đám đông thanh niên sách vở cắp nách đang kéo nhau đi. Anh tò mò đuổi theo họ. Đoàn người dừng lại trước cổng lớn và họ đi vào trong nơi mà vị tu sĩ râu tóc bạc phơ đang đợi họ.

Đám thanh niên ngồi cạnh cụ già để nghe cụ giảng bài, còn Ma-mét thì mù tịt. Ma-mét đến cạnh tu sĩ và hỏi nội dung công việc cụ đang làm.

- Tôi dạy cho họ biết đọc biết viết và những hiểu biết cần thiết để họ có thể lo nghĩ đến công việc quốc gia.

- Con phải trả cho thầy bao nhiêu tiền để thầy có thể dạy cho con biết tất cả những điều cần thiết trong vòng bảy ngày.

- Nếu anh muốn học thành đạt trong vòng bảy ngày thì phải trả một trăm đồng vàng.

- Đồng ý! Ma-mét nói - Xin thầy nhận tiền và dạy cho con biết chữ nghĩa và làm tính.

Bảy ngày sau, Ma-mét đọc thông viết thạo và biết tính toán. Từ biệt thầy giáo anh lên đường trở về quê nhà.

Đường xa hay gần? Bất chấp. Anh đã trở về quê và kể lại cho cha nghe số vàng mà anh đã tiêu. Bác thợ không hề trách mắng, bác đem số tiền còn lại cho con trai đi mua hạt tiêu lần thứ ba.

Ma-mét lên đường đến thành phố mà anh đã để lại hai trăm đồng vàng và anh đến ngay cửa hàng bán tiêu nhưng cửa đóng, Ma-mét nhìn xung quanh và nghe tiếng nói từ phía bên kia vọng lại:

- Tóm cổ kị sĩ. Ấn tốt! Ma-mét liếc nhìn họ đang chơi cờ. Trò chơi đã cuốn hút anh và anh đến gặp người cao thủ để hỏi:

- Tôi phải trả cho anh bao nhiêu tiền, nếu anh dạy tôi biết cách chơi cờ trong bảy ngày?

- Nếu muốn học trong bảy ngày thì phải trả đúng một trăm đồng vàng.

- Đây! Tiền đây, xin anh dạy cho tôi!

Bảy ngày sau Ma-mét đã biết chơi cờ. Trên đường trở về nhà anh đang suy nghĩ phải trình bày cho cha rõ về các khoản mà mình đã tiêu và xin cụ tiền để tiếp tục buôn bán.

Gặp cha, sau khi nghe anh trình bày, ông cụ quát:

- Con chớ đi ăn mày trong thành phố của ta, vì ở đây mọi người đã biết con và làm cho con xấu hổ.

- Thưa cha, xin cha hãy dẫn con ra chợ bán cho lái buôn nô lệ, cha hãy dùng số tiền đó để nuôi thân cho đến khi con có thể giúp đỡ được cha.

Người cha bật khóc trước tình thương của con nên không thể chấp nhận lời đề nghị của con trai. Nhưng Ma-mét van nài mãi đến khi ông đành lòng dẫn con ra chợ. Lúc này, những người lái buôn đang sắm sửa cho đoàn bộ hành và họ đang tuyển mộ những người dắt lạc đà.

Một trong những người đó là I-ô-mu-bếch đã mua Ma-mét với giá một đồng vàng và anh bắt đầu lên đường với đoàn bộ hành.

Đường xa hay gần? Bất chấp! Cả đoàn dừng chân trước một giếng khô sâu thăm thẳm. I-ô-mu-bếch ra lệnh cho người dẫn đường buộc Ma-mét vào dây thừng và thả Ma-mét xuống đáy giếng để múc một ấm nước. Dưới đáy giếng Ma-mét thấy rất nhiều vàng, bạc và ngọc thạch. Anh báo cho các lái buôn biết, họ vui mừng trước sự khám phá của Ma-mét và bắt đầu ném các bì xuống đáy giếng để đem châu báu lên.

Khi toàn bộ châu báu đã chuyển lên mặt đất, họ vứt bỏ Ma-mét xuống đáy giếng và tiếp tục lên đường mặc cho Ma-mét sợ hãi gào thét.

Quan sát xung quanh, anh chợt thấy dưới thấp có một cái cửa, anh mở cửa bước vào phòng thì tại đây có một quái vật khổng lồ đang nằm ngủ và trên tường treo một cái đàn. Anh cầm lên và chơi với tất cả các nghệ thuật điêu luyện mà anh đã học với số tiền một trăm đồng vàng.

Quái vật tỉnh giấc và thấy một người đang ở trong động của mình, nó gầm lên:

- Mày làm gì đó tên vô lại? Ma-mét kể lại cho quái vật nghe bọn lái buôn đã lừa anh.

- Này anh bạn trẻ, ta không ăn thịt anh đâu vì anh chơi đàn rất hay. Hơn nữa vừa rồi anh lại chơi ca khúc mà con trai ta rất thích! Nói dứt lời quái vật nức nở khóc.

- Tại sao ngài khóc, thưa ngài? Ma-mét hỏi.

- Ta đang nghĩ con trai của ta cũng trẻ, đẹp như anh. Một lần đang dạo chơi, ta vô ý làm vỡ cái lọ đựng hồn của nó, thế là nó chết. Con trai ta rất thích cái đàn này. Anh muốn ta thưởng gì với ca khúc của anh? Anh có muốn bắt đoàn bộ hành ấy đến đây và ta sẽ quyết định số phận những tên lái buôn ấy không?

- Không, thưa ngài kính mến chớ nên đưa họ trở lại đây mà xin ngài hãy cho tôi tới nơi họ đang ở.

Trong nháy mắt, quái vật đã đưa anh tới nơi ở của đoàn bộ hành.

- Các anh sẽ được yên ổn! Ma-mét nói với tốp lái buôn - Tôi không thể ngủ ở đáy giếng và vắng mặt trong cuộc hành trình này.

- Anh muốn gì để tôi làm cho! - Quái vật nói - Anh có muốn tôi giết sạch chúng nó không?

- Không thưa ngài đáng kính, chớ nên giết họ, con chỉ muốn lấy lại số vàng của con để chuộc lại tự do, sau đó sẽ trở về sống cùng cha già với số tiền có thể đảm bảo cho cuộc sống.

Quái vật biến mất, bọn lái buôn rất sợ và đang tìm cách tống tên nô lệ ra khỏi đoàn. Để thực hiện mưu đồ ấy, I-ô-mu-bếch sai Ma-mét mang thư về cho các con. Lão đem thư cho anh và dặn:

- Lấy ngựa của ta, mang bức thư này cho đứa con cả của ta và nói với nó rằng: "Mọi việc đều tốt đẹp".

Ma-mét nhận thư và lên đường.

Đường gần hoặc xa? Bất chấp. Anh đã đến cạnh con suối và quyết định nghỉ chân. Nhóm lửa nấu nước vì anh rất thích nước trà và bánh ngọt. Trong lúc chờ đợi nước sôi, anh nhìn bức thư.

- Liệu ta còn nhớ những gì mà vị tu sĩ đã dạy ta với giá một trăm đồng vàng không? Anh tự hỏi và bóc thư ra đọc: "Chào các con, điều riêng tư này phải đến tận tay từng đứa một", và cuối thư ghi câu sau đây: "Kẻ mang thư này là nô lệ của bố, nó đang nung nấu những kế hoạch đầy tội ác. Hãy giết nó ngay tối hôm nay".

Ma-mét xé bức thư ấy và viết bức thư khác như sau: "Người mang thư này đã tìm được dưới đáy giếng rất nhiều vàng bạc và ngọc thạch, anh ta đã cho bố một nửa, các con hãy đón tiếp anh ta như một khách quý và tổ chức một bữa tiệc thật trọng thể". Nước đã sôi, Ma-mét uống trà theo sở thích và tự thết đãi mình bằng một phong bánh ngọt rồi lên ngựa. Đến thành phố của I-ô-mu-bếch anh hỏi những người đi đường và tìm đến nhà giao bức thư cho người con cả. Những đứa con của I-ô-mu-bếch đã đón tiếp anh rất long trọng. Bữa tiệc kéo dài đến nửa đêm. Rạng sáng Ma-mét hỏi người con cả:

- Thành phố này có nhiều người tài giỏi không?

- Không có ai.

- Ai cai quản xứ này?

- Do một nữ chúa điều hành. Vừa rồi bà tuyên bố rằng: "Bà chỉ kết hôn với ai thắng bà trong cuộc chơi cờ mà thôi".

- Làm thế nào để được vào cung? Ma-mét hỏi?

- Không nên đến đó, biết bao nhiêu người đã đến trước anh nhưng họ không bao giờ trở lại. Họ bị thua cờ và nhận lấy cái chết. Cả vương quốc này chưa tìm ra được một người ăn nổi một con tốt của bà.

Ma-mét không nghe lời khuyên. Sau khi ăn điểm tâm anh quyết định vào cung.

Đến trước Ngọ môn, anh lân la làm quen với quan canh cổng.

- Anh đến đây làm gì? Vị quan hỏi

- Để cầu hôn với nữ chúa của ông.

Vị quan nọ lật đật chạy vào cung để tâu với nữ chúa rồi quay lại nói:

- Nữ chúa sẽ nhận lời cầu hôn nếu anh là người thắng cuộc trong đấu cờ.

- Thưa với bà đúng thế.

- Ai dạy anh biết đánh cờ?

- Với một thầy mà tôi phải trả một trăm đồng vàng.

- Cuộc chơi gồm bốn ván và anh chỉ được thua một và thắng ba.

- Đồng ý! Ma-mét nói.

- Anh có biết rằng, điều gì đang đợi anh nếu anh thua?

- Vâng, tôi biết điều đó.

Ngay lúc đó người ta dẫn chàng trai vào cung.

Trông thấy Ma-mét thông minh và tuấn tú, Nữ chúa nói:

- Anh bạn trẻ ơi nếu tên đao phủ phải chặt đầu anh tôi rất tiếc.

- Tôi không phải đến đây để nói chuyện phiếm! Ma-mét đáp.

- Nữ chúa sai mang cờ và cuộc đấu bắt đầu. Cả triều đình văn võ vây bọc xung quanh để theo dõi trận đấu đầy chăm chú và lo cho anh. Ván thứ nhất Ma-mét bị thua. Nữ chúa nói với anh:

- Anh bạn trẻ ơi! Một lần nữa tôi khuyên anh nên từ bỏ ý định ngông cuồng ấy đi, anh không bao giờ là kẻ thắng cuộc và cái gì đang đợi anh, anh biết không? Ma-mét nói:

- Không phải thế đâu, đừng phí thời gian bởi những lời lẽ rỗng tuếch và mơ ước hão huyền. Tôi bị thua ván thứ nhất là theo phong tục của nước tôi. Kẻ nào được mời đến thì ván thứ nhất phải nhường cho chủ.

Họ lại tiếp tục trổ tài và Ma-mét đã thắng liên tiếp ba ván sau. Nhân dân được tin họ rất vui mừng vì họ biết rằng biết bao bà mẹ đã phải khóc vì cái chết của con mình.

- Chúng ta hãy chơi ván cuối cùng. Nếu anh thua tôi sẽ không giết anh và để anh tự do ra về. Nếu anh thắng chúng ta sẽ tổ chức hôn lễ.

Ma-mét lại thắng thêm ván này một cách dễ dàng như những ván trước. Nữ chúa buộc phải tổ chức lễ thành hôn và mở tiệc chiêu đãi.

Sáng hôm sau, Nữ chúa nhường ngai vàng cho chồng và từ đó Ma-mét trở thành ông vua.

Ngày đầu tiên dưới vương triều của mình, Ma-mét sai sứ giả đến gặp các lái buôn và ra lệnh dẫn cả đoàn vào cung.

Khi các lái buôn do I-ô-mu-bếch dẫn đầu đến cung điện, Ma-mét buộc bọn chúng phải trả lại tất cả vàng bạc châu báu mà chàng đã tìm được dưới đáy giếng, rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ nhất trong vương quốc.

Về phần I-ô-mu-bếch, chàng giao cho lão một đồng vàng và nói với lão:

- Ta trả cho anh số tiền mà anh đã đưa cho cha ta và coi như ta đã chuộc lại cái tự do của ta. Bây giờ anh hãy nghe đây: Chính ta là vua của anh, nếu ta biết anh đối xử với ai đó như đã từng đối xử với ta thì anh sẽ rất ân hận về việc làm đầy tội ác của mình.

Tiếp theo, Ma-mét mời cha đến. Gặp lại người thân, cả hai vô cùng sung sướng, và từ đó trở đi, họ sống bên nhau trong những ngày hạnh phúc

Hoàng Hiếu Nghĩa

(dịch qua bản tiếng Pháp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 6 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 3 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 3 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước