Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:12 (GMT +7)

Bà Luân, người được Bác Hồ đến thăm

Cứ đến tháng Năm thì mọi người dân Việt Nam dù ở đâu cũng nhớ về Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn.

Đối với người dân Hùng Sơn chúng tôi thì hình ảnh Bác Hồ đã ăn sâu vào trong tâm trí mỗi người từ bao lâu nay. Nói đến Bác Hồ là mọi người nghĩ ngay đến hình ảnh Bác đứng nói chuyện với bà con nhân dân tại nhà ông Trịnh Văn Thịnh; Bác ngồi nói chuyện với nông dân ngay trên bờ ruộng trên cánh đồng Hùng Sơn; Bác vào thăm nhà một chị nông dân và được chị bưng nải chuối lên mời; Bác đi qua cầu treo Huy Ngạc… Người quê tôi có thể say sưa kể với nhau về những tấm hình đó.

Bác Hồ vào thăm gia đình bà Nguyễn Thị Luân, xóm Đồng Cả, Hùng Sơn ngày 14/9/1954.

Thế mà đã 69 năm kể từ lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Hùng Sơn 14/9/1954. Giờ đây Bác đã đi xa và những người trong các tấm hình đó cũng lần lượt ra đi, chỉ còn mỗi bà Nguyễn Thị Luân, cô thôn nữ năm xưa bưng nải chuối mời Bác và đoàn khi Bác Hồ vào thăm nhà là vẫn còn sống. Năm nay bà đã 89 tuổi và vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Bà Nguyễn Thị Luân, sinh năm 1934, là người sinh ra và lớn lên tại xóm Đồng Cả, xã Hùng Sơn (nay là TDP Đồng Cả, thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ.Tại thời điểm đó chồng bà là ông Nguyễn Văn Thủ cùng 2 em trai là Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Trung đang ở trong quân đội và họ lần lượt xung phong vào quân đội khi chiến dịch Việt Bắc đang diễn ra ác liệt.

Đó là lí do nhà bà được chọn để đưa Bác vào thăm. Bà Luân, cô thôn nữ năm đó tròn 20 tuổi, một mình gánh vác công việc gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng tích cực tham gia sản xuất. Bà còn nhớ như in buổi gặt hôm đó là vụ thu hoạch đầu tiên sau Cải cách ruộng đất, nên nông dân rất phấn khởi.Bác Hồ nói chuyện với bà con ngay giữa cánh đồng xóm Đồng Cả, khi đó có bà Luân, bà Én, bà Chợ, ông Viên, ông Tư có chị Bình là cán bộ tăng cường tay cầm nắm lúa, sau đó bà phải về nhà để đón Bác vào thăm, nhà chỉ có mấy nải chuối chín nên bà vội cắt ra xếp vào đĩa bưng lên mời Bác và đoàn.

Là người hay đến hỏi thông tin từ bà nên năm nay tôi có ý tưởng sẽ xuống thăm bà vào dịp 30/4. Khi tôi nói ý tưởng với anh Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, anh bảo để nghĩ xem khi đến thăm sẽ tặng bà món quà gì cho có ý nghĩa. Chúng tôi tiếp tục trao đổi với anh Đỗ Đăng Khoa nguyên Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn. Ba anh em cùng bàn bạc và cho rằng nói đến bà thì ai cũng nghĩ tới hình ảnh bà bưng đĩa chuối mời Bác Hồ, trên các trang mạng đều có và trước đây địa phương cũng đã tặng bà một bức ảnh này.

Bác Hồ qua cầu Huy Ngạc (Đại Từ) năm 1958. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên tấm ảnh ngày đó là đen trắng lại do góc chụp nên khuôn mặt bà không rõ nên ít người nhận ra. Thế rồi chúng tôi cùng có chung ý tưởng sẽ dùng hình ảnh Bác Hồ về thăm Hùng Sơn ngày 14/9/1954 trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn Karmen ghi hình năm 1955. Bộ phim khái quát cuộc kháng chiến chống Pháp lịch sử của dân tộc Việt Nam, trong đó có những tư liệu quý về chiến dịch Điện Biên Phủ, về ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, có những thước phim chân thực quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng được chiếu ở Việt Nam. Đáng chú ý, trong phim cũng có cảnh Bác đến thăm nhà bà Luân và bà bưng nải chuối từ ngoài vào để mời Bác. Chúng tôi cắt hình từ trong phim ra và in thành một bức ảnh màu tặng bà.

Để thực hiện ý tưởng đó chúng tôi phải nhờ anh Phạm Tuấn Trọng, một người thợ đa năng từ chụp in phóng ảnh, làm nhạc, dựng phim… Khi nghe chúng tôi nêu ý tưởng, anh Trọng rất hào hứng và sẵn sàng làm hộ ngay. Sau mấy ngày cắt ghép, chỉnh sửa, anh cùng chúng tôi xem rồi lại nêu ra chỗ cần chỉnh sửa. Tới ngày 19/4/2023 tấm ảnh được hoàn thành.

Sau đó chúng tôi cùng nhau đến nhà bà Luân để trao tặng bà bức ảnh. Bà cùng con cháu rất vui mừng phấn khởi cảm động khi nhìn lại tấm ảnh được làm là ảnh màu, khuôn mặt bà rõ hơn, nụ cười tươi ngày còn trẻ. Bà Luân kể lại từng người trong tấm ảnh rồi lau nước mắt. Mấy đó mà Bác và những người trong ảnh đều đã đi xa... Để thay đổi không khí chúng tôi mời bà và gia đình ra sân chụp ảnh kỷ niệm.

Khi biết sự kiện này có nhiều người khen ngợi, chia sẻ lên mạng xã hội ủng hộ nghĩa cử có ý nghĩa cao đẹp có giá trị tinh thần của mấy anh em tôi. Nhưng cũng có người còn e ngại cho rằng: Giá như bà và con cháu thành đạt hơn thì mọi điều đều trọn vẹn…

Bác Hồ thăm nông dân xã Hùng Sơn (Đại Từ) sau Cải cách ruộng đất, ngày 14/9/1954. Ảnh tư liệu.

Tôi lại không nghĩ như vậy. Không phải cứ ai được gặp Bác là đều trở thành cán bộ, ai gặp Bác gia đình cũng khá giả và con cháu thành đạt danh gia vọng tộc đâu? Bà Luân, một cô thôn nữ bình thường, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Trong hoàn cảnh đất nước đang trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khoảng 90% người dân mù chữ, bản thân bà cũng chỉ mới được học qua lớp Bình dân gọi là biết viết đúng chữ và biết đọc sõi, nhưng bà đã tham gia mọi hoạt động xã hội lúc bấy giờ, từ Bình dân học vụ, Dân quân tự vệ, Nông hội rồi Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc. Nhiều năm bà tham gia công tác Phụ nữ của xóm, rồi trong Ban chấp hành Phụ nữ xã Hùng Sơn.

Chồng và các em trai bà đều tham gia phục vụ trong quân đội hoàn thành nghĩa vụ trở về tích cực tham gia lao động sản xuất làm ăn lương thiện, giáo dục con cháu làm ăn chân chính, không vi phạm vào những tệ nạn xã hội, đời sống ngày một nâng cao, nhà cửa cơ ngơi khang trang sạch đẹp, tích cực tham gia hoàn thành các mục tiêu Nông thôn mới của địa phương.

Ngày nay Thị trấn Hùng Sơn có đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Chợ, phố sá sầm uất, đông vui. Khu đô thị kiểu mẫu đang dần hoàn thành với không gian sống, vui chơi giải trí hài hòa với thiên nhiên, văn minh, hiện đại. Xã Hùng Sơn năm xưa nay đã trở thành Đô thị Văn minh với những bước tiến vượt bậc, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Đại Từ.

 

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng mọi người trao tặng bức ảnh cho bà Nguyễn Thị Luân

Người dân thị trấn Hùng Sơn luôn tự hào với những thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, với niềm vinh dự tự hào lớn lao đã hai lần được đón Bác Hồ về thăm. Đó là nguồn động viên quý giá, tạo sức mạnh tinh thần giúp người dân Hùng Sơn có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp công sức, tiền của cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng huyện đạt Nông thôn mới. Thị trấn Hùng sơn trở thành một Đô thị Văn minh đầu tiên của huyện Đại Từ cũng là nhờ những đóng góp nhỏ bé từ những con người bình dị, mẫu mực như bà Luân.Tôi có nhiều kỷ niệm về quê hương Đại Từ, Thái Nguyên. Nhưng bài viết này dành để tri ân, một sự ngưỡng mộ đối với một người nông dân rất đáng trân trọng. Chúc bà mạnh khỏe minh mẫn và trường thọ. Cháu xin hứa sẽ thực hiện tâm nguyện của bà là: Cung cấp vị trí, địa điểm nơi Bác ngồi nói chuyện với bà con ngoài cánh đồng cho cơ quan chuyên môn để xây dựng Di tích Lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nông dân ngày 14/9/1954 tại xóm Đồng Cả xã Hùng Sơn trong thời gian tới đây.

Qua đây, cá nhân tôi cũng như nhiều người dân địa phương, có một ước muốn kính mong các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đến địa chỉ đỏ này, để xây dựng thành Di tích Lịch sử “Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ ngày 14/9/1954".

Nguyễn Văn Vượng

Hùng Sơn ngày 6/5/2023

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 2 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 6 tháng trước