Áo chàm của mẹ
VNTN- Mẹ thường nói với tôi rằng: trang phục áo chàm không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, là biểu tượng cho sắc màu núi rừng mà còn ẩn chứa bên trong sự đôn hậu, thùy mị, khéo léo của người con gái Tày quê hương mẹ. Vải chàm chính là sắc màu, linh hồn, là văn hóa, văn minh của một dân tộc đã ngàn năm định hình trên dải đất hình chữ S này...
Không chỉ là trang phục truyền thống, áo chàm, vải chàm còn là sắc màu, linh hồn, là văn hóa, văn minh của dân tộc Tày. Ảnh minh họa, nguồn: internet
Năm 1987, lần đầu tiên tôi về công tác tại huyện Định Hóa, vùng ATK của chiến khu Việt Bắc, nơi có dãy núi Nản chạy dọc một khoảng trời, có con Sông Công huyền thoại uốn lượn thì thầm như cổ tích. Nhưng ấn tượng cũng như hình ảnh đầu tiên của tôi về mảnh đất này lại là những cô gái Tày xinh đẹp trong lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng đầu năm của đồng bào dân tộc Tày). Rồi năm nào cũng vậy, dù bận đến mấy tôi cũng thu xếp để về dự lễ hội.
Với những người khác, hình ảnh hội hè dù rộn rã đến bao nhiêu đôi khi cũng chỉ là "Mua vui cũng được một vài trống canh". Nhưng với tôi lại khác. Trong hội cầu mùa tưng bừng ấy, tôi thường ngẩn ngơ trước các thiếu nữ Tày má hồng mắt biếc, xúng xính trong trang phục áo chàm, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng xà tích, đầu vấn khăn đen. Lòng tôi thao thiết trong mùa lễ hội như thế cũng có một nguyên nhân sâu xa, bởi nhưng hình ảnh ấy luôn làm tôi nhớ về bóng hình thân thương của mẹ thuở nào.
Mẹ tôi là người Tày Cao Bằng, kết duyên với bố tôi là anh bộ đội Cụ Hồ người miền xuôi. Mẹ theo chồng xa xứ. Lớn lên ở thị trấn, thị xã, tôi không có nhiều điều kiện hiểu biết nhiều về dân tộc của mẹ, trừ việc thi thoảng được nhìn thấy mẹ thon thả trong sắc áo chàm vào mỗi ngày lễ trọng đại. Chỉ vậy thôi nhưng hình ảnh của mẹ đã như in sâu vào trong tiềm thức của tôi.
Cũng có lần tôi được nghe mẹ kể rằng: Lúc mẹ cất tiếng khóc chào đời, đã được bà ngoại cho uống ngụm nước đầu tiên chảy ra từ lòng núi và ủ ấm bằng chăn, tã vải chàm thơm nức mùi cây của vùng núi Cao Bằng. Mẹ bảo, khi mẹ mới lớn, bà ngoại đã dạy cách làm trang phục chàm người Tày như một cách thức trao kinh nghiệm và giữ gìn nghề truyền thống. Áo chàm người Tày có từ bao giờ mẹ cũng không biết. Khi lớn lên, mẹ đã thấy rồi. Con gái dân tộc Tày trước khi lấy chồng, ai cũng phải biết làm trang phục áo chàm truyền thống cùng các phụ trợ như: dệt mặt chăn, khăn, dây dao, dây nón bằng thổ cẩm… Màu xanh đậm đà của tấm vải chàm cùng các trang phục đẹp được cho là thước đo để đánh giá một người con gái đã đủ tiêu chuẩn lấy chồng hay chưa.
Trong lễ cưới, mẹ mặc bộ trang phục cổ truyền của dân tộc Tày. Trước ngày khăn gói theo bố tôi về xuôi, tất cả trang phục Tày được mẹ cho vào một cái hòm đan bằng tre mang theo. Mẹ bảo chắc sau này sẽ rất ít cơ hội được mặc trang phục Tày nữa, nhưng mẹ mang theo chúng để được lưu giữ suốt đời. Mẹ nâng niu bộ trang phục đó lắm. Vào các dịp lễ tết, những sự kiện trong đại trong đời, mẹ đều mặc trang phục áo chàm với một niềm kiêu hãnh lớn. Mẹ thường nói trang phục ấy không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, là biểu tượng cho sắc màu núi rừng mà còn ẩn chứa bên trong sự đôn hậu, thùy mị, khéo léo của người con gái Tày quê hương mẹ.
Những ngày cuối đời, biết mình sắp về với tiên tổ, mẹ dặn chúng tôi: Khi nào mẹ ra đi chỉ cần mặc cho mẹ chiếc áo chàm là đủ. Tôi chọn trong số trang phục của mẹ tấm áo chàm vài chục năm tuổi vẫn giữ được màu xanh và thơm nức hương rừng để chuẩn bị cho ngày mẹ mất. Mẹ bảo đó là chiếc áo chàm được mẹ làm khi mới mười tám, đôi mươi, mẹ đã mặc nó trong ngày cưới của mình và sẽ mặc trong ngày mẹ qua đời. Ngày đau thương đưa tiễn mẹ, trước mắt tôi như hiện lên nếp nhà sàn xinh xắn, mẹ tôi trẻ đẹp lung linh trong áo chàm, vòng bạc, xà tích buông lơi, cười duyên như trong ngày cưới hơn 70 năm về trước.
Vì tất cả những điều ấy mà khi công tác ở thành phố nhưng tôi thường hay lân la đến các bản vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều người Tày sinh sống để được nhớ về sắc chàm của mẹ. Tôi tò mò muốn tìm hiểu vì sao cái sắc chàm bình dị, chân quê ấy lại được mẹ và nhiều người thủy chung son sắt đến vậy.
Rồi tôi đã được các chị, các cô người Tày ở Định Hóa kể nhiều về truyền thống chàm của người Tày. Hóa ra, quần áo, khăn, thắt lưng chàm… không đơn giản chỉ là trang phục mà còn mang biết bao ý nghĩa khác. Vải chàm do dân tự trồng bông, dệt sợi và nhuộm màu với nhiều công đoạn khác nhau. Để dệt được những tấm vải chàm mất khá nhiều công sức. Bông thu hoạch về được phơi nắng, đem cán để tách riêng phần hạt, phần bông. Sau khi bông đã được cán đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ. Tiếp đó là hồ sợi. Sợi bông được ngâm với tinh chất ngô vài giờ đồng hồ rồi đem phơi khô. Những sợi bông tách nhau ra cuốn thành những cuộn sợi dai, chắc được đưa lên khung cửi dệt thành vải.
Phụ nữ Tày có hai kiểu dệt vải, dệt trơn và dệt thổ cẩm. Vải được nhuộm bằng nước của cây chàm trên rừng. Nhuộm chàm cũng là một công đoạn khó, đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Người nhuộm chàm phải đặt hết sức lực và tâm hồn của mình vào công việc thì mới có được màu sắc và mùi thơm chàm như ý. Vì thế, các ngón tay của người phụ nữ Tày màu chàm bám rất chặt không chịu phai, mỗi lần xòe ra trông như những bông hoa năm cánh màu xanh. Những phụ nữ Tày, ai có bàn tay màu chàm thì tự hào lắm, bởi chứng tỏ họ là người đảm đang, khéo léo.
Khi vải chàm khô, chất lượng và màu sắc ưng ý sẽ được gấp gọn rồi xếp vào hòm, ướp thêm chút lá hắc hương cho thơm. Vải chàm để may quần áo, làm khăn đội, may túi khoác vai, may chăn, đệm… Trên nền vải chàm, người phụ nữ Tày biết trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt, biết cắt, may, khâu vá làm thành nhiều đồ dùng khác nhau. Nghe trong lời kể của các chị, các cô người Tày Định Hóa tôi đã hiểu, vải chàm chính là sắc màu, là linh hồn, là văn hóa, văn minh của một dân tộc đã ngàn năm định hình trên dải đất hình chữ S này. Và tôi đã hiểu vì sao mẹ tôi lại coi tấm áo chàm như một linh vật của tổ tiên và của chính cuộc đời mình.
Có lẽ bởi tình yêu áo chàm được mẹ truyền sang nên trong ngày cưới của tôi, bạn bè thấy lạ khi cả cô dâu, chú rể đều không mặc com - lê, váy áo mà xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc Tày. Nhưng tôi rất vui khi thấy mẹ ngắm hồi lâu rồi rưng rưng nói: “Con gái của mẹ mặc áo Tày đẹp lắm”.
Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa. Ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn
Ngày nay, có lẽ áo chàm, trang phục chàm của người Tày ở nhiều miền quê đang dần mai một hoặc bị cách tân thái quá theo lối hiện đại. Việc tìm thấy những bộ áo quần thật sự bằng vải bông nhuộm chàm truyền thống là quá hiếm. E rằng cứ đà này, chúng ta sẽ đánh mất một biểu tượng văn hóa rất đặc sắc mà người dân Tày đã từng ngàn năm lưu giữ. Cảm ơn Định Hóa cùng những mùa lễ hội Lồng tồng trong sắc màu chàm, trong lời sli, tiếng lượn đậm đà phong vị văn hóa quê hương. Ngay từ buổi đầu đến với lễ hội ấy, tâm hồn tôi đã như được thức dậy cùng truyền thống.
Niềm vui của tôi tăng lên gấp bội khi hiểu rằng, ở miền mây trắng kia, mẹ tôi dường như vẫn nhìn thấy những tà áo chàm bay bay trong gió theo các thiếu nữ lên nương, xuống chợ, vẫn nghe thấy tiếng thoi lách cánh trong những ngôi nhà sàn trên núi cao. Và đặc biệt, vẫn có một niềm tin, áo chàm, trang phục chàm của mẹ vẫn mãi mãi trường tồn.
Lã Thị Thông (Số nhà 4, ngõ 140, tổ 4 phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên.)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...